Nghiêu Thuấn Vũ (P-2, Kỳ 2): Đế Nghiêu nhân đức sáng như sao Cảnh, trị quốc không có lòng tư

Giúp NTDVN sửa lỗi

Lúc ấy nước Hoa Ấp báo rằng: Có một luồng khí đen đến từ mặt trời, vây quanh núi Thái Hoa đã mấy tuần rồi, sau đó trên núi Thái Hoa xuất hiện một vật, hình dáng giống rắn, có sáu chân, bốn cánh. Theo truyền thuyết, nếu thật sự thấy vật có hình dáng như vậy thì đó là điềm báo thiên hạ sắp có hạn hán lớn...

Xem lại: Nghiêu Thuấn Vũ (P-2, Kỳ 1): Đế Nghiêu thánh vương hạ thế, từ tâm khai sáng nhân loại

Hậu Nghệ bắn chín mặt trời

Sau đó nước Trác Lộc phương Bắc báo rằng: Khi Hoàng Đế chiến đấu với Xi Vưu, Nữ Bạt (Thần nắng hạn) trợ giúp Hoàng Đế phá vỡ "Trận mưa lũ" đã di chuyển về phía Nam, tiến vào Ký Châu, thế nên ở Ký Châu trời hạn hán không đổ mưa.

Tiếp theo, trên trời xuất hiện bốn mặt trời. Mọi người đều nói, Trời không thể có hai mặt trời, trong đó nhất định có ba cái là yêu tinh.

Vua Nghiêu mệnh lệnh Nghệ đi diệt trừ yêu tinh, trừ tai họa cứu muôn dân. Nghệ lo lắng sự việc này không biết đúng sai thật giả thế nào, nếu như bắn hạ mặt trời thật thì chẳng phải tội lớn hay sao? Đế Nghiêu nói: "Mặt trời thật sự thì không thể bắn hạ được".

Cuối cùng, trên bầu trời xuất hiện cùng lúc mười mặt trời. Sau đó Nghệ lấy cung tiễn ra, đi tới giáo quân tràng, các mũi tên được bắn liên tục lên trời. Đợi hồi lâu, nhưng chẳng thấy mặt trời nào rơi xuống.

Đế Nghiêu lo lắng bất an. Xích Tương Tử Dư nói: "Hồng Nhai Tiên nhân có nói rằng, bệ hạ trước tiên trai giới, thành kính cầu khẩn thiên địa tổ tông. Mặc dù Nghệ có mũi tên Thần, nhưng còn phải dựa vào Thánh chủ phải có tấm lòng chân thành". Đế Nghiêu tắm gội trai giới trong ba ngày, cúng tế khẩn cầu thiên địa.

Sơn Hải Kinh - Đại Hoang Nam Kinh có chép: Ngoài biển Đông Nam, giữa là Cam Thủy, Đế Tuấn cùng thê tử mình là Hi Hòa sinh ra mười mặt trời. Truyền thuyết kể rằng mười mặt trời đó chính là con của Thiên đế Đế Tuấn, tại Dương Cốc bên ngoài của vùng biển phương đông. Mười mặt trời cùng nhau bay lên bầu trời, cỏ cây khô héo, sông nước khô cạn, đất đai một mảnh khô cằn. Mọi người nóng đến nỗi không thể thở được.

Mười mặt trời cùng nhau bay lên bầu trời, cỏ cây khô héo, sông nước khô cạn, đất đai một mảnh khô cằn. Mọi người nóng đến nỗi không thể thở được.
Mười mặt trời cùng nhau bay lên bầu trời, cỏ cây khô héo, sông nước khô cạn, đất đai một mảnh khô cằn. Mọi người nóng đến nỗi không thể thở được. (Ảnh: Pexels)

Nghệ phụng mệnh đi tới núi Côn Luân, ngửa mặt lên trời cầu khẩn, khuyên mặt trời hãy quay trở về, nhưng vẫn không có kết quả. Hậu Nghệ dùng thần tiễn, lần nữa bắn từng mũi tên lên, sau đó từng mặt trời rơi xuống. Cuối cùng, trên trời chỉ còn lại một mặt trời, thời tiết trở nên tươi sáng mát mẻ, âm dương được điều hòa.

Khai sáng lịch pháp, điều hòa bốn mùa âm dương

Thế gian thời kì thượng cổ, cần làm theo ý trời, quan sát thiên văn, thiên tượng, bốn mùa, điều hòa âm dương, cúng tế thiên địa là việc rất quan trọng, cũng là một phương cách câu thông giữa con người và Thần.

