Ly kỳ: Trung thần bị giết oan, anh hùng bị bức mệnh, chốn âm gian xử án ra sao? (Kỳ 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chiến tranh Hán-Sở kết thúc, giang sơn đã về tay nhà Hán, thiên hạ lại được hưởng thái bình. Nhưng trang sử ấy cũng để lại một mối hận ngàn thu: Trung thần bị giết oan, anh hùng bị bức mệnh. Ân ân oán oán nối nhau, trở thành bản án bi thương nhất trong lịch sử...

Cùng với vòng xoay của bánh xe lịch sử như một thiên anh hùng ca đầy âm vang và bi tráng, cuộc chiến “Hán-Sở tranh hùng” đã khép lại, nhưng bản án oan của cuộc chiến Hán-Sở vẫn còn đó, khiến đất trời thương tâm, thiên địa nhỏ lệ, ngay cả các vị phán quan dưới địa phủ cũng không sao phân xử được. Thật may mắn thay, khi ấy có một cao nhân đã xuất hiện để thẩm án, khiến quỷ Thần bội phục. Đó chính là vị cao nhân được khắc họa qua câu chuyện “Náo âm ty Tư Mã Mạo đoạn ngục”, trong tác phẩm “Dụ thế minh ngôn của Phùng Mộng Long”... thực hư câu chuyện này ra sao?

Truyện kể rằng…

Thời Hán Linh Đế, ở quận Thục vùng Ích Châu có một nho sinh tên là Tư Mã Mạo, tự Trọng Tương. Từ nhỏ Trọng Tương đã tỏ ra là cậu bé có thiên tư thông tuệ, 8 tuổi đã nổi tiếng là thần đồng, được quan phủ tiến cử lên kinh thành ứng thí.

Nhưng cậu bé Trọng Tương vì vô tình mạo phạm tới các quan khảo thí mà bị đánh rớt, đành phải trở về quê nhà. Về nhà, Trọng Tương đóng cửa cả ngày ở trong phòng đọc sách Thánh hiền, tu đức luyện tài, hy vọng sẽ lại có ngày làm rạng danh tiên tổ. Chẳng bao lâu sau phụ mẫu qua đời, cậu bèn cất một cái lều nhỏ ở kế bên mộ phần của cha mẹ để cư tang thủ hiếu suốt 6 năm tròn.

Phần vì nhớ thương cha mẹ, phần lại vì cám cảnh nỗi học tài thi phận, không thể đem sở học sở tài ra thi thố, nên Trọng Tương thường ủ rũ phiền não. Lúc ấy nạn mua quan bán tước đã trở nên phổ biến, người có quyền cậy quyền, kẻ có thế cậy thế, còn kẻ không quyền không thế cũng tìm cách lo lót chạy chọt để có được một chỗ đứng trong quan trường, khiến những bậc học sĩ chân chính chán nản buông xuôi, phó mặc cho số phận.

Thời gian cứ thế trôi qua, chớp mắt cậu bé Trọng Tương ngày nào giờ đã gần 50, vẫn chỉ là một tú tài xoàng xĩnh. Hôm ấy, dưới ánh đèn dầu leo lét, Trọng Tương nhấp một ngụm rượu rồi cám cảnh viết bài “Oán từ” để giãi bày nỗi lòng. Bài thơ viết xong, ông đứng dậy đi đi lại lại, miệng lẩm nhẩm từng câu từng chữ, càng đọc lại càng thấy trong lòng thêm ưu tư buồn bã. Ông bèn châm lửa đốt đi, vừa đốt vừa than rằng:

“Ông Trời ơi là ông Trời! Sao ông lại thờ ơ mặc kệ trước thói đời đen bạc? Tôi Tư Mã Mạo, tự hào rằng bản thân mình cả đời thanh liêm chính trực, chưa từng làm bất kỳ điều gì phải hổ thẹn với lòng, vậy sao cứ phải long đong lận đận như thế? Nếu tôi là Diêm Vương, thì sẽ không để xảy ra nỗi bất bình nào trên thế gian này”.

Nói xong, ông gục đầu xuống bàn mà khóc, rồi thiếp đi tự lúc nào không hay.

Bất chợt từ đâu xuất hiện môt đám quỷ sai nha, mặt xanh nanh trắng, tướng mạo hung dữ vô cùng. Chúng hầm hầm kéo đến hét vào mặt Trọng Tương: “Ngươi chỉ là một tên tú tài quèn, sao dám cả gan oán trời trách đất, phỉ báng Diêm Vương? Hôm nay chúng ta sẽ lôi ngươi xuống Diêm La điện, xem ngươi còn lời nào than vãn nữa không?”.

