Luân hồi chuyển thế của tiểu hòa thượng Bhutan

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong ngày lễ Quốc khánh Bhutan năm 1998, quốc vương Bhutan lúc ấy là Jigme Singye Wangchuck gặp một tiểu hòa thượng 5 tuổi. Cậu bé chỉ tay vào chùa Hang Cọp và dõng dạc nói: “Chính tôi xây dựng ngôi chùa này!”.

Chùa Hang Cọp còn được biết đến với cái tên Taktsang Palphug, nổi tiếng là ngôi đền Phật giáo linh thiêng nhất Bhutan. Một công trình có ý nghĩa to lớn như thế lại là tác phẩm của cậu bé 5 tuổi sao? Bạn sẽ nghĩ gì khi nghe thấy điều này? Đó có phải chỉ là trí tưởng tượng viển vông, là câu chuyện ngựa thần lướt gió của trẻ thơ? Nhưng người dân Bhutan vốn thuần phác thiện lương, những câu nói như vậy tuyệt không phải lời bông đùa vui tai. Hơn nữa, người ta đã tiến hành hàng loạt các cuộc kiểm tra nghiêm ngặt và phát hiện ra rằng: những gì cậu bé nói đều là lời chân thật.

Vậy cậu bé kỳ lạ ấy là ai?

Để trả lời câu hỏi trên, trước tiên cần nhắc đến một nhân vật vĩ đại trong lịch sử, Gyalsey Tenzin Rabgye (1638–1696), người cai trị thế tục của Bhutan từ năm 1680 đến 1694. Trong những năm Gyalsey Tenzin Rabgye tại vị, đất nước Bhutan được hưởng nền hòa bình lâu dài, và đã đạt được những bước tiến vượt bậc. Cho đến nay, các thế hệ Bhutan vẫn còn tôn sùng ngưỡng mộ và không ngừng kể về tinh thần ngời sáng, sự lãnh đạo quang minh và tài năng nổi trội của ông.

Trong rất nhiều thành tựu của Gyalsey Tenzin Rabgye phải kể đến hai công trình trọng yếu, đó là chùa Hang Cọp trên vách đá ở Paro, và tu viện Tango ở thung lũng Thimphu. Với quy mô bề thế và khí thế trang nghiêm hùng vĩ, cho đến nay cả hai ngôi chùa vẫn là danh sơn Phật địa thần thánh nhất trên dãy Himalaya.

Tiểu hòa thượng mà chúng ta nhắc tới trên đây là Gyalse Trulku Jigme Tenzin Wangpo, sinh năm 1993 trong gia đình bình dân tại thị trấn Kanglung, quận Trashigang ở miền đông Bhutan. Sau cuộc gặp gỡ với quốc vương, cậu được xác nhận là linh đồng chuyển thế của Gyalsey Tenzin Rabgye. Vậy câu chuyện ấy diễn ra như thế nào?

Gặp gỡ quốc vương Bhutan

Khi cậu bé lên 2 tuổi, đại Pháp sư quận Trashigang từng đến thị trấn Kanglung. Cậu bé cũng có mặt tại đây và vô cùng phấn khích xem Pháp sư làm Phật sự, tuy nhiên ông lại không hề để mắt đến đứa trẻ chỉ mới 2 tuổi này. Tiểu hòa thượng liền nói với mẹ rằng, cậu rất buồn vì trước kia vị Pháp sư và cậu có quan hệ rất thân thiết, vậy mà hôm nay ngài lại không nhận ra cố nhân. Mẹ cậu vô cùng bối rối, bà càng ngạc nhiên hơn nữa khi đứa con trai bé bỏng nói rằng vị Pháp sư tôn quý ấy từng là thư ký của mình, và họ đã rất quý mến nhau.

Cậu bé càng kể thêm về tiền kiếp thì câu chuyện kỳ lạ này lại càng lưu truyền rộng rãi, cuối cùng truyền đến tai quốc vương đáng kính. Đó cũng là tiền đề cho cuộc hội ngộ giữa tiểu hòa thượng và quốc vương Bhutan mà chúng ta đã nhắc đến trên đây.

quốc vương Bhutan Jigme Singye Wangchuck. (Chụp màn hình)

Thông thường, khi đứng trước mặt bậc quân chủ uy nghiêm một đứa trẻ sẽ tỏ ra rụt rè e sợ, nhưng tiểu hòa thượng của chúng ta lại bình tĩnh một cách lạ thường, hơn nữa lời nói và cử chỉ cũng rất đúng mực. Cậu bé nói với quốc vương: “Trước đây hai ta đã từng gặp mặt rồi, lúc ấy ngài rất già với bộ râu dài, còn tôi lại rất nhỏ tuổi”.

