Luận đàm tướng mệnh: Đánh thầy toán mệnh, sau lại tặng ba vạn quan tiền

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hàn Thế Trung khi còn nhỏ gia cảnh bần hàn, không xu dính túi, lại ham rượu phóng túng, nên người ta gọi ông là “Hàn ngang ngược”. Đang lúc bần cùng khốn đốn như vậy, mà có một thầy toán mệnh lại nói rằng, sau này ông sẽ làm đến Tam Công. Thế Trung tức giận, cho rằng thầy toán mệnh sỉ nhục mình, và đánh cho ông ta một trận nhừ đòn, nhưng sau này lại tặng thầy tướng ba vạn quan tiền là vì sao?

Danh tướng nhà Tống Hàn Thế Trung xuất thân từ một cậu bé nghèo hèn không có nổi một xu, lang bạt phóng túng, sau trở thành dũng tướng với danh “Trung hưng danh tướng” chiến đấu với Ngột Truật, chủ tướng của quân Kim. Những truyền kỳ làm thay đổi cuộc đời ông, bản thân ông cũng không có dự cảm, tuy nhiên có một thầy toán mệnh đã biết từ lúc ông còn là vị thành niên, đã toán mệnh ông sẽ làm đến chức Tam Công.

Dự ngôn của thầy toán mệnh

Hàn Thế Trung (Năm 1089~1151), tự Lương Thần, người Diên An, Nam Tống (Nay là Thiểm Tây Tây An). Hàn Thế Trung khi còn nhỏ gia cảnh bần hàn, không xu dính túi, lại ham rượu phóng túng, nên người ta gọi ông là “Hàn ngang ngược”. Đang lúc bần cùng khốn đốn như vậy, mà có một thầy toán mệnh lại nói rằng, sau này ông sẽ làm đến Tam Công (Tam công là tên gọi ba chức quan cao nhất trong triều đình cổ đại). Hàn Thế Trung nghe xong, hỏa khí bốc lên, cho là thầy toán mệnh sỉ nhục mình, ra tay đánh ông ta một trận đau.

Tướng quân Trung Hưng 'vào hang bắt cọp'

Hàn Thế Trung thân hình cao lớn, mắt sáng như điện, dũng mãnh hơn người, tôn sùng nghĩa khí. Ông không cần dùng roi và dây cương mà có thể cưỡi được ngựa hoang chưa thuần phục. Năm 18 tuổi, ông nhập ngũ theo lời chiêu gọi của hương châu. Ông đứng đầu ba quân về các môn cưỡi ngựa, bắn cung, còn nổi danh về sự dũng cảm, thích một mình xông pha nơi hiểm trở.

Năm Tuyên Hòa thứ hai, Phương Lạp phản loạn nhà Tống. Triều đình điều quân bao vây bốn phía. Khi ấy, Hàn Thế Trung đã là một vị thiên tướng, theo Vương Uyên đi thảo phạt. Khi tới Hàng Châu, quân triều đình bị quân Phương Lạp phục kích. Quân địch vừa đông vừa mạnh, các tướng thuộc hạ của Vương Uyên thấy vậy thì hoảng loạn không biết làm thế nào.

Khi ấy, Hàn Thế Trung đã dẫn hai nghìn binh sĩ, mai phục ở đập phía bắc, án binh bất động, đợi quân phản loạn đi qua, Thế Trung phát động phục binh truy kích. Quân phản loạn đột nhiên bị tấn công từ phía sau, hoảng loạn rối đội hình, đạp lên nhau mà chạy, tử thương vô số. Thế Trung thừa thắng truy kích, quân địch thua chạy. Vương Uyên khen ngợi Hàn Thế Trung: “Chân vạn nhân địch dã”. (Thực là có sức địch vạn người), rồi mang đồ vàng bạc đem theo ra thưởng cho Hàn Thế Trung, đồng thời kết giao thâm tình.