Vừa dứt lời, cả đám quỷ tên nào tên nấy sừng sộ sấn tới, con thì kéo tay, con thì lôi chân, con lại quấn dây xích sắt quanh cổ ông. Trọng Tương kêu lên một tiếng thất thanh, nhận ra mình vừa tỉnh ngủ, đó quả thật là một giấc mộng dài!

Trọng Tương sờ tay lên trán thấy mồ hôi túa ra như tắm. Ông bèn gọi vợ pha cho mình một tách trà nóng. Nhưng trà vừa bưng đến thì vợ ông - bà Uông thị, đã thấy chồng mình gục xuống bàn nằm mê man bất tỉnh. Đoán rằng chồng trúng gió độc, bà bèn dìu ông lên giường nằm nghỉ, rồi thức cả đêm trông giấc ngủ cho ông.

Thì ra sau khi viết bài “Oán từ”, Trọng Tương lại đốt nó dưới ngọn đèn dầu rồi than vãn, vừa hay lúc ấy Du Thần đi ngang qua biết được, bèn bẩm báo lên Ngọc Đế. Ngọc Đế thấy lời lẽ phạm thượng đã đùng đùng nổi giận, nhất quyết phải trừng phạt kẻ hạ trần mắt thịt to gan lớn mật này.

Ngọc Đế nói: “Thật là cuồng vọng! Hắn ta làm Diêm Vương là có thể sửa đổi mọi sai lầm trên thế gian sao? Những bản án nơi âm ty chất cao như núi, thập điện Diêm Vương ứng phó còn không xuể, chỉ một mình hắn ta có thể làm được chăng?”.

Thái Bạch Kim Tinh thương xót, bèn nói: “Muôn tâu đại đế, chi bằng bắt Tư Mã Mạo xuống âm ty, yêu cầu hắn phải thay Diêm Vương phân xử một vài vụ án oan khiên éo le nhất hiện đang tồn đọng chưa thể giải khai, nội trong 6 giờ phải hoàn tất. Nếu xét xử công minh thì kiếp sau sẽ được hưởng đại phú đại quý, còn bằng như không thì sẽ phải đả nhập địa ngục mà chịu tội”...

Qua Quỷ Môn quan, xuống Diêm La điện

Vậy là Trọng Tương theo đám quỷ sai xuống Diêm La điện, được hoán đổi quan phục với Diêm Vương, rồi lại ngồi trên công đường thẩm phán bốn vụ án oan đã tích tụ hơn 300 năm nơi địa phủ và từng khiến Diêm Vương phủ nhức nhối. Bốn vụ án đó là:

Vụ án thứ nhất: Giết oan trung thần
– Nguyên cáo: Hàn Tín, Bành Việt, Anh Bố
– Bị cáo: Lưu Bang, Lã Hậu

Vụ án thứ hai: Lấy oán trả ơn, vong ân phụ nghĩa
– Nguyên cáo: Đinh Công
– Bị cáo: Lưu Bang

Vụ án thứ ba: Chuyên quyền đoạt vị
– Nguyên cáo: Thích thị
– Bị cáo: Lã Hậu

Vụ án thứ tư: Thừa nguy bức mệnh

– Nguyên cáo: Hạng Vũ

– Bị cáo: Vương Ế, Dương Hi, Hạ Quảng, Lữ Mã Đồng, Lữ Đằng, Dương Vũ

Tư Mã Mạo thẩm án oan sai

Đầu tiên, Tư Mã Mạo [tức Trọng Tương] gọi Hàn Tín đến thẩm vấn.

Hàn Tín nói: “Tôi đã vì Hán Tổ mà lập 10 đại công lao, ai cũng biết rằng sau khi Hán Tổ có được thiên hạ, không những không hề nhớ tới công lao trước đây mà còn phế bỏ tước vị, đoạt binh quyền của tôi. Lã Hậu lại cùng với Tiêu Hà định kế lừa tôi đến Trường Lạc Cung, rồi vu cáo tôi làm phản. Tôi tự thấy mình vô tội mà phải nhận lấy kết cục thê thảm, phải mang nỗi oan khuất ấy hơn 300 năm ròng, kính mong Diêm Vương minh xét”.

Trọng Tương nói: “Ngài vốn là nguyên soái thống lĩnh vạn quân, chẳng lẽ không có ai giúp đỡ ngài hay sao?”.

Hàn Tín nói: “Trước đây tôi từng có một vị quân sư tên là Khoái Thông. Còn một người nữa là Tiêu Hà, từng tiến cử tôi làm làm tướng soái, sau lại bày mưu hại tôi”.

Tranh vẽ Hàn Tín (Ảnh: Wikimedia)

Trọng Tương hỏi Khoái Thông: “Có phải ông có thủy mà không có chung, đã không làm tròn chức vụ quân sư, thấy Hàn Tín gặp nạn mà không cứu hay không?”.

