Luận đàm về giáo dục: Giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ triết lý giáo dục đúng đắn (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vì sao không nhìn nhận rằng, giáo dục chính là một quá trình hợp tác giữa thầy và trò? một sự hợp tác hoàn toàn tự nguyện. Như những thanh niên thành Athen tự tìm đến Socrates để vấn đáp; như 3000 đệ tử các nước tìm đến Khổng Tử để học hỏi.

Xem lại Kỳ 1: Giáo dục trước hết và trên hết phải là đức dục

Kỳ 2: Tìm lại những vàng son của tinh thần giáo hóa

Người quân tử không phải là công cụ

Phải chăng người ta chỉ cần được đào tạo chuyên môn là đủ? Hãy nghĩ tới những nhà khoa học, chuyên gia kỹ thuật và các nhà chuyên môn đang phục vụ cho chính quyền Trung Nam Hải, hoặc những tổ chức hắc ám khác. Hẳn là có một số tình huống ngoại trừ, nhưng rất nhiều người là cam tâm tình nguyện làm nô bộc giúp cho bạo chúa thi hành bạo chính. Chẳng hạn, hỏi ai đã giúp Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có trình độ kỹ thuật để do thám, bức hại người dân Trung Quốc và cả ngoại giới? Ai đã giúp ĐCSTQ thiết kế và xây dựng nên những công trình mang tính phá hủy ví như thủy điện Tam Hiệp? Ai đã giúp ĐCSTQ ăn cắp bí mật công nghệ từ ngoại quốc? Ai đã giúp ĐCSTQ cướp mổ nội tạng những học viên Pháp Luân Công? Ai đã giúp ĐCSTQ tuyên truyền tẩy não con người? v.v. Chính là họ đấy.

Những người này được đào tạo chuyên môn rất tốt, nhưng lại không có khả năng phân biệt thiện-ác, chính-tà, hoặc không đủ dũng khí để chống lại hoặc ít nhất là rời xa cái tà, cái ác.

Trong tay chính quyền Trung Nam Hải, họ không hơn gì một loại công cụ, cũng là đồng phạm của cái ác, kết cục ra sao, không nói cũng rõ.

Đức Khổng Tử từng giảng: “Quân tử bất khí”, tạm hiểu rằng “người quân tử không phải là cái công cụ”. Người quân tử có trí tuệ, có tư duy độc lập và chỉ tuân theo Đạo Nghĩa mà thôi.

Ví như bốn anh em quan chép sử Thái Sử Bá trong sự kiện “Thôi Trữ giết vua”, cam chịu rơi đầu chứ nhất định không bịa đặt lịch sử, không phục vụ cho bạo chúa.

Người quân tử có trí tuệ, có tư duy độc lập và chỉ tuân theo Đạo Nghĩa mà thôi. (Ảnh: Epoch Times)

Câu mở đầu trong cuốn sách “Đại Học” là: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại thân dân, tại chỉ vu chí thiện”, ý rằng: “đạo học làm việc lớn là ở chỗ làm rạng tỏ cái đức sáng của mình, thương yêu người dân, đạt tới chỗ chí thiện”.

Một người thầy vĩ đại khác ở phương Tây là Socrates từng phát ngôn đại ý rằng: “mục đích của giáo dục là để trau dồi nhân cách hoàn thiện”.

Nói cách khác, giáo dục thực sự là trau dồi đức hạnh, xây dựng thế giới quan Chân - Thiện - Mỹ, chứ không phải là biến học viên thành một loại công cụ, nghĩa là chỉ đào tạo cho anh ta tri thức hay kỹ năng chuyên môn, còn ý thức phân biệt thiện-ác, tinh thần phục vụ nhân dân hay lý tưởng thăng hoa cảnh giới sinh mệnh trong Đạo… thì hoàn toàn vắng bóng.

Sách “Đại Học” cũng dạy rằng: Người quân tử xưa phải bắt đầu bằng tu thân - tu dưỡng đức hạnh, quản lý tốt bản thân; rồi mới bắt đầu tề gia - quản trị gia đình, gia tộc; tề gia tốt rồi mới có thể trị quốc - trị lý quốc gia; quốc gia có thể quản trị tốt rồi, mới bình thiên hạ - đem ánh sáng văn minh đi khắp thế giới. Nhiều nhà chuyên môn ngày nay với ý thức tu dưỡng phẩm hạnh tự thân hết sức mờ nhạt, đã tham gia trị lý quốc gia, chẳng phải là bất cập hay sao?

