Một việc nhỏ thường ngày lại ảnh hưởng lớn đến thọ mệnh

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Trong sách “Thái Thượng cảm ứng thiên hội biên” của Đạo giáo có ghi chép một câu chuyện, đã diễn tả sinh động việc nhỏ thường ngày nhìn có vẻ rất tầm thường là tiết kiệm và xa hoa, nhưng lại ảnh hưởng lớn đến thọ mệnh của con người.

Thời triều Nguyên, có hai vị Thái học sinh, sinh cùng giờ cùng ngày cùng tháng cùng năm, thi đỗ kỳ thi hương cùng năm, nhậm chức quan như nhau trong cùng một ngày. Một vị được bổ nhiệm làm Giáo thụ Ngạc Châu (giáo thụ là tên một chức quan xưa quản lý việc học tập), còn một vị làm Giáo thụ Hoàng Châu. Không lâu sau, Giáo thụ Hoàng Châu qua đời, Giáo thụ Ngạc Châu biết tin thì vô cùng sợ hãi, nghĩ rằng, mình sinh cùng giờ, ngày, tháng, năm với người ta, vận mệnh tương đồng, thế nên thời gian chết sẽ không khác biệt nhiều. Thế là ông lo liệu mọi thứ sẵn sàng cho hậu sự, chờ đợi cái chết giáng xuống. Nhưng, sau nhiều ngày, ông vẫn sống khỏe mạnh như thường.

Thế là, ông chuẩn bị lễ đến Hoàng Châu viếng. Giáo thụ Ngạc Châu đến trước linh cữu Giáo thụ Hoàng Châu khóc và nói: “Tôi với ông giờ sinh giống nhau, xuất thân giống nhau, mà ông lại ra đi trước, nếu giờ đây tôi chết thì cũng đã muộn hơn ông 7 ngày rồi. Nếu ông linh thiêng, xin hãy thác mộng báo cho tôi biết nguyên nhân”.

Đêm đó, quả nhiên ông mộng thấy Giáo thụ Hoàng Châu. Giáo thụ Hoàng Châu nói với ông nguyên nhân rằng: “Bất kỳ việc gì ông cũng biết tiết kiệm ăn tiêu chi dùng, do đó được trường thọ. Còn tôi hưởng thụ quá độ, do đó mới đoản mệnh”.

Hai vị Thái học sinh, sinh cùng giờ cùng ngày cùng tháng cùng năm, thi đỗ kỳ thi hương cùng năm, nhậm chức quan như nhau trong cùng một ngày. (Tranh: Winnie Wang - Secretchina)

Rất nhiều người nghe được lý do này đều cảm thấy rất kỳ lạ. Thực ra, đạo lý này không chỉ được đề cập đến trong sách “Thái Thượng cảm ứng thiên”, mà trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, rất nhiều bậc trưởng bối cũng đều đề cập đến những ‘chuyện nhỏ’ như thế này.

Hồi còn là học sinh, tôi đã được nghe thầy giáo, các bậc trưởng bối giảng, làm người cần phải biết cần kiệm, tiết kiệm, biết bồi dưỡng tình cảm, khí tiết, chí hướng, ý chí như thế nào. Tuy nhiên, tôi vẫn không lĩnh hội được đầy đủ ý nghĩa của những lời dạy bảo đó. Câu chuyện Đạo giáo này đã thức tỉnh tôi, thì ra tiết kiệm, xa hoa có quan hệ mật thiết với lẽ Trời thiện ác hữu báo. Đây mới là gốc rễ của vấn đề. Giáo thụ Hoàng Châu sinh hoạt xa hoa, đã sớm sử dụng hết phúc phận của mình, nên đoản mệnh mà chết. Giáo thụ Ngạc Châu thì bất kỳ việc gì cũng dè sẻn tiết kiệm ăn tiêu, tương đương với tích đức, nên được trường thọ.

Có một câu chuyện văn hóa truyền thống rằng, lượng nước sử dụng mỗi ngày của mỗi người đều có định số, vượt quá số lượng mà Thần đã an bài thì phải dùng đức, dùng phúc phận trao đổi, không biết tiết kiệm nước sử dụng thì mỗi ngày đều lãng phí như vậy. Khi lãng phí đến một mức độ nhất định thì cuối cùng sẽ tổn thọ. Do đó có thể thấy, tiết kiệm là tiếc phúc, xa hoa là tổn phúc.

Đáng tiếc là, nhiều người trẻ tuổi hiện nay thiếu quan niệm văn hóa truyền thống, không biết đạo lý tiết kiệm là phúc, làm gì cũng coi trọng thể diện, muốn hoành tráng, thâm chí phô trương lãng phí lại coi là thể diện, là sang chảnh. Khi mất đi sự kế thừa văn hóa truyền thống, con người không còn sự ước thúc của tâm pháp, không biết thế nào là đúng, thế nào là sai, trong vô tri tạo nghiệp, làm hại bản thân mà không tự biết, còn cho rằng mình sống rất khôn ngoan. Thế nên, chúng ta cần biết quý tiếc và phục hưng văn hóa truyền thống, trở về con đường truyền thống, thì xã hội nhất định sẽ càng ngày càng nhiều người tốt, như thế những sự nghiệp chấn hưng dân tộc, nhân dân hạnh phúc, dân giàu nước mạnh sẽ không phải là câu khẩu hiệu nữa, mà sẽ thành sự thực.

Trung Hòa
Theo Minh Khắc - Visiontimes



BÀI CHỌN LỌC

Một việc nhỏ thường ngày lại ảnh hưởng lớn đến thọ mệnh