Năm nghìn tinh binh đánh bại đại quân hàng chục vạn người

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tống Sử có ghi, Lưu Kỹ là một trong bốn đại danh tướng đương đại, ngang hàng với Nhạc Phi, Hàn Thế Trung, Trương Tuấn. Trong chiến dịch bao vây của quân Kim ở Thuận Xương, ông lấy thủ làm công, lấy năm nghìn tinh binh mà đánh lui mấy chục vạn đại quân, lưu lại một dấu son trong lịch sử.

Lưu Kỹ (1098~1162, tự Tín Thúc, người Tần Châu Thành nước Kỷ), dung mạo phi phàm, là bậc kỳ tài, người nào trông thấy ông cũng cảm thấy ông không phải phàm nhân, đến hoàng đế thấy ông cũng thêm lời khen ngợi, và đề bạt chức quan.

Lưu Kỹ là danh tướng Nam Tống, là con thứ 9 của Tiết độ sứ Lư Xuyên Lưu Trọng Vũ. Ông thông hiểu binh pháp và thuật phong thủy ngũ hành, tiếng nói vang như chuông đồng. Sau khi mất, ông được thế nhân tôn vinh là Thần, dựng Lưu Vương miếu để thờ cúng Lưu Kỹ ở trấn Tân Thị, huyện Đức Thanh, thành phố Hồ Châu tỉnh Triết Giang.

Lưu Kỹ giỏi bắn cung. Công phu này xuất sắc thế nào? Một lần khi theo cha Lưu Trọng Vũ xuất chinh, trước cửa doanh trại có một thùng đầy nước, Lưu Kỹ bắn một mũi tên xuyên vào trong, nước chảy vọt ra theo lỗ thủng, ông rút mũi tên thứ hai bắn tiếp, vừa vặn bịt lỗ, nước ngưng chảy. Vào năm Tuyên Hòa, Cao Cầu tiến cử ông với triều đình, được đặc biệt phong chức Các Môn Chi Hầu.

Sau khi Tống Cao Tông lên ngôi, khai ân hậu đãi con cháu của Lưu Trọng Vũ, do vậy Lưu Kỹ được Cao Tông triệu kiến. Tống Cao Tông gặp ông, thấy ông là bậc kỳ tài xuất chúng, liền đặc biệt phong làm Các Môn Tuyên Tán, cử đi Dân Châu nhậm chức Lũng Hựu Đô Hộ. Ông giỏi dụng binh tác chiến, nhiều lần đánh thắng Tây Hạ, danh tiếng lẫy lừng. Ở Tây Hạ, khi trẻ con khóc, các bà mẹ thường dọa: “Lưu Đô Hộ đến kìa!” Trương Tuấn tuần du Thiểm Tây, vừa thấy ông đã khen ngợi tài năng, bổ nhiệm ông làm Kinh Nguyên Kinh Lược Sứ khiêm Tri Vị Châu.

Tượng Lưu Kỹ. (Wikipedia/ CC BY SA 4.0)

Năm Thiệu Hưng thứ mười, quân Kim trả lại ba kinh, Lưu Kỹ được phong Đông Kinh Phó Lưu Thủ, thống lĩnh binh mã nơi đó. Ông chỉ huy bát tự quân, với quân số vỏn vẹn ba vạn bảy nghìn người, lúc chuẩn bị xuất phát, lại có thêm ba nghìn người trong cung, đều mang theo gia quyến cháu con, gia thuộc cho thu xếp ở Thuận Xương, còn quân đội trấn thủ Đông Kinh Khai Phong. Lưu Kỹ dẫn binh từ Lâm An ngược dòng Trường Giang lên Hà Bắc, toàn bộ hành trình hai nghìn hai trăm dặm. Tới một vụng nước, đang lúc quân đội ăn cơm, đột nhiên cuồng phong thổi tới làm bay mất tấm rèm che, Lưu Kỹ nói: “Đây là điềm chẳng lành! Lập tức nhổ trại nhanh lên đường.

Không lâu sau, quả nhiên nhận được tin quân Kim bội ước tấn công phía nam, đã vây hãm Đông Kinh (Khai Phong). Bất đắc dĩ Lưu Kỹ đành cùng phó tướng bỏ thuyền lên bờ, nhanh chóng hành quân ngày đêm tới thành Thuận Xương.

