Mọi việc lớn nhỏ đều do Thần an bài, đừng sốt ruột

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tôi có một vài người bạn, lúc rỗi tới nhà tác giả nhàn đàm, nói về những kẻ ác, chính quyền tà ác, thì họ rất bức xúc: 'Tại sao nó chưa sụp đổ!'. Tôi an ủi bạn hữu, nói: ‘Tất cả đều có Thần an bài, tất nhiên đều có nguyên nhân. Các bạn đừng sôt ruột’; đồng thời giới thiệu vài bài viết cho họ đọc. Các bạn đọc xong, lòng như được cởi, liền kiến nghị bảo tôi giới thiệu bài đọc đến với độc giả. 

Trong nhà phát sinh sự việc, là do Thần an bài

Thời nhà Đường, đại thần Đỗ Tông (794~873) cùng Lý Đức Dụ (787~849), đều làm tướng ở Trung Thư tỉnh. Một hôm, Lý Đức Dục nói với Đỗ Tông: ‘Nhà ông có một dị nhân, sao không cho đến nhà tôi chơi một lúc?’

Đỗ Tông nói: ‘Nhà tôi đâu có ai là dị nhân!’

Ông Lý nói: ‘Ông cứ thử nghĩ xem.’

Đỗ Tông nói: ‘Chỉ có một người cháu trai bên họ ngoại, từ phương xa đến tìm chút chức quan.

Lý Đức Dục nói: ‘Chính là ông ấy!’

Đỗ Tông về nhà, cho ông ta đến yết kiến Lý Đức Dục.

Lý Đức Dục hỏi ông ta về quan lộc, vận mệnh của mình ra sao? Người ấy đáp: ‘Thưa Thái úy, ngài có chức vị cao như vậy, còn cần hỏi gì nữa đây? Ngay cả những việc nhỏ nhặt của người ta, cũng đều có định phận, huống chi những việc lớn như công huân, chức tước! Nhưng tôi có thể bàn chút về vài việc nhỏ trong nhà ngài, để chứng thực cho cái lý nhìn việc nhỏ mà rõ ra việc lớn. Trưa mai, có con thú trắng từ phía nam nhà đi ra, có một đứa nhỏ, tóc để trái đào, mặc y phục tím, khoảng chừng 7 tuổi, tay cầm gậy trúc, gậy có 9 đốt, dài 5 thước, xua đuổi thú trắng, con thú đó chạy về hướng Nam. Tiểu đồng ấy không phải là người nhà ông. Ngài hãy thử đợi việc này ứng nghiệm.’

Tới trưa hôm sau, quả nhiên có con mèo trắng, từ phía nam nhà đi tới, rồi một tiểu đồng tóc trái đào mặc áo tím, cầm que đuổi mèo, con mèo trắng chạy về hướng nam.

Lý Đức Dục liền gọi tiểu đồng lại, hỏi han tình hình, tiểu đồng nói mình 7 tuổi. Lại xem que trúc cầm tay, quả là dài 5 thước, có 9 đốt. Tiểu đồng cũng đúng là con của một tùy tùng bên ngoài nhà. Lời dự đoán của ông ấy so với sự việc phát sinh hôm sau không sai chút nào. Từ đây có thể thấy, việc lớn việc nhỏ, tất cả đều do Trời định trước rồi!

(Nguồn truyện ‘Văn kỳ lục’)

Việc lớn nhỏ bên ngoài, cũng đều do Thần an bài

Thái phủ khanh Thôi Khiết ở Trường An cùng tiến sĩ Trần Đồng đi về phía tây thành thăm bạn. Trần Đồng có thể dự đoán, Thôi Khiết không tin, trước khi đi, Trần Đồng bảo: ‘Tôi và ông sẽ được ăn gỏi cá ở đình Bùi Lệnh Công.’

