Mạn đàm chữ nghĩa trong truyện Kiều (P-2): Hồng nhan bạc mệnh hay Trời đánh ghen?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Truyện Kiều là một kiệt tác văn học không những của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Học giả Đào Duy Anh đánh giá: “Trong lịch sử ngôn ngữ và lịch sử văn học Việt Nam, nếu Nguyễn Trãi với Quốc âm thi tập là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học dân tộc thì Nguyễn Du với Truyện Kiều lại là người đặt nền móng cho ngôn ngữ văn học hiện đại nước ta”.

Hơn 200 năm qua Truyện Kiều đã đi sâu vào đời sống tâm hồn người Việt, là đề tài bất tận cho các môn nghệ thuật như âm nhạc, hội họa, điện ảnh, ca kịch, thư pháp... Ngoài ra Truyện Kiều còn tạo ra các thú chơi, thuật như lảy Kiều, trò Kiều, tranh Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều... Đúng như học giả Phạm Quỳnh nói: "Truyện Kiều còn, tiếng ta còn ; tiếng ta còn, nước ta còn!"

Truyện Kiều có sử dụng rất nhiều từ ngữ, điển tích xưa, chứa đựng nội hàm cực kỳ phong phú và sâu sắc khiến độc giả có thể nhận thức ở nhiều cấp độ khác nhau. Vì vậy, với mục "Ngôn ngữ văn học", chúng tôi cũng chỉ dám đưa ra một vài luận giải dựa trên quan điểm cá nhân về chữ nghĩa trong Truyện Kiều, có thể chưa phải là nhận thức cuối cùng, mong nhận được những góp ý của độc giả gần xa cho rộng đường bàn luận.

Câu 5-8:

5 Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình có lục còn truyền sử xanh.

Bỉ sắc tư phong (1): Cụm từ này có nghĩa là cái kia (bỉ) ít (sắc) thì cái này (tư) nhiều (phong). Thành ngữ gồm 4 chữ Hán này nhưng lại là thành ngữ của người Việt, do cụ Nguyễn Du sáng tạo ra. Sau này người Trung Quốc dịch Kiều sang tiếng Trung thì họ dịch câu "Lạ gì bỉ sắc tư phong" là "Bỉ sắc tư phong, nguyên vô túc dị", nghĩa là bỉ sắc tư phong vốn không lạ gì.

Trong tiếng Việt hiện nay vẫn còn dùng chữ "Bỉ" (彼) trong từ "Bỉ ngạn" như "truyền thuyết hoa bỉ ngạn". Bỉ ngạn là bờ bên kia. Ví dụ nói Phật Thích Ca Mâu Ni độ nhân đến "bờ bên kia của niết bàn" thì cũng có thể nói, đến "niết bàn bỉ ngạn".

Còn chữ phong (豐) vẫn được dùng trong tiếng Việt ngày nay với nghĩa nhiều, đầy đủ như "phong phú" (dồi dào), hoặc nghĩa to lớn như "phong công vĩ nghiệp" (công lao to lớn, sự nghiệp vĩ đại).

Người ta chẳng ai được hết và cũng chẳng ai mất hết, “nhân vô thập toàn”.
Người ta chẳng ai được hết và cũng chẳng ai mất hết, “nhân vô thập toàn”. (Ảnh: Pexels).

Như vậy thì “bỉ sắc tư phong” có hàm nghĩa “được mặt này thì mất mặt nọ”, đó là đạo lý của vạn vật hiện tượng, đúng cho cả con người nữa. Người ta chẳng ai được hết và cũng chẳng ai mất hết, “nhân vô thập toàn”. Ý tứ này tiếp tục được khai triển trong câu thơ tiếp theo. Đó là:

Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen: Câu này cũng có thể coi là sáng tạo độc đáo của cụ Nguyễn Du. Trong các văn thơ cổ thì thường nói "Hồng nhan bạc mệnh" (2), và cũng trở thành câu thành ngữ Hán Việt.

Trong bài thơ Phận hồng nhan có mong manh của Cao Bá Quát viết:

Tự cổ hồng nhan đa bạc mệnh,
Buồn cho ai mà lại tiếc cho ai.

Còn bài Bạc mệnh giai nhân của Tô Thức (Tô Đông Pha) có câu:

Tự cổ giai nhân đa mệnh bạc,
Bế môn xuân tận dương hoa lạc.

Tạm dịch:

Xưa nay giai nhân thường mệnh bạc,
Cửa kín xuân tàn hoa rụng rơi.