Tể tướng thời Bắc Tống là Tư Mã Quang là một học giả uyên bác, tác giả của bộ sử nổi tiếng “Tư Trị Thông Giám”, bộ sách sử đồ sộ được nhóm của ông trước tác với mục đích dùng làm tài liệu giúp vua trị nước. Tư Mã Quang căn cứ trên tài đức mà phân ra bốn loại người: "Tài đức song toàn gọi là Thánh nhân, vô tài vô đức gọi là người ngu, đức hơn tài gọi là quân tử, tài hơn đức gọi là tiểu nhân".

Rồi từ đó, ông mới đề ra thuật dùng người: "Thuật sử dụng người, nếu không có được Thánh nhân, quân tử để giao phó trách nhiệm thì thà dùng người ngu còn hơn dùng tiểu nhân". Kẻ có tài không đức gây họa ghê gớm nhất, nên bị xếp sau cùng.

Vậy người giỏi chuyên môn, kém phẩm hạnh thì xếp vào loại nào đây?

Dĩ nhiên, không phải ai cũng vậy, nhưng nhà chuyên môn nào có được phẩm hạnh tốt, là may nhờ vào sự tu dưỡng cá nhân của anh ta, chứ không phải nhờ được thụ hưởng trong quá trình giáo dục đào tạo.

Giáo dục ngày nay hầu như chỉ chú trọng đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, hoàn toàn lơ là việc xây dựng cho học viên một phẩm đức hoàn mỹ, thật là thiếu sót lớn, và đáng lo ngại.

Ngay cả việc đảm bảo những kiến thức chuyên môn, cũng là điều ngày càng khó đạt được trong thời đại bùng nổ thông tin. Nếu không có triết lý giáo dục đúng đắn, học thế nào cho xuể?

Chỉ cần nắm điểm mấu chốt mà suy luận

Một bộ sách giáo khoa năm học 2020 - 2021 dành cho học sinh lớp 1 lên tới 20 cuốn, các em nhỏ còn ham chơi đã phải “bơi” trong sách. Bỏ qua các khía cạnh khác, có một điều nhìn thấy ngay rằng, sự việc phản ánh sự lúng túng của ngành giáo dục nói chung trong việc giảng dạy khi mà thầy trò đều phải theo kịp khối lượng kiến thức đồ sộ đang tăng tiến vùn vụt của thời đại thông tin - Khó khăn chẳng phải của riêng ai.

Những chuyên môn ngày càng phân chia thành những chuyên ngành hẹp hơn, và dần dần chúng nói những thứ ngôn ngữ riêng biệt dù chung một nền tảng. Ở nước Mỹ, giới làm chính sách cũng hết sức lúng túng vì giới chuyên gia tư vấn cho họ cũng chỉ từ trong chuyên ngành hẹp của riêng mình mà khuyến nghị, nên khó mà có một cái nhìn bao quát.

Chẳng hạn cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra ở nước Mỹ là do sự thắt chặt khai thác năng lượng hóa thạch để cân bằng với mục tiêu chống biến đổi khí hậu, trong khi sản lượng năng lượng sạch chưa đáp ứng được trong ngắn hạn. Cách nhìn vấn đề từ góc độ hẹp khiến giới chuyên gia rất lúng túng, và chính giới cũng lúng túng theo.

Đó là mối quan hệ giữa cái cụ thể và cái bao quát, giữa cái ngọn và cái gốc. Trong suy luận, nếu khoa học phương Tây đi về phân tích, chia chẻ, và ngày càng chi li phân mảnh thì đạo học phương Đông rất mạnh về khái quát, tổng hợp, đi về gốc rễ nguồn cội.

Đức Khổng Tử được coi như một trong hai người uyên bác nhất của thời Chiến Quốc. Ngài biết nhiều nghề, kiến thức phong phú, bậc vương hầu có gì không rõ đều cho người đến hỏi Ngài, ví như Quý Hoàn tử nhờ Ngài mà biết con “phần dương” khai quật được, vua nước Trần nhờ Ngài mới biết trong kho của mình có những mũi tên từ thời vua Vũ, Ngô vương Phù Sai cũng nhờ Ngài mà có kết luận về bộ xương người khổng lồ Phòng Phong bị vua Hạ Vũ tiêu diệt v.v.