Quốc vương thích thú mỉm cười, tiểu hòa thượng tiếp tục nói: “Theo mệnh lệnh của ngài, tôi đã xây dựng chùa Hang Cọp, nhưng giờ thì tôi muốn đến tu viện Tango”.

“Vì sao cháu lại muốn đến tu viện Tango?”, quốc vương hiếu kỳ hỏi.

“Vì tôi vẫn còn vài thứ ở đó”, cậu bé đáp, đồng thời nhắc đến hai nhân vật xa lạ. Họ là ai? Lúc ấy mọi người đều ngơ ngác không rõ, mãi sau này mới phát hiện ra hai nhân vật ấy lần lượt là tăng nhân hầu cận và người bạn thân thiết của Gyalsey Tenzin Rabgye.

Quốc vương hào hứng nhìn tiểu hòa thượng và hỏi: “Nói như vậy thì cháu đã từng đến tu viện Tango rồi sao?”.

“Đúng vậy, đó là rất lâu rất lâu rồi, chính tôi đã xây dựng tu viện Tango”, tiểu hòa thượng tự tin khẳng định.

Liệu có phải cậu bé đã được huấn luyện từ trước, có thể nhớ được tất cả những chi tiết kể trên? Nhưng theo ghi chép trong cuốn sách “Bí cảnh Bhutan” (“Treasures of the Thunder Dragon”) của vương thái hậu Dorji Wangmo Wangchuck, tiểu hòa thượng đã trả lời rất nhiều câu hỏi khác nhau, hết thảy đều là những điều không ai có thể dự liệu từ trước, hơn nữa câu trả lời của cậu bé cũng rất tự nhiên chân thật.

Tiểu hòa thượng trò chuyện cùng quốc vương. (Chụp màn hình)

Còn có một điều đặc biệt trong cuộc đối thoại giữa tiểu hòa thượng và quốc vương. Hẳn bạn vẫn còn nhớ, cậu bé sinh ra ở quận Trashigang thuộc miền đông Bhutan, ngôn ngữ khu vực này là tiếng Sharchop (còn gọi là tiếng Tshangla), nhưng tiểu hòa thượng lại nói tiếng ​​Dzongkha vốn là ngôn ngữ đặc trưng ở các vùng miền tây.

Có rất nhiều điểm chung giữa tiểu hòa thượng và tiền thân của cậu trong đời trước. Dù còn nhỏ tuổi nhưng cậu bé lại bị đục thủy tinh thể, thị lực cũng rất kém, đặc điểm này khá giống Gyalsey Tenzin Rabgye vì ông từng bị lòa cả hai mắt trước lúc lâm chung. Khi quốc vương hỏi về bậc sinh thành, cậu bé không nhắc đến cha mẹ trong đời này mà nói ra tên của cha mẹ Gyalsey Tenzin Rabgye. Điều này gần như là một ấn chứng cho thấy cậu bé chính là hóa thân của ông.

Diện kiến Pháp vương

Rất nhanh, câu chuyện tiểu hòa thượng có ngôn hành giống như “ông cụ non” đã lưu truyền khắp Bhutan. Câu chuyện ấy đã thu hút sự chú ý của Pháp vương Bhutan lúc bấy giờ là Je Khenpo Tulku Jigme Chhoeda. Ngài quyết định sẽ tìm hiểu cặn kẽ về cậu bé này.

Pháp vương Je Khenpo phái một trong bốn nhà sư đứng đầu của đoàn tăng lữ trung ương đến tận nơi khảo sát. Vị tăng lữ cao cấp này là Biện kinh Đại sư, tức bậc đại sư về triết học Phật giáo, ông là một lựa chọn phù hợp, bởi chính Gyalsey Tenzin Rabgye đã thiết lập môn học Biện kinh trong cơ cấu chùa chiền ở Bhutan.