Trong Hồng Lâu Mộng cũng có câu thơ rằng:

Tuyệt diễm kinh nhân xuất Hán cung,
Hồng nhan mệnh bạc cổ kim đồng.

Dịch thơ (chưa rõ tác giả):

Người tiên ra khỏi Hán cung,
Mỏng manh là kiếp má hồng xưa nay.

Tại sao hồng nhan lại bạc mệnh? Tại sao "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen"? Người phụ nữ đẹp được người người ái mộ, chúa dấu vua yêu, anh hùng tài tử tìm đến, như vậy phải là người phụ nữ sung sướng hạnh phúc nhất mới phải.

Người phụ nữ đẹp được rất nhiều, sắc đẹp, được mọi người yêu quý, ái mộ, được anh hùng tài tử, phú quý quý tộc, vua chúa yêu dấu, chăm sóc, thế thì họ phải mất, cuộc đời họ sẽ gặp nhiều gian nan, truân chuyên,
Người phụ nữ đẹp được sắc đẹp, được yêu quý, ái mộ, được yêu dấu, chăm sóc, thế thì họ phải mất, cuộc đời họ sẽ gặp nhiều gian nan, truân chuyên... (Ảnh: Shutterstock).

Đó là lý của con người, còn cái lý cao hơn khống chế tất cả, đó là quy luật tự nhiên, quy luật vũ trụ, hay nói theo cách người xưa là Đạo Trời. Chương Thiên Đạo sách Đạo Đức Kinh có viết: "Đạo Trời như dương cung. Cao thì ép xuống, thấp thì nâng lên. Thừa thì bớt đi, không đủ thì bù vào. Đạo Trời bớt dư bù thiếu".

Thế nên "Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen" là Nguyễn Du đã dùng tình cảm con người, nhân cách hóa để nói về Đạo Trời: "được thì phải mất". Người phụ nữ đẹp được rất nhiều, sắc đẹp, được mọi người yêu quý, ái mộ, được anh hùng tài tử, phú quý quý tộc, vua chúa yêu dấu, chăm sóc, thế thì họ phải mất, cuộc đời họ sẽ gặp nhiều gian nan, truân chuyên, giống như Chinh Phụ Ngâm đã viết:

Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên.
Xanh kia thăm thẳm tầng trên,
Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?

Cảo thơm: Cảo nghĩa là bản thảo, bản chép tay. Cảo thơm là bản thảo hay. Từ này đã giải thích rõ Nguyễn Du đọc bản chép tay tiểu thuyết chương hồi Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân đời Minh, từ đó cảm hứng sáng tác lên Truyện Kiều. Qua nhiều lần in ấn Truyện Kiều đã xuất hiện với những tên như Đoạn Trường Tân Thanh, Kim Vân Kiều Tân Truyện, Kim Vân Kiều Tân Tập. Hiện nay thường giải nghĩa "cảo thơm" là pho sách thơm. Nếu là pho sách thì có lẽ cụ Nguyễn Du đã dùng ngay từ sách hoặc, thư, tịch, truyện chứ không dùng từ "cảo", mà tiếng Việt đọc chệch sang thành thảo, bản thảo.

Phong tình có lục: Bản chữ Nôm 1870 và các bản chữ Quốc ngữ dùng chữ Cổ () trong cụm từ "phong tình cổ lục" còn các bản chữ Nôm 1866, 1871, 1872 và 1902 đề dùng chữ Có (). Tất nhiên 2 chữ khác nhau thì cả cụm từ cũng có nghĩa khác nhau.

Từ "Phong tình" (3) có nhiều nghĩa, ở câu thơ này có nghĩa là tình yêu nam nữ. Lý Dục, vị hoàng đế cuối cùng triều Nam Đường có viết bài thơ "Liễu chi" trong đó có câu:

Phong tình tiệm lão kiến xuân tu,
Đáo xứ phương hồn cảm cựu du.

Tạm dịch:

Già thấy phong tình xuân xấu hổ
Hồn thơm khắp chốn vẫn nhởn nhơ.

Chữ "Lục" () nếu là động từ nghĩa là ghi chép, nếu là danh từ thì có nghĩa là bản ghi chép, quyển sách. Thế nên nếu là "Phong tình cổ lục" thì có nghĩa là quyển sách cổ về chuyện tình yêu nam nữ. Còn nếu là "Phong tình có lục" thì có nghĩa là chuyện tình yêu nam nữ có ghi chép.

