Một bức tranh nội cảnh thú vị đã làm hài lòng nhà vua: ‘Các thị nữ’

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tiếng cười khúc khích nhẹ nhàng của một đứa trẻ vang vọng trong sảnh cung điện. Tiếng chiếc váy nặng xào xạc. Một người hầu gái bước vào và giữ cửa phòng của hoàng gia trong Cung điện Alcázar ở Madrid, Tây Ban Nha.

Có một đứa trẻ hoàng gia 5 tuổi đến xưởng vẽ rộng rãi của họa sĩ chính lỗi lạc của triều đình, Diego Velázquez (1599–1660).

Giống như bất kỳ cung điện nào của một vị vua thế kỷ 17, cung điện của Philip IV nhộn nhịp hoạt động và họa sĩ cung đình của ông là một phần trong số này. Trong bức tranh nổi tiếng nhất của mình, họa sĩ Velázquez đã miêu tả một khung cảnh gia đình hoàng gia thân mật, bức tranh này hẳn sẽ làm hài lòng nhà vua của mình.

Sao lại không kia chứ, khi nhân vật trung tâm trong bức tranh là con gái và người thừa kế của nhà vua, Infanta Margarita Theresa. Bức tranh là kiệt tác của nghệ sĩ, trình bày một cảnh bình dị của trẻ nhỏ và đoàn tùy tùng của cô bé mà ngày nay chúng ta gọi là ‘Các thị nữ’ hay “Những người hầu gái danh dự”.

Nhưng chúng ta sẽ sớm nhận thấy còn nhiều điều hơn thế nữa đối với tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời này.

Bức ‘Các thị nữ’ năm 1656, của họa sĩ Diego Velázquez. Tranh dầu trên vải, 2.8m x 2.76m. Bảo tàng Prado, Madrid. (Phạm vi công cộng)

Khung cảnh cuộc sống của gia đình hoàng gia

Với tư cách là bạn của nhà vua, họa sĩ Velázquez muốn làm hài lòng vua Philip, vốn đang bị đè nặng bởi các vấn đề của nhà nước, và muốn ông ấy mỉm cười. Với ý thức về phẩm giá vương giả của mình, vua Philip được cho là chỉ cười ba lần ở nơi công cộng, nhưng ông được biết đến là một người tốt bụng, hiền lành và dễ mến một cách tự nhiên.

Philip IV - Vua Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha. (Ảnh: wikimedia)

Và nhà vua rất thích khi tham dự các salon văn học vui vẻ ở Madrid với các bài thơ hài hước. Người nghệ sĩ đã chia sẻ sự thân thiện này, ông ấy và nhà vua đã phát triển một mối quan hệ bền chặt và thoải mái, giống như ông nội của nhà vua, Philip II, đã kết bạn với nghệ sĩ Ý vĩ đại - Titian.

Một câu chuyện trên trang web TheArtStory kể lại rằng “các bậc cha mẹ hoàng gia rất mệt mỏi khi tạo dáng cho họa sĩ Velázquez và gửi công chúa đến để làm họ vui. Vua Philip IV là một nghệ sĩ nghiệp dư và là một người bạn tốt của Velázquez, ông ấy nhận ra cuộc tụ họp bận rộn này là một khoảnh khắc đặc biệt.”

Bức tranh vẽ một đứa trẻ nhỏ, cô bé dường như có một chuyến thăm không định trước đến studio của nghệ sĩ cùng với những người hầu của mình: hai người hầu chu đáo, hai người bạn đồng hành và một con chó ngao. Ở bên trái cô bé, hầu gái hoàng gia Maria Agustina Sarmiento mời cô bé uống nước. Người hầu còn lại, Isabella de Velasco, chăm chú quan sát cô bé.

Một chi tiết từ bức ‘Các thị nữ’ năm 1656, của họa sĩ Diego Velázquez. Tranh dầu trên vải, 2.8m x 2.76m. Bảo tàng Prado, Madrid. (Phạm vi công cộng)

Ở phía ngoài cùng bên phải của bức tranh là những người bạn đồng hành của cô bé, người lùn người Đức Maribarbola và người lùn người Ý tóc dài Nicolasito Pertusato tinh nghịch đặt chân lên chú chó đang buồn ngủ. Trong một khu vực ít ánh sáng phía sau, người phụ nữ đang chờ, Marcela de Ulloa, trò chuyện với “lính canh” (người hầu cận hoàng gia) của cô bé.

Còn có nhiều nhân vật hơn ở phía sau. Đứng ở ô cửa sáng bên phải là Jose Nieto, người hầu phòng và cũng là họ hàng của họa sĩ Velázquez, đang chăm chú nhìn vào hiện trường. Sau đó, có một tấm gương ở bên trái bối cảnh phản chiếu hình bóng của cha mẹ công chúa Margarita, đó là vua Philip IV và Mariana người Áo, họ dường như cũng đang quan sát quang cảnh. Vì vậy, ở đây được nhóm trong một bức tranh là tất cả các thành viên gia đình thân thiết nhất của nhà vua, vì những người hầu cá nhân này cũng được coi là một phần của gia đình.

Một phần của gia đình hoàng gia

Theo một nghĩa nào đó, họa sĩ Velázquez cũng là một phần của gia đình hoàng gia, và ông ấy cho chúng ta biết điều này bằng cách đặt mình vào buổi họp mặt riêng tư của hoàng gia. Bức chân dung tự họa của ông ấy, ở phía trước bên trái, cho thấy hình ảnh một người nghệ sĩ rất chân thành trong công việc.

