Năm Dần nói chuyện về Hổ

Giúp NTDVN sửa lỗi

[Radio] - Hổ cũng là 1 trong 12 con giáp. Người sinh năm hổ được cho là người anh dũng, lạc quan, khoan dung và khảng khái, thường là người giỏi lãnh đạo và trường thọ. Dân gian còn có câu: “Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân, ta đẻ giờ Dần ta chẳng kém ai”. Điều đó đã nói lên vai trò quan trọng của hổ trong đời sống văn hóa của người xưa.

Hổ trong văn hóa truyền thống

Hổ được coi là vua của loài thú, chúa tể núi rừng. Trong văn hóa truyền thống các nước Á Đông, hổ có vị trí quan trọng, thường được gọi đi đôi với rồng như: Thanh long bạch hổ; Long bàn hổ cứ (rồng cuốn hổ ngồi); Ngọa hổ tàng long; Như hổ thêm cánh; Không vào hang hổ sao bắt được hổ con; Long tranh hổ đấu; Cưỡi trên lưng cọp; Hổ phụ sinh hổ tử; Cọp chết để da, người ta chết để tiếng...

Các dũng tướng được gọi là Hổ tướng; Binh phù được gọi là Hổ phù. Thời Tam Quốc, nhà Thục Hán có Ngũ Hổ tướng nổi danh thiên hạ, còn gọi là ngũ hổ thượng tướng, đó là Tiền tướng quân Quan Vũ, Hữu tướng quân Trương Phi, Tả tướng quân Mã Siêu, Hậu tướng quân Hoàng Trung và Dực tướng quân Triệu Vân.

Hổ tượng trưng cho vẻ đẹp uy quyền, anh dũng, không sợ hãi. Hình tượng hổ được sử dụng như là linh vật, có tác dụng đuổi yêu, trừ tà, trấn trạch…

Tranh dân gian Đông Hồ và cả dòng tranh Hàng Trống đều có bức tranh Ngũ hổ, thường được người ta dùng làm tranh thờ, trấn trạch, xua đuổi tà khí. Tranh Ngũ hổ gồm: Thanh Hổ ứng với màu xanh, ở phương Đông, hành Mộc và thuộc mùa Xuân; Xích Hổ ứng với màu đỏ, ở phương Nam, hành Hỏa và thuộc mùa Hạ; Bạch Hổ ứng với màu trắng, ở phương Tây, hành Kim và thuộc mùa Thu, trong một chừng mực nào đó hổ trắng còn được người ta quan tâm nhiều vì nó là hiện thân của thần tài và thần chữa bệnh; Hắc Hổ ứng với màu đen, ở phương Bắc, hành Thủy và thuộc mùa Đông; Hoàng Hổ ứng với màu vàng, thuộc Trung Phương và ứng với hành Thổ.

Tranh dân gian Đông Hồ và cả dòng tranh Hàng Trống đều có bức tranh Ngũ hổ, thường được người ta dùng làm tranh thờ, trấn trạch, xua đuổi tà khí. (Ảnh: https://commons.wikimedia.org/)

Nguồn gốc con giáp Hổ

Hổ đứng thứ 3 trong 12 con giáp. Tương truyền thời viễn cổ, vị trí thứ 3 là thuộc sư tử, và hổ không có mặt trong 12 con giáp. Nhưng do sư tử hung dữ quá, danh tiếng xấu, nên Ngọc Hoàng Đại Đế muốn gạch tên sư tử và tìm một loài thú khác để trấn giữ cai quản núi rừng, nhưng tìm mãi vẫn không có loài thú nào xứng đáng làm chúa sơn lâm. Lúc này, Ngọc Hoàng trông thấy Hổ vệ sĩ đang đứng gác trước điện.

Hổ vệ sĩ trên Thiên cung vốn xưa kia chỉ là một loài động vật không tên tuổi dưới trần thế. Hổ theo học thầy Mèo được các món võ như vồ, chộp, cào, cắn, cắt, nhảy, chồm. Nhờ có sức khỏe, lại tinh thông thập bát ban võ nghệ nên Hổ đã trở thành dũng sĩ sơn lâm. Các loài vật đọ sức với Hổ, không chết thì bị thương. Danh tiếng Hổ ngày càng vang xa, và cuối cùng, Hổ cũng xưng bá chủ sơn lâm.

Danh tiếng Hổ dũng mãnh vang đến Thiên cung, Ngọc Đế xuống chỉ truyền Hổ lên Thiên đình, đọ sức với Ngọc Đế. Hổ sức khỏe vô song, võ nghệ cao cường, và đã thắng cả Ngọc Đế. Thế là Ngọc Đế ban cho Hổ chức Điện tiền Vệ sĩ, thường túc trực trước Thiên cung.

Nhưng dưới trần gian, các loài chim thú không có người cai quản nên bắt đầu làm loạn, gây tai họa cho nhân gian. Sự việc kinh động đến Thần Thổ Địa, Thần Thổ Địa vội báo cáo lên Thiên đình, xin Ngọc Đế phái Thiên tướng xuống cai quản bách thú.

Ngọc Đế phái Hổ vệ sĩ xuống trần. Hổ yêu cầu mỗi lần thắng thì ghi công hổ một lần. Ngọc Đế muốn nhân gian yên ổn nên đã đồng ý.