“Ngô đạo nhất dĩ quán chi - Đạo của ta chỉ một lẽ mà thông suốt hết cả” (Ảnh: miền công cộng)

Làm thế nào mà Khổng tử biết được nhiều thế? Đối thoại sau trong sách Luận Ngữ lý giải cách thức của Ngài.

Khổng tử nói: “Anh Tứ, anh cho ta học nhiều mà nhớ hết chăng?” Tử Cống đáp: “Vâng. Không phải vậy sao?” Khổng tử nói: “Không phải vậy, ta tìm một điều căn bản mà khái quát, thông suốt cả.” (Luận Ngữ và Khổng Tử - Nguyễn Hiến Lê)

“Ngô đạo nhất dĩ quán chi - Đạo của ta chỉ một lẽ mà thông suốt hết cả” cũng là lời Ngài giải thích cho học trò Tăng Sâm.

Đức Khổng Tử uyên bác như vậy, mà vẫn phải lặn lội nghìn dặm tới kinh đô nhà Chu để học hỏi đức Lão Tử đang làm quan coi thư viện ở đây, vì trên đường Đạo, đức Lão Tử là người đi trước.

Một Thánh giả đắc Đạo khác của phương Tây là Socrates được coi là người thông thái nhất thành Athen. Hàng ngày, Ngài ngồi ở chợ, ở cổng thành và giúp giải đáp thắc mắc cho bất cứ người dân nào tìm đến Ngài. Phương pháp Ngài sử dụng là đặt các câu hỏi ngược lại để người đến xin lời khuyên tự tìm ra chân lý sau khi nhận ra chỗ vô lý trong tư duy của mình.

Hiểu được lịch sử, sẽ hiểu hiện tại và có căn cứ phán đoán tương lai; Nắm được cái gốc, sẽ tìm ra cái ngọn; Nắm quy luật chung sẽ lần ra cái cụ thể; Nắm được điểm mấu chốt sẽ phăng ra các điểm còn lại. Chẳng hạn, trong toán học, vật lý... cần nắm được, hiểu sâu công thức gốc, định lý, định luật... thì sẽ giải được hết các bài tập cụ thể, không cần phải nhớ nhiều vô ích.

Những Thánh giả đắc Đạo còn vượt xa hơn thế, họ nắm được quy luật vận hành của vũ trụ ở tầng cấp của họ, nghĩa là nhìn ra cái lý chung của vạn sự vạn vật, nên “chỉ một lẽ mà thông suốt hết cả”.

Đó chẳng phải là điều đáng mơ ước của giáo dục ở bất cứ thời đại nào hay sao?

Nhưng trước khi hướng tới cái gọi là “nhất dĩ quán chi”, giáo dục cần phải làm cho người ta yêu thích việc học đã.

Dạy học, là thắp lên những ngọn lửa, không phải làm đầy những cái thùng rỗng

Đây là phát ngôn của Thánh nhân Socrates, nguyên văn của câu ấy như sau:

“Education is the kindling of a flame, not the filling of a vessel.” - “Giáo dục là thắp lên những ngọn lửa, không phải làm đầy những cái thùng rỗng”.

Ý muốn nói rằng: giáo dục đúng nghĩa là phải khơi lên lòng say mê học tập của học viên, chứ không phải là nhồi nhét kiến thức. Thực tế cho thấy việc nhồi nhét kiến thức là không mấy hiệu quả, không thiếu gì những học viên học cho xong việc, không thể nhớ nổi mình vừa học cái gì, hoặc quên hết kiến thức sau khi thi cử, không vận dụng được gì nữa.

Có những bậc cha mẹ còn cực đoan hơn, ép con học hết môn này đến môn nọ, thậm chí dùng đến cả những biện pháp mạnh, mà chưa bao giờ khiến đứa trẻ cảm nhận được vẻ đẹp của học tập, của kiến thức, hậu quả là đứa trẻ lo sợ, căng thẳng, thể chất tinh thần rối loạn.

