Người chết đi sống lại chứng kiến: Người thế nào được Diêm Vương trọng đãi?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hễ nhắc đến âm tào địa phủ, chắc hẳn rất nhiều người sẽ cho đó là điều huyền hoặc, chỉ có trên phim ảnh hay tiểu thuyết. Nhưng bạn có biết rằng đã có không ít người từng chết đi sống lại và kể về những gì họ mắt thấy tai nghe dưới hoàng tuyền?

Câu chuyện thứ nhất

Dưới đây là câu chuyện được ghi chép trong cuốn “Duyệt Vi Thảo Đường Bút Ký” của học giả Kỷ Hiểu Lam thời nhà Thanh:

Hồi ấy, ở thôn Bắc có một người tên là Trịnh Tô Tiên, trong giấc mộng đã du hành xuống âm phủ và chứng kiến cảnh Diêm Vương thẩm vấn các quỷ hồn.

Trịnh Tô Tiên thấy một vị quan viên đang ngẩng đầu ưỡn ngực bước vào điện, vẻ mặt đầy tự tin. Ông ta lớn giọng: “Lúc còn sống, cho dù tôi đến đâu thì cũng chỉ uống một tách trà, không tham ô hối lộ bao giờ. Nay đến Âm phủ trình diện, tôi không có gì phải hổ thẹn với quỷ Thần”.

Diêm Vương nhìn vị quan viên liền khẽ cười: “Thiết lập quan chức là để chăm lo cho bách tính, trị lý muôn dân. Trên từ hoàng đế, đại quan, dưới đến sai nha, tiểu lại… thì đều biết việc gì nên làm và không nên làm. Nếu như cho rằng không tham ô đã là quan thanh liêm, vậy thì hãy thử đặt một con rối lên công đường, ngay cả một cốc nước nó cũng không uống, thì chẳng phải còn hơn cả ngươi sao?”.

Vị quan viên không phục, biện bạch rằng: “Tôi tuy không có công lao, nhưng cũng không làm gì nên tội”.

Diêm Vương nói: “Ngươi làm điều gì cũng đều chỉ bảo vệ bản thân. Nhà ngươi xem xem, khi xử án ngươi vì sợ hiềm nghi mà không dám biểu lộ thái độ, vậy chẳng phải là phụ lòng bách tính hay sao? Ngươi vì sợ việc nặng mà chọn việc nhẹ để làm, vậy chẳng phải là cô phụ quốc gia đã ủy thác hay sao? Cho nên, vô công cũng là có tội”.

Vị quan này đột ngột cảm thấy bất an, khí thế dương dương tự đắc lúc trước cũng vụt tan biến. Diêm Vương bình thản nhìn ông ta và mỉm cười: “Chỉ trách ngươi có chút vênh váo hống hách, chứ bình tâm mà xét thì cũng có thể tính là làm tốt được ba, bốn phần, sau khi chuyển sinh cũng có thể làm một bậc sĩ đại phu”.

Sau đó, Diêm Vương lệnh cho quỷ sai đưa vị quan này đến nơi chuyển sinh.

Lát sau, Trịnh Tô Tiên nhìn thấy bà lão ở làng kế bên bước lên điện. Diêm Vương vừa thấy bà liền nở nụ cười, chắp tay nghênh đón và mời bà một tách trà. Ngài cũng nhanh chóng an bài và lệnh cho âm sai tiễn bà đi đầu thai vào một hộ gia đình trên dương thế. Trịnh Tô Tiên lòng đầy hoài nghi, bèn hỏi một quan sai: “Bà ấy chỉ là phụ nữ nông thôn bình thường, lấy đâu ra công đức mà được Diêm Vương cung kính chào hỏi, lại được chuyển sinh vào gia đình tốt như vậy?”.