Khi ấy triều đình hạ chiếu, ai lấy được đầu Phương Lạp sẽ ban thưởng phù tiết và búa lớn để thống lĩnh hai trấn. Hàn Thế Trung một mạch truy kích phản tặc đến hang Thanh Khê, Mục Châu. Phương Lạp lợi dụng hình thế hang động hiểm trở, bố trí thành mê cung “thỏ khôn đào 3 hang”, không ai thấy đường vào, và liều mạng kháng cự. Hàn Thế Trung âm thầm dẫn quân men theo suối nhỏ, lại hỏi được người bản địa dẫn đường, xong lập tức lên ngựa tiến thẳng, xông pha hiểm nguy vài dặm, đánh thẳng vào sào huyệt, bắt được Phương Lạp.

Kỳ công tám nghìn quân đánh bại mười vạn quân Kim

Khi quân Kim xâm lược, triều đình nhà Tống rời về phía Nam. Hàn Thế Trung được bổ nhiệm làm Chiết Tây Chế Trí Sứ, trấn thủ Trấn Giang. Không lâu sau, Ngột Truật chia quân vượt sông, từng bước áp sát, công phá kinh đô Lâm An (nay là Hàng Châu). Hàn Thế Trung chia ba quân trấn thủ, tiền quân đóng ở trấn Thanh Long, trung quân thủ Giang Loan, hậu quân phòng thủ Hải Khẩu, chờ thời cơ tập kích địch quân. Khi Hoàng thượng ngự giá Chiết Đông, đã triệu kiến Hàn Thế Trung. Ông dâng tấu nói: “Thần đóng quân tại sông này, chặn đứng đường hội quân của người Kim, quyết tử một trận”.

Tiết Thượng Nguyên (Nguyên Tiêu), năm Kiến Viêm thứ 4, Tú Châu (Gia Hưng) chăng đèn kết hoa, Hàn Thế Trung đột nhiên dẫn quân đến Trấn Giang. Quân Kim đột kích, nhưng quân đội của Hàn Thế Trung đã bố trí trấn thủ chu đáo ở chùa Tiêu Sơn. Ngột Truật cho sứ giả đến hẹn giao chiến, được Hàn đáp ứng. Hai bên giao tranh mười hồi, phu nhân Thế Trung là Lương Hồng Ngọc đích thân đánh trống trận, quân Kim không qua được sông.

Ngột Truật lại dùng kế lung lạc đánh lừa, nói muốn trả lại hết tài vật đã cướp để mượn đường, rồi tặng ngựa quý... đều không được Hàn Thế Trung chấp thuận. Mặt khác, Kim triều điều thêm binh lực, phái tướng Bột Cận Thái đến Hoài Đông, chiếm cứ Giang Bắc để viện trợ cho Ngột Truật. Đại quân Kim từ hai phía Giang Bắc, Giang Nam đánh kẹp quân của Hàn Thế Trung vào giữa. Hàn Thế Trung lấy Hoàng Thiên Đãng làm căn cứ, đánh nhau với quân Kim 48 ngày.

Hàn Thế Trung cho quân lên chiến thuyền tiến vào đóng ở chân núi Kim Sơn, đầu tiên cho chuẩn bị các xích sắt lớn gắn móc câu, giao cho các binh sĩ dũng mãnh, cùng mưu kế đánh đón đầu quân Kim. Hôm sau trời vừa sáng, chiến thuyền quân địch hò reo lao tới, Hàn Thế Trung phân hạm đội làm hai, vòng ra tập kích thuyền địch từ phía sau. Chỉ thấy các dũng sĩ quăng xích sắt lên không, rơi xuống móc chặt vào thuyền quân Kim, lôi thuyền chìm xuống biển. Ngột Truật rơi vào đường cùng, cầu xin đàm phán.

Hàn Thế Trung nói: “Trả lại hai vùng, phục hồi cương thổ, thế là vẹn toàn”. Ngột Truật lặng câm không nói. Vài ngày sau, Ngột Truật lại cầu hội đàm, nhưng nói lời bất kính, Thế Trung liền lấy cung ra bắn, Ngột Truật vội vàng phi ngựa chạy mất.

Ngột Truật được người hiến kế, lệnh binh sĩ trong đêm đào kênh xuyên 30 dặm, thông đến thượng du. Ngày hôm sau không có gió, thuyền quân Tống không đi được, quân Kim dùng thuyền nhỏ, lấy tên tẩm lửa bắn như mưa về phía hạm đội quân Tống, rồi thừa cơ rút chạy.

