Năm xưa lúc Chúa Jesus gặp nạn, các môn đồ của Ngài đã làm gì?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trước khi hoạn nạn ập đến, trước khi khảo nghiệm đối với mọi người đến, có lẽ mọi người đều cảm thấy lòng tin của mình vô cùng kiên định, đúng không? Nhưng kỳ thực hoàn toàn không phải vậy. 

Ngày 4 tháng 4 năm 2021 là Tết Thanh Minh của một số nước phương Đông, cũng là Lễ Phục sinh của người Cơ Đốc giáo. Lễ Phục sinh ở phương Tây không có ngày cố định, mà là vào ngày Chủ nhật đầu tiên sau ngày trăng tròn của tiết Xuân phân.

Đúng như ý nghĩa của tên gọi, Lễ Phục sinh là kỷ niệm ngày Chúa Jesus phục sinh. Mọi người đều biết trong "Kinh Thánh" có ghi chép rằng Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, ba ngày sau thì sống lại. Chúa Jesus phục sinh là một điểm khởi đầu quan trọng cho sự truyền bá của Cơ Đốc giáo. Khi Chúa Jesus còn tại thế, không có nhà thờ, Ngài đã dẫn theo các môn đồ đi tu hành. Nhưng mặc dù các môn đồ của Ngài đã chứng kiến rất nhiều Thần tích, họ lại không thể giữ vững niềm tin đối với Ngài. Trước khi Chúa Jesus bị Judas phản bội, kỳ thực Chúa Jesus đã từng nhiều lần tiên đoán rằng Ngài sẽ bị đóng đinh trên thập tự giá và ba ngày sau thì sống lại, nhưng các môn đồ vẫn quên rằng Chúa Jesus là một vị Thần. Họ chỉ nhìn thấy cái chết của Chúa Jesus, và họ cảm thấy rằng chuyện này đã kết thúc, rằng Chúa Jesus cũng giống như những người bình thường khác.

Câu chuyện Chúa Jesus phục sinh, tôi biết đối với đại đa số mọi người mà nói, thì đều rất khó tin. Ngay cả rất nhiều tín đồ Cơ Đốc, họ ngoài miệng nói tin tưởng, nhưng trong lòng cũng cảm thấy hoài nghi. Bao gồm cả rất nhiều người đã cùng sống với Chúa Jesus năm ấy, họ cũng đã từng chứng kiến rất nhiều Thần tích của Chúa Jesus, nhưng họ cũng khó có thể tin tưởng rằng Chúa Jesus sẽ phục sinh.

Lòng tin thực sự phải vượt qua khảo nghiệm

Trước khi Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, đã từng có một 'Bữa tối cuối cùng' vô cùng nổi tiếng, chính là bị Judas bán đứng. Lúc ấy Chúa Jesus và 12 môn đồ của Ngài cùng nhau dùng bữa, Chúa Jesus nói với môn đồ của Ngài: "Các con, ta sắp hết thời gian ở cùng với các con". ( Phúc Âm John 13:33)

Bữa tối cuối cùng (Ảnh: Những bức tranh cuối thế kỷ 19 của họa sĩ Đan Mạch Carl Bloch)

Peter hỏi Chúa Jesus: "Lạy Chúa! Ngài muốn đi đâu?". Chúa Jesus đáp: "Ta đi đâu, con bây giờ không thể đi với ta. Về sau lại muốn đi với ta". Peter nói: "Lạy Chúa, con vì sao hiện tại không thể đi theo Ngài? Con sẵn sàng hy sinh mạng sống vì Ngài". Chúa Jesus nói: "Con sẵn sàng hy sinh mạng sống vì ta sao? Ta nói thật cho con biết, trước khi gà gáy, con sẽ từ chối ta ba lần". (Phúc Âm John 13:36-38)

Lúc ấy Peter cũng không hiểu Chúa Jesus đang nói điều gì, Peter liền nói: "Dù cho con nhất định phải chết cùng Thầy, con cũng không chối bỏ Thầy!". Các môn đồ khác cũng đều nói như vậy. (Phúc Âm Matthew 26:35)

Trước khi hoạn nạn ập đến, trước khi khảo nghiệm đối với mọi người đến, có lẽ mọi người đều cảm thấy lòng tin của mình vô cùng kiên định, đúng không? Nhưng kỳ thực hoàn toàn không phải vậy. Khi Chúa Jesus bị bắt, Peter bị người khác nhận ra, nói rằng ông là người cùng một nhóm với Chúa Jesus, Peter đã chỉ lên trời thề chối bỏ. Ông ấy đã chối bỏ tất cả ba lần, cho đến sau lần chối bỏ thứ ba thì gà gáy ba lần. Lúc nghe thấy tiếng gà gáy, ông mới chợt nhớ tới lời tiên đoán của Chúa Jesus: "Trước khi gà gáy, con sẽ chối Thầy ba lần".

