Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông một chữ không biết, làm thế nào lại trở thành cao tăng nổi tiếng thời đại [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Một câu chuyện tu luyện chân thực, Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng, một người kiếm củi nghèo, không biết lấy một chữ, làm thế nào khắc phục trùng trùng ma nạn, cuối cùng trở thành bậc cao tăng của một thời đại, và là Tổ thứ 6 của Thiền tông.

Nhắc tới câu chuyện tu luyện, có thể hầu hết chúng ta đều nghĩ tới “Tây Du Ký” kể về bốn thầy trò Đường Tăng đi Tây Thiên thỉnh kinh, trải qua chín chín 81 nạn tu đắc chính quả. “Tây Du Ký” chủ yếu nói về rất nhiều chuyện trừ yêu diệt ma, nhưng muốn đắc chính quả, nhảy thoát tam giới, không ở trong ngũ hành, thì phải vứt bỏ thất tình lục dục, chịu khổ nâng cao ngộ tính.

Một câu chuyện tu luyện chân thực, Thiền Tông Lục Tổ Huệ Năng, một người kiếm củi nghèo, không biết lấy một chữ, làm thế nào khắc phục trùng trùng ma nạn, cuối cùng trở thành bậc cao tăng của một thời đại.

Chuyện kể rằng, vào thời kỳ Trinh Quán, kinh tế phồn vinh, văn hóa thịnh vượng, xã hội an định bình hòa. Tại Lĩnh Nam, Tân Châu (Tân Hưng, Quảng Đông ngày nay), có một người họ Lư là Lư Hành Dao. Nhà họ Lư vốn kính Phật lễ Phật, khoan dung nhân từ. Một hôm, phu nhân Lý của nhà họ Lư có một giấc mơ, bà thấy hoa sen nở đầy khắp sân vườn, tiên hạc nhảy múa, những đám mây tốt lành bay vờn xung quanh, hương thơm vô cùng kỳ lạ tràn ngập bầu trời.

Sau khi tỉnh dậy, Lý phu nhân cảm thấy như mình đã có thai, liền tắm rửa và trai giới. Lần mang thai này kéo dài sáu năm, mãi đến năm Trinh Quán thứ 12 (năm 638), tức nửa đêm ngày mồng tám tháng hai, bà mới hạ sinh một bé trai.

Lúc này, ánh sáng màu đỏ bao trùm dần dần nổi lên, hương thơm xộc vào mũi. Khi mặt trời đỏ mọc, bỗng có một vị cao tăng đến thăm, vừa bước vào, ông nói với Lư Hành Dao rằng: "Chúc mừng gia tộc nhà họ Lư đã có quý tử, tôi đợi dịp đặc biệt này tới chúc mừng và cũng muốn giúp ông chọn một cái tên hay cho lệnh lang".

Lư Hành Dao nghe vậy biết đây là vị cao tăng, liền vội vàng hỏi: "Không biết đại sư ban ân chọn cho con trẻ cái tên gì?"

Cao tăng nói: "Lấy tên là Huệ Năng".

Ông Lư Hành Dao không hiểu ý nghĩa là gì nên cao tăng liền nói: “Huệ chính là đứa bé này tương lai sẽ dùng Đại Pháp Phật gia mang lại lợi ích, ân huệ cho tất cả chúng sinh. Năng đó là nó sẽ có năng lực hoằng dương Phật pháp tùy theo nhân duyên của chúng sinh”.

Vị cao tăng vừa nói xong, trong nháy mắt đã không thấy đâu. Ông Lư Hành Dao và phu nhân đều cảm thấy rất thần kỳ, họ vái lạy Trời vài lần. Vậy là họ đặt tên cho cậu con trai là Huệ Năng.

