5 loại Đạo thế gian (P2): Thương đạo thù tín, Nghiệp đạo thù tinh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vạn sự vạn vật trên thế gian đều chiểu theo quy luật mà thành, trụ, hoại, diệt, người xưa gọi đó là "Đạo". Thuận theo đạo thì hưng thịnh, trái với đạo thì suy tàn, bởi vì: "Thiên đạo thù cần, Địa đạo thù thiện, nhân đạo thù thành, thương đạo thù tín, nghiệp đạo thù tinh"...

  1. Nhân đạo thù thành - Đạo con người đền đáp người chân thành

Đạo con người tức là đạo cuộc đời. Trong Hệ Từ Hạ của Chu Dịch có viết: "Hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên" (Có tồn tại Đạo Trời vậy, và có tồn tại đạo con người vậy).

Theo quan điểm Nho gia, đạo con người có hàm nghĩa nhân văn cao, là giá trị cơ bản để làm người, là tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có xứng đáng với danh xưng làm người hay không. Sách Trung Dung viết: "Thành chi giả, nhân chi đạo" (Chân thành là đạo của con người). Con người cần phải chân thành bất kể là làm việc cũng như làm người. Trước tiên học làm người, sau đó học làm việc.

Yến Thù là tể tướng và nhà thơ nổi tiếng triều Tống. Khi ở tuổi thiếu niên ông đã được Trương Tri Bạch tiến cử với triều đình với danh tiếng "Thần đồng". Khi đến cung điện đúng lúc vua đang đích thân ra đề thi tiến sỹ. Vua liền lệnh cho Yến Thù làm bài thi. Yến Thù nhìn đề thi liền nói: "10 ngày trước thần đã làm đề như thế này rồi, có bản thảo ở đây, xin được đổi một đề khác".

Tống Chân Tông đáng giá cao bài thi của ông, nhưng điều vua đánh giá cao hơn cả là sự thành thật của Yến Thù. Khoa thi đó Yến Thù đỗ tiến sỹ.

Đạo con người có hàm nghĩa nhân văn cao, là giá trị cơ bản để làm người, là tiêu chuẩn để đánh giá xem một người có xứng đáng với danh xưng làm người hay không

Sau khi Yến Thù vào triều làm quan, đương thời thiên hạ thái bình vô sự nên cho phép bá quan chọn nơi có cảnh đẹp mở tiệc. Khi đó danh sỹ đại phu, triều thần ai nấy đều dự tiệc vui vẻ. Nhưng Yến Thù lại ở nhà cùng với huynh đệ giảng học thi thư.

Một hôm trong cung chọn quan dạy thái tử, hoàng đế chấm Yến Thù và bổ nhiệm ông. Thì ra hoàng đế cho rằng: "Gần đây nghe nói các đại thần các quán các đề vui chơi yến tiệc, chỉ có Yến Thù cùng huynh đệ đóng cửa ở nhà đọc sách. Người cẩn thận trung hậu như thế này đúng là người thích hợp có thể dạy thái tử học tập".

Sau khi Yến Thù nhậm chức, có cơ hội yết kiến thánh thượng, hoàng đế nói cho ông biết nguyên nhân bổ nhiệm. Yến Thù chất phác, không câu nệ nói rằng: "Không phải hạ thần không thích vui chơi yến tiệc, chỉ là gia cảnh nghèo không có tiền đi chơi thôi. Nếu thần có tiền cũng sẽ đi yến tiệc, chỉ vì không có tiền nên không bước chân ra khỏi nhà".

Hoàng thượng thấy vậy càng tán thưởng, càng ngày càng sủng ái. Sau này thái tử đăng cơ, ông được trọng dụng, quan lộ thăng dần đến chức tể tướng.

Thành thật giữ chữ tín, giữ lời hứa là một mỹ đức và là cái gốc đối nhân xử thế. Nếu một người nói mà không giữ lời thì sẽ mất đi sự tín nhiệm của người khác đối với mình, đó chính là mất đi thứ quý giá hơn cả ngàn vàng.

Người thành thật có thể trung thực với bản lai diện mục của sự vật, không bóp méo, không bưng bít hay bịa đặt sự thật, đồng thời cũng không che giấu suy nghĩ của mình.

