Luận đàm tướng mệnh: Bằng hữu kết giao sinh tử

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tại sao có những người bạn đáng tin cậy, thành quý nhân trợ giúp cho mình, nhưng có những người bạn bè lại là kẻ tiểu nhân, hiện tượng này dùng tử vi giờ sinh có xem ra được không? Bạn sinh tử một đời khó gặp… khiến người ta cảm kích không thôi.

Bạn bè là quý nhân hay không, từ tử vi giờ sinh là có thể biết được

Bạn bè là anh em hậu thiên, anh em là bạn bè tiên thiên; trong nhà là huynh đệ, ra ngoài là bằng hữu. Cho nên trong tử vi giờ sinh Bát tự, huynh đệ và bằng hữu được biểu thị là “Tỷ kiếp tinh”(sao Tỷ Kiếp).

Vậy sao Tỷ kiếp là gì? Là ngũ hành tương tự như ngày tháng năm sinh, ví dụ ngày sinh là Giáp Mộc, trong Bát tự thấy Giáp Mộc lại là Tỷ Kiên, thấy Ất Mộc là Kiếp Tài, đó là do sự khác nhau của Âm Dương sắp xếp, gọi chung là Tỷ Kiếp.

Một người có được sự tương trợ của anh em bè bạn hay không, thì cần nhìn vào sự phối hợp của sao Tỷ Kiếp trong Bát tự.

Trong bố cục sắp xếp phối hợp, nếu sao Tỷ Kiếp có thể khởi tác dụng trợ giúp Nhật chủ, đó là Hỷ Thần, tức là Nhật Chủ sẽ được anh em bạn bè trợ giúp. Trái lại, nếu sao Tỷ Kiếp không khởi tác dụng trợ giúp, thậm chí còn bố trí các sao khác đến hại Nhật chủ, thì đó là Kỵ Thần, người này sẽ không được anh em bè bạn tương trợ, trái lại anh em trở mặt, bạn bè thành tiểu nhân.

Dưới đây là một dẫn chứng cho tình bằng hữu sinh tử có nhau, không phải anh em mà còn hơn cả anh em ruột.

Kết giao sinh tử

Thời Xuân Thu, có một hiền sĩ tên là Tả Bá Đào, từ nhỏ mồ côi cha mẹ, khắc khổ học hành mà thành nhân tài tế thế. Nhưng do thời thế loạn ly, gần 40 tuổi vẫn chưa có cơ hội ra làm quan.

Một ngày, ông nghe nói Sở Nguyên Vương sùng Nho trọng Đạo, chiêu hiền nạp sĩ. Hiền sĩ trong thiên hạ nườm nượp theo về, thế là Tả Bá Đào từ biệt quê hương thân thuộc lên đường sang nước Sở.

Khi đến đất Ung, đang mùa rét buốt, tuyết phủ đầy trời, lạnh cắt thịt da. Một ngày, anh đến thôn nọ, trời đã tối, bèn tìm nhà xin tá túc. Chủ nhà tên Dương Giác Ai, cùng là một thư sinh, nhưng do nhà nghèo mà chưa thành sự nghiệp.

Trời tối, anh tìm nhà xin tá túc, cũng tại đây kết lên tình bằng hữu sinh tử chi giao. (Tranh Winnie Wang)

Khi Tả Bá Đào xin tá túc, Dương Giác Ai nhiệt tình tiếp đón, làm cơm khoản đãi. Hai người vừa gặp đã thân, tối gác chân ngủ, cùng luận đàm học vấn, kiến giải, ý hợp tâm đầu, chỉ tiếc gặp người tri kỷ muộn. Hôm sau trời lại mưa, Dương Giác Ai lưu giữ Tả Bá Đào ở lại, rồi hai người kết nghĩa anh em.

Ba ngày sau, họ quyết định cùng nhau tới nước Sở. Đi được hai ngày đường, gặp mưa liên miên, cản trở hành trình. Hai người tìm lữ quán ở trọ, chờ thời tiết tốt lên. Lữ quán tuy tránh được gió mưa, nhưng tiền của 2 người đã nhanh chóng dùng cạn, hai vị đành đội gió mưa tiếp tục hành trình.