Sau khi sinh ra, mặc dù kêu khóc đòi ăn nhưng cậu bé Huệ Năng không chịu bú sữa mẹ. Sau mấy ngày liền, Huệ Năng nhỏ bé đói tới mức thoi thóp hấp hối, vợ chồng ông Lư Hành Dao vô cùng lo lắng, mặt mày ủ rũ. Đêm hôm đó, phu nhân Lý đang chán nản, không biết Huệ Năng nhỏ bé có ăn được hay không, đột nhiên một ánh sáng vàng lóe lên, một Tiên nhân xuất hiện trước mặt bà với một cái lọ bằng ngọc trên tay, trong lọ chứa đầy quỳnh tương ngọc lộ, rồi cho Huệ Năng uống một giọt cam lồ. Đứa trẻ ngay lập tức tràn đầy sức sống.

Huệ Năng mồ côi cha khi mới ba tuổi,
Huệ Năng mồ côi cha khi mới ba tuổi, nên sống với mẹ từ bé (Ảnh: một phần trong bức tranh của Cừu Anh)

Tục ngữ có câu: “Người có lúc trẻ già họa phúc, Trời có lúc gió mưa bất trắc”. Khi Huệ Năng được ba tuổi, cha cậu là Lư Hành Dao không may qua đời, Lý phu nhân thủ chí nuôi đứa con trai nhỏ, mẹ góa con côi nương tựa lẫn nhau. Khi Huệ Năng lớn lên, cậu lên núi kiếm củi và đem ra chợ bán để duy trì cuộc sống của hai mẹ con.

Một ngày nọ, Huệ Năng đốn củi và chở vào thành phố, bán cho một quán trọ. Khi nhận tiền bán củi và quay người chuẩn bị rời đi, bỗng nhiên cậu nghe thấy một vị khách đang lớn tiếng đọc "Kinh Kim Cương". Khi người này đọc tới: "Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng, ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm" (Phàm tất cả các hình tướng, đều là hư ảo, nên không có chấp trước mà sinh ra cái tâm), Huệ Năng đột nhiên bừng tỉnh ngộ, giống như cảm giác mỹ diệu thân quen phát xuất ra từ sâu thẳm trong tâm. Huệ Năng liền cung kính tới thỉnh giáo vị khách: “Tiên sinh! Vừa rồi ngài đọc là sách nào thế?”

Người khách nói với Huệ Năng rằng đó là “Kinh Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật”. Ông từ chùa Đông Thiền, huyện Hoàng Mai (thuộc tỉnh Hồ Bắc), Kỳ Châu đến đây. Đại sư Hoằng Nhẫn - Ngũ Tổ Thiền Tông, trụ trì giáo hóa và hoằng dương Phật Pháp tại đó. Huệ Năng nghe vậy rất vui mừng và ngay lập tức có nguyện vọng đến chùa Đông Thiền ở Hoàng Mai để theo Ngũ Tổ xuất gia. Nhưng khi nghĩ đến mẹ già ở nhà, cuộc sống sau này biết dựa vào ai đây? Cậu bất giác chuyển từ vui mừng sang lo âu, nét mặt lộ rõ vẻ không vui..

Sau khi Huệ Năng trở về nhà, cậu kể với mẹ về dự định tới chùa Đông Thiền ở Hoàng Mai để xuất gia. Lý phu nhân nghe xong thì ngổn ngang trăm mối tơ vò, buồn vui lẫn lộn. Bà vui mừng là vì con trai đã lập hoài bão cao cả và nhất tâm hướng Phật. Điều lo lắng là nghĩ tới 20 năm qua, hai mẹ con nương tựa vào nhau vượt qua những tháng ngày gian khó, một khi con trai rời đi, không biết tới ngày nào gặp lại. Mặc dù từ sớm bà biết rằng sẽ có ngày này, nhưng khi nó đến, tình mẫu tử quả là khó chia lìa, bất giác nước mắt chảy dài trên khuôn mặt bà. Để giữ con ở lại được vài ngày, bà viện cớ cần hỏi ý kiến của người cậu. Sau khi biết chuyện, ông cậu kiên quyết phản đối và nói với Huệ Năng rằng: "Cha cháu mất sớm, còn mỗi mẹ già, cháu cần phải tận hiếu, làm sao có thể xuất gia được? Nếu muốn cậu đồng ý cho đi tu thì cháu làm thế nào bái hòn đá lớn ở bên làng làm cho nó tách ra!”