Quan sai âm phủ nói: “Bà lão ấy cả đời không có tâm hại người lợi mình. Nếu nói về cái tâm lợi ích, thì ngay cả những bậc hiền sĩ hay người thành đạt cũng đều khó tránh. Phàm là kẻ lợi kỷ đều sẽ làm những điều tổn hại đến người khác. Họ vắt óc suy tính, làm ra các việc gian xảo dối trá. Họ gây thù chuốc oán, phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác, thậm chí còn có thể phát tán độc hại ra bốn biển, để lại tiếng xấu đến muôn đời… Hết thảy đều là vì vị tư vị kỷ, vì làm lợi cho bản thân mà ra. Nhưng bà lão thôn quê này lại làm được những điều mà kẻ khác không làm được. Bà ấy khắc chế tư tâm, coi nhẹ ích lợi của bản thân. Những kẻ bình sinh đọc sách, dạy học, hiểu được đạo nghĩa thì khi đứng trước mặt bà đều phải hổ thẹn. Cho nên, chúng tôi ở đây không thấy kỳ lạ khi Diêm Vương đối đãi bà lão ấy trọng hậu như vậy”.

Trịnh Tô Tiên nghe được, trong tâm đột nhiên hiểu ra rồi tỉnh dậy.

Vị quan tự cho rằng chưa từng làm việc xấu, nhưng lại không nhận ra sai sót của bản thân, trong tâm đầy cao ngạo tự cho mình là đúng. Kỳ thực, “nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên Địa tận giai tri”, suy nghĩ trong lòng người dù thâm sâu đến đâu, quỷ Thần đều có thể nhìn rõ tận tường.

Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên địa tận giai tri
Nhân tâm sinh nhất niệm, Thiên địa tận giai tri. (Ảnh Tinh Hoa tổng hợp)

Câu chuyện thứ hai

Nhân vật chính trong câu chuyện này là một ông lão đã 75 tuổi tên là Thành Đức Phú, là một cựu quân nhân ở huyện Điếm Giang, thành phố Trùng Khánh. Ông Thành nhập ngũ năm 1965, từng phục vụ trong binh đoàn số 42 thuộc sư đoàn 114, quân đoàn 38, đóng quân tại vùng Đông Bắc, Trung Quốc. Khi ấy quan hệ Xô - Trung rất căng thẳng, mọi thời khắc đều trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Ông Thành và đồng đội được giao nhiệm vụ canh gác kho đạn và kho lương 24 giờ mỗi ngày, ngay cả khi nhiệt độ xuống -30℃ cũng không ngoại lệ. Bởi vì trường kỳ đứng gác, cơm ăn đều nguội lạnh, nên ông Thành đã mắc bệnh dạ dày nghiêm trọng.

Năm 1967, quân phòng thủ được điều chuyển đến Bắc Kinh, binh đoàn của ông Thành nhận lệnh tham gia công trình khai thông sông Hải Hà ở Thiên Tân. Lúc ấy là mùa đông, nhiệt độ xuống -20℃, cả đội chỉ mặc áo ba lỗ và chiếc quần đơn lội xuống sông nạo vét. Để chống chọi cái lạnh giá của mùa đông, cả đội phải húp cháo cao lương trộn với rất nhiều ớt trước khi làm việc. Cháo ớt vừa cay vừa nóng, khiến cổ họng của ông bị tổn thương nặng nề rồi mưng mủ, hơi thở yếu ớt đến mức sắp lìa đời. Nhưng đội trưởng lại không đưa ông vào viện điều trị, hơn nữa còn cố ý cắt xét khẩu phần ăn, mỗi bữa chỉ cấp cho rất ít cơm trắng. Ông Thành tưởng như mình không thể qua khỏi, may mắn một bác sĩ quân y đi xem xét chẩn bệnh đã kịp thời cứu chữa cho ông.

Sau ca phẫu thuật họng, ông Thành gặp rất nhiều khó khăn mỗi khi mở miệng nói, nhưng không vì thế mà ông trễ nải hay lười biếng. Ngược lại, ông vẫn luôn chăm chỉ làm việc. Cơ thể phải chịu lạnh và lao động quá sức nên mắc rất nhiều bệnh khác nhau, như viêm khớp, viêm xoang, viêm phế quản, viêm khớp vai, đau dạ dày, rối loạn chức năng thần kinh, v.v. Ngực ông đau thắt giống như bị một khối đá đè vào, vô cùng khó chịu. Sau này, khi đã chuyển sang làm ở công ty sản xuất than, ông gặp tai nạn xe hơi nghiêm trọng, tài xế tử vong ngay tại hiện trường, còn ông thì bị thương ở đốt sống cổ và cột sống thắt lưng, gãy xương đùi và chấn động não. Người ta vẫn nói: “Họa vô đơn chí”, thân thể vốn đã mang đầy bệnh tật nay lại càng suy nhược, kiệt quệ hơn.

