Nam tả nữ hữu: Quan niệm Âm Dương trong văn hóa truyền thống

Giúp NTDVN sửa lỗi

Những câu truyện cổ xưa nhắc nhở chúng ta về truyền thống và các giá trị đạo đức đã được trân trọng khắp nơi trên thế giới. Ở các nước Á Đông, phong tục coi bên trái là nam và bên phải là nữ dường như đã xâm nhập vào tất cả các khía cạnh của cuộc sống hàng ngày của người dân. Phong tục này ra đời như thế nào? 

Theo truyền thuyết, sau khi Bàn Cổ, vị Thần khai thiên tịch địa qua đời, các bộ phận cơ thể và nội tạng của ông biến thành mặt trời, mặt trăng, các vì sao, núi, sông, hồ, vạn vật trên trái đất và tất cả sự sống. Cuốn sách “Ngũ vận lịch niên ký” được viết bởi Từ Chỉnh trong thời kỳ Tam Quốc, nói rằng, mặt trời và mặt trăng được tạo thành từ hai con mắt của Bàn Cổ. Thần Mặt trời là mắt trái của Bàn Cổ và Thần Mặt trăng là mắt phải của Bàn Cổ. Đây là nguồn gốc của phong tục “nam bên trái, nữ bên phải - nam tả, nữ hữu”.

Phong tục này cũng gắn liền với triết lý của người cổ đại. Trong quan niệm truyền thống, hai mặt đối lập trong mọi thứ là âm và dương. Ví dụ, mọi thứ có thể được phân biệt theo kích thước, chiều dài, lên hoặc xuống, trái hoặc phải, v.v. Người cổ đại phân loại những thứ to, dài, phía trên và nằm bên trái là dương; và những thứ nhỏ, ngắn, nằm phía dưới và nằm bên phải là âm. Dương thì vững và mạnh, âm thì mềm và yếu. Về tính khí, nam là rắn chắc mạnh mẽ, thuộc dương - bên trái, còn nữ thì dịu dàng và mềm mại, thuộc về âm - bên phải.

Khái niệm “nam tả, nữ hữu” cũng được phản ánh trong việc lựa chọn cổ tay khi bắt mạch khám bệnh bằng Đông y. Khi cảm nhận mạch để chẩn đoán, các lương y sẽ lấy mạch ở cổ tay trái khi bắt mạch cho nam và lấy mạch ở cổ tay phải khi bắt mạch cho nữ.

(Hình minh họa – bbernard/Shutterstock)

Trên thực tế, khái niệm “nam tả, nữ hữu” bắt nguồn từ thuyết âm dương của Đạo gia. Về âm và dương, những vật đối ứng với mặt trời được xếp là dương, và ngược lại, những thứ đối ứng với mặt trăng là âm. Về sau, khái niệm này được mở rộng sang khí hậu, vị trí địa lý, trạng thái vận động…

Thuyết âm dương chỉ ra rằng vạn vật trong tự nhiên đều có hai mặt trái ngược nhau là âm và dương. Hai mặt này vừa đối lập, lại vừa bổ sung cho nhau và là nguyên nhân cơ bản của sự ra đời của vạn vật. Không những thế, đó cũng là nền tảng cho mọi sự phát triển, biến đổi và tiêu vong của vạn vật. Như đã nói trong cuốn sách “Hoàng Đế Nội Kinh”, Chương thứ 5 - “Âm và Dương là cách thức của Trời và Đất, là quy luật của vạn vật, mẹ của mọi sự thay đổi, là khởi đầu của sự sống và cái chết."

Âm và dương có thể được sử dụng để mô tả các mặt đối lập và để phân tích hai mặt đối lập của vật chất. Nói chung, những thứ chuyển động dữ dội, hướng ra ngoài, hướng lên trên, ấm áp hoặc sáng sủa được coi là dương. Những thứ tương đối tĩnh lặng, hướng trong, hướng xuống, lạnh hoặc mờ được coi là âm. Đối với trời đất, bầu trời sáng và trong, được coi là dương. Trái đất, nặng và đục, được coi là âm. Đối với nước và lửa, nước thuộc về âm, vì nó lạnh và ẩm, trong khi lửa thuộc dương vì nóng và thiêu đốt.

Thuyết âm dương cho rằng ngũ hành (kim, mộc, thủy, hỏa, thổ) thể hiện mối quan hệ cơ bản của sự thay đổi. Ngũ hành vận động liên tục, tương sinh tương khắc và hạn chế lẫn nhau. Lý thuyết này đã có tác động sâu sắc đến sự phát triển của các nền triết học cổ đại. Thiên văn học, khí tượng học, hóa học, toán học, âm nhạc và y học đều dựa trên quy luật và sự vận động của ngũ hành, của thuyết âm dương.

(Hình minh họa – Zanna Art/Shutterstock)

Trong “Thái Cực đồ thuyết” của Chu Đôn Di có mô tả rằng: “Sự trống rỗng vô hạn của “hư vô” đã tạo ra Thái Cực; sự vận động mạnh mẽ của Thái cực đã sinh ra Dương; khi sự chuyển động trở ấy chuyển sang trạng thái đối lập - trạng thái tĩnh lặng, và sự tĩnh lặng ấy sinh ra Âm; khi sự tĩnh lặng lại trở nên cực đoan, nó lại dần chuyển sang trạng thái chuyển động mạnh mẽ. Chuyển động và tĩnh lặng là nguồn gốc của nhau; Âm và Dương phân biệt và đối lập nhau ”.

Do đó, “Sự luân chuyển và vận động của Thái Cực đã tạo ra Âm và Dương” và “khi hai thứ tương tác với nhau, vô số thứ được tạo ra. Mọi thứ sản sinh ra những thứ khác và những thay đổi là vô tận ”. Đây là lời giải thích tốt nhất và toàn diện nhất về khái niệm âm và dương của các học giả cổ đại của “nguồn gốc của các sự thay đổi”. Quan niệm “nam tả, nữ hữu” cũng là một cách thể hiện âm dương trong văn hóa truyền thống.

Hoa Long
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Nam tả nữ hữu: Quan niệm Âm Dương trong văn hóa truyền thống