Trên đường đi, trời trở rét đậm, còn thêm tuyết rơi dày đặc, càng ngày càng dầy, đường càng khó đi.

Lúc này, Tả Bá Đào cảm thấy lực bất tòng tâm nói với Dương Giác Ai rằng: “Chúng ta còn hơn trăm dặm nữa, trên đường không một nóc nhà, mà y phục trên thân không đủ ấm, đồ ăn còn thiếu. Nếu một người đi, thì có thể tới được Sở, nếu hai người cùng đi, cho dù không chết rét thì cũng chết đói dọc đường.”

Nói xong, Tả Bá Đào cởi bỏ y phục nhường cho Dương Giác Ai, rồi lấy tất cả lương thực mang theo đưa cho họ Dương và nói tiếp: “Hiền đệ mang lương thực gắng đến được nước Sở, ngu huynh đợi ở đây, hiền đệ sau khi gặp Sở Vương xong hãy tìm cách quay lại an táng cho huynh là được rồi.”

Nghe vậy, Dương Giác Ai kiên quyết không đồng ý. Anh nói: “Chúng ta tuy không cùng cha mẹ sinh ra, nhưng thân thiết như huynh đệ, còn hơn cả anh em ruột, ngu đệ sao có thể nhẫn tâm bỏ mặc nhân huynh mà đi tìm cầu cơ hội tiến thân?

Nói xong, Dương Giác Ai dìu Tả Bá Đào tiếp tục lên đường.

Họ đi trong gió tuyết được chừng 10 dặm, thời tiết càng lạnh thêm. Dương Giác Ai thấy trong đám tuyết dày có một cây dâu, liền dìu Tả Bá Đào tới tránh tuyết. Nhưng gốc dâu già chỉ vừa trú một người, Dương Giác Ai đỡ Tả Bá Đào ngồi dưới gốc cây. Tả Bá Đào bảo Dương Giác Ai đi tìm cành khô, đá lửa để xua đi hàn khí.

Đến khi Dương Giác Ai tìm được củi lửa quay về, chỉ thấy Tả Bá Đào bỏ sạch quần áo, nói: “Ngu huynh nghĩ không còn cách gì hơn. Hiền đệ mau mặc quần áo của huynh, mang lương khô đi nhanh đi!

Dương Giác Ai ôm lấy Tả Bá Đào nói: “Chúng ta hai người sống chết cùng nhau, sao có thể xa rời?”

Tả Bá Đào nói: “Nếu chúng ta cùng chết đói cả, thì xương tàn này ai chôn?”

Dương Giác Ai đáp: “Cứ cho là vậy, thì nhân huynh để ngu đệ cởi áo quần cho nhân huynh mặc, rồi mang lương thực đi mau, đệ thà chết ở đất này còn hơn!”

Tả Bá Đào nói: “Ngu huynh mang nhiều bệnh, còn hiền đệ thân thể tráng kiện, lại còn có học vấn hơn huynh. Hiền đệ gặp được Sở Vương, nhất định sẽ thành công.

Hai người nhường nhau trong gió tuyết hồi lâu. Không ai chịu đi một mình.

Sau đó, bốn phương tám hương gió tuyết mù trời nổi lên, Dương Giác Ai thấy Tả Bá Đào thần sắc cứng đờ, tứ chi lạnh ngắt, miệng không nói nổi, chỉ dùng ngón tay ra hiệu bảo Dương Giác Ai đi đi.

Dương Giác Ai nhìn tiết trời khắc nghiệt, không thể trì hoãn, vừa khóc vừa nói: “Ngu đệ đi lần này, mong nhân huynh phù trợ. Nếu lên danh phận, nhất định sẽ quay lại hậu táng nhân huynh.”

Nói xong quỳ trên tuyết bái biệt Tả Bá Đào, rồi gom lương khô, y phục mà đi.

