Mạn đàm chữ nghĩa trong truyện Kiều (P-4): Sắc đẹp Thúy Kiều, Thúy Vân được Nguyễn Du khắc họa ra sao?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thanh Tâm Tài Nhân miêu tả sắc đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện rằng: "Thúy Kiều phong lưu đẹp mềm mại, Thúy Vân thiên phú đẹp kiều diễm. Thúy Kiều tính thích hào hoa, Thúy Vân tính thích yên tĩnh thanh đạm". Rõ ràng đặt đoạn văn này đặt bên cạnh mấy câu thơ trên của Nguyễn Du thì quả là khác nhau như hòn ngói với viên ngọc vậy. Thế nên Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi là "sáng tác" hơn là "bản dịch thơ".

Câu 17 - 28: Nguyễn Du miêu tả sắc đẹp của hai chị em Thúy Kiều - Thúy Vân rằng:

17 - Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Một người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
20 - Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn.
25 - Làn thu thuỷ, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành hoạ hai.

Thanh Tâm Tài Nhân miêu tả sắc đẹp của Thúy Kiều và Thúy Vân trong nguyên tác Kim Vân Kiều truyện rằng: "Thúy Kiều phong lưu đẹp mềm mại, Thúy Vân thiên phú đẹp kiều diễm. Thúy Kiều tính thích hào hoa, Thúy Vân tính thích yên tĩnh thanh đạm". Rõ ràng đặt đoạn văn này đặt bên cạnh mấy câu thơ trên của Nguyễn Du thì quả là khác nhau như hòn ngói với viên ngọc vậy. Thế nên Truyện Kiều của Nguyễn Du được coi là "sáng tác" hơn là "bản dịch thơ".

Thúy Kiều phong lưu đẹp mềm mại, Thúy Vân thiên phú đẹp kiều diễm. Thúy Kiều tính thích hào hoa, Thúy Vân tính thích yên tĩnh thanh đạm
Thúy Kiều phong lưu đẹp mềm mại, Thúy Vân thiên phú đẹp kiều diễm. Thúy Kiều tính thích hào hoa, Thúy Vân tính thích yên tĩnh thanh đạm. (Nguồn: NTD)

1. Mai cốt cách

Cụm từ này trong các bản Kiều đều giải nghĩa là vóc dáng người thanh tú như cành mai. Bản Kiều 1866 còn giải thích thêm từ "cốt cách" nghĩa là bộ xương, kiểu dáng con người. Thực tế từ "cốt cách" có 2 cụm từ với chữ viết và ý nghĩa khác nhau:

  • Cốt cách (骨骼): Bộ xương, khung xương.
  • Cốt cách (骨格): Phong cách, khí độ của con người.

Như vậy "mai cốt cách" ở đây có nghĩa là phong cách, khí độ cứng cáp, cao khiết, là nét đẹp tinh thần, chứ không phải vóc dáng thanh tú như cành mai. Thực tế "mai cốt cách" có nguồn gốc từ từ gốc Hán "mai cốt" (梅骨), nghĩa là: Phong cách, khí độ của hoa mai. Trong tác phẩm "Liên hương bạn - hương vịnh" của Lý Ngư, nhà văn, nhà viết kịch đời Thanh, có viết: "Như thơ của tiểu thư thế này, quả là có tuyết thai mai cốt (ý nói cao khiết), lãnh vận u hương (ý nói tỏa hương lặng lẽ)".

2. Tuyết tinh thần

Cụm từ này nghĩa là "tinh thần trong trắng như tuyết". Thực tế cụm từ này có nguồn gốc từ sách "Trang Tử": "Nhữ trai giới, sơ thược nhi tâm, tháo tuyết nhi tinh thần", nghĩa là: "Ông trước tiên hãy trai giới tĩnh tâm, rồi khai thông tâm hồn, dùng tuyết gột rửa thân để tinh thần thanh tịnh".

Cụm từ "dùng tuyết gột rửa thân để tinh thần thanh tịnh" (tháo tuyết nhi tinh thần) ngụ ý là: thanh lý hết thảy tạp chất trong ý niệm, khiến cho tinh thần, tư tưởng thanh khiết, thuần chính.

