Mẹ là Tết của đời con

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vậy là nhà Bé đã có đủ thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, hạt tiêu, mắm muối để gói bánh. Lá dong và lạt tre đã sẵn sàng, không hiểu ba kiếm được ở đâu. Chắc có lẽ cũng phải "tăm tia" để ý lâu lắm mới xin được. Củi để luộc bánh thì được tích cóp từ lâu rồi...

(Để nhớ về Tết xưa và nhớ về mẹ thân yêu)

“Bé, dậy đi con. Sáng nay mẹ con mình đi chợ sớm sắm Tết.”

Hoài hấp hé mắt. Mẹ đã dậy từ lúc nào và đã ăn mặc chỉnh tề. Hoài năm nay 13 tuổi, cô bé là chị lớn của 3 đứa em nhỏ nhưng lúc nào ở nhà mẹ cũng âu yếm gọi cô là Bé. Hôm nay, mẹ gọi Bé dậy thật sớm để hai mẹ con đi ra cửa hàng mậu dịch đầu phố để sắm Tết.

Thời bao cấp mua gì cũng phải có tem phiếu và phải xếp hàng từ sớm nếu không thì chẳng còn gì mà mua. Hôm nay là 24 tháng Chạp, đối với một gia đình công chức bình thường như gia đình Bé thì muốn sắm sửa gì cũng phải đợi cha mẹ lĩnh xong lương tháng – quy bằng tem phiếu. Sắm Tết lúc này cũng không phải là sớm nữa.

Bé tất tả xách làn đi theo mẹ; mẹ rảo bước nhanh thoăn thoắt; bé thầm ngắm mẹ, thán phục. Mẹ là con gái Hà Nội gốc, xinh xắn, nhẹ nhàng. Ông bà ngoại là người theo lối cổ, giáo dục con cái rất kỹ lưỡng, nhưng ông bà là nhà giáo, không giàu có gì. Mẹ lấy ba năm 24 tuổi; gia cảnh của ba cũng tương tự gia cảnh của mẹ. Để nuôi được 4 chị em Bé, ba mẹ cũng phải làm thêm nhiều việc: nào nuôi lợn, nào đan len cho mậu dịch, nào quấn thuốc lá... nhưng Bé chưa bao giờ thấy mẹ tỏ vẻ mệt mỏi, chán nản hay cáu gắt về bất cứ chuyện gì. Cũng chưa khi nào Bé thấy mẹ ngồi không.

Bé lại vơ vẩn nghĩ về chiếc áo len cổ lọ mà cô bạn tên Xuân vẫn mặc đến lớp. Chiếc áo màu xám nhạt, chắc là rất vừa với Bé. Không biết lúc mặc áo ấy lên người thì các bạn sẽ ngưỡng mộ Bé thế nào nhỉ? Nhưng Bé cũng không dám nghĩ thêm nữa. Mẹ và ba còn có bao nhiêu việc cần phải chi tiêu.

Khi hai mẹ con Bé đến nơi thì mới 2h30 sáng mà đã có chừng chục người xếp hàng phía trước; có cả một viên gạch đặt giữa hàng người, chắc chủ nhân của nó vội đi đâu đó. Thời bao cấp hàng hóa khan hiếm, nên phải đặt gạch để giữ chỗ.

Khi hai mẹ con Bé đến nơi thì mới 2h30 sáng mà đã có chừng chục người xếp hàng phía trước; có cả một viên gạch đặt giữa hàng người, chắc chủ nhân của nó vội đi đâu đó...
Khi hai mẹ con Bé đến nơi thì mới 2h30 sáng mà đã có chừng chục người xếp hàng phía trước; có cả một viên gạch đặt giữa hàng người, chắc chủ nhân của nó vội đi đâu đó...

Đã qua lượt của chủ nhân viên gạch, đến lượt mẹ con Bé. Khi mẹ bước tới quầy hàng thì có một người đàn bà to lớn, phốp pháp, người hôi hám chồm tới gạt mẹ ra:

“Này cô, đến lượt tôi. Tôi đặt gạch rồi nhá”.

