Đào viên kết nghĩa: Nguồn gốc lai lịch của Lưu, Quan, Trương

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ba vị hảo hán Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi kết nghĩa anh em ở vườn đào, là câu chuyện cảm khái lưu truyền thiên cổ. Trong hồi thứ nhất của “Tam quốc diễn nghĩa” có miêu tả chi tiết đoạn văn nổi tiếng này. Chúng ta thông qua nguyên văn để tìm hiểu tình cảnh khi ấy.

Trong sách nói Lưu Bị là hậu duệ của Trung Sơn Tĩnh Vương Lưu Thắng. Lưu Thắng có một người con trai tên Lưu Trinh, bị tước bỏ vương vị, đời sau lưu lạc ở quận Trác. Tới thời Lưu Hoằng là phụ thân Lưu Bị đã ‘từng được đề cử Hiếu liêm, làm quan lại’, nhưng bị bệnh sớm qua đời, để lại mẹ con Lưu Bị cô quả nương nhau sống qua ngày.

Lưu Bị là người con chí hiếu, ‘nhà nghèo, lấy buôn giày cỏ, dệt chiếu để mưu sinh’. Nhưng Lưu Bị có đi học, ‘có học thầy Trịnh Huyền, Lư Thực, làm bạn với Công Tôn Toản’. Lúc kết nghĩa vườn đào, Lưu Bị mang gia cảnh kể thực tình cho Quan Vũ, Trương Phi, phần sau có ấn chứng. Thầy dạy Lưu Bị là Lư Thực, bạn học là Công Tôn Toản đúng như lời kể của Lưu Bị.

Khi Quan Vũ tự giới thiệu về mình với Lưu Bị và Trương Phi, nói ‘là người Giải Lương Hà Đông’. Sau do cường hào ỷ mạnh hiếp yếu, ‘nên bị tôi giết, trốn chạy lưu lạc giang hồ 5, 6 năm rồi’, là tội phạm đang lẩn trốn.

Lưu - Quan - Trương. (Nguồn the news)

Đoạn Quan Vũ tự giới thiệu về mình cũng có đối chứng ở phần sau. Chắc mọi người còn nhớ, lúc Quan Vũ cưỡi ngựa đi ngàn dặm, qua Tỷ Thủy quan, ở chùa Trấn Quốc gặp một người đồng hương, là tăng nhân Phổ Tịnh, ‘nhà bần tăng và nhà tướng quân chỉ cách nhau con sông’. Đây thấy rõ lời Quan Vũ là trung thực đáng tin.

Trương Phi tự giới thiệu chi tiết: ‘sống ở quận Trác, có nhiều vườn ruộng, bán rượu mổ lợn, thích kết giao hào kiệt trong thiên hạ’, ông còn nói ‘nhà có tiền tài’, nguyện ý phó xuất để chiêu mộ anh hào, lập lực lượng, cùng mưu đại nghiệp.

Đoạn văn sau nói, sau khi kết nghĩa, ‘tụ tập dũng sĩ quanh vùng, được hơn ba trăm người’, vừa lúc có hai vị thương gia người Trung Sơn đi qua vườn đào, ba vị mời vào, kể lại câu chuyện, thương nhân quyên tặng ba anh em ‘năm mươi con ngựa tốt’ cùng ‘vàng bạc năm trăm lượng, thép tốt một ngàn cân’.

Qua nội dung trên có thể thấy, nhà Trương Phi xác thực là giàu có, có danh vọng nhất định, nên đã tụ tập được hơn ba trăm trai tráng trong vùng, quả thực xuất sắc. Nhà Trường Phi ‘phía sau có vườn đào’, khi ba anh em lập thề kết nghĩa còn ‘dùng bò đen ngựa trắng làm lễ tế’, rất long trọng.

Nhưng Trương Phi nói nhà ông là nhà giàu ‘bán rượu giết lợn, thích kết giao thiên hạ hào kiệt’, câu này e không chính xác, ông mở quán rượu, bán thịt, bạn hữu rất nhiều, nhưng rất nhiều tình tiết sau này lại chẳng có lấy một người quen. Tình cảnh quả thực vậy, Lưu Bị có thầy dạy và đồng môn, Quan Vũ cũng có gặp đồng hương, chỉ có Trương Phi là chưa gặp qua một người bạn cũ.

