Nghệ thuật thu nhỏ - Minh họa trong bản thảo cổ (1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Miniature (xuất phát từ động từ tiếng Latinh “miniare” nghĩa là “tô màu bằng oxit chì đỏ”) - là một kiểu minh họa được sử dụng để trang trí bản thảo viết tay thời cổ, thường mang nội dung tôn giáo. Vì quy mô của những bức minh họa cũng nhỏ thôi, để tiện mang theo người, dễ truyền bá, khiến người ta nhầm lẫn rằng miniature có hàm nghĩa “mini” - “nhỏ bé”. Dần dần miniature mang nghĩa là tiểu họa, thu nhỏ như ngày nay.

Ngoài Phương Tây, Byzantine và Armenia, một khu vực rộng lớn của châu Á cũng phát triển tiểu họa với nét độc đáo riêng, với xuất phát ban đầu là dùng để trang trí sách, sau đó là những tờ minh họa rời dùng để kẹp album, với chất liệu vẽ tương tự màu nước của phương Tây. Nổi bật là tiểu họa Ả Rập, và các nhánh Ba Tư, Mughal, Ottoman, Ấn Độ của nó.

I. Truyền thống Kitô giáo

1. Ý và Byzantium, thế kỷ thứ 3–6

Những bức tiểu họa cổ nhất còn lưu giữ được là loạt các bức vẽ màu còn sót lại từ “Ambrosian Iliad” - một bản thảo minh họa về Iliad từ thế kỷ thứ 3. Chúng có phong cách và cách xử lý tương tự với nghệ thuật tạo hình của thời kỳ cổ điển La Mã sau này. Trong những bức tranh này, tuy nét vẽ mang hơi hướng thoải mái, nhưng vẫn có thể thấy tính tả thực, cố gắng tuân theo tự nhiên.

Tác phẩm mang giá trị nghệ thuật lớn hơn là tiểu họa cho bản thảo của nhà thơ Virgil ở Vatican, được gọi là “Vergilius Vaticanus”, có niên đại đầu thế kỷ thứ 5. Chúng có tình trạng hoàn hảo hơn và quy mô lớn hơn so với các mảnh Ambrosian, do đó dễ khảo cứu về phương pháp và kỹ thuật hơn. Bản vẽ mang phong cách khá cổ điển và người ta cho rằng nó là bản sao của một bộ cũ hơn. Màu sắc mờ đục, quả thực trong những tiểu họa sơ khai, màu tông da người được sử dụng khá phổ biến. Về phương thức, đầu tiên cảnh nền được vẽ đầy đủ, bao phủ toàn bộ bề mặt của trang; sau đó, trên nền này vẽ các hình và đồ vật lớn, tiếp theo mới tới các chi tiết nhỏ. Để mang tính phối cảnh, vùng phía trên của tranh chứa các hình vẽ ở tỷ lệ nhỏ hơn những vùng bên dưới.

Tiểu họa “Con ngựa thành Troia”, từ “Vergilius Romanus” (một bản thảo ghi chép về sử thi Aeneid của Virgil), đầu thế kỷ thứ 5. Nguồn Wikipedia.

Trường phái Byzantine đã tách ra khỏi cách trình bày tự nhiên của sự vật và phát triển các quy ước nghệ thuật một cách rõ ràng hơn. Tuy nhiên, trong những tác phẩm điển hình ban đầu của trường phái này, phong cách cổ điển vẫn còn đọng lại, bằng chứng là tàn tích các bức tiểu họa của “Cotton Genesis” (một bản sao Sách Sáng thế ở Hy Lạp), và những bức tiểu họa động thực vật trong sách “Vienna Dioscurides”. Ngay cả trong các tiểu họa Byzantine sau này, khi sao chép lại các bản cũ, đều giữ tính mô phỏng trung thực. Nhưng khi so sánh các tiểu họa của trường phái Byzantine với các trường phái cổ điển đi trước, người ta có cảm giác như đi từ ngoài trời vào tu viện vậy.

