Ngô Thụy Miên: Góc trời riêng của những tình khúc bất hủ

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lẫn trong dòng chảy âm nhạc phiền muộn của Ngô Thụy Miên có một con suối trong trẻo hiền hoà của những bản tình ca nhẹ nhàng lãng đãng mộng mơ, cứ như là chiến tranh chưa hề hiện diện.

Tác giả Larry de King viết về nhạc sỹ Ngô Thụy Miên và những ca khúc nổi tiếng của ông.

Thập niên 60s Việt Nam chứng kiến cuộc nội chiến đang đến hồi khốc liệt nhất. Khổ đau cũng chất chồng theo thời cuộc. Khắp nơi phủ 1 màu trắng của vành khăn tang, những giọt nước mắt của đau đớn chia lìa dâng tràn cả biển khơi. Âm nhạc thời bấy giờ cũng không thoát khỏi nỗi buồn chiến tranh ấy. Hầu hết những sáng tác đều có bóng dáng của chết chóc hận thù, phần nhiều là những bản bi ca về thân phận của con người và đất nước.

Lẫn trong dòng chảy âm nhạc phiền muộn đó có một con suối trong trẻo hiền hoà của những bản tình ca nhẹ nhàng lãng đãng mộng mơ, cứ như là chiến tranh chưa hề hiện diện.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên sinh trưởng ở Hải Phòng, lớn lên trong môi trường tràn ngập sách vở, thơ văn. Gia đình ông là chủ tiệm sách ở Hải Phòng và sau này di cư vào Sài Gòn vẫn có hiệu sách ở đường Phan Đình Phùng, quận 3. Ông từng học đại học Khoa Học và đồng thời là sinh viên trường Quốc Gia Âm Nhạc. Sau 8 năm ông tốt nghiệp nghành violon và âm nhạc Pháp. Nơi đây chứng kiến mối tình của ông và bà Đoàn Thanh Vân, người sau này đoàn tụ và thành vợ ông ở Mỹ, cũng là con nhà dòng dõi nghệ thuật Đoàn Châu Mậu.

Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên
Chân dung Nhạc sĩ Ngô Thụy Miên. (Ảnh chụp màn hình video)

***

Ngô Thụy Miên, người nhạc sĩ tuổi đôi mươi trong thời ly loạn lại chọn cho mình dòng nhạc tình thuần khiết, nhẹ nhàng mộng mơ, mang đậm dấu ấn của âm nhạc lãng mạn Pháp. Ông là sự tiếp nối xuất sắc của các bậc tiền bối thời kỳ hoàng kim của nhạc tiền chiến. Nghe Miên khúc ta dễ dàng nhớ đến Đoàn Chuẩn, Cung Tiến...

Ông tự nhận sự nghiệp âm nhạc của mình tất cả chỉ là tình ca. Những thăng trầm điêu linh của đất nước đã được nhiều nhạc sĩ khác ghi lại. Phần ông xin góp vào nền âm nhạc Việt bằng mảng nhạc tình. Chiến tranh, hận thù rồi sẽ đi qua, chỉ có tình yêu là vĩnh cữu. Tình yêu chính là món quà của Thượng đế, nói cách khác, loài người không thể tồn tại mà thiếu vắng tình yêu, ông bộc bạch. Chính vì vậy, ông muốn mang lại cho thế hệ tuổi trẻ thời bấy giờ một niềm tin, một niềm hy vọng mới cho tương lai khi con nguời sẽ thương yêu nhau, quên đi những mất mát, hận thù đang ngày ngày bủa vây. "Qua những bản tính ca trong sáng, lãng mạn và mộng mơ, tôi hy vọng mình đã mở ra đuợc một cánh cửa khác cho tuổi trẻ của thế hệ mình, và ở đó chỉ có tình yêu giữa người và người, tình yêu giữa người và cuộc sống." - ông từng thổ lộ trong một cuộc phỏng vấn.

Thập niên 60s đất nước đầy tang thương khổ luỵ nhưng lại là nguồn cảm hứng lớn cho nghệ thuật. Giai đoạn đó, trên nền tảng của tự do, nền âm nhạc miền nam phát triển rực rỡ. Ngoài những đại thụ âm nhạc còn nổi lên hiện tuợng cặp đôi Lê Uyên Phương với dòng nhạc du ca sôi nổi bứt phá của tình yêu cuồng nhiệt mang đậm tính hiện sinh gây ngạc nhiên thích thú cho giới mộ điệu. Lại có thêm một Ngô Thụy Miên quý phái nhẹ nhàng sang trọng đậm chất trữ tình của lối hát thính phòng, làm nên một sắc thái rất riêng, thu hút phần lớn giới sinh viên học sinh.

