Nghệ thuật trường phái Baroque (Phần 1)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Chắp thêm đôi cánh của Thiên sứ, bay bổng tự do trong sự tráng lệ và huy hoàng của Thiên quốc, hít thở ánh hào quang thánh khiết và rực rỡ, giữa tiếng trầm trồ ngưỡng mộ Thần Thánh, thời đại Baroque đã bước vào cung điện nghệ thuật.

Từ cuối thế kỷ 16 và đầu thế kỷ 17, nghệ thuật mang hơi thở hùng tráng và sống động này nhanh chóng lan rộng khắp châu Âu từ Rome, Venice, Florence và những nơi khác ở Ý. Người ta gọi nó là Baroque. Từ này xuất phát từ tiếng Bồ Đào Nha "barroco", vốn có nghĩa là "ngọc trai hoặc đá có hình dạng bất thường". Vì vậy nó khác với các tác phẩm nghệ thuật thời Phục hưng đề cao phong cách yên tĩnh và cân bằng.

Cũng như thế giới không thể chỉ tồn tại một màu sắc, sự đa dạng của phong cách nghệ thuật ở các thời đại khác nhau cũng là điều tất yếu. Vào cuối thế kỷ 16, các nghệ thuật gia dần dần phá vỡ việc theo đuổi sự yên tĩnh và cân bằng thông thường của nghệ thuật thời kỳ Phục hưng. Chẳng bao lâu, toàn bộ lĩnh vực nghệ thuật, bao gồm hội họa, âm nhạc, kiến ​​trúc và nghệ thuật trang trí, bắt đầu chuyển động và thay đổi mạnh mẽ. Xu hướng này bước vào thời kỳ hoàng kim ở châu Âu vào thế kỷ 17 và cho đến giữa thế kỷ 18 mới bị chủ nghĩa tân cổ điển thay thế. Vì vậy, người ta gọi thế kỷ 17 ở Châu Âu là “Thời đại Baroque”.

Như Socrates đã nói: "Mỹ đức là điều quý giá nhất trong mọi sự vật; lý tưởng sống của một người là cống hiến cả đời mình để tìm kiếm Thần". Quan niệm đạo đức truyền thống phương Tây này cũng được áp dụng cho nghệ thuật thời Baroque. Bất kể là kiến ​​trúc, điêu khắc hay hội họa, hơi thở tôn giáo và đạo đức được phản ánh sâu đậm khắp nơi trong nghệ thuật Baroque. Trong nhà thờ, người ta ca tụng các vị thần với lối trang trí kiến ​​trúc cung vàng điện ngọc, hùng tráng, mỹ lệ; trong điêu khắc sử dụng phong phú các tư thế động để thể hiện Thần tích của các vị Thánh hoặc Thiên sứ. Trong hội họa, sử dụng bố cục nghiêng hay đường chéo để minh họa các đề tài tôn giáo xúc động lòng người. Ngoài ra, phong cách nghệ thuật Baroque có xu hướng kết hợp các loại hình nghệ thuật khác nhau, dùng thủ pháp tổng hợp để cùng thể hiện sự ca tụng Thần, phong cách vô cùng phong phú, sinh động khiến người xem kinh ngạc, tán thưởng.

Sự phát triển của Baroque

Trong lịch sử nghệ thuật, người ta thường coi Nhà thờ Chúa Giêsu được xây dựng tại Rome vào những năm 1680 là giáo đường điển hình mang phong cách Baroque.

Nghệ thuật trường phái Baroque 5
Nhà thờ Giêsu nằm ở quảng trường Piazza Jesus tại Rome, Ý, là nhà thờ chính của Thiên Chúa giáo Dòng Giêsu và là hình mẫu của các nhà thờ Giêsu trên khắp thế giới, do Thánh Ignacio de Loyola, người sáng lập Dòng Chúa Giêsu thành lập, được xây vào năm 1551. (Ảnh: Shutterstock)

Châu Âu lúc này đang trong giai đoạn lịch sử của cuộc cải cách Tin lành, các tu sĩ Dòng Giêsu có ảnh hưởng lớn trong phong trào chống Tin lành của Công giáo, đặc biệt là trong các trường học và đại học. Họ chuyên giảng đạo với các nghi lễ truyền giáo cực kỳ lộng lẫy. Điều này hoàn toàn trái ngược với đạo Tin lành do Martin Luther chủ trương, bởi vì Luther thực hành các nghi lễ truyền giáo kiểu đơn giản. Bởi vậy, các tu sĩ Dòng Giêsu yêu cầu trang trí kiến ​​trúc của giáo đường cần có hiệu quả mang lại cảm giác hùng vĩ, mỹ lệ, để tăng cường bầu không khí. Điều này chắc chắn đóng một vai trò lớn trong sự phát triển và phổ biến nghệ thuật Baroque .