Khoái Thông nói: “Không phải là tôi hữu thủy vô chung, mà là Hàn Tín không nghe lời tôi khuyên giải, thì tôi biết làm sao được? Ban đầu tôi khuyên ông ta phản Hán, lấy làm hòa với Sở, chia ba thiên hạ. Hàn Tín không theo thì thôi, lại còn trách tôi đã xúi giục mưu phản”.

Trọng Tương quay sang Hàn Tín, hỏi: “Vì sao ông không nghe lời Khoái Thông?”.

Hàn Tín nói: “Có một vị tiên sinh toán mệnh tên là Hứa Phục, từng khẳng định rằng tôi sống thọ 72 tuổi, công danh viên mãn, vì thế tôi không có lòng phản Hán. Ai ngờ rằng tôi lại sớm lìa đời, chỉ được hưởng dương 32 tuổi”.

Trọng Tương lại gọi Hứa Phục đến thẩm án: “Hàn Tín chỉ thọ 32 tuổi, thế sao ngươi lại nói ông ta thọ 72 tuổi? Ngươi là thuật sĩ mà chỉ mưu tính lừa tiền của người, suốt đời mê hoặc thế nhân, thật là đáng giận!”.

Hứa Phục run lập cập nói: “Bẩm Diêm Vương phủ, trong số mệnh, Hàn Tín đáng lẽ sống thọ 72 tuổi. Nhưng khi bỏ Sở theo Hán, Hàn Tín có đi lạc đường, gặp người tiều phu nên vô tình để lộ tin tức, Hàn Tín bèn rút gươm giết hại người tiều phu. Về sau trong lúc thập diện mai phục, ông ta lại giết hàng trăm vạn binh Sở nên bị giảm 40 năm tuổi thọ”.

Trọng Tương gật đầu, rồi lại quay sang Tiêu Hà, hỏi: “Tiêu Hà, sao ông vừa tiến cử, lại vừa hại Hàn Tín?”.

Tiêu Hà đáp: “Ban đầu Hàn Tín mong có cơ hội lập thân mà không gặp được minh quân, trong khi đó vua Hán thiếu người cầm quân, nên tôi đã tiến cử ông ấy. Ai ngờ sau này vua Hán thay lòng đổi dạ, đố kỵ Hàn Tín. Hoàng Hậu nương nương muốn khép Hàn Tín vào tội mưu phản, tôi chỉ là kẻ bề tôi, vì sợ hãi uy lệnh của nương nương mà đành vẽ ra kế sách, chứ thực lòng không có tâm làm hại ông ấy”.

Trọng Tương nói: “Được rồi, cho ngươi lui ra”, sau đó gọi Bành Việt và Anh Bố đến thẩm vấn.

Bành Việt nói: “Tôi hữu công vô tội. Lúc ấy lợi dụng Hán Cao Tổ viễn chinh nơi biên thủy, Lã Hậu truyền lệnh gọi tôi vào cung nghị sự. Khi tôi vừa bước vào, cửa cung liền đóng lại. Sau khi mời tôi ba chén rượu, Lã Hậu lại khởi lòng dâm dục, đòi hỏi tôi phải đáp ứng chuyện chăn gối. Tôi kiên quyết không theo, Lã Hậu đại nộ, giết hại rồi lấy thân thể tôi nấu làm nhục tương, nói rằng tôi chết là đáng lắm!”...

Anh Bố cũng thưa: “Giang sơn nhà Hán là do tôi cùng với Hàn Tín và Bành Việt giành được, chúng tôi một lòng phụng sự, hoàn toàn không có tâm làm phản. Một ngày Lã Hậu nương nương sai sứ thần mang đến cho tôi một bình nhục tương, nói là làm từ thịt của Đại Lương vương Bành Việt. Tôi thương bạn, tức giận đem sứ thần ra trảm đầu. Lã Hậu biết được, sai người lấy thủ cấp của tôi. Tôi chết quá oan uổng, mong Diêm Vương minh xét!”.

Trọng Tương nghe các nguyên cáo nói rõ sự tình, trong lòng không khỏi cảm thán: “Xem ra đều là lỗi của Lưu Bang, Lã Hậu. Cái chết của ba kẻ tôi hiền này thật khiến người đời thương xót!”...

- Còn tiếp…

Đường Phong - biên tập và tổng hợp

Nguồn tư liệu: Theo bài viết: “Án oan 300 năm nhức nhối chốn âm gian, qua một giấc mộng lập tức được giải khai”/Tâm Minh/DKN.



BÀI CHỌN LỌC

Ly kỳ: Trung thần bị giết oan, anh hùng bị bức mệnh, chốn âm gian xử án ra sao? (Kỳ 1)