Người thành thật là người quang minh lỗi lạc, lời nói chân thật, xử thế thiết thực.

Người thành thật phản đối khéo léo, cơ hội, a dua phụ họa quyền thế, phản đối gió chiều nào che chiều ấy, tranh công đổ lỗi, làm giả dối ngụy tạo, nói một đằng quằng một nẻo.

Thành thật, giữ chữ tín không chỉ là tiêu chuẩn đạo đức xã hội mà còn là yêu cầu cơ bản của làm người.

  1. Thương đạo thù tín - Đạo kinh doanh đền đáp người giữ chữ tín

"Thương đạo thù tín" có nguồn gốc từ Luận Ngữ: "Dân vô tín bất lập" (người dân mà không tin theo thì không thể tạo lập được chỗ đứng trong xã hội). Thương nhân thành tín kinh doanh thì không nơi nào không được lợi ích.

Thương nhân thành tín kinh doanh thì không nơi nào không được lợi ích

Sách Chính Thanh Tạp Ký có ghi chép rằng: Ở bên Phiền Lâu, Đông Kinh đời Tống có một quán trà nhỏ, mặt tiền phóng khoáng, trà cụ trang nhã thanh khiết, làm ăn rất hưng thịnh. Những năm Nguyên Phong đời Tống Huy Ninh (1068 - 1085), một nhân sỹ họ Lý cùng bằng hữu uống trà trong quán này, sơ ý để quên túi tiền đựng mấy chục lạng vàng trên bàn rồi ra đi. Mấy năm sau, ông Lý lại đến quán trà này, trong lúc trò chuyện với bằng hữu có kể lại câu chuyện mấy năm trước. Chủ quán nghe thấy lập tức nói chen vào: "Túi tiền mà quan nhân nói đến, tiểu nhân nhặt được. Nếu ngài nói đúng số lượng thì ngài có thể đem về".

Ông Lý kinh ngạc phấn khích nói: "Quán nếu thực sự nhặt được thì tôi xin tặng một nửa".

Chủ quán chỉ cười mà không nói gì. Trong quán có một cái gác nhỏ, chủ quán vịn lan can leo lên. Trong gác nhỏ thấy có một lượng lớn những đồ khách hàng để quên, nào là ô, giày, y phục, đồ sành sứ... Trên mỗi đồ vật đều có mảnh giấy ghi rõ ngày tháng năm, người hình dáng thế nào để quên. Đến góc căn gác, chủ quán lấy một cái túi nhỏ, vẫn còn nguyên như trước. Chủ quan lấy xuống rồi hỏi ông Lý. Ông Lý nói số lượng và trọng lượng vàng bên trong. Khi mở ra kiểm đếm, quả đúng như vậy. Chủ quán lập tức trả toàn bộ vàng cho chủ nhân. Ông Lý lấy ra một nửa tặng cho người chủ quán quân tử chí thành này. Chủ quán từ chối và nói: "Tiểu nhân nếu trọng tài khinh nghĩa thì đã cất giấu đi từ lâu rồi".

Thế là ông Lý vô cùng cảm động, tất cả khách trong quán đều vỗ tay ca ngợi.

Là người kinh doanh, muốn đạt được thành công thì không thể nào không dựa vào sự tín nhiệm và ủng hộ của khách hàng. Những thương nhân thành công trong lịch sử, không ai là không coi chữ tín làm đầu, trung thành trên hết, lấy chữ tín làm cái gốc lập thân. Chữ tín là tài sản vô hình quý giá của thương nhân. Giữa doanh nhân, doanh nghiệp và dân chúng, tuyệt đối không được dùng thủ thuật dối trá, không được làm ăn giả dối, cần phải có "một lời hứa giá ngàn vàng", lấy chữ tín làm cái gốc lập thân.

Câu cổ ngữ "Được vạn lạng vàng không bằng được một lời hứa của Quý Bố", sau đó nói ngắn gọn thành "Một lời hứa trị giá ngàn vàng", đó là phương châm "Chữ tín trên hết" của thương nhân. Chỉ có nói lời phải giữ lấy lời, đã làm là có kết quả, như thế mới đắc được nhân tâm, như thế mới khiến tiền tài cuồn cuộn chảy đến.

