Nét tương đồng giữa hai mỹ nhân huyền thoại Vương Chiêu Quân và Helen thành Troy

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hôm nay chúng ta cùng điểm qua hai trong số những mỹ nhân huyền thoại nhất trong lịch sử. Mặc dù một người được tôn vinh cho sự hy sinh vì hòa bình và người còn lại được nhắc đến với cuộc chiến do trái tim cô ấy gây ra, có lẽ cả hai đều đã đi trên con đường tiền định. Có lẽ cả hai đều là sứ giả an bài của các vị Thần.

Truyền thuyết Trung Hoa kể về Tứ đại mỹ nhân - bốn người phụ nữ từ các triều đại khác nhau, Tây Thi có nhan sắc khiến cá phải ngừng bơi mà lặn xuống đáy nước, gọi là Trầm ngư; Điêu Thuyền có sắc đẹp Bế nguyệt, khiến trăng phải thẹn mà nấp sau mây; Dương Quý Phi có sắc đẹp Tu hoa, khiến hoa nở rũ xuống vì hổ thẹn; người thứ tư có sắc đẹp khiến chim trên trời phải sa xuống - Lạc nhạn, ấy chính là Vương Chiêu Quân.

Vương Chiêu Quân, một trong tứ đại mỹ nhân

Vương Chiêu Quân sinh ra hơn 2.000 năm trước, vào thời Tây Hán. Ngoài vẻ đẹp chim sa cá lặn, nàng còn được học về văn chương cổ điển và nổi tiếng với tài năng nghệ thuật của mình. Đúng lúc, thiếu nữ được triệu hồi đến hoàng cung để chuẩn bị trở thành thê thiếp của hoàng đế.

Hồi đó, các họa sĩ cung đình thường vẽ chân dung các cung tần mỹ nữ trong hậu cung để dâng lên hoàng đế tuyển chọn. Đáng buồn là triều đình bấy giờ bị thao túng bởi các hoạn quan tham lam, các tiểu thư phải hối lộ cho họ mới có cơ hội được chọn. Nhưng Vương Chiêu Quân không chịu hối lộ. Để trả đũa, họa sĩ đã thêm một nốt ruồi khó coi vào bức chân dung của nàng. Vì vậy, hoàng đế đã bỏ qua Vương Chiêu Quân và không bao giờ bận tâm đến việc gặp nàng ấy.

Trong thời gian này, Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc chiến tranh đẫm máu với một bộ tộc phương bắc. Hoàng đế và thủ lĩnh cuối cùng đã đồng ý giải quyết xung đột bằng một hiệp ước hôn nhân. Tuy nhiên, vị thủ lĩnh nhấn mạnh rằng chỉ chấp nhận công chúa là con gái của hoàng đế. Dĩ nhiên, hoàng đế không sẵn lòng gả công chúa quý giá của mình, vì vậy đã ra lệnh chọn một cô gái khác thay thế. Các hoạn quan đã gợi ý bức chân dung không mấy đẹp đẽ của Vương Chiêu Quân, và hoàng đế đã thản nhiên đồng ý.

Hoàng đế không hề biết về vẻ đẹp chim sa cá lặn của Vương Chiêu Quân cho đến khi nàng được diện kiến vị thủ lĩnh. Dẫu hoàng đế hối tiếc nhưng đã quá muộn rồi, nàng bị đưa đến những cánh đồng cỏ hoang vu ở cực Bắc, và không bao giờ quay trở lại cố đô.

Chiêu Quân cầm tỳ bà, tranh vẽ thời Edo, Nhật Bản. (Ảnh: Wikipedia/CC BY-SA 3.0)

Vị thủ lĩnh đã rất vui mừng với một kết thúc ‘hậu hĩ’ này. Kể từ đó, quan hệ giữa hai dân tộc được cải thiện đáng kể, và hòa bình thịnh trị trong hơn nửa thế kỷ.

Nàng Vương Chiêu Quân đã từ bỏ triển vọng quyền quý của mình ở quê hương. Nói một cách đơn giản, câu chuyện của nàng Chiêu Quân là một trong những hy sinh cá nhân lớn lao. Nhờ nàng tiểu thư chân yếu tay mềm này mà vô số mạng người đã được cứu sống.

Một số truyền thuyết dân gian cho rằng Vương Chiêu Quân là một nàng tiên trên Thiên thượng phái xuống để làm cầu nối hòa bình cho hai quốc gia - đó là sứ mệnh của nàng.

Văn hóa truyền thống tin rằng tất cả các sự kiện quan trọng lịch sử đều do Thần linh an bài dưới sự hướng dẫn có chủ ý của họ. Điều này bao gồm chiến tranh và sự thịnh suy của các triều đại. Hoàng đế cũng được cho là Con Trời; ông được chọn bởi các vị Thần và phải duy trì Thiên mệnh.

Như vậy, một người phàm trần khó có thể để lại dấu ấn trong lịch sử hoặc thay đổi ‘kịch bản’ lịch sử vĩ đại, trừ khi người đó hoàn thành ý muốn của Thiên thượng.

