Luật cân bằng của vẻ đẹp: Nghệ thuật truyền thống chạm đến trái tim

Giúp NTDVN sửa lỗi

Con quái vật biển ở dưới là biểu tượng của sự xấu xa và thống khổ. Khi trong nội tâm chúng ta mất cân bằng, thì có xuất hiện sự xấu xí không? Trong cuộc sống của chúng ta, khi cảm xúc dựa trên những ham muốn không được thỏa mãn trở nên cực đoan, thì khi đó cái xấu xa lấn át cái đẹp.

Gustave Moreau là một họa sĩ theo trường phái biểu tượng thế kỷ 19 ở Pháp. Những người theo chủ nghĩa biểu tượng cho rằng, nghệ thuật của thế kỷ 18 là quá khoa học và đã loại bỏ tâm linh khỏi chủ đề và trong quá trình sáng tác.

Các nghệ sĩ cũng thấy mình phải cạnh tranh với chiếc máy ảnh mới được phát minh. Thay vì chỉ tái tạo hiện thực giống như một chiếc máy ảnh, hoặc bỏ qua tâm linh như các nghệ sĩ trước đó đã làm, các nghệ thuật gia biểu tượng bắt đầu sáng tạo ra hình ảnh siêu nhiên bằng cách cố gắng tổng hợp nội hàm tâm tinh với các hình ảnh đại diện của thế giới tự nhiên.

Theo trang web của Bảo tàng Quốc gia Gustav Moreau: “Moreau muốn sáng tạo ra một tác phẩm mà theo cách nói của ông là có thể tìm thấy linh hồn: tất cả những khát vọng về ước mơ, sự dịu dàng, tình yêu, sự nhiệt tình và tôn giáo hướng tới những cảnh giới cao hơn. Ở nơi đó, tất cả mọi thứ đều được nâng cao, truyền cảm hứng, có đạo đức và nhân từ. Đó là nơi mà tất cả đều là trí tưởng tượng và thôi thúc bay lên những vùng đất bí ẩn, linh thiêng, chưa được biết đến".

Moreau tin rằng loại tranh này là “ngôn ngữ của Chúa! Một ngày nào đó, sức mạnh của nghệ thuật thầm lặng này sẽ được tán thưởng. Tôi đã dành tất cả tinh thần và sức lực của mình cho loại nghệ thuật này, mà tính cách, bản chất và sức mạnh tinh thần của nó chưa bao giờ được xác định một cách thỏa đáng”.

Sự đánh giá cao của Moreau đối với tinh thần hội họa đã khiến ông nghiên cứu sâu sắc các họa sĩ trong quá khứ. Ông đến Ý và nghiên cứu các tác phẩm của các danh họa thời Phục hưng như Leonardo da Vinci, Raphael, Michelangelo. Từ kiến thức thu được thông qua học tập những bậc thầy này, ông bắt đầu bắt tay vào việc hồi sinh hội họa bằng cách truyền tinh thần của mình vào trong những tác phẩm, khiến những sáng tác của ông toát lên một sức sống mới.

“Perseus và Andromeda”, của Gustave Moreau (khoảng những năm 1867–1869). (Phạm vi công cộng)

Bức tranh "Perseus và Andromeda"

Khoảng năm 1867, Moreau bắt đầu vẽ bức tranh “Perseus và Andromeda” dựa trên một câu chuyện thần thoại Hy Lạp về sắc đẹp, tình yêu và lòng dũng cảm.

Andromeda là một nàng công chúa xinh đẹp, tuy nhiên mẹ cô đã khiến các vị Thần tức giận khi nói rằng Andromeda đẹp hơn cả các Tiên Nữ ở biển Nereid. Thần Biển Poseidon đã cử một con thủy quái đến trừng phạt Andromeda vì tội khinh nhờn Thần Tiên.

Perseus, một chàng trai đang trên đường trở về sau khi đã giết quái vật Medusa, nhìn thấy thủy quái tấn công Andromeda. Anh say đắm bởi vẻ đẹp của Andromeda và muốn giải cứu cô. Perseus phi ngựa như bay xông đến chỗ con quái vật biển Pegasus, và giơ cái đầu của Medusa ra. Con quái vật biển nhìn vào mắt Medusa và bị biến thành đá.

Thế là Perseus đã cứu Andromeda được khỏi con quái vật, sau đó họ kết hôn. Nữ thần Athena đã hứa cho Andromeda một vị trí trên bầu trời, làm một chòm sao, tức chòm sao Tiên Nữ.

Sự cân bằng của vẻ đẹp

Moreau miêu tả khoảnh khắc Perseus xông vào quái vật Pegasus để cứu Andromeda. Chân trái của Andromeda bị xích vào một tảng đá, con quái vật biển ở phía dưới đang đe dọa cô. Perseus giơ đầu của Medusa hướng về phía con quái vật biển để biến nó thành đá.

Moreau bố cục mặt phẳng hình ảnh với độ tương phản và năng lượng cao hơn ở phía bên trái. Phía bên phải gần như để trống, và phía dưới bên phải, nơi hai tảng đá gặp nhau có hình như một mũi tên, hướng sự chú ý của chúng ta đến đuôi của con quái vật biển.