Thôi Khiết không tin, lắc đầu cười. Họ đi qua đường Thiên Môn, thấy bán nhiều cá tươi. Thôi Khiết sớm đã quên mất lời của Trần Đồng lúc trước, nói: ‘Chúng ta đi dạo, nhàn rỗi vô sự, chi bằng ăn gỏi cá chơi!’; liền bảo tùy tùng xuất tiền mua cá, mua mười cân. Thôi Khiết hỏi: ‘Có thể tới đâu để làm cá đây?’; tùy tùng hai bên nhắc: ‘Ở đình Bùi Công, rất gần đây thôi.’ Thế là cho người đi tới đó trước thu xếp.

Cho tới khi đến đình, xuống ngựa, Thôi Khiết mới nghĩ tới lời của Trần Đồng, kinh ngạc thốt lên: ‘Tìm đâu được người làm gỏi cá bây giờ?’ Trần Đồng bảo: ‘Chỉ cần mượn dao thớt tới, sẽ có một nhạc sư đệ nhất bộ, ông ấy sẽ giúp chúng ta làm cá.’

Một lúc sau, có ba bốn vị mặc áo tím đi đến, bước vào đình du lãm. Một vị nhìn thấy cá, nói: ‘Ồ cá tươi quá! Không biết hai vị đây có muốn ăn gỏi cá không? Tôi rất thạo món này, bỏ công làm hộ các vị nhé!

Hỏi ra thì biết, ông ấy nguyên là đệ nhất bộ nhạc sư của Lê Viên (giống Nhạc viện hiện nay). Những người đi cùng lúc này cũng tản đi rồi. Vị nhạc sư này liền cởi áo cầm dao, cực kỳ nhanh nhẹn, loáng chốc đã thành món, Trần Đồng bảo: ‘Gỏi cá này chỉ có tôi và Thôi huynh được ăn, tôi đoán là vị nhạc sư này không được ăn.

Món gỏi cá vừa xong, bỗng nhiên thấy sứ giả tới gọi: ‘Hoàng thượng giá lâm hồ Long Đầu, Đệ nhất nhạc sư mau mau lên đường!’

Vị nhạc sư ấy vội vàng vơ lấy áo mũ rồi chạy nhanh, không kịp cáo biệt. Thôi Khiết thấy kinh dị vô cùng.

Hai người ăn xong, Trần Đồng lại nói: ‘Một lúc nữa, sẽ có một vị quan cửu phẩm từ hướng đông nam cách đây ba nghìn dặm tới đây, được uống nửa bát canh mát.’

Lời vừa nói dứt, thì huyện úy Diên Lăng là Lý Cảnh đi tới, ông chuẩn bị đi nhậm chức, là người có họ với Thôi Khiết, biết rõ ông đang ở đình Bùi Lệnh Công, nên tới để cáo biệt. Trần Đồng cùng Thôi Khiết, đang ăn cá. Thôi Khiết hỏi: ‘Còn gỏi cá không?

Tả hữu hai bên đáp: ‘Đã hết sạch rồi! chỉ còn chút canh mát.’

Thôi Khiết cười lớn bảo: ‘Mau mang tới cho thiếu phủ Lý Canh dùng.’

Thế là Lý Canh uống nửa bát nước mát rồi tạ từ. Lý Canh nhậm chức Đình Lăng huyện úy, chính là chức quan cửu phẩm.

Tất cả đều nằm trong dự ngôn của Trần Đồng. Mới biết rằng đời người ta, gặp ai ăn gì, vô luận việc lớn việc nhỏ, trong cao xanh tĩnh tĩnh, Ông Trời đã tự có an bài cả rồi!