Lời thách mà người cậu nói ra một cách ngẫu nhiên đó chẳng qua là muốn dọa Huệ Năng làm cậu thấy khó khăn mà rút lui, vứt bỏ cái suy nghĩ xuất gia làm tăng nhân.

Huệ Năng có tâm học Phật cầu Pháp vô cùng dũng mãnh tinh tấn, không hề chùn bước. Cậu thực sự đã tới trước tảng đá to và quỳ bái lạy. Sau bảy bảy 49 ngày, bỗng trên bầu trời có một tiếng vang thật lớn, một tia chớp điện xoẹt qua cắt đôi tảng đá lớn. Mẹ và cậu của Huệ Năng chứng kiến cảnh tượng đó thì vô cùng kinh ngạc. Họ cảm thấy việc Huệ Năng xuất gia tu Phật chính là ý Trời, vì vậy đã vui vẻ đồng ý cho Huệ Năng rời xa mẹ lên phương Bắc tới Hoàng Mai học Phật. Họ còn dặn dò Huệ Năng an lòng, người cậu sẽ chăm sóc cho mẹ của Huệ Năng.
Về sau, người ta gọi tảng đá bị vỡ đôi này là “biệt mẫu thạch”. Qua hơn nghìn năm gió sương mưa tuyết, tảng đá vỡ này đã được bảo tồn như một di tích văn hóa ở Tân Hưng, Quảng Đông.

Từ biệt mẹ già, cũng là lúc Huệ Năng chuyển tấm lòng hiếu kính với mẹ thăng lên thành tâm từ bi với tất cả chúng sinh.

Tấm lòng chân thành muốn tu luyện của Huệ Năng đã làm cảm động người nhà
Tấm lòng chân thành muốn tu luyện của Huệ Năng đã làm cảm động người nhà (Hình ảnh: tranh Kim Nông đời nhà Thanh)

Huệ Năng trèo đèo lội suối, ngày đi đêm nghỉ, không nề hà vất vả gian khổ, lặn lội 30 ngày, cuối cùng cũng đến được Hoàng Mai. Huệ Năng tìm thấy chùa Đông Thiền, liền tới bái kiến và bày tỏ lòng tôn kính với Ngũ tổ đại sư Hoằng Nhẫn. Đại sư hỏi Huệ Năng: "Cậu là người nơi nào, đến đây làm gì?"

Huệ Năng trả lời: “Con là người ở Lĩnh Nam, Tân Châu. Lần này con lặn lội đường xa tới để lễ bái đại sư, chỉ cầu làm Phật, không cầu bất kỳ điều gì khác”.

Ngũ tổ vuốt nhẹ râu, không mở mắt ra nhìn Huệ Năng nói: “Thì ra cậu là người man di ở phương Nam. Người Nam man cũng tu Phật sao?”

Huệ Năng trả lời: “Thư sư phụ, dù người phân ra Nam - Bắc, nhưng Phật tính làm sao có thể phân biệt Nam - Bắc”.

Ngũ tổ nghe vậy mỉm cười cho rằng Huệ Năng trả lời rất hay. Ông nghĩ, Huệ Năng lặn lội cả chặng đường dài, nhất định là rất gian khổ, nên bảo Huệ Năng trước hết ở lại ổn định, sau này cùng với các sư làm việc trong chùa.

Vậy là Huệ Năng đã tới ở tại chùa Đông Thiền, hàng ngày chẻ củi, giã gạo, làm những việc tay chân nặng nhọc. Huệ Năng cứ như thế làm trong 8 tháng, mặc dù mỗi ngày đều gặp đại sư Hoằng Nhẫn, sư phụ ngoài việc hỏi Huệ Năng việc giã gạo thế nào, còn lại đều không dạy cậu bất kể điều gì về Kinh Phật.