Dưới sự thống trị của giáo hội, nghệ thuật Byzantine ngày càng trở nên rập khuôn và quy ước hơn. Xu hướng ngày càng phát triển là tô màu da thịt bằng những màu sẫm, làm dài và hốc hác các chi, và làm cho dáng người trở nên cứng nhắc như tượng. Màu nâu, xám xanh và các tông màu trung tính được ưa chuộng. Ở đây, trước hết chúng ta tìm thấy cách xử lý kỹ thuật vẽ da thịt mà sau này trở thành cách thực hành đặc trưng của các nhà tiểu họa người Ý, cụ thể là đặt các sắc thái da thịt thực tế trên nền ô liu, xanh lá cây hoặc các màu tối khác. Phong cảnh chỉ được vẽ một cách quy ước.

Tiểu họa Abraham gặp gỡ các Thiên Thần, “Cotton Genesis”, thế kỷ 5-6. Nguồn: Wikipedia.
Tiểu họa 7 nhà vật lý, “Vienna Dioscurides”, đầu thế kỷ 6. Nguồn: Wikipedia.

Chưa hết, phong cách khổ hạnh của các bức tiểu họa đã đạt được kết quả rất mạnh mẽ trong nghệ thuật Byzantine, nhưng đồng thời, cảm giác lộng lẫy của phương Đông cũng được thể hiện trong sự rực rỡ của màu sắc và trong việc sử dụng vàng một cách xa hoa. Trong các tiểu họa của Byzantine, lần đầu tiên người ta thấy những nền vàng sáng mà sau đó xuất hiện rất nhiều trong các tác phẩm của mọi trường phái hội họa phương Tây.

Ảnh hưởng của nghệ thuật Byzantine đối với nghệ thuật của Ý thời Trung cổ là rõ ràng. Những bức tranh khảm ban đầu trong các nhà thờ ở Ý, chẳng hạn như những bức tranh ở Ravenna và Venice, cũng là những ví dụ về ảnh hưởng thống trị của Byzantine.

2. Tiểu họa Armenia

Tiểu họa của Armenia nổi bật với nhiều phong cách và trường phái. Khi Mesrop Mashtots tạo ra bảng chữ cái Armenia vào năm 405, các bản thảo tiếng Armenia đã xuất hiện và tiểu họa Armenia cũng đồng thời phát triển. Hầu hết trong số 25.000 bản thảo viết tay của Armenia trong các thế kỷ khác nhau, đều được trang trí bằng các tiểu họa.

Những cuốn sách có nội dung tôn giáo hầu hết được trang trí, và, các nghệ sĩ tiểu họa, hay ''những người khởi sắc'', như cách gọi của họ vào thời điểm đó, đã có thể thể hiện cảm xúc, tình cảm của mình, và phản ánh cảnh đời thực thông qua các chủ đề tôn giáo. Đặc biệt là trong các chữ in hoa ở đầu văn bản, trong các trang trí đặt trước tiêu đề hoặc trong các bức tranh ở lề, trong các chữ cái được trang trí đẹp mắt, họ đã biểu hiện nhiều hình ảnh và yếu tố khác nhau của hệ động thực vật.

Trong các tiểu họa của Armenia, người ta có thể tìm thấy những cảnh mô tả săn bắn, chiến đấu với động vật, biểu diễn sân khấu, những khung cảnh về cuộc sống thành thị và nông thôn, chân dung của các nhân vật nổi tiếng thời bấy giờ, thông tin người ủy quyền của các bản thảo. Những tiểu họa như vậy có tầm quan trọng lớn đối với việc nghiên cứu cuộc sống và lối sống, trang phục, cách cư xử, nghề thủ công, tính chất của người Armenia thời Trung cổ. Một số nghệ sỹ tiểu họa cũng để lại những bức chân dung tự họa của họ .

Có nhiều trung tâm vẽ tiểu họa hoạt động ở Armenia trong các thời điểm lịch sử khác nhau. Có những trung tâm nổi tiếng, chẳng hạn như Ani, Gladzor, Tatev, Nakhichevan, Artsakh, Vaspurakan, mỗi trung tâm, ngoài những đặc điểm chung tiêu biểu của nghệ thuật dân tộc, còn được đặc trưng bởi một phong cách tiểu họa độc đáo và truyền thống địa phương. Các trung tâm tiểu họa sau này cũng được thành lập tại các thuộc địa của Armenia.