Trong chiến dịch này, Ngột Truật mang quân theo 10 vạn, trong tay Thế Trung chỉ có 8 nghìn quân. Ngột Truật suýt nữa bị bắt. Hoàng thượng khen thưởng ông 6 lần, Hàn Thế Trung được phong làm Tiết Độ Sứ, Thần Vũ Tả Quân Đô Thống Chế.


Chân dung Hàn Thế Trung. Từ Cố Nguyên Tập thời Thanh, bản khắc năm Đạo Quang thứ 9 “Ngô quận danh hiền đồ truyện tán”, tranh Khổng Kế Nghiêu đời Thanh. (Miền công cộng).

Năm Thiệu Hưng thứ 4, Hàn Thế Trung lại đóng ở Trấn Giang, quân Kim và Lưu Dự hợp binh, chia đường xâm lược. Hàn Thế Trung bài binh bố trận, lại chặt cây làm hàng rào, tự phá hủy đường lui. Ông cho tạo giả tướng, lại cho sứ giả đến doanh trại quân Kim, làm cho quân Kim nghe tin tình báo giả mà sơ suất khinh địch. Trong trận này, quân Tống toàn thắng. Hàn Thế Trung truy đuổi đến cùng, ông thân chinh lĩnh binh truy đuổi đến tận sông Hoài, quân Kim tan tác, dẫm đạp lên nhau, chết đuối rất nhiều.

Tin thắng trận truyền về triều đình, quần thần chúc tụng ông là “Trung Hưng võ công đệ nhất”, Hàn Thế Trung “Liên tiếp bẻ gãy quân Kim, công này không nhỏ”. Năm Thiệu Hưng thứ 9, ông được phong Anh Quốc Công.

Hàn Thế Trung từng răn dạy con cháu: “Tên ta là Thế Trung, con cháu sau này không được phạm húy chữ ‘Trung’, phạm húy mà không nói, ấy là quên mất ‘Trung’ đó.

Dâng sớ vạch tội gian thần - từ quan quy ẩn hướng Phật, Đạo

Hàn Thế Trung tính tình mộc mạc cương trực, trung nghĩa dũng cảm, những việc liên quan quốc gia xã tắc, nhất định lên tiếng, thường rơi nước mắt. Khi Nhạc Phi bị hàm oan, khắp triều câm lặng không ai dám mở lời, chỉ có Hàn Thế Trung đối diện vặn hỏi Tần Cối: “Ba chữ ‘Không cần có’, sao có thể làm người ta tin phục?”. Tần Cối câm miệng lặng thinh.

Hàn Thế Trung còn cực lực phản đối nghị hòa, nhiều lần làm Tần Cối nổi giận, nhưng ông không chút sợ hãi. Đối với lũ đại thần phụ họa theo Tần Cối, khi gặp mặt trừ việc chào lấy lệ, ông không bao giờ cùng họ trò chuyện. Khi sứ giả Bắc Triều đến, ông xin được gặp mặt nghị đàm, nhưng không được chấp thuận, do đó, ông dâng sớ kể tội Tần Cối bán nước. Sau khi sớ của ông không được tiếp thu, ông xin từ bỏ chức Tiết Độ Sứ. Từ đó, ông đóng cửa không tiếp khách, tuyệt không nói chuyện dùng binh, mười năm du ngoạn Tây Hồ sông núi làm vui, thản nhiên tự tại, như chưa từng qua quãng đời quyền thế.

Cuối đời Hàn Thế Trung yêu thích học thuyết của Phật gia, Lão Tử, đạm bạc, thanh tĩnh, tự hiệu Thanh Lương cư sĩ. Ông mất tháng 8 năm Thiệu Hưng thứ 21, được truy phong Thông Nghĩa Quận Vương. Thời Tống Hiếu Tông, truy phong ông là Cần Vương, thụy Trung Vũ, được hưởng cúng tế trong miếu Cao Tông.

Luận đàm tướng mệnh

Khi Hàn Thế Trung hiển phú quý, thầy toán mệnh xưa từng đến Giang Tây tìm ông, được ông tặng cho 3 vạn quan tiền (30 nghìn quan - Một quan tiền là 1000 đồng, vào giao thời Bắc Tống, Nam Tống, 15 đồng ở kinh thành là mua được một bữa điểm tâm ngon). Số tiền rất lớn.