Hơn nữa lúc ấy không chỉ có Peter mềm yếu như vậy, lúc Chúa Jesus bị bắt, tất cả các môn đồ đều rời bỏ Ngài mà đi, mà chạy trốn (Phúc Âm Matthew 26:56). Người ta nói rằng lúc Chúa Jesus bị treo trên thập tự giá, các môn đồ của Ngài cũng không tin tưởng đối với Chúa Jesus.

Về sau, mãi đến ngày thứ ba sau khi Chúa Jesus chết, một đám phụ nữ muốn dùng cao thơm bôi lên di thể của Chúa Jesus, nhưng họ phát hiện phần mộ trống rỗng. Họ liền chạy đến nói với các môn đồ của Chúa Jesus rằng: Chúa Jesus đã phục sinh! Lúc ấy nhóm môn đồ "tưởng rằng nói viển vông, cũng không tin". Bởi vì Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, họ sợ đi theo Chúa Jesus sẽ gặp liên lụy, nên tứ tán chạy trốn. Khi họ đang tụ hội ẩn náu trong một căn phòng, Chúa Jesus đã xuất hiện ngay trước mặt họ. Ngài nói với các môn đồ: "Bình an cho các con!". Nhóm môn đồ sợ hãi, bởi vì cửa sổ đóng chặt, họ nghĩ rằng điều mình trông thấy chính là ma. Chúa Jesus nói: "Các con hãy nhìn tay, chân của ta, sẽ biết ta là thật. Các con hãy sờ xem! Hồn ma không xương không thịt, các con nhìn xem, ta là có". Các môn đồ sờ thử, quả nhiên đều sờ được. Sau đó, Chúa Jesus còn hướng đến bọn họ thổi một hơi, nhóm môn đồ vô cùng vui mừng. Chúa Jesus còn dùng bữa với họ một lúc, nhóm môn đồ lúc này mới tin tưởng rằng Chúa Jesus xác thực đã sống lại. (Phúc Âm Luca, Chương 24)

Những điều này đã được giảng cho đến bây giờ, những người Cơ Đốc giáo không tin vẫn sẽ cho rằng, những ghi chép trong "Kinh Thánh" chỉ là một truyền thuyết. Kỳ thực không riêng gì những người này, một trong 12 môn đồ của Chúa Jesus có một người tên là Thomas, cũng không tin.

Ngày hôm đó Chúa Jesus xuất hiện, Thomas không có mặt ở đấy, ông ta nổi tiếng là người đa nghi. Khi các môn đồ tràn ngập vui mừng kinh ngạc, hưng phấn vây quanh Thomas nói: "Chúng tôi đã trông thấy Thầy! Chúa Jesus đã phục sinh!". Thomas vẫn không tin, ông chỉ tin vào con mắt của mình: Ông trông thấy Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập tự giá, mình đầy thương tích; Chúa cũng giống như người bình thường, cũng đau đớn, giống như người bình thường, cũng chảy máu; Ông trông thấy Chúa Jesus bị thương và cái đinh đâm xuyên qua tay chân và xương sườn. Cho nên ông cho rằng Chúa Jesus đã chết, không thể nào sống lại.

Tuy nhiên, Thomas đã có thời gian ba năm rưỡi đi cùng Chúa Jesus, mắt đã từng thấy Chúa Jesus triển hiện rất nhiều Thần tích. Ông nhìn thấy Chúa Jesus đi trên mặt biển, trong nháy mắt làm gió bão lắng lại; Ông chứng kiến Chúa Jesus làm đôi mắt mù lòa trở nên sáng, làm người thọt có thể đi lại, làm người bị bệnh hủi khỏi hẳn; Thậm chí, người đã chết bốn ngày, cũng được Chúa Jesus gọi dậy cải tử hoàn sinh từ trong phần mộ. Nhưng mà, ông ấy dẫu đã chứng kiến rất nhiều Thần tích như vậy, vẫn là không thể tin tưởng rằng Chúa Jesus là con trai của Thần. Ông ta vẫn quên rằng Chúa Jesus có năng lực vượt xa người bình thường, bao gồm cả những lời tiên đoán của Chúa Jesus. Chúa Jesus nói: "Ta sẽ bị hại, ta sẽ bị giết, ba ngày sau sẽ phục sinh". Những điều này Thomas đều quên, sau đó ông ta nói với các anh em: "Tôi đã nhìn thấy đinh đóng trên tay của Chúa, còn lấy tay sờ vào chỗ đinh đóng kia, còn dùng tay sờ vào bên sườn của Ngài. Tôi sẽ không tin".