Mẹ chẳng nói gì, bình thản và lẳng lặng lùi lại chờ bà ta mua xong hàng rồi mới bước lên. Mẹ mua một gói quà Tết gồm: 1 hộp mứt tết, trà, 1 chai rượu chanh có đề tem của Nhà máy rượu Hà Nội, 1 gói kẹo của Xí nghiệp Kẹo Hà Nội và một bánh pháo hồng hồng.

Về thịt lợn, mẹ chỉ được tiêu chuẩn mua 1,5kg/tháng, nhưng mấy hôm nữa nhà sẽ làm thịt con lợn nên hôm nay mẹ không mua thịt. Năm nay lại có người ở quê ra biếu ba mẹ mấy cân nếp cái hoa vàng và cân đậu xanh. Vậy là năm nay nhà Bé sẽ gói bánh chưng.

Ra về, Bé hỏi mẹ:

“Mẹ ơi, sao lại có người thô lỗ thế mẹ nhỉ? Mất lượt rồi mà họ còn tranh của mẹ. Sao mẹ lại nhường họ thế?”

Mẹ cười hiền nhìn Bé:

“Từ nhỏ, ông bà ngoại vẫn dạy mẹ: Một điều nhịn chín điều lành, con ạ”

Bé thắc mắc:

“Mình nhịn để được yên thân hả mẹ?”

“Cũng không hẳn thế con ạ. Mình nhịn không phải để yên thân hay vì sợ. Miếng ăn lúc thiếu đói quan trọng thật, nhưng không nên vì vậy mà đánh mất tư cách con người. Mẹ hành xử nhẫn nhịn cũng là để đức cho các con đấy. Lành là lành ở chỗ ấy con ạ. Sau này lớn con sẽ hiểu”.

Cũng không hẳn thế con ạ. Mình nhịn không phải để yên thân hay vì sợ. Miếng ăn lúc thiếu đói quan trọng thật, nhưng không nên vì vậy mà đánh mất tư cách con người.
"Cũng không hẳn thế con ạ. Mình nhịn không phải để yên thân hay vì sợ. Miếng ăn lúc thiếu đói quan trọng thật, nhưng không nên vì vậy mà đánh mất tư cách con người."

Về đến nhà, Bé đã thấy ba đang cầm cành đào ngắm nghía. Cành đào bích thật cân đối, nhiều nụ to, nhiều lộc, chắc đến 29, 30 Tết là hoa sẽ nở bừng rất đẹp. Cành đào này ông ngoại cho ba mẹ vì ông được học trò cũ là người trồng đào ở Nhật Tân biếu. Có cành đào, cả nhà như rạng rỡ hẳn lên. Ba mẹ tấm tắc khen đào đẹp, còn chị em Bé thì cứ chạy ra chạy vào, hết nhìn ba lại hóng mẹ. Tết này, chắc nhà mình vui lắm.

Mẹ bắt đầu làm mứt khế; khế chín mẹ xin người quen ở ngoại thành; đường thì phải tích cóp mua từ trong năm. Mà thời ấy chỉ có đường đỏ, không có đường trắng. Bé và các em thi thoảng vẫn ăn cơm trộn với đường khi thiếu thịt, cho đỡ nhạt miệng. Thực ra, lúc nào có đủ cơm ăn mà không phải độn thêm khoai sắn đã là may, là hiếm. Mứt khế là món “tủ” của mẹ làm cho dịp Tết, làm món này cần có khế, đường, gừng và nước vôi trong.

Có món mứt khế ấy, Bé sẽ dửng dưng với hộp mứt mua ở mậu dịch. Trong hộp mứt đó lúc nào cũng có mấy viên “trứng chim” tức là lạc bọc đường với lớp ngoài trắng phau; mấy miếng mứt bí ngọt ơi là ngọt; vài sợi mứt dừa cong queo; lăn lóc mấy hạt mứt sen bọc lớp đường dày cộp... nhà nào cũng chỉ có từng ấy thứ. Nhưng không có lựa chọn nào khác thì đành chịu. Vả lại, “của không ngon nhà đông con cũng hết”. Chị em Bé ra vào “tí tủn” là cũng hết ngay tắp lự.