Tri phủ Trần Quy lo lắng không yên, vừa thấy Lưu Kỹ liền hỏi ngay làm thế nào để kháng địch.

Lưu Kỹ hỏi han về tình hình phòng ngự, biết lương thực vẫn còn vạn hộc, do đó quyết định đưa quân nhập thành, đưa ra kế sách phòng thủ toàn diện.

Lúc này, các tướng lĩnh đều nói quân Kim rất ngoan cường khó mà chống cự, muốn trước tiên hộ tống người già đàn bà trẻ con về Giang Nam.

Lưu Kỹ nói: “Tuy Đông Kinh bị vây hãm, nhưng may thay nơi đây vẫn còn đội ngũ hoàn chỉnh, sao phải bỏ thành mà chạy? ai còn dám nói bỏ thành, chiểu quân pháp chém đầu lập tức!

Thế là binh sĩ lấy nhà Lưu Kỹ làm chỗ trú, còn cho đặt cả đống củi, cỏ khô trước cửa. Lưu Kỹ dặn dò hộ vệ: “Nếu tình thế nguy cấp, thì châm lửa thiêu hủy nhà ta!

Ngoài ra, ông phái các tướng lĩnh phòng thủ cổng thành, chặt chẽ kiểm tra khách vãng lai, đồng thời chiêu mộ mật thám người địa phương, phái đi dò xét, như vậy tinh thần quân sĩ được nâng cao.

Khi ấy Thuận Xương vẫn còn một thành trì bình thường, không có công sự phòng ngự. Ông cho lấy bánh xe dàn đặt trên tường thành, còn cho tháo hết cửa lớn của các hộ dân xếp lên bốn phía tường thành, thời gian hoàn thành hết sáu ngày. Lúc này, quân Kim đã tới chân thành.

Quân Kim dùng cung tên tấn công phủ Thuận Xương, tên bắn ra có rất ít vượt qua được tường thành, nên không phát huy được tác dụng sát thương. Trong thành Lưu Kỹ lựa chọn cao thủ bắn cung, lấy nỏ lớn bắn qua kẽ hở trên thành để phản kích, bách phát bách trúng, sát thương vô số. Quân Kim tạm lui binh, Lưu Kỹ liền xuất bộ binh truy kích, quân Kim cuống cuồng tháo chạy, rơi xuống nước chết rất nhiều.

Quân Kim công thành không xong lại còn bị truy sát, bèn lùi xa 20 dặm hạ trại. Lưu Kỹ phái Diêm Sung chiêu mộ năm trăm tráng sĩ, đêm tối đánh vào doanh trại. Vào một đêm sấm sét đùng đùng, quân Tống cứ trông thấy kẻ có tóc buộc là xông vào chém giết, làm quân Kim phải lui tiếp 15 dặm.

Lưu Kỹ chọn lựa một trăm vị dũng sĩ, tổ chức thành đội quân cảm tử. Cho người chặt trúc làm thành đồ chơi cho con trẻ, giống cái còi phát ra tiếng kêu “Chíu, chíu”, mỗi dũng sĩ mang một cái này, lợi dụng đêm tối xông thẳng vào doanh trại quân Kim. Khi ánh chớp lóe lên, cảm tử quân liền đánh giết, ngớt ánh chớp, thì lại ẩn thân bất động, làm quân Kim đại loạn. Trăm vị cảm tử quân thổi còi làm hiệu, tập hợp biến hóa, làm cho quân Kim choáng váng mất phương hướng. Kết quả sau một đêm mà thây chất đầy đồng, đành phải rút lui về vụng Lão Bà.

Đại tướng Kim Ngột Thuật ở Khai Phong nghe tin, liền đích thân lên ngựa đánh Thuận Xương. Ông ta ở lại Hoài Ninh một đêm, mài vũ khí, chuẩn bị lương thảo, chưa đến 7 ngày đã tới Thuận Xương. Tướng sĩ quân Tống đề nghị: “Nhân lúc quân Kim bị đẩy lùi, nhanh nhanh chuẩn bị thuyền mà toàn quân rút lui, không nên giao tranh trực diện với Kim Ngột Thuật.”