Trong thời đại bùng nổ thông tin này, việc nhồi nhét kiến thức lại càng phản cảm, phản tác dụng, vì kiến thức thì vô hạn, mà trí nhớ thì hữu hạn, thời gian còn hữu hạn hơn.

Vì sao không nhìn nhận rằng, giáo dục chính là một quá trình hợp tác giữa thầy và trò? một sự hợp tác hoàn toàn tự nguyện. Như những thanh niên thành Athen tự tìm đến Socrates để vấn đáp; như 3000 đệ tử các nước tìm đến Khổng Tử để học hỏi.

Vậy việc mà con muốn nói với ta, vừa không chân thực, không mang ý thiện, lại chẳng quan trọng, thế thì con đừng kể nữa! Cái tin đó sẽ không thể quấy rầy được con và ta đúng không?
Giáo dục là thắp lên những ngọn lửa, không phải làm đầy những cái thùng rỗng”. (Ảnh: Wikipedia)

Có sự tự nguyện, sẽ là tiền đề để có kết quả tốt, muốn có sự tự nguyện thì một bên phải yêu thích việc dạy, và bên kia phải yêu thích việc học. Dĩ nhiên, kỷ luật học tập và sự cam kết là nhất thiết phải có, nhưng nó không thể hoàn toàn thay thế cho niềm yêu thích. Lúc này, mới cần đến vai trò dẫn dắt của người thầy.

Không thiếu những giảng viên ngày nay được sinh viên phong làm “tiến sĩ gây mê” vì cách dạy buồn tẻ, không gây được chút hứng thú nào ở sinh viên. Trên bục giảng, thầy đọc như ru ngủ; dưới lớp học, trò chép như mộng du.

Một khi người thầy còn chưa yêu thích những điều mình dạy, thì làm sao có thể khiến học viên của mình ưa thích đây? Có bao nhiêu người thầy có được tinh thần của đức Khổng tử: “... học không chán, dạy người không mỏi” (“học nhi bất yếm, hối nhân bất quyện” - Luận ngữ)?

Một người thầy giỏi phải có nhiệt tâm như lửa, cảm hóa học viên, phô bày vẻ đẹp của đạo lý, của kiến thức, khiến học viên như say như mê với môn học, thì mới xứng đáng được gọi là “thắp lên những ngọn lửa”.

Ngọn lửa ham mê học tập đã được thắp lên rồi, muốn dập tắt nó đi cũng khó; Lúc đó học viên sẽ chủ động học tập không ngừng; Lúc đó thời đại thông tin lại trở thành lợi thế của những người ham học; Và lúc đó, vai trò của người thầy không phải là dạy cho hết chương trình được giao, mà là giải đáp và dẫn dắt cho học viên đi đúng hướng.

Triết lý giáo dục này yêu cầu cao hơn ở người thầy trong vai trò dẫn dắt niềm hứng khởi học tập của học viên. Tuy vậy, trong giáo dục, người ta cũng không thể hoàn toàn trông cậy vào hứng thú học tập, mà vẫn cần sự trợ giúp của kỷ luật học đường, bởi vì niềm hứng thú của bất cứ ai cũng không thể luôn luôn đạt phong độ tốt, lúc ấy họ cần phải có sự hỗ trợ của kỷ luật học tập và tinh thần cam kết. Như vậy, "nhóm lửa say mê" và "duy trì kỷ luật" là cánh tay phải và cánh tay trái của việc giáo dục, thiếu đi một sẽ vỗ không thành tiếng, sẽ thành cực đoan.

Có lẽ đó mới là giáo dục thực sự, lại chính là những điều mà ta không cần phải phát minh thêm mới, mà chỉ cần quay về với truyền thống của tổ tiên hay vốn quý của cổ nhân.

Mới chưa chắc đã luôn hay, cũ chưa chắc đã dở; tiền nhân không chắc đã cổ hủ mà hậu sinh không nhất thiết khả úy. Trong kỳ sau, chúng ta sẽ cùng phân tích một số triết lý giáo dục cận đại và hiện đại và ảnh hưởng to lớn của nó đến hậu thế ngày nay.

(còn tiếp)

Xem tiếp: Kỳ 3

(Bài viết chỉ thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong



BÀI CHỌN LỌC

Luận đàm về giáo dục: Giáo dục đúng nghĩa bắt đầu từ triết lý giáo dục đúng đắn (Kỳ 2)