Trong nỗi thống khổ, ông Thành đã lặn lội khắp nơi tìm thầy hỏi thuốc, tiêu tốn không biết bao nhiêu tiền của. Ông thử hết tây y đến đông y, cũng đã luyện qua các loại khí công nhưng đều không có tác dụng. Năm 1997, một người bạn giới thiệu cho ông bộ môn Pháp Luân Công, chỉ sau hai ngày đọc sách và luyện công, ông đã thấy thân thể nhẹ nhàng khỏe mạnh, hết thảy những triệu chứng trước kia đều biến mất, hiệu quả thật thần kỳ.

Nhưng chưa đầy hai năm sau, ĐCSTQ đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công. Ông Thành bị bắt vào trại giam, bị tra tấn tàn khốc, sau đó lại bị đưa vào trại lao động cưỡng bức, gia đình ông cũng vì thế mà chia lìa tan nát. Sau khi tái hôn, ông lại bị Đội An ninh Quốc gia thuộc Cục Công an địa phương nhiều lần đe dọa và quấy rối. Vợ ông sợ bị bức hại, liền vội vàng viết giấy ly hôn rồi tự ý bỏ đi không một lời từ biệt. Ông Thành lo lắng cho vợ, liền về quê tìm bà nhưng không được, cuối cùng ông đành thất thểu lên xe khách về nhà.

Khoảng 6 giờ tối khi xe khách chạy qua thôn Hiệp Khẩu, ông Thành đột nhiên cảm thấy như có người vỗ lên ngực mình ba lần, sau đó vặn cánh tay của ông về phía sau rồi lôi đi với tốc độ rất nhanh, chỉ nghe thấy tiếng gió vù vù thổi qua tai. Một lúc sau có người hét lên: “Đến rồi, quỳ xuống!”.

Lại có người bẩm báo: “Vương gia, phạm nhân đã đến rồi”.

Vương gia nói: “Ngươi hãy ngẩng đầu lên đi”.

Ông Thành ngẩng lên nhìn, thấy Vương gia ngồi trên ngai, đầu đội mũ miện, thân mặc áo bào màu nhạt trông giống như hoàng đế thời xưa. Ông Thành hỏi: “Xin hỏi, ngài là Diêm Vương phải không?”.

Vương gia đáp: “Ta chính là Diêm Vương, còn đây là địa ngục. Người thế gian không tin có Diêm Vương và địa phủ nên mới dám làm điều xằng bậy. Còn ngươi, ngươi có tin không?”.

Địa ngục du ký 7 ngày và những câu chuyện về nhân quả báo ứng
“Ta chính là Diêm Vương, còn đây là địa ngục. Người thế gian không tin có Diêm Vương và địa phủ nên mới dám làm điều xằng bậy. Còn ngươi, ngươi có tin không?”. (Ảnh minh hoạ)

Ông Thành nói: “Tôi đã đến chốn này rồi, chẳng lẽ lại không tin ngài là Diêm Vương sao?”.

Diêm Vương hỏi: “Ngươi tên gì? Ở đâu đến?”.

Ông Thành trả lời: “Tôi là Thành Đức Phú, người huyện Điếm Giang”.

Diêm Vương tự nhủ: “Không đúng”, rồi quay sang nói với quỷ sai: “Các người bắt nhầm người rồi. Hãy đi bắt Trần Đức Phú ở Trạm Giang, không phải Điếm Giang. Hắn ta đã làm rất nhiều điều sai trái và đáng phải chết”.

Thì ra, hai âm sai đã nghe nhầm địa danh Trạm Giang thành Điếm Giang, vừa hay tên của Thành Đức Phú lại gần giống với tên của Trần Đức Phú ở Trạm Giang.