Lưu Kỹ nói: “Doanh trại địch rất gần đây, mà quân chi viện của Kim Ngột Thuật vừa tới, nếu ta lui quân, quân Kim nhất định sẽ xuất binh truy sát mãnh liệt, công sức của chúng ta bấy lâu sẽ đổ xuống sông thôi.”

Lưu Kỹ vời hai người, Tào Thành và 1 người khác, rồi nói với họ: “Nay tôi phái hai vị làm mật thám, việc thành trọng thưởng, chỉ cần theo lời tôi mà làm, quân Kim tuyệt đối không sát hại hai vị.

Hai người, Tào Thành và 1 người khác, theo kế của Lưu Kỹ cưỡi ngựa ra khỏi thành. Tranh của Trương Diễn đời Thanh (Bảo tàng Cố Cung Đài Bắc)

Hai người đồng ý, diệu kế của Lưu Kỹ là: “Các ông cưỡi ngựa ra ngoài thành dạo chơi, trông thấy quân Kim thì hốt hoảng chạy mà cố ý ngã ngựa, sau khi bị quân Kim bắt làm tù binh, nhất định sẽ thẩm vấn dò xét tình hình về ta, các vị cứ trả lời: ‘Ông ấy nên sống ở thời thái bình thịnh thế, thường ngày thích kỹ nữ hát ca, triều đình hy vọng hai nước hòa hảo, cho nên mới phái ông ấy trấn thủ Đông Kinh để dễ bề an dật hưởng lạc.’”

Hai vị theo kế đó mà thực thi, Kim Ngột Thuật quả nhiên vui mừng: “Thành này dễ phá thôi!”

Thế là Kim Ngột Thuật quyết định cho bỏ đi những khí giới công thành hạng nặng như xe lớn, pháo to.

Hôm sau, Lưu Kỹ lên thành trông ra, thấy hai người nhóm Tào Thành quay về, lập tức cho thả thừng nhấc hai người vào thành. Hai người bị tra tấn đánh đòn, còn đưa ra một phong thư. Lưu Kỹ sợ lòng quân dao động, không thèm xem thư, mang đốt ngay.

Kim Ngột Thuật nhanh chóng đến doanh trại quân Kim, đầu tiên trách mắng quân tướng nơi đây sao không công hạ được Thuận Xương, quân Kim đồng thanh đáp: “Nam triều dụng binh khác hẳn ngày trước, không tin nguyên soái cứ đánh thử xem thì biết!”

Vừa vặn, Lưu Kỹ phái Cảnh Huấn mời chiến, Kim Ngột Thuật nổi giận đùng đùng quát: “Lưu Kỹ là kẻ nào, mà dám khiêu chiến nguyên soái ta! Dùng binh lực của ta mà công hạ cái thành nhỏ tí của Lưu Kỹ, có khác gì dùng chân mà san bằng một ổ chó đâu!

Cảnh Huấn nói: “Thái úy Lưu Kỹ không chỉ là mời thái tử quyết chiến, mà còn cho là thái tử không dám vượt sông sang đây, nên đã đặc biệt hiến tặng 5 cầu phao, đợi thái tử bình an qua sông rồi quyết một trận tử chiến.”

Sáng sớm hôm sau, quả nhiên Lưu Kỹ cho đặt 5 cầu phao trên sông, để quân Kim có thể vượt sông, lại còn rải thuốc độc vào cỏ và nước trên thượng du sông. Lưu Kỹ cảnh báo binh sĩ: “Khát chết cũng không được uống nước sông, vi phạm chém đầu!”

Thời tiết khi ấy rất nóng, quân Kim đường xa mệt nhọc đến nơi, ngày đêm không dám cởi mũ giáp nghỉ ngơi. Quân Lưu Kỹ bên này thì luân phiên nằm nghỉ, lại còn được ăn cơm dưới thành. Quân Kim người ngựa vừa đói vừa khát, nhiều người, ngựa do uống nước, ăn cỏ mà trúng độc sinh bệnh, mất đi nửa lực chiến đấu.