Thật lạ, Trương Phi nói ‘thích kết giao thiên hạ hào kiệt’, lại còn thường xưng ‘Trương Dực Đức người nước Yên’, nhưng trên thực tế không người nào biết ông. Chúng ta không thể không hoài nghi về tình huống chân thực của ông là thế nào? Chúng ta cùng xem các tình huống khác của Trương Phi.

Binh khí của Trương Phi có phần kỳ quái, là ‘trượng bát xà mâu’, đây chỉ là binh khí của sĩ tốt trong quân ngũ. Lưu Bị dùng kiếm thì không lạ, vì phàm là người học võ đều sử dụng loại binh khí cơ bản này. Quan Vũ dùng đại đao thì cũng là chuyện thường, có rất nhiều võ tướng sử dụng đại đao. Nhưng cả thời Tam Quốc, dùng Xà mâu thì chỉ có Trương Phi, dùng ‘trượng bát xà mâu’, một người là Trình Phổ dùng ‘thiết tích xà mâu’, thế nên họ tuyệt đối không phải là do võ sư bình thường dạy võ nghệ.

Lưu - Quan - Truong. (Nguồn the news)

Trừ binh khí ra, chúng ta hãy xem phong cách chiến đấu của Trương Phi, ông thuộc mẫu hình mãnh tướng bạo dũng, đánh trận dám lấy mạng đổi mạng, không màng sinh tử, đây là chỗ khác biệt lớn so với các võ tướng thông thường.

Lại cùng nhìn tính cách Trương Phi, ngôn ngữ của ông có phần thô lỗ, lâm trận gặp địch, mở miệng là mắng chửi sỉ nhục nhân cách người ta, lại còn thích uống rượu, thường mắng chửi thuộc hạ, thượng cẳng chân hạ cẳng tay. Đây minh chứng cho sự thiếu tu dưỡng cần có, đồng thời chưa được văn sĩ, thầy dạy giáo dục.

Phong cách hành xử của Trương Phi cũng có phần kỳ quái, qua mấy sự việc sau:

Lã Bố tập kích ban đêm đoạt Từ Châu xong, Trương Phi hận lắm, dẫn đám thuộc hạ ‘giả làm cướp’, cướp đi ba trăm ngựa tốt của Lã Bố để bên ngoài;

Tào Tháo xuất binh đánh Từ Châu, Trường Phi cùng Lưu Bị nửa đêm đánh cướp doanh trại nhưng thất bại. Trương Phi đột phá trùng vây, chạy đến vùng hoang dã Đãng Sơn làm giặc cướp.

Chúng ta còn phát hiện, Trương Phi đánh trận rất thích cướp bóc, những trận chiến có liên quan ‘cướp bóc’, ông ta đều ra tay mạnh mẽ.

Qua những dấu vết trên, chúng ta không khó để đoán ra Trương Phi thực ra xuất thân là giặc cướp, sống vùng Yên Sơn.

Cái ông gọi là ‘thập bát kỵ yên tướng’ (18 vị tướng kỵ binh nước Yên), thực ra là đám lâu la cùng ông chiếm núi lập trại mà thôi. Ông nhiều năm làm cướp ở đất Yên, cướp bóc khách vãng lai, tích cóp được lượng lớn tài phú. Sau này hình thế biến đổi, Trương Phi ý thức được đây không phải là kế lâu dài, nên lập tức bỏ nghề, rửa tay gác kiếm, mua đất lập điền trang ở Trác quận, mở quán rượu, xưởng thịt, trở thành người kinh doanh hợp pháp.

Khi thiên hạ có biến, bốn bề khói lửa, Trương Phi cũng nhạy bén nhận ra ngay cơ hội, kết giao với Lưu Bị, Quan Vũ, dựa vào triều đình, mở ra bước ngoặt lớn trong đời.

Từ giặc cướp thành địa chủ phú hộ, thành ông chủ kinh doanh hợp pháp, rồi thành tướng quân hùng cứ một phương. Nghe như khó có thể nghĩ bàn, nhưng thực tế, cho dù vào thời xưa hay ngày nay, đều có người như vậy, ngẫm ra cũng là kẻ có gan có chí.

Thái Bình
Theo The News



BÀI CHỌN LỌC

Đào viên kết nghĩa: Nguồn gốc lai lịch của Lưu, Quan, Trương