Miên khúc không chỉ giàu về giai điệu mà còn là những ca từ rất đẹp, nền nã. Miên khúc không khác gì những vần thơ đẹp ẩn mình trong nền nhạc du dương phảng phất chút gì đó cổ điển.

Nhờ Miên khúc mà ta biết đến Giáng Ngọc, Mắt biếc, Bờ mi ngoan, Bàn tay năm ngón kiêu sa, Cánh môi thiên thần, Giọt nước mắt ngà...

Giáng Ngọc là tên ông đặt cho một người con gái có thật, một nữ sinh Gia Long đài các kiêu sa, là nguồn cảm hứng dạt dào cho gã sinh viên âm nhạc lang thang, đa tình và lãng mạn. Nhờ đó ta mới có hai nhạc phẩm Dấu Tình Sầu và Giáng Ngọc.

Cũng chính tâm hồn lãng mạn mà đồng thanh tương ứng. Ông hâm mộ Nguyên Sa, người thi sĩ của những bài thơ tình lãng mạn dễ thương tuổi học trò. (Ảnh chụp màn hình video)Cũng chính tâm hồn lãng mạn mà đồng thanh tương ứng. Ông hâm mộ Nguyên Sa, người thi sĩ của những bài thơ tình lãng mạn dễ thương tuổi học trò. Thơ của Nguyên Sa dần ngấm vào hồn, từ đó ra đời những nhạc phẩm phổ thơ. Áo Lụa Hà Đông, Tuổi Mười Ba, Paris Có Gì Lạ Không Em là ba nhạc phẩm trong danh sách top hit lúc bấy giờ, được yêu thích đặc biệt trong giới học trò. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều nhạc phẩm đã làm nên tên tuổi Ngô Thụy Miên. Niệm khúc cuối, Giọt nước mắt ngà, Bản tình cuối, Mùa thu cho em... là những ca khúc đã trở thành thân quen của mọi giới.

Miên khúc rất đậm đà giai điệu, như có tiếng thánh thót của dương cầm, nhẹ nhàng như dòng suối róc rách hiền hoà chảy. Như bao người nghệ sĩ khác, mùa thu cho Ngô Thuỵ Miên nhiều rung động. Ca khúc dễ thương Mùa thu cho em làm nhắc nhớ đến thi phẩm nổi tiếng Tiếng Thu của Lưu Trọng Lư:

Em có nghe mùa thu mưa giăng lá đổ
em có nghe nai vàng hát khúc yêu đương

...

Em có hay mùa thu mưa bay gió nhẹ
em có hay thu về hết dấu cô liêu

Tình ca Ngô Thụy Miên là nỗi tiếc nhớ một bóng hình, một ánh mắt bên song buồn, một bờ mi ngoan. Có khi man mác buồn vì nhớ nhung, vì chia xa hay dang dở. Nỗi buồn của Miên khúc không bi lụy khổ đau mà nhẹ nhàng thơ mộng. Buồn vương ân ái phai tàn, buồn vì không ai chung bước, những chiều buồn mưa bay gió lay, hay buồn vì tiếc nhớ mắt biếc năm xưa, nỗi buồn của khói sương hoài niệm. Đôi khi Miên khúc lại là ước mơ rất đỗi đời thường của tình yêu đôi lứa. Trong Niệm khúc cuối ông viết:

Cho tôi xin em như gối mộng
Cho tôi ôm em vào lòng
Xin cho một lần, cho đêm mặn nồng
Yêu thương vợ chồng

Đôi khi Miên khúc lại là ước mơ rất đỗi đời thường của tình yêu đôi lứa. (Ảnh minh hoạ: Pixabay)

***

Ngô Thụy Miên sáng tác không nhiều, nhưng tình ca Ngô Thụy Miên có một chỗ đứng rất trang trọng, rất riêng trong nền âm nhạc Việt. Tổng cộng ông viết khoảng 70 ca khúc, với khoảng 20 bài từ trong nước.

