Luân hồi mạn đàm: Nghiệp lực kiếp trước, bệnh tật đời này [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong thế giới phương Tây hiện đại, càng ngày càng có nhiều người tin vào luân hồi chuyển thế. Cùng với đó, việc tiến hành các liệu pháp hồi quy tiền kiếp (Past-life Therapy) cũng thu hút sự chú ý rộng rãi trong những năm gần đây.

Vì sao tè dầm trên giường mỗi ngày? Là vì hình pháp “ngâm nước” trong tiền kiếp

Nhà tiên tri nổi tiếng người Mỹ thời cận đại Edgar Cayce là một tín đồ Cơ Đốc, đồng thời cũng là một nhà ngoại cảm lừng danh. Khi nhập định trong trạng thái giống như đang ngủ, ông có thể xuyên việt thời không mà quan sát tiền kiếp của người bệnh, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để từ đó tiến hành các liệu pháp chẩn đoán và điều trị phù hợp.

Nhờ có năng lực đặc biệt này, Edgar Cayce đã chữa khỏi cho rất nhiều bệnh nhân. Ghi chép của ông về các ca chẩn đoán và điều trị đã trở thành tài liệu nghiên cứu quý giá cho rất nhiều nhà khoa học sau này.

Một ngày, có cặp vợ chồng dẫn cậu con trai 11 tuổi đến nhờ Cayce chữa trị. Cậu bé từ năm 2 tuổi đã mắc tật tè dầm trên giường mỗi đêm. Cha mẹ cậu đã làm đủ mọi cách, đưa con trai đi khắp nơi chữa trị, thậm chí còn tìm đến khoa tâm thần khám bệnh, nhưng vẫn không thể cải thiện được tình hình. Mãi cho đến năm 10 tuổi cậu bé vẫn liên tục tè dầm trên giường, khiến cha mẹ phải bất lực thở dài.

Mãi cho đến năm 10 tuổi cậu bé vẫn liên tục tè dầm trên giường, khiến cha mẹ phải bất lực thở dài. (Ảnh: Pixabay)

Cayce đã tiến hành thôi miên hồi quy để tìm hiểu nguyên nhân trong tiền kiếp. Ông nhận ra rằng, tiền thân của cậu bé từng là giáo chủ trong một giáo hội ở Anh vào thế kỷ 16-17. Mỗi khi thẩm vấn phạm nhân, ông ta lại dùng hình pháp “tẩm thủy” (ngâm nước), trói phạm nhân vào một cây gỗ rồi liên tục dìm họ lên xuống trong nước hồ giá lạnh.

Những tội nghiệp trong quá khứ đã để lại dấu ấn trên thận tạng ở đời này, khiến cậu bé phải liên tục bồi thường cho nợ nghiệp trong tiền kiếp. Đó cũng là nguyên nhân vì sao đời này đứa trẻ lại có tật tè dầm mỗi đêm.

Chỉ khi tìm đến căn nguyên sinh ra nghiệp bệnh thì mới có hy vọng chữa trị. Đêm ấy khi cậu bé đã chìm sâu vào giấc ngủ, Cayce căn dặn mẹ cậu hãy ngồi bên giường và nhắc lại nhiều lần câu nói: “Con là người nhân nghĩa thiện lương, không chỉ biết nghĩ cho người khác và làm mọi người vui vẻ, mà con còn luôn hết mình giúp đỡ bất cứ ai bên cạnh mình”. Những lời nói ấy đã đi vào tiềm thức, để ý niệm chân chính ấy dẫn hướng cho cậu bé trở về với chân ngã, thành tâm hối lỗi về ác nghiệp đã tạo trong đời trước và tìm về thiện tâm vốn có của bản thân mình.

Đêm ấy là lần đầu tiên trong đời cậu bé không còn tè dầm trên giường nữa. Vậy là sau bao nhiêu năm, cậu mới được tận hưởng một đêm ngon giấc. Liên tiếp nhiều tháng sau đó, mẹ cậu bé vẫn tăng cường dẫn hướng chính niệm cho con trai. Cuối cùng, cậu đã hoàn toàn khỏi bệnh, trở thành một người mới, không chỉ hòa ái thiện lương khiến ai nấy đều yêu mến mà còn vô cùng khoan dung, độ lượng, luôn nhiệt tình và vui vẻ giúp đỡ mọi người.