Xuống phàm trần, Hổ tìm hiểu, biết được Sư tử, Gấu và Ngựa là 3 loài vật lợi hại nhất lúc bấy giờ. Thế là Hổ thách đấu với 3 con vật này. Với sự dũng mãnh và võ nghệ cao cường, Hổ đã liên tiếp chiến thắng Sư tử, Gấu và Ngựa. Các loài thú dữ khác nghe vậy liền bỏ chạy vào khu rừng núi sâu không có bóng người để ẩn nấp. Nhân gian vui mừng cảm ơn Hổ đã lập công trừ nạn cho thế gian.

Sau khi trở lại Thiên đình, Ngọc Đế đã vẽ 3 vạch trên trán Hổ biểu thị lập được 3 công. Sau này, dưới trần gian lại bị con yêu quái Rùa ở Đông Hải quấy nhiễu, mặt đất nổi ba đào, binh Tôm, tướng Cua làm loạn thế gian.

Sau khi trở lại Thiên đình, Ngọc Đế đã vẽ 3 vạch trên trán Hổ biểu thị lập được 3 công. (Ảnh: Pixabay)

Hổ lại được sai xuống nhân gian dẹp loạn. Hổ cắn chết yêu quái Rùa. Ngọc Đế vui mừng ghi công lớn cho Hổ, vẽ một nét sổ trên trán hổ, thành chữ Vương. Từ đó, Hổ được phong làm vua của bách thú, là chúa tể núi rừng, cai quản các loài chim thú.

Khi Sư tử làm ác, tiếng ác lan truyền, cuối cùng truyền đến Thiên đình. Ngọc Đế bèn quyết định xóa tên Sư tử trong 12 con giáp, và bổ sung vua của loài thú - Hổ. Sư tử bị đày đến nơi đồng cỏ hoang vu xa xôi.

Hổ theo lệnh Ngọc Đế xuống trần bảo vệ sự bình an. Từ đó người ta làm bùa hổ, vòng hổ, vẽ hình hổ làm vật trấn tà, tránh tai trừ họa.

Sự tích thờ Thần Hổ

Sự tích thờ Thần Hổ ngày nay vẫn còn lưu truyền nhiều ở vùng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Thời vua An Dương Vương, người Việt định cư ở vùng đồng bằng và trung du, làm nghề nông và săn bắn.

Ở làng nọ có một ông lão nhà nghèo, không có đất làm nhà, ông phải lên rừng đốn nứa đem về làm bè và dựng thành lều trên sông Lam, ngày ngày tảo tần đơm đó và đưa đò kiếm sống.

Vùng này có nhiều hổ dữ, chúng thường bắt người ăn thịt. Một hôm có đoàn người lên rừng làm rẫy, gặp năm con hổ đang ngồi rình trên hòn đá ven đường chờ người đi qua để bắt. Ông lão đang chống bè trên sông trông thấy, liền kêu lớn cho đoàn người quay lại.

Lần khác, ông lão chèo bè đi đổ đó trên sông. Một con hổ xám chờ ông lão đến gần rồi nhảy xuống bè bắt ông. Nào ngờ bè nứa bị choãi ra và một chân sau của hổ bị kẹp chặt lại. Hổ càng giãy thì chân càng lún sâu xuống và bị nứa xước, máu chảy đầm đìa. Hổ đau đớn gầm lên náo động cả khu rừng, muông thú đều hoảng sợ bỏ chạy tán loạn.

Trong khi đó, ông lão hết sức bình thản, một tay cầm con dao, một tay cầm bó đuốc đến bên con hổ và nói: “Ông dòng dõi trên thượng giới, Ngọc Hoàng sai xuống hạ giới cai quản muông thú, sao nỡ bắt con người để ăn thịt? Ta đã già yếu, xin hiến thân cho ông và xin từ nay trở đi ông đừng giết hại con người nữa”.

Nói đoạn, ông cầm dao chặt dây nẹp bè cho bung nứa ra và băng bó vết thương cầm máu cho hổ. Hổ cảm kích, hai chân sau quỳ xuống, hai chân trước đứng chầu cảm tạ hồi lâu rồi mới chạy vào rừng.

Nhưng rồi hổ xám vẫn thường lui tới ven đường, nơi có người qua lại để bắt ăn thịt. Một hôm hổ xám vồ trúng ông lão đang đổ đó. Khi kéo xác lên bờ, nó mới nhận ra ân nhân của mình. Hổ hối hận, kêu gào ầm ĩ cả khu rừng. Sáng hôm sau dân làng đi làm, thấy xác ông lão bên đường và nhìn dấu vết biết là ông bị hổ vồ.

Dân làng thương xót, chôn cất tử tế và tôn ông làm Thần Thổ Địa của làng. Đêm đêm, con hổ xám về chầu trước mộ ông, kêu la thảm thiết và cuối cùng gục chết, hóa thành hòn đá bên mộ.

Từ đó, các loài muông thú không đến phá hoại, dân làng làm ăn trúng mùa liên tiếp. Đặc biệt, hổ xám được dân làng thờ cúng và tôn là Ông Hổ, Thần Hổ, Ông Ba Mươi.

Trung Hòa

 



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Năm Dần nói chuyện về Hổ