Ngày 28 Tết, nhà Bé thịt lợn. Con lợn hơi gầy vì toàn ăn khoai nước, bèo hoa dâu, thân chuối... thi thoảng mới có củ khoai, củ sắn, chẳng mấy khi được ăn cơm. Cơm cho người còn không đủ, nói gì còn thừa cho lợn. Ba mẹ cũng chỉ giữ lại mấy cân thịt rọi để gói bánh chưng, cái chân giò để cúng giao thừa và bộ lòng lợn, phần còn lại đem đổi lấy những nhu yếu phẩm khác. Thời này thịt lợn có thể bán cho chợ đen nhưng ba mẹ không làm vậy.

Vậy là nhà Bé đã có đủ thịt lợn, gạo nếp, đậu xanh, hạt tiêu, mắm muối để gói bánh. Lá dong và lạt tre đã sẵn sàng, không hiểu ba kiếm được ở đâu. Chắc có lẽ cũng phải "tăm tia" để ý lâu lắm mới xin được. Củi để luộc bánh thì được tích cóp từ lâu rồi. Bất cứ khi nào đi đâu thấy được thanh củi khô là ba vác về nhà chỉ để luộc nồi bánh chưng cuối năm.

Củi để luộc bánh thì được tích cóp từ lâu rồi. Bất cứ khi nào đi đâu thấy được thanh củi khô là ba vác về nhà chỉ để luộc nồi bánh chưng cuối năm.
Củi để luộc bánh thì được tích cóp từ lâu rồi. Bất cứ khi nào đi đâu thấy được thanh củi khô là ba vác về nhà chỉ để luộc nồi bánh chưng cuối năm.

Bé ngồi rửa lá dong cho mẹ. Chà, nước lạnh ơi là lạnh, cóng hết cả tay. Phải dùng xơ mướp chùi cả hai mặt lá từ trên xuống dưới, đặc biệt phải chùi sạch đường rãnh trong gân lá. Lá dong cần phải sạch, nếu không bánh sẽ chóng hỏng.

Còn mẹ thì đãi đậu xanh và vo gạo nếp đã ngâm từ trước. Mẹ trộn gạo nếp đã vo với một chút muối.

Bé ngồi xem mẹ gói bánh. Hai bàn tay mẹ thoăn thoắt xếp lá, đổ gạo, đổ đậu và xếp thịt đã ướp vào, rồi mẹ cuốn lá và quấn lạt. Mẹ gói bánh không cần khuôn mà chiếc nào chiếc nấy vuông vức, gọn ghẽ, đẹp như người gói khuôn. Bé cũng xin mẹ để được gói 2 chiếc bánh chưng nhỏ - gọi là bánh mụ, để chị em Bé thưởng thức.

Ba đứa em cũng láu táu bắt chước Bé múc gạo, múc đậu để gói bánh. Bé nghiêm mặt nhìn các em ra vẻ bà chị lớn. Mẹ cười nhìn Bé. Mấy em nhỏ cũng chóng chán, chỉ quấy nhộn được một lúc là chúng lại rủ nhau ra sân chơi trò khác.

Rồi khi mẹ xếp bánh vào một xoong gạo - chiếc xoong nhôm của Liên Xô vẫn dùng để đựng gạo - hôm nay được dùng để luộc bánh, thì Bé xin phép mẹ để sang nhà bạn Xuân chơi.

Mẹ Xuân làm cửa hàng trưởng cửa hàng mậu dịch nên so với mặt bằng chung, đời sống vật chất của nhà Xuân rất dư dả, lúc nào cũng có thịt cá để ăn. Nhà Xuân đã gói xong bánh chưng, phải đến chừng hai chục chiếc xếp đầy chiếc nồi lớn. Bố Xuân đang gói giò thủ. Trên bàn ăn là cả cây giò lụa; có cả một bánh pháo đùng của Bình Đà màu hồng rực, dài đến cả mét; ngoài sân nào miến, măng, mộc nhĩ, bóng bì... đang được ngâm. Nhà Xuân ăn Tết “xôm” thật, không thiếu thứ gì.

Nhà Xuân đã gói xong bánh chưng, phải đến chừng hai chục chiếc xếp đầy chiếc nồi lớn.
Nhà Xuân đã gói xong bánh chưng, phải đến chừng hai chục chiếc xếp đầy chiếc nồi lớn.