Họa sĩ Velázquez qua đời khoảng 2 năm sau khi hoàn thành bức tranh. Vào năm 1658, vua Philip đã vinh danh ông là Hiệp sĩ của Santiago. Sau đó, huy hiệu của danh hiệu đã được thêm vào bức chân dung tự họa “Các thị nữ.” Người ta truyền rằng vua Philip vốn tự coi mình là một họa sĩ nghiệp dư, đã tự tay thêm biểu tượng màu đỏ trên ngực bức chân dung tự họa của Velázquez.

Một chi tiết từ bức ‘Các thị nữ’ năm 1656, của họa sĩ Diego Velázquez. Tranh dầu trên vải, 2.8m x 2.76m. Bảo tàng Prado, Madrid. (Phạm vi công cộng)

Tưởng nhớ Rubens

Ngay cả những bức tranh tối màu trên tường cũng tôn vinh nghệ thuật hội họa bằng cách ghi nhận người bạn tốt của họa sĩ Velázquez, là nghệ sĩ Peter Paul Rubens - một nghệ sĩ người Flemish, ông được coi là nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất của truyền thống Flemish Baroque. Họa sĩ đã gặp gỡ và trở thành bạn tốt của Rubens khi ông làm việc trong 6 tháng tại cung điện vào năm 1628.

Nghệ sĩ Peter Paul Rubens là một nghệ sĩ người Flemish. Ông được coi là nghệ sĩ có ảnh hưởng nhất của truyền thống Flemish Baroque. Các tác phẩm tràn đầy năng lượng của ông tham chiếu các khía cạnh uyên bác của lịch sử cổ điển và Kitô giáo. (Ảnh: wikimedia)

Mặc dù hầu như không thể nhìn rõ các bức tranh, nhưng đó là những cảnh trong bài thơ "Metamorphosis" của Ovid, về Minerva và Arachne, cũng như Pan và Apollo. Chúng không chỉ tôn vinh nghệ sĩ Rubens mà còn ám chỉ mối quan hệ của vị vua với thiên đàng. Họa sĩ Velázquez có quyền lui tới bộ sưu tập nghệ thuật khổng lồ của cung điện, nơi lưu giữ nhiều bức tranh của Rubens.

Chú thích: Metamorphosis - "Sách về sự biến đổi" là một bài thơ kể chuyện bằng tiếng Latinh của nhà thơ La Mã Ovid.

Kỹ thuật thực tế

Bức tranh dài 2.1 x 3 mét, cho thấy phong cách vẽ chân thực trực tiếp mạnh mẽ của họa sĩ Velázquez, mang bản chất thực tế và đi trước thời đại. Ông đã sử dụng nhiều kỹ thuật khác nhau để miêu tả chính xác chi tiết và nhiều sắc thái, bao gồm các nét vẽ tự do, lỏng lẻo; việc sử dụng các độ dốc của ánh sáng, màu sắc và hình thức; và một con mắt tinh tế nhận biết chi tiết vượt trội so với các đồng nghiệp của mình.

Họa sĩ Velázquez đã sử dụng thành thạo kỹ thuật chiaroscuro, xử lý ánh sáng và bóng tối trong một bức tranh để tạo ra độ tương phản cao, đặc biệt là chỗ cô bé nhận được nhiều ánh sáng trực tiếp nhất từ chiếc cửa sổ duy nhất.

Người nghệ sĩ sáng tác bức tranh thu hút ánh nhìn của người xem và xung quanh bố cục. Ví dụ, việc sử dụng các đường chéo của ông ấy, trong đường thẳng mạnh mẽ của mép tranh đã thu hút chúng ta về phía cô bé. Mặt phẳng thẳng đứng tạo ra tiền cảnh, trung cảnh và hậu cảnh để thu hút mắt chúng ta hướng lên, sau đó nhìn xuống và tạo cảm giác chuyển động mạnh mẽ.

Nghệ thuật vẽ tranh hoàng gia

“Các thị nữ” không phải là một bức chân dung hoàng gia, mà là một nội cảnh mà những người bên ngoài cung điện thường không nhìn thấy. Bức tranh này cho phép thần dân của nhà vua (và những người xem ngày nay) biết đến những gì đã diễn ra trong khuôn viên riêng của nhà vua.

Trong “Hồi ký” của mình, Madame de Motteville - một cô con gái của một quý ông trong cung điện nhà vua, người có mặt tại hiện trường, viết về công chúa nhỏ như sau: "Cô ấy được chờ đợi với sự tôn trọng đặc biệt, rất ít người được tiếp cận với cô ấy và đó là một sự ưu ái đặc biệt khi chúng tôi được phép nán lại trước cửa phòng của cô ấy."

Một cái gì đó giống như “Nghệ thuật hội họa” của Johannes Vermeer, kiệt tác này cho chúng ta thấy tầm quan trọng của nghệ thuật của họa sĩ cũng như giá trị của nó trong văn hóa xã hội. Theo TheArtStory: “Tác phẩm này là một minh chứng trực quan cho phẩm chất của hội họa, vai trò của một nghệ sĩ trong việc tìm kiếm khoảnh khắc quý báu thân mật, mang lại một cảm giác cuộc sống và thể hiện bối cảnh một cách trực quan để cả thế giới thưởng thức.”

Bức tranh từng có một số tên. Năm 1666, ngay sau khi hoàn thành, nó được gọi là "Chân dung công chúa với các hầu gái và một chú lùn", năm 1734 là "Gia đình của Vua Philip IV", và trước tên hiện tại là "Gia đình."

Bức ‘Các thị nữ’ hay ‘Những người hầu gái danh dự’ năm 1656, của họa sĩ Diego Velázquez. Tranh dầu trên vải, 2.8m x 2.76m. Bảo tàng Prado, Madrid. (Phạm vi công cộng)

Cao Nguyên
Theo The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Một bức tranh nội cảnh thú vị đã làm hài lòng nhà vua: ‘Các thị nữ’