“Phúc âm Ejmiadzin”, khoảng thế kỷ 6-7. Nguồn: Wikipedia

Nghệ thuật tiểu họa của người Armenia phát triển mạnh mẽ vào thế kỷ 13, đặc biệt là ở Cilician Armenia, nơi các tiểu họa sang trọng và trang nhã hơn. Từ các thời đại và trung tâm khác nhau, tác phẩm của các nghệ sĩ tiểu họa tài năng như Toros Roslin , Grigor, Ignatius, Sargis Pitsak, Toros Taronetsi, Avag, Momik, Simeon Archishetsi, Vardan Artsketsi, Kirakos, Hovhannes, Hakob Jughayetsi và nhiều hơn nữa đã vượt qua thử thách của thời gian để tồn tại đến ngày nay. Dù vậy, tên tuổi của nhiều nghệ sĩ tiểu họa khác vẫn chưa được khám phá và lưu giữ.

Tiểu họa thế kỷ 13. Nguồn: Wikipedia.

Tiểu họa của người Armenia đã trải qua những chặng đường lịch sử lâu dài và khó khăn; nó là nhân chứng cho lòng nhiệt thành sáng tạo vô song của người Armenia, điều mà vô số thảm họa do quân ngoại xâm mang lại, cũng như những con đường di cư gian nan và quanh co đều không thể dập tắt được. Với sự độc đáo, trình diễn điêu luyện, màu sắc đặc biệt, sự phong phú và đa dạng của trang sức, nó chiếm một vị trí độc tôn và danh giá không chỉ trong kho tàng nghệ thuật dân tộc mà còn trong nghệ thuật thế giới.

Các sách Phúc âm được minh họa nhiều nhất, tiếp theo là Kinh thánh và các thư tịch tôn giáo khác. Những tiểu họa đầu tiên đến với chúng ta là những mẫu của thế kỷ thứ 6-7. Các loại ký tự và bức tranh trong đó gợi nhớ đến các bức bích họa của Lmbat và Aruch từ thế kỷ thứ 7. "Phúc âm của Nữ hoàng Mlke", "Phúc âm của Kars", "Phúc âm của Trabzon" đã tồn tại từ thời kỳ của các vương quốc Bagratuni và Artsruni.

Những bản thảo này chứa các đặc điểm chính của sự phát triển của tiểu họa Armenia: giáo đường dạng cột, trang viết bằng vàng có chữ in hoa, hình ảnh của Chúa với các sự kiện trong cuộc đời của Chúa Kitô, được nhắc đến trong các ngày lễ của giáo hội, tiểu họa gắn lên văn bản. Có thể tìm thấy sự kết hợp hữu cơ giữa nghệ thuật Byzantine và toàn thể Kito giáo trong chúng, với các mô tả về vòm giáo đường trong "Phúc âm của Nữ hoàng Mlke", các họa tiết Ai Cập, trang trí kiến ​​​​trúc của các bức tranh truyền giáo, và các yếu tố của nghệ thuật Hy Lạp.

Các tiểu họa lớn hơn về Phúc âm của vùng Lesser Armenia - liên quan đến nghệ thuật tiểu họa Cơ Đốc giáo sơ kỳ - có niên đại 1038, bảo tồn các quy tắc hình ảnh và phong cách cũ, chứa đựng những điều độc đáo đã hình thành nền tảng của tất cả các biểu tượng Armenia sau này, chẳng hạn như mô tả Chúa Kitô thân trần trên thập tự giá. Sự khai triển phong cách đồ họa theo nhóm bản thảo thể hiện rõ trong Trường phái tiểu họa Vaspurakan. Một nhóm các bản thảo từ cuối thế kỷ 11, đứng đầu là Phúc âm Moghni, đã định hình ra Trường phái Ani, các hình thức phong cách của chúng có những điểm tương đồng với tiểu họa Tiền Gothic, cho thấy nguồn gốc phương Đông của tiểu họa Tiền Gothic. Các tiểu họa của nhóm bản thảo đó nổi bật theo phong cách hoành tráng.