Nhưng điều đáng thèm muốn nhất là Xuân đang mặc chiếc áo len cổ lọ màu xám, hai tay Xuân chắp sau lưng đi đi lại lại. Xuân trắng trẻo nên mặc áo nổi lắm. Bé nhìn Xuân. Bé thèm lắm. Xuân cũng biết vậy nên cố ý lượn qua lượn lại trước mặt Bé.

“Hoài à, cậu nhìn gì tớ thế?”

“À... không. Tớ có nhìn gì đâu”

“Nhà cậu chuẩn bị Tết chưa? Cậu được mua quần áo mới chưa? Cậu có thích cái áo tớ đang mặc không, bảo mẹ mua cho. À mà hỏi vậy thôi chứ tớ biết nhà cậu làm gì có tiêu chuẩn”. Xuân khinh khỉnh.

Bé bắt đầu bực:

“Tớ chả thèm. Mẹ tớ sẽ mua cho tớ cái áo đẹp hơn”

Xuân cười:

“Áo này tớ mặc tạm trước Tết thôi. Còn sang năm mới tớ có áo đẹp hơn nữa kia”.

Bé chẳng nghe nữa, ấm ức quay về nhà. Xuân hơi chưng hửng, cô bé cũng chỉ có ý khoe mẽ một chút chứ không muốn làm Bé xấu hổ.

Nhưng Bé thì thực sự thích cái áo len Xuân đang mặc. Và Bé buồn rầu biết bao nhiêu vì năm nay Bé sẽ không có quần áo mới. Ba mẹ và các em cũng thế. Mẹ còn mặc mãi chiếc sơ mi trắng và chiếc quần lụa đen sạch sẽ nhưng đã hơi sờn.

Nghe Bé kể lại câu chuyện, mẹ dịu dàng bảo:

“Con không nên ghen tị với Xuân. Sau này con lớn lên cũng phải nhớ, bí quyết của cuộc sống hạnh phúc là không bao giờ so sánh mình với ai cả con ạ. Con hãy tự so sánh với mình thì hơn. Ngày hôm nay con chín chắn hơn hôm qua, ngày mai con trưởng thành hơn hôm nay thì mới là điều đáng quan tâm. Mục đích của cuộc đời là luôn luôn học hỏi và hoàn thiện nội tâm mình con ạ. Còn mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Xuân có phúc phận riêng của bạn ấy, con làm sao giống được. Con vẫn còn may mắn hơn Dũng đấy”. Mẹ nhìn Bé chăm chú.

Sau này con lớn lên cũng phải nhớ, bí quyết của cuộc sống hạnh phúc là không bao giờ so sánh mình với ai cả con ạ.
Sau này con lớn lên cũng phải nhớ, bí quyết của cuộc sống hạnh phúc là không bao giờ so sánh mình với ai cả con ạ. (Ảnh: Tuấn Minh)

Dũng là cậu bé cùng tuổi với Bé và Xuân, sống ở sát cạnh nhà Bé. Dũng chỉ có một người cha sức khỏe kém, đã về mất sức từ lâu. Mẹ Dũng mất sớm. Cha con Dũng rau cháo nuôi nhau nhưng trong nhà lúc nào cũng đùa nhau tếu táo, gọi là “vui trong cảnh nghèo”.

Vừa lúc ấy, Bé nghe thấy từ nhà bên, tiếng Dũng vang lên trong trẻo và hài hước:

“Bố ơi, đĩa giò lụa còn nhiều quá, ăn mãi không hết. Con cất nhé?”

Tiếng Bố Dũng khàn khàn và cũng tếu táo không kém:

“Ờ, thôi đổi sang ăn món khác cho đỡ chán. Mai con cầm tiền ra chợ đen mua tạm cân chả quế về ăn con ạ”.

Xung quanh ai cũng biết thừa. Làm gì có giò chả nào, thậm chí gạo cũng hết, bụng đói mốc meo. Nhưng hai bố con họ cứ tung hứng cười cợt với nhau như thế cho vui. Đối với họ, ngày nào cũng vui như Tết.

Mẹ khẽ bảo Bé mang bộ lòng lợn sang biếu bố con Dũng ăn Tết.