Ngay từ khoảnh khắc đầu tiên gặp gỡ, tiểu hòa thượng luôn quấn quýt bên Biện kinh Đại sư, cậu chỉ sợ nếu Đại sư rời đi sẽ bỏ lại cậu một mình, hy vọng ông sẽ đưa cậu đến sống ở tu viện Tango. Trong thời gian cậu bé ở cùng Đại sư tại nhà khách Trashigang, Đại sư đã có ấn tượng sâu sắc trước trí lực phi phàm và cách hành sự an tường trầm tĩnh của cậu bé. Ông quyết định sẽ đưa cậu đến trung tâm hành chính Punakha Dzong để Pháp vương được tận mắt gặp tiểu hòa thượng.

Sáng sớm hôm sau, khi Đại sư đưa tiểu hòa thượng lên xe, cả mẹ và chị gái cậu bé đều khóc lóc chia ly, nhưng cậu bé lại không hề sợ hãi, ngược lại còn tỏ ra điềm tĩnh rời đi cùng những người xa lạ mà không có ai thân thiết bên mình.

Chuyến đi đến Punakha là một hành trình rất dài, giữa đường phải qua đêm ở Bumthang, nhưng may là tiểu hòa thượng ngủ suốt cả chặng đường, chỉ khi gần đến Punakha mới tỉnh dậy. Cậu bé vừa thức dậy liền hỏi một câu khiến hành khách trên xe phải ngạc nhiên sững sờ.

Cậu bé nói: “Các ngài có chuẩn bị khăn trắng Khata với tám phù hiệu cát tường (ashtamangala) để dâng tặng đức Je Khenpo không?”.

Một đứa trẻ chưa từng rời xa nhà, vì sao có thể biết xe sắp đến Punakha? Hơn nữa, làm thế nào cậu bé biết được chính xác rằng cần phải dâng khăn Khata lên Pháp vương theo lễ nghi của tăng đoàn?

Đoàn người đến Punakha khi trời đã tối mịt, Biện kinh Đại sư liền dẫn cậu bé về phòng mình nghỉ ngơi. Vừa bước vào căn phòng, tiểu hòa thượng liền chạy đến trước bức bích họa trên tường và chỉ vào kiến trúc trên bức tranh rồi nói: “Đây là Hồng Lôi Tông Bảo”.

Biện kinh Đại sư giật nảy mình, vì sao đứa trẻ này có thể biết được chính xác đến vậy? Hồng Lôi Tông Bảo là tòa kiến trúc xây dựng theo phong cách Dzong - một kiểu kiến trúc tu viện trọng yếu của Bhutan vào thế kỷ XVII.

Sáng sớm hôm sau, tức ngày 25/1/1999, tiểu hòa thượng chính thức diện kiến Pháp vương. Cậu bày tỏ lòng tôn kính với Pháp vương với tất cả những lễ tiết cầu kỳ theo lễ nghi tôn giáo. Lúc ấy hai vị quan viên thuộc chính quyền địa phương cũng có mặt ở đó, họ sơ ý để lộ bao kiếm ra ngoài. Cậu bé thấy vậy liền nhắc: “Hãy che bao kiếm lại!”. Đây là quy định rất thịnh hành trong thế kỷ XVII, nhưng vào thế kỷ XX đã không còn ai tuân thủ quy định này nữa rồi.

Trong 7 ngày ở Punakha Dzong, tiểu hòa thượng nhận được sự tin tưởng trọn vẹn của Pháp vương Je Khenpo. Sau đó cậu bé lên đường đến tu viện Tango ở Thimphu. Có người hỏi rằng cậu đã từng đi qua con đường này chưa? Cậu bé đáp: “Đã từng đi qua, lần trước tôi chỉ cưỡi ngựa đến chứ không đi xe, thế nên lần này mới say xe đến như vậy”.

Trong cuốn sách của mình, Vương thái hậu Dorji Wangmo Wangchuck cũng ghi chép một câu chuyện thú vị như sau:

Trước khi đến tu viện Tango, tiểu hòa thượng lưu lại nhà Vương thái hậu trong 9 ngày. Một hôm, Pháp vương Je Khenpo bất ngờ đến thăm, Vương thái hậu liền mời ông vào phòng khách, nhưng câu bé thì khăng khăng rằng, bà nên mời ngài đến Thần điện trước tiên. Khi đến Thần điện, một người tên là Wangchuck tình cờ bước vào phòng, sự có mặt của anh ta đã làm sáng tỏ một sự kiện trong quá khứ. Vậy Wangchuck là ai?