3. Làn thu thủy

Cụm từ này được các bản Kiều đều giải nghĩa là: "mắt trong như nước mùa thu". Từ "thu thủy" (nước mùa thu) là một từ gốc Hán, có những nghĩa chính sau:

  • Làn nước sông hồ mùa thu. Trong tác phẩm "Đằng Vương Các tự" của thi nhân đời Đường - Vương Bột, có viết: "Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thuỷ cộng trường thiên nhất sắc", Trần Trọng San dịch là: "Ráng chiều rơi xuống, cùng cái cò đơn chiếc đều bay; làn nước sông thu với bầu trời kéo dài một sắc".
  • Ánh mắt trong suốt. Trong tác phẩm "Tranh" (đàn tranh), Bạch Cư Dị viết:

Vân kế phiêu tiêu lục
Hoa nhan y nỉ hồng
Song mâu tiễn thu thuỷ
Thập chỉ bác xuân thông

Dịch thơ (Bản dịch của Giang Phi Nguyễn):

Tóc mây lay cỏ mướt
Mặt hoa phơi phới hồng
Loáng đôi làn thu thuỷ
Ru mười ngón xuân nồng

Đây chính là nét nghĩa của "làn thu thủy" trong Truyện Kiều. Ngoài ra "thu thủy" còn một số nghĩa khác nhưng hầu như không được người Việt sử dụng nên cũng không liệt kê ra.

4. Nét xuân sơn

Cụm từ này được các bản Kiều giải thích là: "lông mày phơn phớt xanh như núi mùa xuân". Từ "xuân sơn" (núi mùa xuân) vốn là từ gốc Hán, có một số nghĩa chính như sau:

  • Núi ngày xuân, trong núi ngày xuân. Thi nhân đời Đường, Vương Duy viết trong bài thơ "Điểu minh giản" (Suối chim ca) rằng:

Nhân nhàn quế hoa rụng
Dạ tĩnh xuân sơn không

Dịch thơ:

Người nhàn hoa quế rơi
Đêm tĩnh núi xuân vắng

  • Sắc màu xanh đen của núi ngày xuân, vì vậy ví với lông mày đẹp của phụ nữ. Thi nhân đời Đường, Lý Thương Ẩn viết trong bài thơ "Đại Đổng Tú tài khước phiến" rằng:

Mạc tương họa phiến xuất duy lai
Già yểm xuân sơn trệ thượng tài

Dịch thơ:

Chớ đem quạt họa bước ra rèm
Che nét xuân sơn bít thượng tài

5. Một hai nghiêng nước nghiêng thành

Đây là câu thành ngữ có nguồn gốc Hán là "Nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc", nghĩa là: "Nhìn một cái đổ thành người ta, nhìn cái nữa đổ quốc gia người ta", ý nói người phụ nữ đẹp khiến người ta say mê đến nỗi mất cả thành trì, cả quốc gia.
Câu thành ngữ này có nguồn gốc từ điển cố sau:

Hán Vũ Đế (156 TCN - 87 TCN) tên là Lưu Triệt, tại vị hoàng đế từ năm 140 TCN - 87 TCN. Vương Phu Nhân mất sớm, Vệ Tử Phu tuổi cao, do đó Vũ Đế muốn tìm bậc tuyệt sắc giai nhân, nhưng mãi vẫn chưa tìm được người như ý.

Nhạc sư cung đình Lý Diên Niên là người tinh thông âm luật, được Vũ Đế sủng ái vì những khúc nhạc của Lý Diên Niên khiến người nghe cảm động một cách kỳ lạ. Lý Diên Niên có một người em gái tên là Lý Nghiên, là một ca nữ, dung mạo yêu kiều thướt tha, tóc mây mặt hoa, diễm lệ đắm say lòng người, đặc biệt giỏi ca múa. Lý Diên Niên muốn tiến cử cho Vũ Đế làm phi, nhưng gia thế hèn mọn, không tiện nói ra, bèn nhờ Công chúa Bình Dương tiến cử giúp.

Một hôm Hán Vũ Đế uống rượu trong cung, Công chúa Bình Dương ngồi bên, Lý Diên Niên hầu rượu. Khi rượu đã ngà ngà say, Lý Diên Niên ra múa và hát một khúc ca mới sáng tác rằng:

Bắc phương có một giai nhân
Dung nhan tuyệt thế cõi trần đứng riêng
Liếc nhìn, thành quách ngả nghiêng
Liếc thêm lần nữa nước liền lung lay
Thành nghiêng nước đổ mặc bay
Giai nhân há dễ gặp hoài được sao?

Một hôm Hán Vũ Đế uống rượu trong cung, Công chúa Bình Dương ngồi bên, Lý Diên Niên hầu rượu.
Một hôm Hán Vũ Đế uống rượu trong cung, Công chúa Bình Dương ngồi bên, Lý Diên Niên hầu rượu. (Nguồn: NTD)

Hán Vũ Đế nghe khúc hát, động đến chuyện ấp ủ bấy lâu trong lòng, bất giác than rằng: "Thế gian đâu có giai nhân như khanh hát?".