Vào mờ sáng trời mát, Lưu Kỹ vẫn án binh bất động, để binh sĩ nghỉ ngơi đầy đủ, tận đến khoảng 3 giờ chiều, thấy quân Kim đã bắt đầu uể oải, Lưu Kỹ đột nhiên phái vài trăm dũng sĩ phóng ra từ cổng thành phía tây sát địch, tiếp theo lại xuất vài nghìn quân xông ra từ cổng phía nam tấn công dữ dội. Lưu Kỹ lệnh binh sĩ không được mở lời tạo âm thanh, chỉ được vung búa lớn công kích, các tướng lĩnh Triệu Tỗn, Hàn Trực thân trúng tên mấy mũi mà vẫn không ngừng chiến, tướng sĩ đều liều chết tấn công, kết quả quân Kim đại bại.

Đêm ấy trời đổ mưa lớn, mặt đất ngập nước hơn một thước, cuối cùng Kim Ngột Thuật đành nhổ trại rút về phía bắc. Lưu Kỹ khiển binh truy kích, sát thương hơn vạn quân Kim. Lúc đại chiến, Kim Ngột Thuật khoác áo bào trắng, cưỡi ngựa có giáp che, với ba nghìn quân tướng giáp trụ dát đồng kín thân, chỉ để lộ hai mắt, gọi là “Thiết phù đồ”; lại còn đoàn thiết kỵ phân hai cánh tả hữu vây quét, gọi là “Quải tử mã”, đây chính là “đội quân bách chiến bách thắng” của Kim Ngột Thuật, là đội quân thiện chiến hàng đầu trên chiến trường. Từ khi Kim Ngột Thuật đánh trận tới nay, đây là đội quân vô địch, nhưng đã bị quân Lưu Kỹ đánh tơi bời, thây người xác ngựa chất chồng, cờ xí mũ giáp vứt la liệt bày.

Liu Qi đã đánh bại đội quân 100.000 người của Jin Wushu ở Shunchang (nay là Fuyang, An Huy).
Lưu Kỹ với 5000 tinh binh đánh bại đội quân bách chiến bách thắng 10 vạn người của quân Kim. (Tranh Epoch Times)

Hoàng thượng nghe tin thắng trận rất đỗi vui mừng, thụ phong Lưu Kỹ làm Vũ Thái quân Tiết Độ Sứ, Thị Vệ Thân Quân Mã Quân Tư Đô Ngu Hầu, Tri Thuận Xương Phủ, Diên Hoài Chế Trí Sứ.

Tổng kết chiến dịch này, binh lực của Lưu Kỹ có chưa đầy hai vạn, người tham gia chiến đấu trực tiếp chỉ 5 nghìn người. Trái lại, quân Kim có mấy chục vạn người, doanh trại trải dài 15 dặm từ tây sang bắc. Mỗi tối trống trận ầm vang chấn động đất trời, trong quân doanh ồn ào suốt đêm đến sáng; còn quân Tống trong thành Thuận Xương thì im lặng như tờ, bặt không tiếng gà gáy chó kêu. Bậc kỳ tài Lưu Kỹ túc trí đa mưu, lâm nguy bất loạn, cầm quân chỉnh tề, từng bước cơ mưu, quân Kim run sợ, đánh bại “Đội quân bách chiến bách thắng” của người Kim.

Khi ấy Hồng Hạo đi sứ Kim quốc, từ Yên Kinh bí mật dâng tấu: “Trận Thuận Xương, người Kim sợ hồn xiêu phách lạc, toàn bộ các đồ quý giá ở Yên Kinh đã chuyển về phía bắc, chuẩn bị buông bỏ Yên Kinh và vùng đất phía nam.” Do vậy người ta mới luận rằng: Nếu khi ấy tướng lĩnh đồng tâm hiệp lực, chia đường mà truy kích, thì sẽ bắt được Kim Ngột Thuật, thu hồi Biện Kinh; nhưng quân Tống lại vội vàng rút lui, bỏ mất cơ hội, thực là đáng tiếc.

(Nguồn tư liệu: Tống sử; Ngự phê lịch đại thông giám tập lãm)

Thái Bình
Theo Thái Nguyên - Epochtimes

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Năm nghìn tinh binh đánh bại đại quân hàng chục vạn người