Khi Đế Nghiêu mới kế vị, bốn mùa không có, âm dương không cân bằng, thiên địa vận hành không có chu kỳ. Thế nên, phải quy chính lại sự vận hành của thiên địa theo trật tự, đó chính là lúc khai sáng lịch pháp. Nghiêu mệnh lệnh bốn người: Hi Trọng, Hi Thúc, Hòa Trọng, Hòa Thúc phân ra bốn phương nắm giữ các chức vụ. Bốn người họ hợp lại quan sát đo đạc thiên văn, trông coi thời tiết mùa vụ, quan trắc trời trăng sao và vạn vật sinh linh, điều chỉnh lại chính xác thời gian bốn mùa, lập ra lịch pháp, và hướng dẫn người dân trồng trọt vào các mùa vụ.

Lệnh cho Hi Trọng ở tại Dương Cốc hướng Đông, nghênh đón mặt trời mọc, quan sát phân biệt mọi thời khắc khi mặt trời đang lên. Thấy rằng ngày và đêm ngang bằng nhau, Điểu tinh là chòm sao phương Đông trong Nhị thập bát tú thường xuất hiện giữa lưng chừng trời vào lúc hoàng hôn, lúc này là mùa xuân giữa tháng hai, ngày nay gọi là tiết xuân phân.

Hi Thúc ở tại Giao Chỉ hướng Nam (Việt Nam ngày nay), quan sát phân biệt mọi thời khắc mặt trời mọc lên ở hướng nam. Nhận thấy rằng ngày dài hơn đêm, sao Hỏa - một trong 7 chòm sao trong Nhị Thập Bát Tú thuộc chòm sao Thanh Long phương đông dần thăng lên trên bầu trời phương nam, lúc này là giữa mùa hạ, ngày nay gọi là hạ chí (ngày dài nhất và đêm ngắn nhất trong năm).

Hòa Trọng ở tại Muội Cốc hướng tây, quan sát mọi thời khắc mặt trời lặn. Nhận thấy rằng thời gian ngày và đêm là bằng nhau, sao Hư - một trong 7 chòm sao trong Nhị Thập Bát Tú thuộc chòm sao Huyền Vũ phương Bắc xuất hiện ở lưng chừng trời phương nam khi hoàng hôn, lúc này vào giữa mùa thu, ngày này gọi là tiết thu phân.

Hòa Thúc ở phương bắc, quan sát sự vận hành của mặt trời ở hướng bắc. Thấy rằng thời gian ban ngày ngắn hơn đêm, sao Mão một trong 7 chòm sao phương Tây trong Nhị Thập Bát Tú thuộc chòm Bạch Hổ xuất hiện giữa lưng chừng trời phương nam, lúc này vào giữa mùa đông, ngày này gọi là đông chí.

Nghiêu lệnh bốn người: Hi Trọng, Hi Thúc, Hòa Trọng, Hòa Thúc phân ra bốn phương hợp lại quan sát đo đạc thiên văn, trông coi thời tiết mùa vụ, quan trắc trời trăng sao và vạn vật sinh linh, điều chỉnh lại chính xác thời gian bốn mùa, lập ra lịch pháp...
Nghiêu lệnh bốn người: Hi Trọng, Hi Thúc, Hòa Trọng, Hòa Thúc quan sát đo đạc thiên văn, trông coi thời tiết mùa vụ, quan trắc trời trăng sao và vạn vật sinh linh, điều chỉnh lại chính xác thời gian bốn mùa, lập ra lịch pháp... (Ảnh: Shutterstock)

Căn cứ theo các quan sát đo đạc, vua Nghiêu đã định ra một năm có ba trăm sáu mươi ngày, bốn mùa xuân hạ thu đông, cứ ba năm sẽ có một tháng nhuận, dùng tháng nhuận để điều chỉnh lịch pháp cho phù hợp với thời tiết bốn mùa, và áp dụng hợp lí cho mùa vụ mỗi năm. Thượng thư - Nghiêu điển viết: "Một năm có 366 ngày, dùng tháng nhuận để điều chỉnh đặt ra 4 mùa, thành một năm"

