Mai hoa: Hoa, khúc ca và cuộc đời

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nói đến hoa mai, mọi người liền nghĩ đến mai vàng khoe sắc đón xuân sang trong Nam, hay hoa mai trắng bừng nở khắp núi rừng miền Bắc. Mai chí hướng cao xa mà lại đạm bạc ninh tĩnh, hương thơm lưu lại chốn nhân gian. Mai kiên cường khí tiết, không trôi theo dòng chảy xã hội. Mai là loài hoa đầu tiên thức giấc đón mùa xuân về.

Hoa mai xinh đẹp lại kiên trinh, mấy phen mưa gió chẳng vong hình

Hoa mai mỏng manh, thanh tao, nhưng kiên cường bất khuất, ngạo nghễ tuyết hàn, chẳng sợ gió sương, khiến Mãn Giác Thiền Sư bất ngờ thốt lên:

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết
Đêm qua sân trước một nhành mai.

Mai bất khuất không lay chuyển, đem lại nguồn cổ vũ lớn lao cho con người, khiến người trong khốn khổ lập chí vươn lên, khiến cho người trong tuyệt cảnh nhìn thấy hy vọng, khiến những kẻ sĩ hiên ngang như Cao Bá Quát cũng phải cúi đầu bái phục:

Mười năm bôn tẩu tìm cổ kiếm
Cả đời chỉ cúi trước hoa mai

Từ xa xưa, các tao nhân mặc khách đã sùng bái hoa mai, bởi mai có cốt cách thanh cao, hương thơm thanh khiết, màu sắc tinh khiết. Những năm giá lạnh tuyết rơi, dẫu sương tuyết dập vùi, hoa mai vẫn là loài hoa đầu tiên ngạo tuyết hé nở đón xuân về. Tể tướng Bắc Tống Vương An Thạch ca ngợi hoa mai khí tiết rắn rỏi:

Mấy nhành mai góc tường
Vẫn nở ngạo tuyết sương.

Nguyễn Du miêu tả Thúy Kiều, Thúy Vân rằng:

Mai cốt cách tuyết tinh thần
Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.

Mai hoa được các nước Đông Á như Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản yêu thích, từ cổ xưa, mai đã xuất hiện trong các tác phẩm văn thơ, hội họa. Mai còn được dùng trong ẩm thực, thảo dược…

Số phận thăng trầm của khúc ca “Hoa mai” bất hủ

Các nước Á Đông đều đặc biệt yêu thích mai hoa, thậm chí có một vùng đất mà người dân đặc biệt yêu thích hoa mai, coi là quốc hoa, đó chính là Trung Hoa Dân Quốc, tức Đài Loan hiện nay. Bài hát “Mai hoa” của tác giả Lưu Gia Xương được hầu hết mọi người dân Đài Loan hát, coi là bài ca ái quốc. Người đầu tiên thể hiện thành công bài hát này chính là Đệ nhất danh ca châu Á Đặng Lệ Quân. Tết Trung thu năm 1981, khi Đặng Lệ Quân hát tặng các tướng sĩ ca khúc “Mai hoa”, tất cả binh sĩ ở dưới sân khấu cũng như các khách mời, đều đứng lên đồng thanh hát.

Nguyên văn:

梅花梅花滿天下, 愈冷它愈開花.
梅花堅忍象徵我們, 巍巍的大中華.
看啊遍地開了梅花, 有土地就有它.
冰雪風雨它都不怕, 它是我的國花.
看啊遍地開了梅花, 有土地就有它.
冰雪風雨它都不怕, 它是我的國花.
梅花梅花滿天下, 愈冷它愈開花.
梅花堅忍象徵我們, 巍巍的大中華

Pinyin:

Méihuā méihuā mǎn tiānxià, yù lěng tā yù kāihuā.
Méihuā jiānrěn xiàngzhēng wǒmen, wēiwēi de dà zhōnghuá.
Kàn a biàndì kāile méihuā, yǒu tǔdì jiù yǒu tā.
Bīngxuě fēngyǔ tā dōu bùpà, tā shì wǒ de guóhuā.
Kàn a biàndì kāile méihuā, yǒu tǔdì jiù yǒu tā.
Bīngxuě fēngyǔ tā dōu bùpà, tā shì wǒ de guóhuā.
Méihuā méihuā mǎn tiānxià, yù lěng tā yù kāihuā.
Méihuā jiānrěn xiàngzhēng wǒmen, wēiwēi de dà zhōnghuá.

