Mạn đàm thư pháp: Nhan Chân Khanh - Thư pháp gia trung nghĩa

Giúp NTDVN sửa lỗi

Ông là thư pháp gia duy nhất có thể đánh giá ngang hàng với ‘Thư thánh’ Vương Hi Chi, trong các thư pháp gia nổi danh trong lịch sử, ông có một chỗ đứng riêng cao vợi. Ông thay đổi lối thư pháp cứng mảnh thời sơ Đường, lấy chính khí lẫm liệt, chuyển thành nét đẹp hùng hồn, mở ra một lối viết Khải thư mới.

Nhan Chân Khanh (709~785), tự Thanh Thần, người Kinh Bắc Vạn Niên (Tây An Thiểm Tây), xuất thân trong gia đình văn nhân thế gia. Tổ tiên Nhan Sư Cổ, Nhan Chi Thôi đều là văn học gia nổi tiếng. Ông đỗ tiến sĩ thời Đường Huyền Tông, bước vào quan lộ. Nhan Chân Khanh bản tính trong sáng chính trực, làm quan thanh liêm, làm tới chức quan Vũ bộ Viên ngoại lang. Tiếc là, quan thanh liêm thường bị gian thần ghét, ông không a dua cùng đám quyền quý, nói lời ngay thẳng không kiêng nể, nên bị Dương Quốc Trung hãm hại, biếm chức làm Thái thú Bình Nguyên (Sơn Đông). Trong loạn An Sử, Nhan Chân Khanh có công dẹp giặc, được quay về kinh, từng nhậm chức Thượng thư Bộ Lại, Thái tử Thái sư, được phong là Lỗ quận khai quốc công, nên người đời sau thường gọi ông là ‘Nhan Lỗ Công’.

Quan lộ của ông không vì thế mà thông thuận, sau loạn An Sử, đế quốc Đại Đường cũng không thể che giấu được sự yếu nhược rối ren đã tồn tích từ lâu, trong triều toàn gian thần hoạn quan chấp chính, Nhan Chân Khanh trung trinh cương liệt nhiều lần bị tiểu nhân hãm hại, đường công danh gặp bất hạnh nhiều. Phiên trấn phản loạn, ông phụng mệnh đi khuyên hàng phản tướng Lý Hi Liệt. Vì ông không khuất phục trước uy bức lợi dụ, sau đó đã bị Lý Hi Liệt treo cổ.

Nhan Chân Khanh một đời trung liệt bi tráng, vào thời Đường, danh tiếng về sự trung nghĩa của ông dường như che khuất danh thư pháp gia của ông. Thực ra, đối với thư pháp, Nhan Chân Khanh cũng dồn chí hướng cả đời, dụng công thâm sâu.

Ông nhiều lần cầu học cao thủ thư pháp đương thời ‘Thảo Thánh’ Trương Húc, nghiên cứu bút pháp, có tác phẩm “Thuật Trương Trường Sứ bút pháp thập nhị ý” (Diễn giải 20 điểm trong bút pháp của Trương Húc), về văn có “Trùy họa sa”, “Ấn ấn nê” là những ví dụ dẫn dắt những người học thư pháp đến ngày nay vẫn say mê tìm tòi nghiên cứu.

“Nhan Cần lễ bi” do Nhan Chân Khanh lập bia cho tổ tiên, do vùi trong đất lâu dài, nên không bị hư mòn, trông vẫn tươi mới, nét cứng vững hùng mạnh truyền tải bản chất của thư pháp Nhan Chân Khanh, hợp cho người mới học. Hiện đang lưu giữ ở rừng bia Tây An.

Chữ Nhan Chân Khanh cũng như người ông vậy, trầm ổn, cương nghị. Âu Dương Tu trong “Tập cổ lục” viết về Nhan Chân Khanh: ‘Lòng trung nghĩa xuất ra từ thiên tính, nên nét chữ cứng mạnh độc lập, không theo lối cũ, đỉnh nhiên kỳ vĩ, cũng giống như người vậy.’

Ông là thư pháp gia duy nhất có thể đánh giá ngang hàng với ‘Thư thánh’ Vương Hi Chi, trong các thư pháp gia nổi danh trong lịch sử, ông có một chỗ đứng riêng cao vợi. Ông thay đổi lối thư pháp cứng mảnh thời sơ Đường, lấy chính khí lẫm liệt, chuyển thành nét đẹp hùng hồn, mở ra một lối viết Khải thư mới. Nét đẹp đặc trưng của thể thư pháp này thể hiện ở chỗ: Nét chữ đầy đặn, hàng lối trơn tru nhưng mạnh mẽ, kết cấu khoáng đạt khí thế hùng vĩ.

Bút tích bức thư pháp "Tế điệt văn cảo" của Nhan Chân Khanh. (Miền công cộng)

Do Đường Thái Tông thúc đẩy học tập thư pháp Vương Hi Chi, nên vào thời sơ Đường, thịnh Đường, thư pháp mang phong cách đẹp uyển chuyển, phiêu dật. Thư pháp Nhan Chân Khanh lộ rõ sự cương chính, phong cách thản đãng của một vị tướng soái, nét hạ bút như đại đao giáng xuống, không chút ngập ngừng điều chuyển. Những bút tích ông lưu lại trên rất nhiều bia đá đồ sộ gồm: “Đông Phương Sóc thư tán bi”, “Quách gia miếu bi”, “Ma Cô Tiên đàn ký”, “Đại Đường trung hưng tụng”, “Lý Huyền tĩnh bi”, “Nhan Cần lễ bi”, “Nhan Thị gia miếu bi”, chỗ nào cũng triển hiện ra trong nét bút sự khí khái hùng cường, rộng lớn bao la.

Lưu Hi Tải trong “Thư khái” viết: ‘Thư, như dã, như kỳ tài, như kỳ học, như kỳ chí, tổng chi viết như kỳ nhân nhi dĩ’ (Tạm dịch: Thư pháp, là vậy đó, là tài, là học, là chí của người viết, tóm lại chính là người đó mà thôi.)

So sánh về phương diện nghệ thuật với nhiều thư pháp gia khác, cố nhiên loại lý luận thẩm mỹ này có tính cuộc hạn nhất định, nhưng ở các tác phẩm của Nhan Chân Khanh - Chữ và Người lại đạt đến sự cảm ứng hoàn mỹ. Tác phẩm thư pháp của ông thể hiện đầy đủ nội hàm nhân cách, có thể nói đó là sự thống nhất hoàn mỹ giữa nhân cách trác việt cùng phong cách nghệ thuật, là sự kết hợp của Thiện và Mỹ, nên những tác phẩm ấy được thiên cổ lưu danh, được hậu thế lấy làm thước đo chuẩn mực của nghệ thuật thư pháp.

(Theo mạng Chánh Kiến)

Minh Huấn - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mạn đàm thư pháp: Nhan Chân Khanh - Thư pháp gia trung nghĩa