Đầu của con quái vật biển hướng thẳng vào Andromeda, cô chính là tâm điểm của bức tranh, chiếm trung tâm của bố cục. Cô che thân một cách khiêm tốn lộ ra những đường cong thanh thoát trên thân hình xinh đẹp.

Từ Andromeda, ánh mắt của chúng ta hướng đến cái đầu của quái vật Pegasus. Năng lượng của con quái vật hướng tới với cái đầu của Medusa với đôi mắt mở to và khóe miệng kéo xuống. Đôi mắt của Medusa, cái đầu của Pegasus và chiếc áo choàng đỏ dài của Perseus dẫn ánh mắt chúng ta trở lại con quái vật biển, rồi lại bắt đầu cuộc hành trình đi lên.

Vì tình yêu đối với cái đẹp

Tại sao bên trái của mặt phẳng hình ảnh tràn đầy sức sống còn bên phải lại trống rỗng? Tại sao Moreau miêu tả Andromeda là tâm điểm? Tại sao quái vật Pegasus xuất hiện như thể nó đang gặp nạn?

Sự khác biệt giữa bên phải và bên trái trong bố cục của bức họa thể hiện sự cân bằng. Những người theo chủ nghĩa biểu tượng cho rằng nghệ thuật của thế kỷ 18 không cân bằng và trở nên quá khoa học. Nghệ thuật cũng cần có tinh thần và cảm xúc. Bản thân cái đẹp tự nó cũng có thể xuất hiện thông qua sự cân bằng: Khi không có gì có thể thêm hoặc bớt, thì khi đó chúng ta có thể phát hiện ra cái đẹp.

Vẻ đẹp trong tâm hồn chúng ta có phải quyết định bởi sự cân bằng của tinh thần và cảm xúc không? Có lẽ đây là lý do tại sao Andromeda - hiện thân biểu tượng của vẻ đẹp và sự cân bằng - là tâm điểm, và ở giữa của bên trái bận rộn và bên phải trống rỗng. Ở đây, vẻ đẹp khiêm tốn, thanh lịch và cả sự điềm tĩnh bất chấp nguy hiểm xung quanh. Vẻ đẹp uốn cong và tuôn chảy thuận theo môi trường tự nhiên của nó.

Trái lại, con quái vật biển ở dưới là biểu tượng của sự xấu xa và thống khổ. Khi trong nội tâm chúng ta mất cân bằng, thì có xuất hiện sự xấu xí không? Trong cuộc sống của chúng ta, khi cảm xúc dựa trên những ham muốn không được thỏa mãn trở nên cực đoan, thì khi đó cái xấu xa lấn át cái đẹp.

Perseus bảo vệ cái đẹp bằng cách biến cái xấu xa thành đá. Nếu cái xấu xí bao gồm những cảm xúc cực đoan và ham muốn không được thỏa mãn, thì việc biến chúng thành đá sẽ ngừng tác dụng của chúng. Hành động nhìn sâu vào bản thân để tìm kiếm sự xấu xí của chính mình có đủ để biến nó thành đá không? Liệu chúng ta có thể vượt qua sự xấu xa đang đe dọa vẻ đẹp trong tâm hồn bản thân mình bằng cách thừa nhận nó và tăng cường quyết tâm chống lại nó không?

Giống như Perseus, chúng ta phải bảo vệ và duy trì cái đẹp. Để đề cao cái đẹp, chúng ta thực hành cân bằng tinh thần của mình. Tuy nhiên, tôn lên vẻ đẹp là một nhiệm vụ khó khăn phải được thực hiện nhiều lần. Đây có phải là lý do Moreau dẫn ánh mắt chúng ta đi xem lại bố cục không?

Pegasus đại diện cho nhiệm vụ khó khăn và lặp lại này, đó là lý do tại sao nó tỏ ra đau khổ. Dường như Moreau đang muốn nói rằng rằng gìn giữ và duy trì cái đẹp sẽ là một con đường gian nan gập ghềnh dẫn đến sự cân bằng. Ai trong chúng ta sẵn sàng cho thử thách này?

Nghệ thuật có một khả năng đáng kinh ngạc là chỉ ra những gì không thể nhìn thấy để chúng ta có thể hỏi:

"Điều này có ý nghĩa gì đối với tôi và đối với tất cả những người nhìn thấy nó?"

"Nó đã ảnh hưởng như thế nào đến quá khứ và nó có thể ảnh hưởng như thế nào đến tương lai?"

"Nó gợi ý gì về trải nghiệm con người?"

Đây là một số câu hỏi mà chúng ta cần khám phá và tìm lời giải đáp.

Về tác giả: Eric Bess là một họa sĩ thực tiễn tiêu biểu. Anh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Nghiên cứu Tiến sĩ về Nghệ thuật Thị giác (IDSVA).

Hoàng Mai
Theo Eric Bess - Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Luật cân bằng của vẻ đẹp: Nghệ thuật truyền thống chạm đến trái tim