Vì vậy, từ sắc đẹp như món quà bẩm sinh của nàng Chiêu Quân cho đến từng bước đưa nàng về ‘dinh’, và cuối cùng dẫn đến một sự lựa chọn phi thường, có lẽ không điều gì trong đó là tình cờ cả.

Nàng Helen thành Troy

Trong khi sắc đẹp của Vương Chiêu Quân có thể khiến chim trên trời phải sa xuống, thì nàng Helen của thành Troy có khuôn mặt có thể ‘phóng’ hàng nghìn con tàu. Trong nhiều thế kỷ, nàng không ngừng được mệnh danh là “người phụ nữ đẹp nhất thế gian”.

Bức vẽ Helen của Evelyn De Morgan năm 1898.

Nàng Helen là một Á Thần, con gái của thần Zeus và nữ hoàng Leda. Câu chuyện của nàng được miêu tả trong Bài ca thành Ilium, là một phần câu chuyện về sự bao vây thành Ilium, cùng với thiên sử thi Odyssey, Ilium là bộ thơ anh hùng ca cổ Hy Lạp của nhà thơ Homer. Đã được tái hiện nhiều lần qua các tác phẩm nghệ thuật, vở kịch và phim trong hơn ba thiên niên kỷ.

Câu chuyện kể rằng, nàng Helen được nhiều người đàn ông quyền lực và có ảnh hưởng ‘ngưỡng mộ’. Vua Menelaus của Sparta đã giành chiến thắng trong trái tim nàng, nhưng sau đó nàng bị bắt cóc và đưa đến thành Troy bởi Hoàng tử thành Troy Paris.

Những người Sparta tức giận đã lên đường với hàng nghìn con tàu để tấn công thành Troy và giành lại nàng Helen, Chiến tranh thành Troy kéo dài 10 năm đẫm máu. Cuối cùng, Hoàng tử Paris bị giết trong trận chiến và Helen trở về nhà.

Tuy nhiên, điều không ai biết đến là chồng của mẹ Helen (cha dượng của nàng là Vua Tyndareus) đã từng vô tình xúc phạm nữ thần Aphrodite. Nữ thần phán lời nguyền lên tất cả các cô con gái của Tyndareus - kể cả nàng Helen - khiến họ phải rời xa chồng và bị cuốn vào nhiều cuộc hôn nhân.

Vì vậy mặc dù có vẻ như ý tưởng của Hoàng tử Paris đến Sparta là để ngoại giao, nhưng thực chất là để bắt nàng Helen đi, nhưng điều này cũng đã được định trước.

Phần tiền truyện: Trong Sự phán xét của Hoàng tử Paris, Thần Zeus sử dụng Paris để chọn người chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp giữa 3 nữ thần - Aphrodite, Hera và Athena. Mỗi nữ thần cám dỗ Paris bằng một phần thưởng phi thường. Nhưng Hoàng tử Paris chọn nữ thần Aphrodite vì nàng ấy mang đến cho anh ta người phụ nữ đẹp nhất thế gian - nàng Helen, con gái riêng của mối hận thù cũ là Vua Tyndareus.

Trong suốt câu chuyện, nữ thần Aphrodite khiến Paris và Helen gặp nhau hết lần này đến lần khác. Để làm phức tạp thêm vấn đề, toàn bộ sự việc gợi lên sự phẫn nộ của nữ thần Hera, người đã thua trong cuộc thi sắc đẹp nói trên. Và một khi nữ hoàng của đền thần Hy Lạp muốn báo thù, nàng ấy đã dốc hết sức lực.

Vì lịch sử Hy Lạp cổ đại gắn liền với thần thoại Hy Lạp, nên không có gì ngạc nhiên khi thấy Cuộc chiến thành Troy là do các vị Thần chỉ đạo. Vì vậy, nàng Helen có thể được hiểu là một ‘nữ diễn viên’ trong một vở kịch tuyệt vời do Thần an bài liên quan đến nữ thần Aphrodite, người nguyền rủa Vua Tyndareus, Thần Zeus đặt Hoàng tử Paris vào một tình huống khó khăn để đánh giá cuộc thi của các nữ thần, nữ thần Aphrodite hứa sẽ ban thưởng cho Paris, vì vậy mà Hera đã tìm cách trả thù Hoàng tử Paris.

Tóm lại, hai người đẹp huyền thoại từ phương Đông và phương Tây, một người đã bình định một cuộc chiến và một người là lý do để bắt đầu một cuộc chiến. Có vẻ như hai câu chuyện đi theo hai hướng ngược nhau, nhưng một khi nghĩ đến sự an bài của các vị Thần, chúng ta sẽ thấy được sự tương đồng trong đó.

Cao Nguyên

Theo Betty Wang - Shenyunperformingarts



BÀI CHỌN LỌC

Nét tương đồng giữa hai mỹ nhân huyền thoại Vương Chiêu Quân và Helen thành Troy