Người ăn mày “thiên cổ đệ nhất”: Vũ Huấn

Giúp NTDVN sửa lỗi

Vũ Huấn sinh ra vào thời nhà Thanh. Ông vốn không có tên. Vũ Huấn chính là kiểu người nghèo đến nỗi không có tên. Trong gia đình, Vũ Huấn là người con thứ bảy nên ông được gọi là Vũ Thất. “Vũ Huấn” là tên gọi được Triều đình ban cho sau khi ông có công lập nên trường nghĩa học. 

Từ nhỏ, gia đình Vũ Huấn đã rất nghèo nhưng cậu rất muốn được đi học. Vũ Huấn thường đi theo con của những gia đình khá giả, đến trường học để nghe lén những học sinh ở đó đọc sách. Những đứa trẻ khác thấy cậu ăn mặc rách rưới thì đều chê cười, sỉ nhục, thậm chí còn chửi mắng cậu, nhưng Vũ Huấn vẫn không để ý đến điều này.

Một ngày nọ, Vũ Huấn lấy hết can đảm chạy vào trường học, xin thầy giáo trường tư thục cho cậu được đi học. Nhưng thầy giáo ở trường tư thục đó không những không đồng cảm, còn mắng rằng: “Đứa trẻ nghèo như ngươi, làm sao có thể đến đây. Còn không mau cút đi! Ngươi muốn ăn trộm đồ phải không?”

Nói rồi, thầy giáo đó đã dùng thước dọa đánh, đuổi cậu ra ngoài. Từ đó Vũ Huấn không còn dám nghĩ đến chuyện đi học nữa.

Khi Vũ Huấn được 7 tuổi, cha cậu qua đời. Hoàn cảnh gia đình cậu ngày càng khó khăn hơn. Vũ Huấn phải theo mẹ ra ngoài xin ăn. Tuy còn nhỏ tuổi nhưng Vũ Huấn rất hiếu thảo với mẹ. Những lúc xin được đồ ăn sạch sẽ hay ngon miệng, cậu nhất quyết không ăn mà mang về mời mẹ.

Khi Vũ Huấn 15 tuổi, cậu đến nhà một người dượng để làm công. Tuy vẫn còn là một đứa trẻ chưa trưởng thành, nhưng cậu luôn là một người thật thà chất phác. Mỗi ngày đều chăm chỉ siêng năng làm việc. Người dượng kia không phải vì cậu là họ hàng thân thích mà có chút ưu ái nào, mà còn cố gắng giao việc cho cậu giống như một người trưởng thành. Những việc nặng nhọc hay khó khăn đều giao hết cho Vũ Huấn.

Mỗi ngày Vũ Huấn đều vất vả, làm việc như trâu như ngựa, nhưng người dượng kia chẳng bao giờ phát lương cho cậu, bởi vì cảm thấy rằng cho Vũ Huấn ăn cơm đã là ban ơn cho cậu rồi. Người dượng còn thường xuyên đánh đập, chửi mắng Vũ Huấn. Ngày qua ngày, Vũ Huấn đều nhẫn nhịn chịu đựng. Bởi vì cậu là người thuần hậu chất phác, nên những người xung quanh luôn xem cậu là kẻ ngốc, tìm cách để mỉa mai châm biếm, nhưng Vũ Huấn chưa bao giờ để tâm đến những lời này.

Năm 17 tuổi, Vũ Huấn đến làm công ở nhà của một cử nhân họ Lý. Một ngày nọ, chị của cậu gửi đến một phong thư kèm theo vài xâu tiền. Cử nhân họ Lý lợi dụng việc Vũ Huấn không biết chữ, chỉ đưa thư cho cậu, còn tiền thì lấy mất. Sau đó Vũ Huấn biết được việc này, đến hỏi cử nhân họ Lý. Lý cử nhân không chỉ một mực phủ nhận, còn mắng Vũ Huấn một trận.

Một lần nọ, khi Vũ Huấn đang cho heo ăn, không cẩn thận làm rơi thức ăn của heo trên đất, Vũ Huấn liền bị đánh cho thừa sống thiếu chết.

Một năm nọ vào tối 30 Tết, Vũ Huấn dán câu đối cho chủ nhà. Bởi vì không biết chữ, Vũ Huấn đã dán ngược câu đối. Lý cử nhân cho rằng đó là điềm không may, nên vừa đấm vừa đá, vừa mắng chửi cậu, không cho ăn cơm, còn phạt cậu một đêm không được ngủ. Vũ Huấn phải đứng cả đêm trong sân giữa trời đông gió tuyết, lạnh thấu xương, không được phép ngủ.