Công chúa Bình Dương ở bên đoán được ngụ ý của Lý Diên Niên, thế là thừa thế nói: "Bệ hạ không biết đó thôi, tiểu muội của Diên Niên chính là tuyệt thế giai nhân nghiêng nước nghiêng thành".

Vũ Đế động lòng, lập tức cho vời em gái của Lý Diên Niên vào cung. Vũ Đế ngắm nhìn, quả là dung mạo đẹp thanh tú, dáng vẻ mảnh mai xinh đẹp. Vũ Đế liền nạp Lý Nghiên làm phi, hiệu là Lý Phu Nhân. Một năm sau, Lý Phu Nhân sinh hạ được một con trai, được phong làm Xương Ấp Vương.

Ai ngờ trăng lúc tỏ lúc mờ, khi tròn khi khuyết, Lý Phu Nhân vào cung chỉ được vài năm thì không may mắc bệnh, không lâu sau bệnh nặng, nằm liệt giường không dậy nổi. Vũ Đế buồn lắm, đích thân đến thăm nàng. Lý Phu Nhân vừa thấy Vũ Đế đến thì vội vàng lấy chăn che mặt, miệng nói: "Thiếp bệnh lâu ngày, dung mạo bị hủy hoại, không thể gặp bệ hạ được nữa, xin phó thác Xương Ấp Vương và huynh đệ của thiếp".

Vũ Đế nói: "Phu nhân bệnh đã nguy, không thuốc nào chữa nổi, sao không để trẫm nhìn mặt một lần?".

Lý Phu Nhân thoái thác rằng: "Phụ nữ không trang điểm thì không được gặp vua, không được gặp cha. Thiếp thực sự không dám gặp bệ hạ".

Vũ Đế nói: "Phu nhân không ngại gặp trẫm thì trẫm sẽ thưởng nghìn lạng vàng, đồng thời phong cho anh em của phu nhân làm quan".

Lý Phu Nhân nói: "Phong hay không là ở bệ hạ chứ không phải ở một lần nhìn mặt".

Vũ Đế nói nhất định phải nhìn mặt, rồi lấy tay lật chăn ra. Lý Phu Nhân quay người vào trong khóc sụt sịt, mặc Vũ Đế gọi mãi, Lý Phu Nhân vẫn khóc lóc đau buồn. Vũ Đế trong lòng không vui, bực tức phất tay áo ra về.

Mấy chị em của Lý Phu Nhân lúc này cũng vào cung thăm, thấy tình cảnh này đều lấy làm lạ. Đợi Vũ Đế đi rồi, họ mới trách Lý Phu Nhân rằng: "Chị muốn phó thác anh em, gặp mặt bệ hạ là việc dễ dàng, sao lại cự tuyệt đến mức này?"

Lý Phu Nhân than rằng: "Các em không biết đó thôi, chị không gặp mặt hoàng đế chính là để phó thác anh em. Chị vốn xuất thân hèn mọn, hoàng đế quyến luyến chị chẳng qua là vì dung mạo mà thôi. Phàm những người dùng sắc đẹp phụng sự người ta, tới khi sắc tàn phai thì yêu thương cũng nhạt phai, yêu thương nhạt phai thì ân huệ cũng hết. Hôm nay chị bệnh đã sắp chết rồi, nếu hoàng đế thấy nhan sắc của chị hoàn toàn khác với trước đây thì ắt trong lòng chán ghét, sẽ muốn ruồng bỏ, thế thì sao có thể quan tâm đến anh em của chị sau khi chị chết đây?

Mấy ngày sau Lý Phu Nhân qua đời. Sự tình quả nhiên đúng như Lý Phu Nhân dự liệu. Lý Phu Nhân cự tuyệt gặp Vũ Đế, không những không khiến vua nổi giận, trái lại khiến vua cảm thấy thống khổ vô hạn, đã an táng Lý Phu Nhân bằng tang lễ của hoàng hậu, đồng thời mệnh cho họa sĩ vẽ chân dung phu nhân rồi treo ở cung Cam Tuyền. Tình cảm nhung nhớ phu nhân của Vũ Đế ngày càng tăng. Vua nhớ tới những lời phó thác của phu nhân, thế là phong cho Lý Diên Niên làm Hiệp luật Đô úy, em trai Lý Quảng Lợi làm Hải Tây Hầu Nhị sư Tướng quân. Đối với di ngôn của phu nhân, Vũ Đế cũng xứng đáng là tình sâu nghĩa nặng, vẫn giữ tình cảm như xưa.

Thủy Nguyên



BÀI CHỌN LỌC

Mạn đàm chữ nghĩa trong truyện Kiều (P-4): Sắc đẹp Thúy Kiều, Thúy Vân được Nguyễn Du khắc họa ra sao?