(Trích từ ‘Dật sử’)

Nơi về của sinh mệnh, càng do Thần an bài

Những năm Trinh Nguyên Đường Đức Tông, có người tên là Lý Sinh, nhà ở Hà Bắc, từ nhỏ có sức vóc hơn người, tính khí hào hiệp, không câu nệ tiểu tiết, thường giao lưu với những thiếu niên nghịch ngợm. Hơn hai mươi tuổi mới bắt đầu sửa lỗi, khắc khổ đọc sách, thơ ca làm ra cũng được nhiều người khen ngợi. Ông nhậm nhiều chức quan ở Hà Bắc, sau này làm tới Thâm Châu Lục sự tham quân. Ông có phong độ thanh lịch, giỏi kể chuyện cười, tinh thông việc quan, liêm khiết cẩn trọng, ngay cả trò đá cầu uống rượu cũng rất khá, do đó ông được quan Thái thú tin dùng.

Khi đó, Vương Vũ Tuấn là Thành Đức Quân tiết độ sứ, cậy thế công cao, lại nắm trong tay nhiều quân sĩ, nên làm càn coi thường quân pháp, các trưởng quan quận huyện đều rất sợ ông ta, đến nỗi không dám nhìn thẳng mặt.

Vương Vũ Tuấn từng phái con trai là Vương Sĩ Chân, tuần tra các châu. Vương Sĩ Chân đến Thâm Châu, quan Thái thú cho bày tiệc rượu tiếp đón, còn ở nhà khách thì có ca kỹ phục dịch, khoản đãi Vương Sĩ Chân. Thái thú sợ uy Vương Vũ Tuấn, nên hầu hạ Sĩ Chân hết sức chu đáo, lại lo rằng trong tiệc rượu có kẻ uống say mà thất lễ với Sĩ Chân, nên các quan lại dưới quyền, không một ai được phép đến tiếp rượu.

Vương Sĩ Chân hết sức cao hứng, cảm thấy các châu khác tiếp đãi không đâu chu đáo bằng. Tiệc rượu tới nửa đêm, Vương Sĩ Chân mới nói: ‘Cảm ơn Thái thú hậu đãi, nhưng ta muốn tận hưởng cuộc vui đêm nay, nhưng sao không thấy có khách nhỉ? Muốn ông mời họ tới.’

Thái thú đáp: ‘Quận này xa xôi vắng vẻ, không có danh nhân, sợ uy danh của Phó đại sứ (lúc đó Vương Sĩ Chân là Phó tiết độ sứ), nên không dám cho khách thường tới bồi tiếp, chỉ có mỗi Lục sự tham quân Lý Sinh, là có thể hầu vài câu chuyện cười thôi.

Sĩ Chân bảo: ‘Vậy cho mời ông ta đến

Lý Sinh tiến vào, hướng trước thi lễ. Vương Sĩ Chân vừa nhìn thấy ông, mặt liền tỏ rõ khó chịu. Sĩ Chân lệnh Lý Sinh ngồi xuống, nhưng Lý Sinh càng cung kính thì Sĩ Chân lại càng không vui, trợn mắt rũ ống tay áo, cụt hết hứng vui lúc trước.

Thái thú lo sợ, chẳng biết nói gì cho thỏa. Nhìn sang Lý Sinh, thấy thần khí bất an, mồ hôi đầy mặt, đến chén rượu cầm không vững. Người ngồi quanh bất giác cũng ngây ra. Lúc sau, Sĩ Chân quát thuộc hạ hai bên: ‘Trói Lý Sinh lại, tống vào ngục ngay!’

Tả hữu vội dong Lý Sinh đi, đóng gông nhập ngục.

Sĩ Chân quát thuộc hạ hai bên: ‘Trói Lý Sinh lại, tống vào ngục ngay!’ (Tranh: Tôn Minh Quốc - Epoch Times)

Chỉ một lúc sau, Sĩ Chân lại vui vẻ trở lại, tiếp tục tiệc rượu đến tận mờ sáng mới dừng.

Thái thú vừa kinh vừa sợ, len lén sai người vào ngục hỏi Lý Sinh: ‘Ông biểu hiện hết sức cung kính, lại không nói một lời, đâu có chút gì phạm thượng. Nhưng tại sao Vương Sĩ Chân vừa thấy ông là nổi giận? ông có biết là chuyện gì không?’

