Dạy con sáng Đạo: Bài 2 - Nuôi mà không dạy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem lại: Bài 1 - Nhân sinh trăm nghề

Nuôi mà không dạy, là lỗi người cha
Dạy mà không nghiêm, là lỗi người thầy
Học không chuyên cần, là người con xấu
Noi theo người trước, xem xưa biết nay

Nguyên văn chữ Hán:
養而不教,乃父之過
教而不嚴,乃師之惰
學問不勤,乃子之惡
後從先覺,鑑古知今

Âm Hán Việt:
Dưỡng nhi bất giáo, nãi phụ chi quá (1)
Giáo nhi bất nghiêm, nãi sư chi nọa (2)
Học vấn bất cần, nãi tử chi ác
Hậu tòng tiên giác, giám cổ tri kim

Diễn giải:
(1), (2): Sách Tam Tự Kinh viết rằng: Nuôi mà không dạy là lỗi người cha. Dạy mà không nghiêm là lỗi người thầy. (nguyên văn: "Dưỡng bất giáo, nãi phụ quá" "Giáo bất nghiêm, sư chi nọa" (nọa, còn có âm là 'đọa')

Nuôi dưỡng con cái nếu chỉ cung cấp nhu cầu vật chất mà không giáo dục dạy bảo con đạo nghĩa làm người thì đó là lỗi của người cha.

Dạy học trò mà không nghiêm khắc, cẩn thận, thì đó là sự thiếu trách nhiệm của người thầy.

Được dạy dỗ nghiêm túc mà không chú tâm, chăm chỉ học hành, thì đó là trò hư, không phải người con ngoan.

Xem những tấm gương đức hạnh hiền tài xưa, mà chuyên chú noi theo học tập, biết chuyện thời xưa để hiểu chuyện ngày nay.

Câu chuyện tham khảo:

Thầy đồ dạy học tắc trách bị cắt giảm lộc vận

Thầy đồ dạy học tắc trách bị cắt giảm lộc vận. (Tranh: Leo-BM/ NTDVN)

Thời nhà Thanh, ở huyện Ngân có vị thư sinh văn hay chữ tốt nhưng thi mãi vẫn không đỗ đạt. Sau đành làm một thầy đồ dạy học ở nhà.

Một hôm thầy đồ bị bệnh mơ mơ tỉnh tỉnh, mộng thấy mình đến một quan phủ, nhìn kỹ phát hiện ra đây chính là âm gian.

Lúc đó có một viên quan lại đi đến, thì ra đó là người bạn đã quá cố trước đây, thầy đồ liền hỏi ông ta: “Có phải tôi thực sự bị bệnh chết rồi không?”.

Người bạn nói: “Thọ mệnh của ông chưa hết, nhưng lộc vận đã hết rồi, e rằng cũng sẽ mau chóng phải xuống âm gian thôi”.

Thầy đồ nghe vậy liền nói: “Tôi cả đời chỉ dạy học nuôi gia đình, lại chẳng làm tổn hại hoặc chà đạp ai, sao có thể đã hết lộc vận cơ chứ?”

Người bạn ông thở dài rồi nói: “Chính vì ông đã thu tiền, nhưng lại không dạy dỗ người ta tử tế nên mới ra nông nỗi này. Âm gian cho rằng đây chính là lãng phí lộc vận, thuộc loại không có công lao mà ăn không của người. Vì vậy đã tiêu giảm lộc vận của ông để bồi thường những lãng phí mà ông gây ra. Thế nên thọ mệnh của ông chưa hết nhưng lộc vận đã dùng hết rồi”.

Người thầy vốn là một trong “Tam ân”: “Quân - sư - phụ” là quan niệm được Khổng Tử nêu ra từ 2.500 năm trước. Theo Khổng Tử, địa vị của người thầy được nâng lên trên cả địa vị của người cha trong gia đình - sau ông vua là đến ông thầy rồi sau hết mới đến người cha. Trong xã hội xưa, người dạy dỗ con mình nhiều nhất, sát nhất, cả mặt kiến thức và đạo đức chính là người thầy.

Vậy mà thầy đồ này đã thu học phí mà không dạy dỗ tròn trách nhiệm, làm lỡ thời gian công sức con em người ta, là việc hệ trọng đến sinh mệnh cả một đời người, do đó phạm lỗi này là chuyện rất nghiêm trọng.

Thầy đồ nghe xong buồn bã tỉnh dậy. Quả nhiên bệnh tình ông không có tiến triển tốt lên, không lâu sau thì qua đời.

Trước khi lâm chung, ông đã kể lại trải nghiệm ở âm gian để cảnh tỉnh bạn bè thân thích chớ phạm sai lầm như thế này, câu chuyện từ đó được truyền tụng cho đến tận ngày nay.

Xem tiếp: Bài 3 - Học ba cốt yếu

Trung Dung
(Nguồn: “Duyệt vi thảo đường bút ký”)

Văn hoá Giáo dục


BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Dạy con sáng Đạo: Bài 2 - Nuôi mà không dạy