Lời ca được dịch tạm như sau:

Mai hoa mai hoa khắp thiên hạ, càng lạnh càng nở hoa.
Mai hoa kiên cường tượng trưng cho chúng ta, vòi vọi Đại Trung Hoa.
Nhìn xem khắp nơi nở mai hoa, có đất là có mai hoa.
Băng tuyết gió mưa mai chẳng sợ. Đó là quốc hoa của ta.
Nhìn xem khắp nơi nở mai hoa, có đất là có mai hoa.
Băng tuyết gió mưa mai chẳng sợ. Đó là quốc hoa của ta.
Mai hoa mai hoa khắp thiên hạ, càng lạnh càng nở hoa.
Mai hoa kiên cường tượng trưng cho chúng ta, vòi vọi Đại Trung Hoa.

“Mai hoa” đoạt giải ca khúc phim hay nhất ở giải Kim Mã 1976, và được cộng đồng người Hoa trên toàn thế giới đón nhận, bởi giai điệu trữ tình, lời ca đẹp mang cốt cách, và giọng ca ngọt ngào của Đặng Lệ Quân. Danh ca Đặng Lệ Quân cũng rất quen thuộc với người Việt qua các tình khúc như “Thiên ngôn vạn ngữ” (Mùa thu lá bay); “Ánh trăng nói hộ lòng em”; “Ngọt ngào”; “Hãy quên anh ta” (Người yêu dấu)...

Hoa mai hiên ngang trước sương tuyết gió mưa, hương thanh khiết, cánh mỏng manh, là loài hoa đầu tiên đội băng tuyết, khai nở gọi mùa xuân trở về.

Ca khúc “Mai hoa” trữ tình, ngọt ngào, nhưng rắn rỏi kiên cường, nhưng cũng giống mai hoa, ca khúc này cũng trải qua nhiều thăng trầm. Nhạc phẩm này từng bị chính phủ Đài Loan cấm, vì cho rằng nó quá mềm yếu. Mãi đến khi ca khúc “Mai hoa” được Tổng thống Tưởng Kinh Quốc ủng hộ và công khai giới thiệu, thì lệnh cấm mới được gỡ bỏ.

Sau đó, ca khúc “Mai hoa” còn được cải biên thành “Hành khúc Mai hoa” (Mai hoa tiến hành khúc), lời ca giữ nguyên nhưng nhịp điệu nhanh, mạnh mẽ, và được lưu truyền đến ngày nay, song song với phiên bản mà ca sĩ Đặng Lệ Quân thể hiện.

Tuy nhiên, ‘kiếp nạn’ của ca khúc “Mai hoa” vẫn chưa hết. Năm 2017, sau khi sáng tác ca khúc này được 40 năm thì tác giả gốc Lưu Gia Xương cho rằng, Đảng Dân Tiến đã hoàn toàn nắm quyền, nên không còn Trung Hoa Dân Quốc nữa. Vì vậy, ông đã sửa một chữ “quốc” thành chữ “mai”, nên câu “Đó là quốc hoa của ta”, bị sửa thành “Đó là mai hoa của ta”.

Lý do sửa lời được tác giả đưa ra như trên, nhưng dường như thiếu tính thuyết phục, có lẽ có những lý do khó nói ở đằng sau. Một bài hát được mọi người yêu thích, khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, cùng ý chí quật cường chống cường quyền ức hiếp, không có lý do gì lại thay đổi câu từ, hơn nữa, lại khiến bài ca mất đi ý nghĩa thiêng liêng - quốc hoa.

Ca khúc “Mai hoa” bị tác giả gốc sửa lại này được Phí Ngọc Thanh, nam ca sĩ nổi tiếng với giọng ca tròn đầy, trong trẻo, ấm vang, trình diễn năm 2017.

Danh ca Phí Ngọc Thanh cũng là ca sĩ khá quen thuộc với người Việt, trong số các khúc mà anh trình diễn, thì có lẽ nổi tiếng nhất là ca khúc “Ngoài ngàn dặm” (Thiên lý chi ngoại, Far away) do anh và Châu Kiệt Luân (Jay Chou) song ca.

Tuy nhiên, ca khúc “Mai hoa” phiên bản Đặng Lệ Quân đến thời điểm đó vẫn được nhiều người yêu thích hơn cả.

Khúc “mai hoa” được thể hiện bởi các nghệ sĩ Shen Yun có gì khác biệt?