Trong các bản thảo của thế kỷ 12, các nguyên tắc truyền thống của nghệ thuật tiểu họa của thế kỷ 10-11 đã được phát triển thêm, mang đậm dấu ấn cảm xúc bi thảm, và các họa tiết động vật-thực vật đã được coi trọng. Vào nửa đầu thế kỷ 13, trước cuộc xâm lược của người Mông Cổ, tiểu họa đã phát triển mạnh mẽ ở Greater Armenia ("Phúc âm của Haghpat", "Phúc âm của Những người phiên dịch"). Tiểu họa đã đạt đến một chất lượng mới chưa từng có ở Cilician Armenia. Các bản thảo tinh xảo được sưu tầm cả trong các tu viện và triều đình, ngoài các giáo sĩ, các bản thảo còn được đặt hàng bởi các thành viên của triều đình và các quan viên.

Ý nghĩa giáo hội-nghi lễ của các bản thảo giảm dần, chúng thường được đặt hàng để sử dụng cho mục đích cá nhân, nhằm đáp ứng sở thích tinh tế của các quang viên quảng bá cho cảm xúc tôn giáo của họ. Kích thước của những cuốn sách giảm xuống, các nghệ sỹ tiểu họa chuyển sang mô tả thực tế và mô tả các nước láng giềng. Các nghệ sỹ tiểu họa nổi tiếng Grigor Mlichetsi, Toros Roslin, Sargis Pitsak và nhiều người khác đã xuất hiện để tạo ra các bản thảo hoàng gia trang nhã ("Bữa tối của Vua Hetum II", "Phúc âm của Nữ hoàng Keran"). Tình hình chính trị tương đối ổn định ở một số vùng của Greater Armenia đã góp phần vào sự phát triển của tiểu họa.

Trong khi các đại diện của Trường phái Tiểu họa Gladzor nổi bật với tính trực quan, thì các nghệ sĩ của Vaspurakan (Simeon Artchishetsi, Zakaria Akhtamartsi, Rstakes, Kirakos Aghbaketsi và những người khác) đã quay trở lại với các truyền thống hội họa trang trí hơn. Trung tâm tiểu họa nổi tiếng là Trường Tiểu họa Tatev do Grigor Tatevatsi đứng đầu, sau đó nghệ thuật tiểu họa của Armenia được tiếp nối ở các thuộc địa Crimea, New Julfa, Constantinople và những nơi khác. Vào thế kỷ 17-18, nghệ thuật tiểu họa của người Armenia dần nhường chỗ cho nghệ thuật in minh họa.

Tiểu họa theo sách Phúc Âm của Malnazar, 1637-1638.

3. Châu Âu, thế kỷ 8–12

Trong các trường phái bản địa của Tây Âu, trang trí là động lực hàng đầu. Trong các bản viết tay của thời kỳ Merovingian, trong trường phái liên hệ đến Frankland và miền Bắc nước Ý được biết đến với cái tên Lombardic hoặc Franco-Lombardic, trong các bản thảo của Tây Ban Nha, trong các tác phẩm nghệ thuật Insular của Quần đảo Anh, vẽ hình hầu như được biết đến với tính năng trang trí hơn là miêu tả sự vật.

Văn bản được trang trí lộng lẫy này mở đầu Phúc âm John trong Sách Kells, đầu thế kỷ 9, cho thấy phong cách của Insular: trang trí và không minh họa. Nguồn: Wikipedia.

Trường phái Anglo-Saxon, phát triển một cách đặc biệt tại Canterbury và Winchester, với lối vẽ tự do đặc trưng có vẻ được bắt nguồn từ các mô hình La Mã cổ điển, hầu như không bị ảnh hưởng bởi yếu tố Byzantine. Chất lượng cao nhất của các tiểu họa thế kỷ 10 và 11 của trường phái này nằm ở đường nét đẹp đẽ, có ảnh hưởng lâu dài đến tiểu họa của Anh trong những thế kỷ sau. Nhưng trường phái Anglo-Saxon ở miền Nam khá tách biệt khỏi dòng phát triển chung của trường phái tiểu họa thời Trung cổ phương Tây.