Theo Tống sách - Phù Thụy Chí ghi chép lại: Có một loại cây cỏ sinh trưởng trên các bậc thềm nơi sân vườn, mùng một mỗi tháng bắt đầu ra lá, mỗi ngày mọc một lá, sau nửa tháng mọc mười lăm lá. Sang ngày thứ mười sáu thì mỗi ngày bắt đầu rơi một lá, đến cuối tháng thì rụng hết. Nếu như vào trúng tháng trăng non, thì đến ngày cuối cùng lá cây chỉ héo tàn chứ không rơi rụng. Đế Nghiêu cho là vô cùng hiếm thấy, nên gọi là "Minh giáp" (cỏ may mắn), hay còn gọi là "Lịch thảo". Kết hợp Minh giáp để quan sát, và cuối cùng lấy 365 ngày làm một năm. Quan sát thiên văn, khí hậu, mùa vụ chiểu theo chu kỳ 365 ngày, theo như tính toán gần đến tháng nhuận, có thể trông thấy trăng non lớn hay nhỏ mà quyết định làm ra lịch pháp. Lịch pháp mới khớp với thời vụ và bốn mùa quanh năm, tiết khí được phân chia chính xác rõ ràng, cứ ba tháng được gọi là 1 quý, 12 tháng là một năm, một vòng quanh quay 365 ngày sẽ có một tháng nhuận, tháng đủ có 30 ngày, tháng thiếu 29 ngày, một ngày chia thành 12 giờ, một giờ có 8 khắc, mỗi thời mỗi tiết đều có quy luật và chuẩn mực. Đến lúc này, bốn mùa đã được sắp xếp theo thứ tự.

Ngôi sao Cảnh hiện lên điềm lành

Dân gian có bài ca dao về thời kỳ của đế Nghiêu: "Kỳ nhân như thiên, kỳ trí như thần, như nhật ôn tâm, như vân cái địa, đế đức chiêu chiêu, phổ thiên đồng khánh ⋯" (Nghiêu đế là vị vua nhân đức có tu dưỡng, kiến thức uyên bác, trí tuệ như một vị Thần, khi đến gần ông như vầng thái dương tỏa sáng khắp nơi, nếu nhìn về nơi xa thì ông như áng mây sáng lạn rực rỡ, khắp chốn mừng vui...)

Thuật dị ký ghi chép: "Nghiêu là vị quân vương nhân từ, mười ngày như một đều gặp may mắn tốt lành". Đế Nghiêu dùng đức mà quản lý chính sự rõ ràng, thành tựu về văn hóa giáo dục, quân sự lớn mạnh, muôn dân an cư lạc nghiệp. Đức hạnh của đế Nghiêu đã cảm động đến Trời nên Trời giáng xuống mười điềm tốt lành cho Đế Nghiêu.

Rõ ràng nhất là ngôi sao Cảnh biểu hiện điềm lành. Trúc thư kỳ niên ghi chép: Đế Nghiêu "năm thứ 42, sao Cảnh xuất hiện gần sao Dực"; "Vua Nghiêu tại vị năm thứ 17, sao Cảnh xuất hiện gần sao Dực".

Hán thư - Thiên văn chí ghi chép: "Sao Cảnh là sao đức, hình dáng nó bất định, thường xuất hiện ở nước có Đạo".

Sách Chính nghĩa viết: "Hình dáng sao Cảnh giống nửa vầng trăng, mọc vào cuối tháng để chiếu sáng trợ giúp trăng. Nó xuất hiện thì có nghĩa là vua có đức, là để chúc mừng bậc Thánh minh".

Tôn thị thụy ứng đồ cũng viết: "Sao Cảnh xuất hiện khi vua không có lòng tư".

Sao Cảnh là ngôi sao may mắn cát tường, khi quân chủ đức dày có đạo, không coi thiên hạ là của riêng thì sẽ cảm động Thượng Thiên, khi đó sao Cảnh mới xuất hiện. Sao Cảnh hình dáng tuy giống nửa vầng trăng, nhưng ánh sáng của nó sáng hơn trăng. Chòm sao Dực là một trong 28 chòm sao (nhị thập bát tú), bao gồm 22 ngôi sao, nằm ở phương Nam, màu đỏ. Có ghi chép cho rằng, vua Nghiêu là Thần của sao Dực. Hai lần sao Cảnh xuất hiện gần sao Dực là biểu thị vua Nghiêu là Thần đến thế gian.

Xem tiếp: Nghiêu - Thuấn - Vũ (Phần 3): Đại kiếp nạn

Tiểu Liên
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nghiêu Thuấn Vũ (P-2, Kỳ 2): Đế Nghiêu nhân đức sáng như sao Cảnh, trị quốc không có lòng tư