Lý Sinh khóc ròng một lúc rồi nói: ‘Phật gia nói về lý báo ứng, tới giờ tôi mới rõ. Khi tôi còn trẻ bần cùng, không kế sinh nhai, nên thường kết giao với đám hiệp khách giang hồ, cướp bóc tài vật trong vùng. Tôi thường cưỡi ngựa cầm cung, qua lại trên đường lớn, ngày đi hơn trăm dặm. Một hôm, tôi gặp một thiếu niên, cưỡi con la, mang theo hai bao lớn. Tôi nổi lòng tham, nhìn hai bên là vực sâu vạn trượng, trời lại tối dần, liền dùng đao đẩy thiếu niên ấy xuống vực. Sau đó vội vàng dắt la tới một lữ quán, mở túi lấy được hơn trăm súc vải lụa. Từ đó nhà có khá hơn. Từ đây, tôi vứt bỏ cung tên, đóng cửa đọc sách, thi cử làm quan, đến nay cũng đã 27 năm rồi.

Tối hôm qua khi ngài Thái thú gọi tôi vào tiệc, nhìn diện mạo Vương Sĩ Chân, tôi nhận ra đó chính là vị thiếu niên bị tôi giết năm nào. Bái kiến xong trong tâm lo sợ, biết mình tất phải chết rồi. Nay tôi chỉ ngồi vươn cổ đợi chết, còn có thể nói gì nữa đây? Đây chính là báo ứng đó thôi!

Sau đó Vương Sĩ Chân tỉnh rượu, vội bảo tả hữu: ‘Tới chỗ Lý Sinh, lấy thủ cấp về đây!

Thuộc hạ theo lệnh, tới nhà ngục chém đầu Lý Sinh đưa lên, Vương Sĩ Chân nhìn lúc lâu rồi cười.

Rồi sau đó lại cùng Thái thú bày yến tiệc. Nhân lúc cao hứng rượu nồng, Thái thú đứng dậy hỏi: ‘Tại hạ bất tài, trông coi một quận, Phó đại sứ tuần tra khoan dung không bắt tội, tối qua ngài ra lệnh cho mời khách tới hầu rượu, quận này đìu hiu vắng khách, không đủ mua vui. Trộm nghĩ Lý Sinh biết uống rượu, cho nên mới gọi ông ta, nhưng Lý Sinh lại thô tục ngu si, không rành lễ nghi nên đã đắc tội với minh công, tại hạ thật có tội. Nay minh công đã giết hắn, tất nhiên là đúng rồi. Nhưng tôi vẫn có chút chưa hiểu, nên đành to gan muốn hỏi ngài một câu, Lý Sinh rốt cuộc đã mắc tội gì, mong ngài chỉ giáo, để chúng tôi đây lấy đó làm bài học về sau.

Vương Sĩ Chân cười mà rằng: ‘Lý Sinh chẳng có tội gì cả, chỉ là khi vừa nhìn thấy hắn là ta đã nổi giận, trong tâm muốn giết hắn. Nay đã giết hắn rồi, ta cũng không biết là tại sao! thôi không nói việc này nữa!

Cho đến tận sau bữa tiệc, Thái thú thì thầm hỏi tuổi Vương Sĩ Chân, đúng 27 tuổi. Nguyên là năm ấy Lý Sinh sát hại thiếu niên nọ, vị ấy chuyển sinh vào nhà Vương gia, tên là Vương Sĩ Chân.

Thái thú kinh ngạc hồi lâu, sau đó cho an táng Lý Sinh chu đáo.

(Trích từ ‘Tuyên thất ký’)

(Bài viết gốc ở zhengjian)

Lục Chân - Epoch Times
Thái Bình biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Mọi việc lớn nhỏ đều do Thần an bài, đừng sốt ruột