Trong lòng Huệ Năng không tránh khỏi cảm giác thất vọng. Tuy nhiên hằng ngày cậu vẫn chăm chỉ làm việc như trước, không một chút lười biếng.

Một hôm Ngũ tổ Hoằng Nhẫn triệu tập các đệ tử và nói: “Hôm nay các đệ tử hãy vận dụng những điều ngộ được trong nhiều năm qua theo ta tu hành, từng người làm bài kệ tới gặp ta. Nếu ai ngộ được ý nghĩa lớn thì ta sẽ đem y bát truyền lại cho người đó làm Lục tổ Thiền tông.

Đêm hôm đó, một đệ tử của Ngũ tổ là Thần Tú làm xong bài kệ, định tới dâng lên Ngũ Tổ. Nhưng trong lòng Thần Tú thầm nghĩ, ta làm bài kệ liệu có làm người ta nghĩ mình tham vị trí Lục Tổ không, nó có khác gì với kẻ phàm phu tục tử đâu. Trong khi đang suy nghĩ chưa biết làm thế nào, đột nhiên nghĩ rằng, chi bằng viết bài kệ lên tường của dãy hành lang. Vậy là Thần Tú cầm bút lông viết:

Thân thị bồ đề thụ
Tâm như minh kính đài
Thì thì cần phất thức
Vật sử nhạ trần ai

Tạm dịch:

Thân là cây bồ đề
Tâm như đài gương sáng
Luôn luôn chăm lau dọn
Chớ để bám bụi trần

Bài kệ của Thần Tú ví nhân tâm với cây bồ đề và gương sáng. Con người tu luyện nơi thế gian, nếu muốn duy trì một tâm linh thanh tịnh, cần phải chăm chỉ quét dọn.

Đến sáng, Ngũ Tổ đi qua hành làng, thấy bài kệ của Thần Tú, gật gật đầu và nói với các đệ tử rằng làm theo lời bài kệ này sẽ tránh khỏi rơi vào ác đạo.

Các đệ tử ai nấy đều tấm tắc khen ngợi, đàm luận sôi nổi về bài kệ viết thật hay, mọi người đều tụng thành tiếng lớn. Có một chú tiểu miệng liên tục niệm những câu kệ đó, vừa niệm đi niệm lại vừa quét sân chùa. Đúng lúc đó Huệ Năng đang giã gạo thì nghe được. Huệ Năng vội kéo chú tiểu lại rồi hỏi: “Tiểu sư huynh, không biết vừa rồi đệ đọc là bài kệ của ai viết vậy?”

Chú tiểu nói: “Anh Nam man không biết sao, bài này chỉ có thể là Thượng tọa Thần Tú mới viết ra được. Bài kệ được viết lên tường ở hành lang, Ngũ Tổ cũng nói rằng mỗi người chúng ta tụng đọc bài kệ này và tu thì sẽ không bị rơi và ác đạo. Xem ra người có thể kế thừa y bát của Ngũ Tổ ngoài Thượng tọa Thần Tú ra thì không có ai khác”.

Huệ Năng nghe vậy bèn nói với chú tiểu: “Tiểu sư huynh, tôi đã ở đây giã gạo hơn 8 tháng rồi, mà chưa đi tới trước điện đường, phiền anh có thể đưa tôi tới đó để bái bài kệ được không?”.

Chú tiểu vui vẻ đáp lời: “Được, chúng ta đi thôi”.

Hai người họ cùng đi tới hành lang điện đường. Đúng lúc đó cũng có một vị quan tới lễ Phật và đang đọc bài kệ.

Trong tâm Huệ Năng lúc này cũng có một bài kệ nhưng khổ nỗi không biết chữ, liền nói với vị quan rằng: “Tiểu tăng cũng có một bài kệ, có thể phiền đại nhân thay tiểu tăng viết lên tường được không?”