Nghệ thuật trường phái Baroque 3
Bên trong Nhà thờ Chúa Giêsu. (shutterstock)

Mặc dù phong cách Baroque ban đầu xuất hiện như một nghệ thuật chống lại cải cách tôn giáo dưới sự ủng hộ của Giáo hội Công giáo La Mã. Nhưng bỏ qua sự khác biệt về Thần học tôn giáo, phong cách nghệ thuật theo phong cách opera tráng lệ này vẫn có sức hấp dẫn lạ thường đối với mọi người. Trên thực tế, những quốc gia hoặc khu vực vốn ban đầu bài trừ phong cách Baroque do sự khác biệt về giáo phái đã dần chấp nhận phong cách nghệ thuật này vào thế kỷ 17 và 18, và áp dụng nó trong kiến ​​trúc, hội họa và âm nhạc.

Người tiên phong của Baroque- Michelangelo

Ngay từ thời Phục hưng, một trong những nhân vật kiệt xuất thời Phục hưng nổi tiếng của Ý là Michelangelo (1475─ 1564), ông liên tục thử đột phá trong bố cục tác phẩm và tạo hình nghệ thuật. Trong nhiều tác phẩm, người ta thấy ông liên tục phá vỡ việc theo đuổi phong cách ổn định và yên tĩnh của giới nghệ thuật lúc bấy giờ, đồng thời cố tình bộc lộ những đặc điểm tư thế động và nghiêng. Mặc dù các tác phẩm của Michelangelo luôn được xếp vào phong cách Phục hưng trong lịch sử nghệ thuật, nhưng nhà sử học nghệ thuật nổi tiếng người Thụy Sĩ Heinrich Wolfflin (1864-1945) trong cuốn "Renaissance and Baroque" năm 1888 vẫn nói rằng Michelangelo là người tiên phong sớm nhất của nghệ thuật Baroque. Ông đã kết nối hai thời đại Phục hưng và Baroque với nhau. Các tác phẩm tiên phong của ông đều ở cả hai thời đại đều là bậc thầy nghệ thuật vĩ đại.

Đặc điểm này thể hiện vô cùng rõ trong bức bích họa ở mái vòm Sistine "Sáng tạo của Adam". Bức tranh này dựa trên cảnh trong Sáng Thế Ký của Kinh Thánh về việc Chúa sử dụng đất trên trái đất để tạo ra con người. Chúa ở phía trên bên phải của bức tranh chỉ tay về phía Adam trẻ tuổi ở phía dưới bên trái, dùng sức mạnh của Thần sáng tạo ra tổ tiên của loài người. Cánh tay của hai nhân vật chính trong bức tranh tạo thành một đường thẳng kéo dài từ phía trên bên phải xuống phía dưới bên trái. Kết hợp sườn núi với mảnh vải ở thắt lưng, bức tranh tổng thể được cắt theo hình chữ X nghiêng, tạo ra một chủ đề trang trọng về sức sống của sinh mệnh ra đời. Điều đáng nói là vào thời điểm quan trọng sáng tạo ra sinh mệnh, Michelangelo giữ lại khoảng cách cực nhỏ giữa hai ngón tay trỏ của Chúa và Adam. Có vẻ như tác giả cố tình để khán giả tự mình có thể suy nghĩ và cảm nhận trọng tâm của bức tranh này.

Nghệ thuật trường phái Baroque
Bức "Sáng tạo ra Adam" của Michelangelo, một phần bức tranh "Sáng thế ký" trên mái vòm nhà thờ Sistine ở Vatican.

(Còn tiếp)

Minh An
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nghệ thuật trường phái Baroque (Phần 1)