Vũ Huấn làm công ba năm nhưng chưa từng được nhận lương. Lúc mẹ bị bệnh, Vũ Huấn đến xin Lý cử nhân trả tiền cho cậu. Không ngờ rằng Lý cử nhân mang ra một tờ giấy giả, nói rằng đã trả tiền lương cho cậu từ lâu rồi. Vũ Huấn không biết chữ, lúc đó cậu tức giận không nói nên lời, khóc không ra nước mắt, khẩn thiết van nài nhưng cũng không thay đổi được gì. Vũ Huấn còn bị cho đánh sứt đầu mẻ trán, sau đó bị đuổi ra khỏi cửa.

Bị lừa tiền và bị đuổi đi, Vũ Huấn đến một ngôi miếu nhỏ trong thôn ngủ mê man ba ngày liền. Sau khi tỉnh lại, cậu nghĩ rằng mình bị ức hiếp sỉ nhục đều là vì bản thân không biết chữ. Mà những người nghèo khổ như cậu ở xung quanh có rất nhiều. Những người này đều không được đi học, tương lai cũng sẽ không có lối thoát. Thế là cậu nảy ra ý tưởng muốn xây dựng trường nghĩa học.

Một khi đã xác định được mục tiêu, Vũ Huấn quyết tâm dùng cả đời để cố gắng thực hiện tâm nguyện này. Nhưng cậu vốn nghèo rớt mùng tơi, lại muốn xây dựng trường nghĩa học, đó là việc xưa nay chưa từng có, là một công việc khó khăn đến nhường nào. Thế là một người ăn xin không cầu danh, không cầu lợi, lòng mang chí lớn đã bắt đầu một cuộc đời mới.

Năm ấy là năm 1859, lúc Vũ Huấn được 21 tuổi. Anh bắt đầu đi xin ăn, để tích lũy tiền. Vũ Huấn tay cầm một cái muôi bằng đồng, vai mang một chiếc túi, quần áo rách rưới, vừa đi vừa hát.

Vũ Huấn đi xin ăn ở khắp nơi, ở đâu cũng từng có dấu chân của anh: Sơn Đông, Hà Bắc, Hà Nam, Giang Tô, v.v... Vũ Huấn cũng đi khắp nơi để bán sức lao động của mình. Những việc khó khăn mệt nhọc anh đều giành làm, sống cuộc sống như trâu ngựa. Mục đích của anh chính là kiếm tiền để xây trường nghĩa học, bởi vậy dù trải qua cuộc sống vô cùng khó khăn nhưng anh vẫn luôn vui vẻ.

Một năm sau, Vũ Huấn tích lũy được chút tiền, lại bị anh rể lừa mất. Vũ Huấn phải bắt đầu kiếm tiền lại từ đầu. Hễ xin được đồ ăn ngon, anh sẽ mang đi bán để đổi thành tiền, còn bản thân chỉ ăn những đồ ăn hỏng, hôi thiu, rễ cây, khoai lang, v.v…

Từ sáng tới tối, Vũ Huấn làm việc quần quật, không có thời gian nghỉ ngơi. Anh làm cả những việc mà người khác không dám làm, hoặc không thể làm. Đẩy cối xay vốn là việc của gia súc, nhưng anh cũng nhận làm. Xay lúa cần phải làm lúc trời nắng gắt. Mặc mồ hôi đầm đìa, nhưng Vũ Huấn vẫn luôn vui vẻ lạc quan. Khi nông dân đến mùa gặt lúa, anh sẽ đi gặt lúa lấy công. Ngoài ra vào buổi sáng sớm anh còn đi dọn dẹp nhà vệ sinh cho người ta. Có lúc anh còn giúp người ta gánh nước, tưới cây, trồng lúa hay trồng các loại cây trái.

Bất kể việc nặng nhọc, cực khổ, dơ bẩn... Vũ Huấn cũng chẳng quản sớm tối đêm ngày.
Bất kể việc nặng nhọc, cực khổ, dơ bẩn... Vũ Huấn cũng chẳng quản sớm tối đêm ngày. (Ảnh chụp màn hình phim Tam Tự Kinh)

Vũ Huấn dựa theo khoảng cách gần xa, trọng lượng nặng nhẹ để tính tiền công. Có lúc gặp những trường hợp cá biệt không chịu trả tiền, anh cũng không tranh cãi với họ. Năm 29 tuổi, sau khi trải qua nhiều năm tích lũy tiền, Vũ Huấn mua được một miếng đất nhiễm phèn rộng 45 mẫu (khoảng 3ha).