Ngạn ngữ có câu: “Hảo hán không ngại xuất thân thấp kém”, còn có câu “Ngành nghề nào cũng có người xuất sắc”. Nhìn lịch sử cổ kim, thấy chính xác là như vậy, rất nhiều nhân sĩ có thành tựu, đều phải trải qua một phen “Hàn triệt cốt” (Lạnh thấu xương) rèn luyện mà lên. Tuy nhiên, thầy toán mệnh sao lại có thể nhìn thấy được vận mệnh của người ta? Điều này chứng thực rằng “Vận mệnh” là thực sự tồn tại, chỉ những thầy tinh thông toán mệnh mới có thể tính ra được, nhìn ra được.

Nhưng mà, vận mệnh đến như thế nào? Khi người ta sinh ra, vận mệnh đã tồn tại rồi, vận mệnh một đời người, là kết quả của nhân duyên và nghiệp lực của kiếp trước, nhiều nhiều kiếp trước tạo thành, nên mới có “Nhân quả luân hồi” của sinh mệnh. Nhưng rơi xuống cõi phàm rồi thì người ta không thể biết được vận mệnh của mình, mượn một câu thơ trong bài “Cẩm sắt” của Lý Thương Ẩn để hình dung:

Thử tình khả đãi thành truy ức
Chỉ thị đương thời dĩ võng nhiên

Tạm dịch:

Biết là tình này rồi cũng thành ký ức,
Nhưng lúc này đây vẫn ôm sầu khổ buồn thương.

Chúng ta giáng sinh xuống không gian nhân loại này, là bị rơi vào cõi mê, không thấy được tiền duyên, nhìn không ra hậu quả, cũng là chỗ mà trong bài này nói đến Hàn Thế Trung thời trẻ đã đánh đòn thầy toán mệnh, sau này phát đạt lại tặng bạc tiền để tạ lỗi.

Nếu sinh mệnh có luân hồi chuyển sinh, thì thời không mà sinh mệnh tồn tại tất nhiên không chỉ là thời không mà nhân loại sinh tồn.


Hổ tướng Hàn Thế Trung là sao hổ tinh trên Thiên thượng hạ phàm? (Pixabay)

Trong “Hạc lâm ngọc lộ” có ghi: Phu nhân của Hàn Thế Trung là Lương Hồng Ngọc, vốn là một ca nữ ở Kinh Khẩu (Trấn Giang, Giang Tô). Một hôm canh 5, cô vào vương phủ để chờ cúng đầu tháng. Bỗng nhiên nhìn thấy trong miếu một ông hổ nằm ngủ dưới cột trụ, tiếng ngáy rõ to, cô quay người chạy, không dám ngoảnh nhìn. Sau đó có nhiều người đến, cô lấy cam đảm đi cùng xem ra sao, thì ra, nằm đó là một anh lính.

Bản thân Hồng Ngọc cũng là người học võ, cô đá cho anh lính một cái để đánh thức, hỏi tên họ, là Hàn Thế Trung. Cô thấy kỳ lạ, lén kể với mẹ, nói Hàn Thế Trung nhất định không phải là tầm thường. Thế là mời Hàn Thế Trung về nhà, chuẩn bị cỗ bàn mời ông, trò chuyện tự nhiên, chủ khách đều vui. Hồng Ngọc còn bỏ tiền giúp đỡ Hàn Thế Trung, hẹn ước phu thê. Sau này quả nhiên Hàn Thế Trung lập công lớn, trở thành danh tướng Trung Hưng.

Có lẽ, vị danh tướng Trung Hưng bất phàm này là Hổ tướng được Thiên Thượng phái xuống nhân gian? Vậy thì, việc trong khoảnh khắc hiển lộ chân tướng để cho phu nhân tương lai nhìn thấy, rồi kết thành đôi lứa, để lại một trang trong trung nghĩa lưu truyền sử xanh, âu cũng là sự sắp đặt của Trời cao!

(Nguồn: “Tống Sử”; “Danh thần ngôn hành lục”; “Hạc lâm ngọc lộ”)

Thái Bình
Theo Thái Nguyên - Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Luận đàm tướng mệnh: Đánh thầy toán mệnh, sau lại tặng ba vạn quan tiền