  1. Nghiệp đạo thù tinh - Đạo nghề nghiệp đền đáp người tinh thông

"Nghiệp đạo thù tinh" có nguồn gốc từ sách Tiến Học Giải của Hàn Dũ: "Nghiệp tinh ư cần, hoang ư hi" (Nghề nghiệp tinh thông bởi chuyên cần, hoang phế bởi chơi đùa). Câu nói cho biết đạo lý cần cù học tập khổ luyện thì kỹ năng nghề nghiệp mới tinh thông.

Khi Khổng Tử còn trẻ, ông theo vị quan nhạc nước Lỗ là Sư Tương học đàn. Sư Tương nói với Khổng Tử: "Khúc nhạc này trò đã chơi tốt rồi, có thể học sang khúc nhạc mới".

Khổng Tử nói: "Chưa được, học trò vẫn chưa nắm vững kỹ xảo diễn tấu".

Sau một thời gian, Sư Tương nói với Khổng Tử rằng: "Bây giờ trò đã nắm vững kỹ xảo diễn tấu khúc nhạc này rồi, có thể học sang khúc nhạc mới".

Khổng Tử nói: "Học trò vẫn chưa lĩnh hội được ý cảnh của khúc nhạc này".

Lại sau một khoảng thời gian, Sư Tương nói: "Trò đã lĩnh hội được ý cảnh khúc nhạc này rồi, có thể học sang khúc nhạc mới".

Khổng Tử lại nói: "Học trò vẫn chưa biết ai là người sáng tác ra khúc nhạc này".

Nghề nghiệp tinh thông bởi chuyên cần, hoang phế bởi chơi đùa

Cứ như thế, Khổng Tử trước sau vẫn chỉ luyện tập chơi một khúc nhạc. Một hôm Khổng Tử trong khi đang chơi đàn thì trong tâm bỗng có sở ngộ, ông liền đứng lên nhìn về phương xa nói: "Học trò đã biết ai sáng tác khúc nhạc này rồi. Người này da ngăm đen, thân thể cao thanh mảnh, tấm lòng rộng lớn, chí hướng cao xa, ngoài Chu Văn Vương ra thì còn có thể là ai nữa".

Sư Tương nghe thấy thế vội vàng đứng dậy, vừa thi lễ với Khổng Tử vừa nói: "Trò quả là bậc Thánh nhân. Khúc nhạc này, thầy dạy ta nói cho ta biết là khúc "Văn Vương tháo" (Tiết tháo của Văn Vương) do Chu Văn Vương sáng tác".

Thành công hay không quyết định bởi bạn có tinh thông với đạo này hay không. Tinh thông tuyệt đối không chỉ giới hạn ở kỹ thuật chuyên môn. Kỹ thuật chuyên môn chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ. "Nghiệp đạo thù tinh", làm thế nào mới đạt được 'tinh'? Đầu tiên là phải tinh thông kỹ thuật chuyên môn, không nên coi công việc chỉ là công cụ kiếm tiền, mà quan trọng hơn là gây dựng được tinh thần say mê kiên trì với công việc, đối với sự việc, sản phẩm làm ra, cần có tinh thần mong cầu tinh thông hơn nữa, tinh tế, tỉ mỉ. Làm bất cứ việc gì, chỉ cần làm được "tâm đáo, thần đáo, thủ đáo" (đặt tâm ở đó, đặt thần ở đó, đặt tay ở đó) thì mới đạt được cảnh giới xuất thần.

Sau khi đạt được tinh thông, cần dùng tư duy và tầm nhìn thiết thực, hữu dụng để xem xét đánh giá lại mình, từ đó tìm ra những chỗ có thể thực sự sáng tạo ra giá trị. Hôm nay tìm ra một chút, ngày mai tìm ra một ít, cứ liên tục tiến bộ, tích tiểu thành đại, từng bước tích lũy, cải tiến, nhất định sẽ trở nên xuất chúng.

Trung Dung biên dịch

Theo KKnews.cc.



BÀI CHỌN LỌC

5 loại Đạo thế gian (P2): Thương đạo thù tín, Nghiệp đạo thù tinh