“Ô, ngươi cũng có bài kệ sao?” - Viên quan hỏi tỏ ý coi thường

Huệ Năng nói: “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính. Trong hạ nhân cũng có thể có kẻ thượng trí, và thượng nhân cũng có thể không có trí huệ”

Viên quan nghe vậy thì không dám trễ nải, đồng ý viết giúp. Liền sau đó chỉ nghe Huệ Năng đọc bài kệ rằng:

Bồ đề bản vô thụ
Minh kính diệc phi đài
Bản lai vô nhất vật
Hà xứ nhạ trần ai

Tạm dịch:

Bồ đề chẳng có cây
Gương sáng chẳng có đài
Bản lai không hết thảy
Nơi nào bụi trần ai

Lúc đó các đệ tử của Ngũ tổ cũng chạy qua bàn luận. Nhóm thì nói bài kệ Thần Tú viết tốt, nhóm thì nói bài của Huệ Năng viết hay, mới tới vài tháng mà Huệ Năng đã có thể viết được bài kệ tốt như thế, ngộ tính thật là tốt. Hai nhóm cứ tranh luận mãi không bên nào chịu bên nào.

Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đại sư nghe thấy bên ngoài ồn ào, bèn ra ngoài xem bài kệ viết trên tường, nói bài kệ này vẫn chưa kiến tính (chưa thấy được bản tính nguyên lai, tức Phật tính). Nói rồi, Ngũ tổ tháo giày ra và xóa bài kệ của Huệ Năng trên tường. Khi đó những chúng tăng khen ngợi bài kệ của Huệ Năng nhìn nhau kinh ngạc, không nói nên lời.

Ngày hôm sau Ngũ tổ Hoằng Nhẫn đại sư đích thân tới sân sau chùa, thấy Huệ Năng vẫn như mọi khi đang chuyên tâm giã gạo. Ngũ tổ và hỏi gạo đã giã xong chưa. Huệ Năng thấy sư phụ đích thân tới, vội vàng song thủ hợp thập và đáp lời sư phụ: “Gạo đã giã xong từ lâu rồi, chỉ cần sàng một lượt là được rồi”.

Huệ Năng không ngờ lần này Ngũ tổ lại nhàn rỗi trò chuyện với mình. Hai người cứ một người hỏi một người trả lời một lúc lâu. Trước khi rời đi, Ngũ tổ Hoằng Nhẫn dùng cây tích trượng gõ vào cối giã gạo của Huệ Năng 3 tiếng. Huệ Năng lập tức hiểu ra ý của sư phụ, đợi tới canh ba lặng lẽ tới bái kiến Ngũ tổ. Ngũ tổ lập tức dùng áo ca sa che chỗ hở trên cửa sổ rồi mới bắt đầu giảng giải cho Huệ Năng về chứng ngộ của mình đối với “King Kim Cương Bát Nhã Ba La Mật”.

Chân dung Lục tổ Huệ Năng thờ ở chùa Hoa Nam
Chân dung Lục tổ Huệ Năng thờ ở chùa Hoa Nam - Quảng Đông (Phạm vi công cộng)

Ngũ tổ nói với Huệ Năng rằng, người học Pháp không biết bản tính thì đi sai phương hướng như cá leo cây, nhưng nếu nhìn ra bản tính của bản thân, thì hoàn toàn khác, thì đó là bậc thầy của cả Thiên thượng và chốn nhân gian, cũng sẽ không khác gì Phật vậy. Ngũ tổ đem tất cả Pháp đốn ngộ Thiền Tông đã chứng ngộ được dốc lòng truyền thụ lại cho Huệ Năng, đồng thời lấy ra y bát mà các Tổ sư đã truyền thừa các đời, rồi giao lại cho Huệ Năng và nói: “Từ giờ con chính là Lục tổ Thiền Tông, mong con giữ vững Phật Pháp chính niệm, cứu giúp chúng sinh, hoằng dương Phật Pháp”.

Minh An
Theo SOH



BÀI CHỌN LỌC

Lục tổ Huệ Năng của Thiền tông một chữ không biết, làm thế nào lại trở thành cao tăng nổi tiếng thời đại [Radio]