Năm con chuột kể chuyện chuột: Những con chuột biết báo ân

Giúp NTDVN sửa lỗi

Năm 2020 là năm Canh Tý, Canh thuộc Kim - kim loại màu trắng, Tý là Chuột, nên Canh Tý là năm Chuột Bạch. Vào năm con chuột ta hãy bàn luận đôi lời về con vật “đa diện” này: nó có thể là một con chuột linh thiêng, chuột ăn cắp, chuột tinh ranh, chuột chính nghĩa, chuột tốt hay thậm chí một con chuột biết báo ân.

Chuột báo ân

Mặc dù chuột là động vật gây hại, khi chuột băng qua đường, mọi người đều la hét và đuổi đánh, nhưng trong những tiểu thuyết của các nhà văn thời xưa, cũng có kể đến những con chuột tốt và biết báo ân.

Trong cuốn tiểu thuyết Tử Bất Ngữ của nhà văn Viên Mai, đại thi nhân thời nhà Thanh, có ghi chép:

Vào năm Càn Long thứ 9, Quan huyện Phồn Xương là Hoàng Công, và tôi (chỉ tác giả Viên Mai) đã cùng nhau thẩm duyệt các bài thi của cuộc thi Hương tại Giang Nam. Hoàng Công đọc một bài thi có tên hiệu là "Triệu", thấy không hợp ý mình, bèn bỏ vào cái hộp đựng bài thi không đạt. Sáng sớm hôm sau xem lại, thấy bài thi tên “Triệu” kia vẫn nằm ở trên bàn, Hoàng Công cứ nghĩ mình quên, lại lần nữa bỏ vào hộp bài thi không đạt.

Sáng ngày kế tiếp, ông lại thấy bài thi kia lần nữa ở trên bàn, thấy vô cùng kỳ lạ, nghi ngờ có ai đó đã lén lấy nó ra khỏi hộp. Thế là đêm hôm đó, Hoàng Công thắp đèn cầy, giả vờ ngủ say để âm thầm theo dõi.

Đến khoảng nửa đêm, ông nhìn thấy có ba con chuột lẳng lặng bò vào hộp, rồi tha bài thi tên “Triệu” kia đặt lên bàn.

Hoàng Công nghĩ thầm, người này chắc là có âm đức nên được ông Trời soi xét và phái ba con chuột đến để tương trợ. Cuối cùng, ông đành miễn cưỡng cho bài thi này được chọn.

Đến khoảng nửa đêm, ông nhìn thấy có ba con chuột lẳng lặng bò vào hộp, rồi tha bài thi tên “Triệu” kia đặt lên bàn. 
Đến khoảng nửa đêm, ông nhìn thấy có ba con chuột lẳng lặng bò vào hộp, rồi tha bài thi tên “Triệu” kia đặt lên bàn. (Ảnh: Shutterstock)

Sau khi công bố danh sách, mới biết thí sinh này họ Mẫn. Khi gặp anh ta, Hoàng Công kể về những điều kỳ lạ đã xảy ra và hỏi: "Gia đình anh đã từng làm những việc thiện gì?”.

Họ Mẫn trả lời: "Gia cảnh của tiểu nhân bần cùng, không có việc thiện để làm, chỉ là ba đời không nuôi mèo mà thôi”.

Từ đây có thể thấy rằng, con chuột cũng có linh tính, chúng biết ơn gia đình họ Mẫn ba đời không nuôi mèo, bèn đến giúp anh ta thi đỗ cử nhân.

***

Chuột tốt

Có nhiều ghi chép về những con chuột giúp đỡ người nghèo. Trong cuốn Nhĩ thực lục vào triều đại nhà Thanh có một ví dụ như vậy:

Ở huyện Kim Khê tỉnh Giang Tô có một người phụ nữ ăn xin họ Chu khoảng năm mươi tuổi, chồng đã qua đời mà không có con trai, bà sống một mình trong một ngôi nhà đổ nát.

Một ngày nọ, bà bỗng nghe có tiếng nói của ai đó thì thầm bên tai: "Ngươi thật đáng thương, ta sẽ giúp ngươi, đừng sợ. Ở đầu giường có 200 quan tiền, ngươi hãy lấy mua gạo để nấu cơm, không cần phải bỏ nhà đi xin ăn”.