Năm Vũ Huấn 33 tuổi, vùng Sơn Đông gặp phải hạn hán lớn, rất nhiều người chết đói. Vũ Huấn dùng số tiền tích lũy của mình, mua 40 mươi gánh cao lương để cứu giúp dân chúng. Anh trai của Vũ Huấn không có nghề nghiệp gì, thường muốn mượn tiền của anh. Họ hàng hàng thân thích cũng lần lượt đến xin anh giúp đỡ. Vũ Huấn nói với họ rằng: “Không kể họ hàng, không kể bạn bè, tôi còn phải xây thêm mấy trường nghĩa học nữa”.

Trải qua nhiều năm gian khổ, Vũ Huấn đã tích tiểu thành đại, dồn được một số tiền lớn. Anh nghe nói trong huyện có một vị của cử nhân tên là Dương Thụ Phương, là người ngay thẳng, danh thơm tiếng tốt, có thể tin tưởng được. Vũ Huấn muốn gửi tiền ở nhà họ Dương, thế là anh đến Dương phủ xin được gặp mặt. Bởi vì anh là người ăn xin nên chủ nhà từ chối, không chịu gặp.

Vũ Huấn liền quỳ trước cổng nhà họ Dương hai ngày liền. Cuối cùng sự chân thành của Vũ Huấn đã làm cảm động Dương cử nhân. Sau đó Vũ Huấn mang câu chuyện ăn xin để tích tiền và mong muốn xây trường nghĩa học kể hết cho Dương cử nhân. Cử nhân họ Dương vô cùng cảm phục, không chỉ nhận lời giúp anh giữ tiền, mà còn nói rằng muốn giúp anh xây dựng trường nghĩa học.

Sau khi xây xong trường, Vũ Huấn tự mình quỳ gối mời những người có học vấn đến dạy học, quỳ gối mời Dương Thụ Nhân làm hiệu trưởng, quỳ gối xin những gia đình nghèo đưa con cháu đến trường để học.

Năm đó trường nghĩa học chiêu sinh được hơn 50 học sinh, chia thành hai lớp, hoàn toàn không thu học phí. Ngày khai giảng, Vũ Huấn chuẩn bị tiệc rượu thịnh soạn để tiếp đãi hiệu trưởng, thầy giáo và những nhân sĩ trong thôn. Vũ Huấn đích thân ra ngoài khấu đầu tạ ơn quan khách đến tham dự, nhưng anh nhất quyết không vào tiệc rượu. Khi buổi tiệc kết thúc, anh chỉ ăn những cơm thừa canh cặn, và cảm thấy vui vẻ mãn nguyện rồi.

Mặc dù đã thực hiện được tâm nguyện của mình nhưng Vũ Huấn vẫn đi xin ăn như trước, anh vẫn sống ở ngôi miếu cũ trong thôn. Học sinh trong trường cầu xin anh đến ở trong trường học, anh vẫn không đồng ý mà nói rằng: “Tôi không cảm thấy khổ, chỉ cần các trò cố gắng học tập là tôi đã vui hơn bất cứ thứ gì khác”.

Năm 55 tuổi, Vũ Huấn thu thập được rất nhiều sách vở. Ông tổ chức Hội đọc sách, để những người muốn đọc sách nhưng không có tiền mua có thể tự do mượn đọc.

Vũ Huấn đã dùng số tiền mà mình ăn xin được để xây dựng trường học, và đã xây được ba trường nghĩa học. Sau khi ngôi trường thứ ba xây xong không lâu, Vũ Huấn mắc bệnh nặng và mỉm cười ra đi. Ngày đưa tang của ông, số người đến đưa hơn cả ngàn người, hai bên đường xếp hàng đông nghịt. Dù bao nhiêu năm qua đi nhưng những công lao to lớn của Vũ Huấn vẫn luôn nhận được sự tán dương và kính trọng của người đời sau.

Theo Chinese Traditional Story

Đức Nhân biên dịch



BÀI CHỌN LỌC

Người ăn mày “thiên cổ đệ nhất”: Vũ Huấn