Dưới thời các vị vua Carolingian, đã phát triển một trường phái hội họa bắt nguồn từ các mô hình cổ điển, chủ yếu thuộc kiểu Byzantine. Trong trường phái này, vốn có nguồn gốc từ sự khuyến khích của Charlemagne, người ta thấy rằng tiểu họa xuất hiện dưới hai hình thức. Đầu tiên, một loại tiểu họa theo mô hình Byzantine, chủ thể thường là chân dung của “Bốn vị truyền giáo”, hoặc chân dung của chính các hoàng đế. Các trang được tô màu và mạ vàng rực rỡ, thường được đặt trong môi trường kiến ​​trúc kiểu cố định và không có phong cảnh. Cùng với sự trang trí lộng lẫy ở đường viền và chữ cái đầu, nó đã tạo nên khuôn mẫu cho các trường phái Lục địa ở phương Tây sau này. Mặt khác, cũng có loại tiểu họa trong đó có nỗ lực vẽ minh họa, chẳng hạn như mô tả các cảnh trong Kinh thánh, kiểu này có nhiều tự do hơn; có phong cách cổ điển sao chép mô hình La Mã.

Ảnh hưởng của Trường phái Carolingian đối với các tác phẩm tiểu họa Anglo-Saxon miền Nam thể hiện qua việc sử dụng rộng rãi màu sắc tông da người và sử dụng vàng một cách phức tạp hơn trong trang trí. Ví dụ một bản thảo như “Benedictional of St. Æthelwold”, Tòa Giám mục Winchester, khoảng niên đại 963 đến 984, với hàng loạt bức tiểu họa được vẽ theo phong cách bản địa nhưng được sơn bằng bột màu mờ đục, thể hiện ảnh hưởng của nghệ thuật nước ngoài. Nhưng bản vẽ thực tế về cơ bản vẫn mang tính dân tộc, thể hiện qua cách xử lý độc đáo của nó đối với hình người và bằng cách bố cục xếp nếp với những nếp gấp bồng bềnh. Phong cách tinh tế, có xu hướng phóng đại và không cân xứng giữa các chi. Với Cuộc xâm lược Anh của người Norman, trường phái bản địa đáng chú ý này đã bị khai tử.

Tiểu họa lễ rửa tội của Chúa Kitô từ “Benedictional of St. Æthelwold”, thế kỷ thứ 10, là một ví dụ về trường phái Anglo-Saxon. Nguồn: Wikipedia.

Với sự thức tỉnh của nghệ thuật vào thế kỷ 12, việc trang trí các bản viết tay đã nhận được một động lực mạnh mẽ. Các nghệ sĩ thời đó đã xuất sắc trong việc vẽ đường viền và chữ cái đầu tiên, trong tiểu họa cũng có đường nét mạnh mẽ, với những đường quét đậm và nghiên cứu kỹ lưỡng về các tấm xếp nếp. Các nghệ sĩ ngày càng thực hành vẽ hình nhiều hơn, và mặc dù vẫn có xu hướng lặp lại các chủ đề giống nhau theo cách thông thường, nhưng nỗ lực cá nhân đã tạo ra trong thế kỷ này nhiều bức tiểu họa đáng giá.

Cuộc chinh phạt của người Norman đã kết nối trực tiếp nước Anh vào thế giới của nghệ thuật Lục địa Châu Âu; từ lúc này đã bắt đầu đưa các trường phái Pháp, Anh và Flemish lại với nhau, được thúc đẩy bởi sự giao lưu ngày càng tăng và bởi những xung lực chung, dẫn đến những sản phẩm tuyệt vời của những người minh họa bản thảo ở Tây Bắc châu Âu từ cuối thế kỷ 12 trở đi .

Nhưng cảnh quan thiên nhiên thì vẫn không có gì, ngoài đá và cây cối có tính chất rập khuôn. Do đó, bối cảnh trong tiểu họa của thế kỷ 12 chủ yếu mang tính trang trí để làm nổi bật hơn các nhân vật trong cảnh. Và do đó nảy sinh thói quen lấp đầy toàn bộ không gian bằng một tấm vàng, thường được đánh bóng - một phương pháp trang trí rực rỡ mà chúng ta đã thấy trong Trường phái Byzantine. Cũng phải chú ý đến cách thể hiện đối với các nhân vật linh thiêng, đó là cảm giác tôn kính, họ mặc những chiếc áo choàng truyền thống cổ xưa, trong khi những nhân vật khác mặc trang phục bình thường đương thời.

(Còn tiếp)

Hữu Đức

 



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ thuật thu nhỏ - Minh họa trong bản thảo cổ (1)