Dorji Wangmo.jpg
Vương thái hậu Wangmo Wangchuck. (Wikipedia)

Vào tháng 4/1998, một vụ hỏa hoạn bùng phát thiêu rụi chùa Hang Cọp, sau đó chính phủ Bhutan bắt tay vào công trình trùng tu ngôi chùa dưới sự giám sát của quốc vương. Wangchuck chính là người phụ trách việc trùng tu khi ấy.

Tiểu hòa thượng chưa từng gặp Wangchuck và cũng không biết tên anh ta. Tuy nhiên lúc ấy cậu vẫn hồn nhiên nói với Wangchuck: “Anh cần làm thật tốt công việc trùng tu Hang Cọp, nếu làm tốt tôi sẽ có thưởng, còn nếu không thì…”. Dứt lời, cậu bé giơ bàn tay xinh xắn của mình lên như thể muốn biểu thị rằng cậu sẽ cho anh ta một trận ra trò!

Trụ trì nhí chùa Tango

Một ngày không lâu sau khi tiểu hòa thượng đến Thimphu, em gái của Vương thái hậu giơ lên tấm ảnh tu viện Tango, và hỏi rằng cậu bé có nhận ra không? “Đương nhiên là có rồi!”, cậu bé đáp rồi hỏi vặn lại: “Nhưng trên bức hình này tôi không thấy Đông Ca!”. Mọi người nhìn nhau ngơ ngác, Đông Ca là thứ gì? Mãi đến sau này, ai nấy mới vỡ lẽ ra rằng Đông Ca là một địa danh phía trên chùa Hang Cọp nơi Gyalsey Tenzin Rabgye tọa thiền tĩnh tu.

Ngày 20/3/1999, tiểu hòa thượng ngồi kiệu đến tu viện Tango, tại đây cậu được trao vương miện với xưng hiệu “Gyalsey” như chính tiền kiếp của mình trong quá khứ. Dọc đường, dân chúng xếp hàng hai bên và hành lễ quỳ bái, kiến chứng cho thời khắc lịch sử đặc biệt này.

Sau khi đến tu viện, cậu dập đầu lạy trước tế đàn trong chánh điện, sau đó được thăng tọa trang nghiêm với tư cách là hóa thân của Gyalsey Tenzin Rabgye.

Trở lại với hai nhân vật xa lạ khi tiểu hòa thượng nói rằng cậu muốn tìm người hầu cận và người bạn của mình ở tu viện Tango. Và điều bất ngờ là, họ thực sự đang có mặt ở đây. Một trong hai nhân vật ấy chính là trụ trì của tu viện, ông là chuyển thế của vị tăng bộc thân tín của Gyalsey Tenzin Rabgye.

Khi Vương thái hậu viết cuốn “Bí cảnh Bhutan”, tiểu hòa thượng đã được 10 tuổi. Cậu có thần thái trang nghiêm, tướng mạo phi phàm, dù rất nhỏ tuổi nhưng cậu bé đã chủ trì tất cả mọi nghi lễ của tu viện Tango. Tiểu hòa thượng sống một cuộc đời giản dị chất phác, sáng sáng đều thức dậy trước lúc bình minh, sau đó bắt đầu niệm kinh, thực hành các giới quy nghiêm ngặt đối với tăng nhân trong thánh đường và trong các buổi lễ. Gần như mỗi ngày cậu đều một mình vào mật thất của vị Thần bảo hộ Tango và câu thông với Ngài trong 10 phút.

Ngày 28/4/2005, chùa Hang Cọp - di sản Thần thánh nhất Bhutan - đã cử hành lễ khai quang sau bảy năm trùng tu. Ngày lễ long trọng và thần thánh ấy do tiểu hòa thượng trụ trì. Ba thế kỷ trước, Gyalsey Tenzin Rabgye đã xây dựng tòa tự miếu, đến nay linh đồng chuyển thế của ngài lại xuất hiện trong ngày lễ trọng đại này. Điều ấy khiến người ta tự hỏi: Phải chăng hết thảy đã có an bài?

Vũ trụ mênh mông vẫn luôn là ẩn đố đối với nhân loại, những điều ảo diệu trong đó thật khó thấu hiểu tận tường. Có lẽ Thượng thiên đã hữu ý tiết lộ thiên cơ cho một số người, để họ mang theo những ký ức tiền thế truyền lại cho con người thế gian, khải ngộ linh tính trong tâm hồn nhân thế.

Theo Phù Dao - Epoch Times
Minh Tâm biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Luân hồi chuyển thế của tiểu hòa thượng Bhutan