Thanh Tâm Tài Nhân lý giải hồng nhan trắc trở là: "những người đẹp quốc sắc thiên hương khiến cho người ta đố kỵ, ghen ghét, có một phần nhan sắc thì thêm một phần trắc trở, có một phần tài hoa thì thêm một phần nghiệp chướng".
Thanh Tâm Tài Nhân lý giải hồng nhan trắc trở là: "những người đẹp quốc sắc thiên hương khiến cho người ta đố kỵ, ghen ghét, có một phần nhan sắc thì thêm một phần trắc trở, có một phần tài hoa thì thêm một phần nghiệp chướng". (Ảnh: Shutterstock).

Sử xanh: Đây là từ Việt hóa từ từ gốc Hán "Thanh sử" (青史). Chữ Thanh có nghĩa là màu xanh như "Thanh sơn lục thủy" (non xanh nước biếc), "Thanh thiên" (Trời xanh). Nhưng trong từ "Thanh sử" thì Thanh nghĩa là thẻ tre (trúc giản - 竹簡). Người xưa dùng tre chế thành các thẻ tre tươi vỏ màu xanh, sau đó hơ lửa cho khô, nước thấm qua vỏ tre xanh như những giọt mồ hôi nên những thẻ tre này gọi là "Hãn thanh" (). Sau đó dùng các thẻ tre này để viết, và phần lớn là để viết sử, do đó "thanh sử" là từ thay thế cho "sử sách" được Việt hóa thành "sử xanh".

Trong tiếng Việt hiện nay còn dùng các thành ngữ như "thanh sử lưu danh" (4) (lưu danh sử sách), "thanh sử lưu phương" (5) (tiếng thơm lưu sử sách), "danh thùy thanh sử" (6) (sử sách lưu danh mãi mãi), "thanh sử truyền danh" (7) (Sử sách lưu truyền danh tiếng)...

Con người không chỉ sống cho mình, những anh hùng, vỹ nhân đều là những người có cống hiến cho dân tộc, quốc gia và nhân loại, không chỉ một đời mà nhiều đời sau. Người thường cũng nói "cha mẹ hiền lành để đức cho con". Thế nên con người luôn chú ý giữ gìn hành vi, đạo đức, muốn trở thành người hữu ích cho xã hội, được mọi người công nhận, được lịch sử phán xét, được sử sách lưu danh, để lại tiếng thơm muôn đời, chứ không ai muốn bị lưu lại tiếng xấu, ô danh vạn thế. Thế nên anh hùng chống quân Nguyên của triều Tống là Văn Thiên Trường đã viết bài thơ "Qua biển lênh đênh", 2 câu cuối cùng là:

Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh.

Dịch thơ (Đông A):

Người đời tự cổ ai không chết,
Lưu giữ lòng son sáng sử xanh.

8 câu thơ đầu Nguyễn Du giới thiệu về tác phẩm, về tư tưởng nhân sinh quan Thiên mệnh của ông, hoàn toàn khác với tiểu thuyết của Thanh Tâm Tài nhân, liệt kê các mỹ nhân cổ đại, cuộc đời đều có kết cục sầu bi. Thanh Tâm Tài Nhân lý giải hồng nhan trắc trở là "Cổ lai quốc sắc chiêu nhân đố" (những người đẹp quốc sắc thiên hương khiến cho người ta đố kỵ, ghen ghét), và "có một phần nhan sắc thì thêm một phần trắc trở, có một phần tài hoa thì thêm một phần nghiệp chướng". Thế nên chỉ 8 câu thơ của Nguyễn Du đã cho thấy được nội hàm văn hóa, nhân sinh quan sâu rộng, uyên thâm, so ra thì bản của Thanh Tâm Tài Nhân chỉ được coi là bản thảo mà thôi, nên nói "cảo thơm" là rất chính xác.

Thủy Nguyên

Phụ chú:

  1. Bỉ sắc tư phong: 彼嗇斯豐
  2. Hồng nhan bạc mệnh: 紅顏薄命
  3. Phong tình: 風情
  4. Thanh sử lưu danh: 青史留名
  5. Thanh sử lưu phương: 青史流芳
  6. Danh thùy thanh sử: 名垂青史
  7. Thanh sử truyền danh: 青史传名

Văn hoá Văn học


BÀI CHỌN LỌC

Mạn đàm chữ nghĩa trong truyện Kiều (P-2): Hồng nhan bạc mệnh hay Trời đánh ghen?