Năm 2017, ca khúc “Mai hoa” được biên soạn lại cho ca sĩ giọng nữ cao Cảnh Hạo Lam, sử dụng nghệ thuật hát opera giọng Bel canto cổ điển đã thất truyền, cùng nhạc đệm của Dàn nhạc Giao hưởng Shen Yun, đã gây tiếng vang lớn trong các khán phòng của các nhà hát cao cấp trên toàn thế giới.

Xưa kia ở cả phương Đông và phương Tây, kỹ thuật hát ca kịch truyền thống là bel canto, được cho là tạo ra giọng hát trong trẻo và đẹp nhất. Đây là kỹ thuật hát opera ở Italy thời Phục Hưng, tuy nhiên, kỹ thuật bel canto truyền thống này đã bị thất truyền. Những năm gần đây, các ca sĩ của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun đã tái hiện kỹ thuật cổ điển và truyền thống này, đưa nó trở lại sân khấu hiện đại.

Anh Zabdiel De Jesus, một trong năm ca sĩ chính của ban nhạc nam Latinh nổi tiếng CNCO ở Miami, Mỹ, đã xem buổi biểu diễn đầu tiên của Shen Yun ngày 28 tháng 12 năm 2022. Anh đã có ấn tượng sâu sắc đối với ca sĩ giọng nữ cao của Shen Yun: "Cô ấy hát cực kỳ hay, hay đến lạ thường, giọng hát tròn trịa mềm mại và mỹ lệ. Giọng hát của cô ấy hay đến mức tôi không thể tin đó là sự thật".

Ông Tanabe Naoki, Chủ tịch Công ty Bất động sản Nhật, cho biết sau khi xem Shen Yun vào ngày 3/1/2023. Ông cảm nhận được thông điệp phi thường từ giọng hát của ca sĩ giọng nữ cao: "Đó là lần đầu tiên tôi nghe thấy chất giọng độc đáo của một giọng nữ cao, và tôi đã rất chấn động. Giọng hát rất hay và mạnh mẽ, khiến tôi ấn tượng sâu sắc."

Ca sĩ kiêm nhạc sĩ kiêm giáo viên thanh nhạc Đan Mạch - cô Laura Leunbach, đã xem Shen Yun vào ngày 6/3/2023, cô đặc biệt ấn tượng với giọng nữ cao Shen Yun: "Đặc biệt là ca sĩ giọng nữ cao, giọng hát của cô ấy tuyệt vời không thể tả. Cách cô ấy hát giống như đến từ Thiên đường. Cô ấy có thể đạt đến âm vực cao như vậy, âm vực rộng như vậy, thật tuyệt vời!".

“Có quá nhiều điều trong giọng hát của cô ấy, tôi cảm thấy giọng hát của cô ấy như kể một câu chuyện, cô ấy đặt cả trái tim và tâm hồn vào bài hát. Cô ấy truyền tải ý nghĩa của bài hát đến khán giả, đó là lời kêu gọi trở về với truyền thống cổ xưa. Có một thông điệp thần thánh trong bài hát này khiến tôi xúc động sâu sắc.”

Ca khúc “Mai hoa” được giọng opera Bel canto nữ cao Cảnh Hạo Lam thể hiện, có sức xuyên thấu và tràn đầy năng lượng, đi thẳng đến tâm hồn, khiến người nghe xúc động sâu sắc.

Giọng ca nữ cao Cảnh Hạo Lam chia sẻ bí quyết thành công của chị: “Để đạt tới cảnh giới cao, tôi nghĩ rằng tu dưỡng đạo đức đóng một vai trò trọng yếu. Nếu ở ngoài đời bạn tự phụ kiêu căng, thì bạn sẽ không thể thể hiện được điều gì chân thành trên sân khấu. Khi tiếng hát và cảm xúc của bạn xuất ra là thuần tịnh, thì bài hát của bạn sẽ có thể thực sự khiến khán giả cảm động”.

Thành công của Cảnh Hạo Lam cũng như ca khúc “Mai hoa” mà cô trình diễn, cũng hàm chứa giá trị tinh thần của hoa mai, loài hoa trải qua bao gió sương tuyết hàn, mưa gió dập vùi, vẫn giữ vững khí tiết, giữ lòng tinh khiết, mới có thể dâng hương thơm cao nhã cho cuộc đời, và gọi mùa xuân trở về.

Hoàng Mai

Nguồn tham khảo: NTDVN, Shen Yun



BÀI CHỌN LỌC

Mai hoa: Hoa, khúc ca và cuộc đời