Cậu bé sợ tiếng động lớn, tiền kiếp là thương binh trên chiến trường

Carol Bowman là một người mẹ trẻ. Cuộc sống của cô có lẽ sẽ không có gì thay đổi nếu như không có một ngày…

Hôm ấy là dịp Quốc khánh, và Chase, con trai của Carol chỉ mới 5 tuổi. Mọi năm cậu bé rất hào hứng hòa mình vào bầu không khí náo nhiệt của ngày lễ lớn. Nhưng lần này, khi nghe thấy tiếng pháo nổ đùng đoàng cùng với khói lửa bốc lên, Chase không còn giữ được vẻ mặt hứng khởi như trước nữa. Thay vào đó, cậu bắt đầu òa khóc dữ dội, ánh mắt lộ ra vẻ kinh hoàng hoảng loạn. Mãi cho đến khi Carol đưa con trai về nhà, cách xa khỏi nơi có tiếng pháo nổ, thì Chase mới dần dần bình tĩnh trở lại.

Khi nghe thấy tiếng pháo nổ đùng đoàng cùng với khói lửa bốc lên, Chase bắt đầu òa khóc dữ dội. (Ảnh minh họa: Pixabay)

Phản ứng bất thường của Chase khiến Carol cảm thấy khó hiểu, bởi trước giờ cậu bé vẫn luôn là đứa trẻ can đảm và hoạt bát. Sau này khi Chase đang chơi ở bên hồ bơi, cậu bé bất ngờ nghe thấy tiếng người lao xuống nước và chứng sợ hãi lại bộc phát trở lại.

Trong lúc Carol bối rối không biết làm cách nào thì một người bạn đã khuyên cô hãy để Chase thử thôi miên hồi quy, hy vọng sau khi được thôi miên cậu bé sẽ nhìn thấy những việc bản thân đã trải qua trong tiền kiếp.

Carol hoàn toàn không ngờ rằng, Chase vừa nhắm mắt lại đã mở miệng kể rằng, cậu là một người lính đang nấp sau tảng đá và nã súng vào quân địch. Lúc ấy bốn phía là khói súng và lửa, âm thanh long trời lở đất. Đột nhiên, cổ tay phải của cậu bị trúng đạn, máu chảy ra lênh láng… Sau đó Chase còn kể về những tâm tư và nỗi khổ não của cậu trên chiến trường.

Lời kể của Chase sống động như một thước phim 3D quay chậm, hệt như cậu đang ở trong chiến trường đầy lửa khói. Đó không phải là trải nghiệm mà một đứa trẻ 5 tuổi có thể tưởng tượng ra được.

Lời kể của Chase sống động như một thước phim 3D quay chậm, hệt như cậu đang ở trong chiến trường đầy lửa khói. (Ảnh: Pixabay)

Và điều khiến Carol không ngờ là, vị trí bị thương trên cổ tay cũng chính là vị trí mà Chase thường nổi mẩn ngứa từ khi còn nằm trong nôi, cậu thường gãi đến mức làm da trầy xước và chảy máu. Không ít lần Carol đã phải băng bó tay để đề phòng con trai tự làm tổn thương mình.

Nhà trị liệu bằng thôi miên hồi quy nói với Chase: “Trong quá trình luân hồi chuyển thế, có lúc chúng ta là binh sĩ trên chiến trường, có lúc phải giết kẻ địch, cũng có lúc vì đánh trận mà tử vong, Thần cũng sẽ không vì thế mà trách tội chúng ta”. Sau đó, Chase đã không còn sợ tiếng động lớn, đồng thời những vết mẩn ngứa trên da của cậu cũng biến mất tự khi nào.

Sinh mệnh luân hồi, thiện đãi người khác cũng là thiện đãi chính mình

Trải nghiệm cá nhân khiến Carol vô cùng quan tâm và bắt đầu nghiên cứu về luân hồi chuyển thế. Suốt hơn 10 năm sau đó, cô dốc sức thu thập và phân loại các trường hợp luân hồi của trẻ nhỏ, các kết quả nghiên cứu ấy đã được ghi ghép trong hai cuốn sách nổi tiếng của Carol là “Children’s Past Lives” (Tiền kiếp của trẻ nhỏ) và “Return from Heaven” (Trở về từ Thiên Đường).

Cũng từ đó, tác giả Carol Bowman càng có nhận thức sâu sắc hơn về lẽ sinh tử: Sinh mệnh của con người không chỉ có một đời này, sau trăm tuổi lâm chung, linh hồn vẫn có thể được chuyển sinh thành người. Nhân sinh là một trường hý kịch, kiếp người giống như một vũ đài, mỗi một đời đều đóng một vai diễn khác nhau trên sân khấu. Con người sống thì nên lấy thiện đãi người, cũng giống như bản thân hy vọng được người khác thiện đãi mình.

Minh Hạnh
Theo Lý Dực Vân - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Luân hồi mạn đàm: Nghiệp lực kiếp trước, bệnh tật đời này [Radio]