Ông vượt biên năm 1979, rồi tạm cư ở Montreal, Canada. Sau đó ông gặp lại Đoàn Thanh Vân, hai người nên duyên vợ chồng rồi sang Mỹ năm 1980. Phần lớn thời gian ông ngụ cư ở thành phố nhỏ hiền hoà Olympia thuộc bang Washington. Ông sống bằng nghề nghiệp của một chuyên viên về máy tính.

Đa phần các nhạc sĩ Việt gặp nhiều khó khăn, ít sáng tác hoặc ngừng hẳn khi bị bứng khỏi quê hương. Thật khó mà rung động ở một khung trời mới cùng dòng người xa lạ. Chỉ có nỗi nhớ là quay quắt. Đâu rồi thành phố, con đường, hàng cây quen từng rất đỗi dấu yêu.

Vậy mà nơi góc trời nhỏ đó ông cho ra đời thêm nhiều tình khúc bất hủ. Một trong những tác phẩm thành công nhất, được yêu mến nhất chính là Riêng một góc trời ra đời năm 1997, được rất nhiều ca sĩ chọn hát, trong đó thành công nhất có lẽ là Tuấn Ngọc.

Riêng một góc trời, bản tình ca hay xuất sắc từ giai điệu lẫn ca từ, có chút gì đó giống Hoài Cảm, nhất là phần điệp khúc lên cao trào, tình yêu xưa réo gọi, kỷ niệm cũ chợt tràn về "Người yêu dấu hỡi... Nay còn đâu". Phần lời, Riêng một góc trời giống như một bài thơ 4 chữ nhẹ nhàng sâu lắng, với cách ví von thật tuyệt:

Tình yêu như nắng,
nắng đưa em về,
bên giòng suối mơ
Nhẹ vương theo gió,
gió mang câu thề,
xa rời chốn xưa

Miên khúc- nhạc sỹ Ngô Thuỵ Miên
Nàng đi lấy chồng cùng niềm vui bên ấy, để lại cho chàng tiếc nuối xót xa. (Ảnh: Pixabay)

Riêng một góc trời là bản boston chậm buồn ray rứt về một bóng hình yêu dấu đã xa. Nàng đi lấy chồng cùng niềm vui bên ấy, để lại cho chàng tiếc nuối xót xa. Tình yêu giờ như lá úa, rơi buồn trong ngập tràn nỗi nhớ. Mưa nào vẫn rơi, mây xưa vẫn trôi nhưng tình sao hiu hắt, để tôi mãi chơi vơi một góc trời riêng.

Từng mùa đi qua, nỗi nhớ vẫn âm thầm mà dữ dội. Mùa xuân vội qua mang theo nụ hôn mê say thuở nào. Mùa đông về, kéo theo niềm hạnh phúc rã rời đã xa. Mùa hạ đến mang lại những tia nắng ấm, nhưng lòng vẫn buốt giá, chỉ có những cơn mê kéo dài, thảng thốt gọi tên em trong vô vàn thương nhớ.

Hạ còn nắng ấm,
thấy lòng sao buốt giá
Gọi tên em mãi,
trong cơn mê này,
mình nhớ thương nhau

***

Văn là người, âm nhạc cũng là người. Ngô Thụy Miên có cuộc sống khá kín đáo ẩn dật ở thành phố nhỏ Olympia mà ông gọi đó là góc trời riêng. Cũng như âm nhạc, ông có đời sống thanh sạch không gợn chút thị phi, nhẹ nhàng như dòng suối âm thầm chảy, rất ít tiếp xúc với giới showbiz hải ngoại. Ông không viết nhạc để sống, mà sống để viết lên niềm đam mê âm nhạc của mình.

Ngô Thụy Miên là một nhạc sĩ thực sự tài hoa đã tạo cho mình một dòng nhạc mang dấu ấn riêng trên từng nốt nhạc, ca từ. Tình ca của ông mãi mãi là những viên ngọc lấp lánh dưới bầu trời âm nhạc Việt. Đóng góp đó luôn được tri ân không chỉ hôm qua, hôm nay, mà sẽ là vô tận. Năm 1993, Thuý Nga Paris By Night làm chương trình video đặc biệt số 21 vinh danh Ngô Thụy Miên và những bản tình ca bất hủ.

Tác giả: Larry De King

Đăng theo Facebook với sự đồng ý của tác giả.



BÀI CHỌN LỌC

Ngô Thụy Miên: Góc trời riêng của những tình khúc bất hủ