Dương Giác Ai lặn lội tuyết sương, chịu đói nhịn khát, cuối cùng đến được nước Sở, tới lữ quán nghỉ ngơi. Ngày thứ hai vào thành hỏi đường: “Sở Vương chiêu hiền, ở nơi đâu có thể tiếp kiến?

Người ta trả lời: “Có nhà khách ở ngoài cung, do Thượng đại phu Bùi Trọng ở đó tiếp nạp nhân tài trong thiên hạ.”

Dương Giác Ai đi đến nhà khách, gặp đúng lúc Thượng đại phu vừa xuống xe, ông tới hành lễ. Bùi Trọng thấy bề ngoài lam lũ, nhưng khí độ bất phàm, vội vàng đáp lễ, rồi hỏi: “Hiền sĩ từ đâu đến?”

Dương Giác Ai đáp: “Tiểu sinh họ Dương, tên gọi Giác Ai, người Ung Châu. Nghe thấy thượng quốc chiêu hiền, nên tới ghi danh.”

Bùi Trọng mời ông vào nhà khách, bày cơm rượu tiếp đãi, lưu ông lại đó.

Hôm sau, Bùi Trọng tới thăm dò học vấn của ông. Dương Giác Ai đối đáp trôi chảy. Bùi Trọng cả mừng, lập tức vào cung dâng tấu Sở Vương. Sở Vương cho tiếp kiến, hỏi về đạo phú quốc cường binh. Dương Giác Ai dâng lên 10 sách lược, đều điểm trúng vào những vấn đề cấp bách lúc ấy. Sở Vương vui mừng, cho mở ngự yến khoản đãi ông, phong làm Trung đại phu, thưởng bạc vàng trăm lượng, trăm súc lụa màu. Dương Giác Ai lạy tạ ba lần nhưng nước mắt vẫn tuôn rơi.

Sở Vương kinh ngạc hỏi: “Sao khanh lại khóc vậy?”

Dương Giác Ai mang chuyện Tả Bá Đào nhường lương thực áo quần kể lại chi tiết. Sở Vương cùng các đại thần đều cảm kích, tiếc thương.

Sở Vương hỏi: “Bây giờ khanh định thế nào?”

Dương Giác Ai đáp: “Hạ thần xin nghỉ phép, quay về nơi ấy an táng Bá Đào, rồi hồi cung phục vụ đại vương.”

Sở Vương liền truy tặng Tả Bá Đào làm Trung đại phu, cùng đồ bồi táng, sai người theo Dương Giác Ai men đường cũ tìm Tả Bá Đào.

Họ Dương nhờ hương thân phụ lão quanh vùng tìm cho một chỗ đất có phong thủy tốt lành an táng Bá Đào. (Tranh NTDVN)

Dương Giác Ai từ biệt Sở Vương, theo hướng Lương Sơn, tìm gốc dâu ngày ấy. Quả nhiên tìm thấy thi thể Tả Bá Đào dưới gốc dâu, dung mạo vẫn như lúc sống. Ông ôm thi thể Bá Đào khóc lớn bái tạ, sau đó nhờ hương thân phụ lão quanh vùng tìm cho một chỗ đất có phong thủy tốt lành, phía trước suối lớn chảy qua, đằng sau dựa núi cao.

Trước khi hạ táng, ông dùng nước hương tắm sạch thi thể Tả Bá Đào, mặc cho ông quan phục Trung đại phu, đặt trong quan ngoài quách xong an táng. Nghi thức hết sức long trọng.

Dương Giác Ai cho lập bia, bốn phía xây tường trồng hoa, cách mộ ba mươi thước xây từ đường, trong đặt tượng Tả Bá Đào, cử người trông coi. Sau đó làm lễ cúng tế, khóc thương tha thiết. Thôn lão cùng chúng nhân, ai ai cũng rơi lệ. Đêm xuống, Tả Bá Đào hiện linh, cảm tạ Dương Giác Ai đã an táng hậu lễ.

(Nguồn "Cổ kim tiểu thuyết" thời Minh)

Thái Bình
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Luận đàm tướng mệnh: Bằng hữu kết giao sinh tử