Bà Chu sờ đầu giường, quả nhiên lấy được tiền. Bà kinh ngạc không biết là Thần tiên nơi nào, thì có tiếng đáp lại: “Ta là sứ giả trông giữ phương Đông”.

Từ đó trở đi, tiền, gạo hoặc đồ ăn đều được chuyển đến nhà bà Chu mỗi ngày, mỗi lần chuyển đến cũng không nhiều, chỉ có thể dùng trong một hoặc hai ngày, dùng hết lại được đem đến, không lúc nào thiếu, thỉnh thoảng còn có một ít quần áo. Bà Chu nhờ vậy mà thoát được cảnh đói rét, vô cùng biết ơn ân đức của ‘vị sứ giả’.

Từ đó trở đi, tiền, gạo hoặc đồ ăn đều được chuyển đến nhà bà Chu mỗi ngày, mỗi lần chuyển đến cũng không nhiều, chỉ có thể dùng trong một hoặc hai ngày, dùng hết lại được đem đến, không lúc nào thiếu, thỉnh thoảng còn có một ít quần áo.
Từ đó trở đi, tiền, gạo hoặc đồ ăn đều được chuyển đến nhà bà Chu mỗi ngày, mỗi lần chuyển đến cũng không nhiều, chỉ có thể dùng trong một hoặc hai ngày, dùng hết lại được đem đến, không lúc nào thiếu, thỉnh thoảng còn có một ít quần áo. (Ảnh: Pexels)

Một thời gian sau, bà Chu nghe nói nhà hàng xóm ở phía đông hay bị mất đồ mà không biết nguyên do, nhà hàng xóm ở phía tây cũng vậy. Bà Chu mới biết rằng ‘vị sứ giả’ kia đã ăn cắp đồ của hàng xóm để giúp mình. Hơn nữa láng giềng có việc lành dữ ra sao đều báo cho bà biết trước, còn dặn bà không được tiết lộ. Bà Chu sau khi kiểm chứng lại, thấy quả nhiên đều không sai, cứ như vậy đã vài năm nay.

Hàng xóm không còn thấy bà Chu ra ngoài ăn xin nữa nên cảm thấy thắc mắc và kỳ lạ, bèn nhìn trộm vào nhà bà, phát hiện mọi thứ mà nhà mình từng mất trộm đều có hết ở đây. Mọi người tức giận và muốn đuổi đánh, bắt trói bà. Đột nhiên có tiếng nói từ không trung vọng xuống: "Bà ấy có tội gì? Đều là ta làm. Mất như vậy có nhiều nhặn gì, lại còn muốn làm hại người ta sao? Các ngươi nếu không tha cho bà ấy, thì sẽ không tốt cho các ngươi!”.

Những người hàng xóm kinh hãi bèn nhanh chóng rời đi. Người dân trong làng hôm ấy được một phen kỳ quái.

Sau đó, một người hàng xóm lặng lẽ đến nhờ một vị đạo sĩ viết hộ một lá bùa. Người này cầm lá bùa đi thẳng vào phòng ngủ của bà Chu rồi dán lên tường. Bà Chu tức giận với tay định xe tấm bùa thì bất ngờ có một tiếng sấm rền vang, trong phút chốc chỉ thấy một con chuột khổng lồ nằm chết trên đầu giường, hang chuột ở bên cạnh to như một cái cửa sổ vậy.

Kể từ đó, bà Chu lại trở về nghèo đói như trước, ngày ngày phải ra ngoài đi xin ăn.

Trong ghi chép này, con chuột là vì xuất phát từ hảo tâm mà muốn giúp đỡ người nghèo đói. Nhưng chuột không làm ra được của cải gì, vì vậy ngay cả khi mong muốn giúp đỡ người khác, nó cũng phải dựa vào việc đi ăn cắp. Như vậy, kết cục đương nhiên là không mấy tốt đẹp. Ý định ban đầu của nó chắc chắn là tốt, chỉ là không biết giúp đỡ như thế nào mà thôi.

Năm Chuột kể chuyện chuột, càng khiến chúng ta cảm nhận sâu sắc hơn rằng: Hình như vạn vật đều có linh!

Quỳnh Chi (biên dịch)
Theo ntdtv.com

Tham khảo: Tử bất ngữ”, “Dị uyển”, “Nhĩ thưc lục”.



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Năm con chuột kể chuyện chuột: Những con chuột biết báo ân