Phước cho ai không thấy mà tin

Tám ngày sau, trong một căn phòng đóng kín cửa, khi các môn đồ đang tụ họp lại với nhau trong bí mật, thì Chúa Jesus lại đột nhiên xuất hiện trước mặt họ. Chúa Jesus vẫn nói: "Bình an cho các con!". Sau đó, Chúa Jesus xoay người, đối mặt với Thomas nói: "Hãy đưa ngón tay của con sờ vào tay của ta. Hãy duỗi tay của con ra chạm vào bên cạnh sườn của ta". Ngài để Thomas thực sự nhìn thấy sự hiển hiện của nhục thân này. Thomas làm theo, sau khi đưa tay chạm vào, mới hoàn toàn hết sạch mối nghi hoặc. Ông ta vô cùng hối hận phủ phục trên mặt đất nói: "Lạy Chúa! Đức Chúa Trời của con!". Chúa Jesus nói: "Các con bởi vì nhìn thấy ta mới tin, phước cho ai không thấy mà tin". (Phúc Âm John 20:24-29).

Thomas nhìn thấy mới tin (Ảnh: Họa sĩ người Bỉ François-Joseph Navez 1823)

Những môn đồ nhìn thấy Chúa Jesus kia, về sau trong quá trình rao giảng phúc âm, gần như đều tử vì đạo. Trong 12 môn đồ (không tính Judas, vì bị một người khác thay thế), về sau chỉ có hai người sống sót, trong đó một người là John đã lưu lại sách "Khải Huyền”.

Vì sao các môn đồ của Chúa Jesus về sau đều có thể tử vì đạo? Khi Chúa Jesus bị bắt, nhóm môn đồ bỏ chạy tứ phía, về sau vì sao có thể tự mình đối mặt với thập tự giá? Đó là bởi vì họ đã tận mắt nhìn thấy Thần tích của Chúa Jesus, cộng với lòng tin mà Chúa Jesus đã gia trì cho họ, mới khiến họ có thể đủ lòng tin để hoàn thành những sứ mệnh đó.

Câu nói của Chúa Jesus: "Các con bởi vì nhìn thấy ta mới tin, phước cho ai không thấy mà tin", khiến cho người ta vô cùng cảm khái. Trên thế giới này, chân chính có thể làm được "không thấy mà cũng có thể tin", "không nhìn thấy Chúa Jesus tôi cũng tin tưởng, không nhìn thấy Thần tôi cũng tin tưởng", người như vậy thật sự là rất ít. Nói cách khác, khi anh ta không gặp khó khăn trắc trở, trong một hoàn cảnh yên bình như vậy, anh ta có thể tuyên bố rằng: "Dẫu không nhìn thấy, tôi cũng tin tưởng". Nhưng khi thời điểm hoạn nạn thực sự ập đến, liệu họ có thể chịu được hay không, kỳ thực đối với rất nhiều người cũng là cả một vấn đề. Và một người chỉ khăng khăng tin vào những gì tận mắt chứng kiến, sẽ dễ dàng bị lợi ích thế tục cám dỗ, tại thời điểm mấu chốt sẽ quên mất sự tồn tại của Thần.

Ngày Lễ Phục sinh năm nay, khiến tôi nhớ lại câu chuyện cũ này. Đương nhiên tôi không phải là tín đồ Cơ Đốc, tôi có tín ngưỡng của riêng tôi, Sư phụ của tôi nói cho chúng tôi biết rằng Chúa Jesus là một vị Thần phi thường vĩ đại. Sự tích này về Ngài cũng khiến tôi cảm thấy quả thực là vĩ đại. Tôi cảm thấy nước Mỹ hiện tại suy sụp, nhưng thật ra là tín ngưỡng suy sụp. Chúng ta nói đến giáo dục, truyền thông, nghệ thuật sa đọa, trong xã hội con người đều biểu hiện đủ loại giả nghĩa giả nhân, đều là bởi vì đã mất đi tín ngưỡng đối với Thần. Nếu như một người có thể tin tưởng rằng "trên đầu ba thước có Thần linh; Người nói thì thầm, Trời nghe như sấm; Lòng tà phòng tối, mắt Thần như điện", tin tưởng rằng bạn làm chuyện tốt hay chuyện xấu thì Thần đều đang quan sát, vậy thì người này bình thường sẽ không dám làm chuyện xấu.

Trong Nho gia có một cách nói, gọi là "quân tử thận độc", ý rằng người quân tử khi chỉ có một mình mình nhất thiết phải hết sức cẩn thận. Bởi vì khi bạn ở một mình, bạn cảm thấy không có ai nhìn thấy, do vậy bạn có thể sẽ làm một chút chuyện xấu. Tuy nhiên, nếu như bạn cảm thấy đầy Trời đều là con mắt của Thần đang mọi lúc mọi nơi nhìn bạn, thì lúc này bạn sẽ không dám làm chuyện xấu nữa. Sở dĩ bây giờ trở nên sa đọa như thế, hư hỏng như vậy, cũng là bởi vì tín ngưỡng của con người đối với Thần đã ngày càng sa sút.

Lý Tuệ
Theo Chương Thiên Lượng - Sound of Hope



BÀI CHỌN LỌC

Năm xưa lúc Chúa Jesus gặp nạn, các môn đồ của Ngài đã làm gì?