Trời se se lạnh nhưng khô ráo. Ngoài sân, gần gốc cây bàng lá hây hây đỏ là nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. Đêm nay, bốn chị em sẽ thức ngoài sân cùng với bố để trông nồi bánh. Sẽ mang bộ bài tam cúc ra chơi. Sẽ lùi một vài củ khoai vào tro nóng để vừa chơi bài vừa ăn khoai nóng nghi ngút khói, bỏng rẫy. Rồi khi mệt thì sẽ nằm xuống cái phản kê bên cạnh, trông nghiêng vào bếp củi đỏ hồng đang cháy lách tách.

Đêm giao thừa, sau tràng pháo nối tiếp nhau vang lừng khắp xóm và ùng oàng cả thành phố, Bé và các em bịt chặt tai lại nhưng khoái chí hét inh ỏi nhìn những tràng lửa nháng lên trước sân nhà. Không gian sực nức mùi khói pháo quyện với mùi hương trầm. Thời ấy người ta không mừng tuổi tràn lan, và ba mẹ cũng đâu có tiền. Nên Bé hết sức ngạc nhiên khi thấy mẹ đi vào chiếc tủ đứng lấy ra một gói to. Mắt Bé mở to, miệng Bé há hốc rồi òa ra sung sướng khi thấy trên tay mẹ là chiếc áo len cổ lọ màu xám. Mỗi người trong nhà có một chiếc áo len như thế. Trừ mẹ.

Đêm giao thừa, sau tràng pháo nối tiếp nhau vang lừng khắp xóm và ùng oàng cả thành phố, Bé và các em bịt chặt tai lại nhưng khoái chí hét inh ỏi nhìn những tràng lửa nháng lên trước sân nhà.
Đêm giao thừa, sau tràng pháo nối tiếp nhau vang lừng khắp xóm và ùng oàng cả thành phố, Bé và các em bịt chặt tai lại nhưng khoái chí hét inh ỏi nhìn những tràng lửa nháng lên trước sân nhà.

Bao nhiêu ngày tháng mẹ đã tích cóp tem phiếu để mua len về và thức đêm đan áo cho cả nhà mà Bé đâu có biết.

Mẹ âu yếm ướm thử áo cho Bé và các em. Áo len đan rất chuẩn, nghĩa là hơi rộng một tí để phòng lớn. Bé mừng phát khóc. Các em xúng xính mặc áo chạy đi chạy lại reo vang. Ba nhìn mẹ vừa cảm kích vừa bùi ngùi. Mẹ vẫn một bộ quần lụa áo sơ mi trắng đã sờn. Ba ôm lấy mẹ không nói nên lời.

Bé hơi rùng mình, có lẽ một phần vì cái lạnh đêm Giao thừa, cũng vì không khí thiêng liêng của thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới. Nhưng trên tất cả, đó là vì Bé biết ơn mẹ, Bé thương mẹ, thương ba biết chừng nào. Bé tự hứa với mình sẽ ngoan ngoãn hơn nữa, siêng năng hơn nữa, lớn khôn hơn nữa để đỡ đần ba mẹ...”

Chị Hoài choàng tỉnh dậy, đồng hồ đã chỉ 9h tối. Tối nay là tối 30 Tết. Chị chuẩn bị mọi việc cho mâm cúng Giao Thừa hơi mệt nên ngủ quên. Chị vừa mơ một giấc mơ về hơn 30 năm trước. Giờ đây chị đã là một người đàn bà ngoài bốn mươi, mẹ của ba đứa trẻ. Mẹ chị đã mất hai năm trước. Chị Hoài bước xuống giường, đi ra bàn thờ mẹ. Một khuôn mặt của người phụ nữ đẹp thanh thoát khoảng 70 tuổi đang nhìn chị âu yếm từ trên bức ảnh thờ. Chị thắp nén hương, chắp hai tay vái, nghẹn ngào:

“Mẹ ơi. Con nhớ mẹ lắm. Con mong hồn mẹ nơi chín suối được mát mẻ. Đêm nay là đêm 30 Tết, con mời mẹ về ăn Tết cùng con cháu. Con không bao giờ quên sống theo lời mẹ dạy. Con cũng sẽ giáo dục các cháu giống như mẹ đã dạy con nên người.”

Mắt chị rơm rớm, nhưng hình như từ trên bàn thờ, mẹ chị đang nhìn chị và mỉm cười hiền hậu.

Thanh Phong



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Mẹ là Tết của đời con