Diêm Vương lại mở một cuốn sách lớn trông giống như sách Sinh Tử, nói với ông Thành: “Quả là chúng đã nhầm người rồi. Ông từ lâu đã được xóa tên trong địa ngục, không thuộc tôi quản nữa. Dẫu sao ông cũng đã đến đây, vậy hôm nay ông là khách quý của tôi”.

Ông Thành hỏi lại: “Vậy tôi quy về ai quản?”.

Diêm Vương chỉ tay lên trên và nói: “Ông quy về bề trên quản”.

Đến lúc này, ông Thành mới sực nhớ rằng bản thân là người tu luyện Pháp Luân Công. Ông đang bồi hồi suy nghĩ thì Diêm Vương nói tiếp:

“Ông đã đến rồi, không ngại thì mời ông tham quan cõi âm tào một chút rồi hãy trở về. Sau khi quay về ông cần làm ba việc: Một là, hãy nói với người dương gian rằng địa ngục chuyên trừng trị những kẻ xấu xa bại hoại. Thiện ác hữu báo, làm việc xấu nhất định sẽ bị báo ứng. Hai là, ông phải làm nhiều việc tốt và cứu thêm nhiều người hơn nữa. Ba là, hãy kể lại những lời tôi nói và những gì ông thấy dưới địa phủ cho con người trên dương thế. Hãy nói với họ rằng những gì đã làm sai trước đây thì nay hãy sửa lại cho đúng, không được làm việc xấu nữa, như thế mới có thể lưu lại cho bản thân một tương lai tốt đẹp. Ba việc này, ông nhất định phải nhớ kỹ!”.

Diêm Vương tiếp lời: “Hãy để hai âm sai dẫn ông đi tham quan một chuyến, ông sẽ thấy những kẻ hành ác đều phải chịu khốc hình gấp bội dưới âm tào. Thời gian gấp gáp, không có đủ thì giờ xem hết 18 tầng địa ngục, vậy hãy xem hình phạt nhẹ nhất”.

Sau đó, hai âm sai dẫn ông Thành đến cầu Nại Hà, dưới cây cầu chật hẹp là vực sâu vạn trượng. Ông Thành không dám đi, hai âm sai phải dìu ông bước qua cầu. Họ nói: “Vì ngài là khách quý của Vương gia nên chúng tôi mới tử tế với ngài. Còn những kẻ tội hồn phải chịu trừng phạt, thì cho dù họ có sợ hay không chúng tôi đều sẽ trói bằng xích sắt và kéo đi”.

Qua cầu Nại Hà, âm sai bảo ông Thành ngẩng đầu nhìn xem Huyết Hải, quả là một cảnh tượng khiến người ta phải giật mình kinh hãi. Trong biển máu mênh mông là người mặc các loại đồng phục khác nhau, đa số đều là công an, kiểm sát, tư pháp… Họ bị cá sấu, rắn độc, sư tử và các loại động vật ăn thịt cắn xé đầu, tay và chân. Ai cũng kêu la thảm thiết và cầu xin lòng thương xót, thật là cảnh tượng bi thảm thê lương...

Ông Thành ngẩn người chết lặng một hồi lâu, chứng kiến nỗi bi thảm vô bờ bến ấy mà không thốt nên lời.

Âm sai kéo ông lại và nói: “Ông hãy ngẩng đầu nhìn bên này”.

Ông Thành quay người, trước mắt là cảnh tượng còn đáng sợ hơn: Trên một quảng trường rộng mênh mông đặt các loại hình cụ tra tấn, nhiều đến mức không nhìn thấy tận cùng, trên mỗi hình cụ đều có người đang chịu phạt. Hình cụ thứ nhất trói một người vừa cao vừa mập, giống như vị quan lớn. Hai bên trái và phải có quỷ tra tấn đang cầm thanh đại đao xẻo thịt. Âm sai nói: “Người này là quan tham ô nhận hối lộ, không biết đã tham nhũng của quốc gia bao nhiêu tiền tài, sau khi xuống địa ngục phải xẻo thịt mà hoàn trả”.

Chiếc gông địa ngục: hé mở chuyện huyền bí về tâm linh, nhân quả và danh thắng tại Việt Nam
(Ảnh: Miền công cộng)

Ông Thành hỏi: “Ông ta phải trả hết sao?”.

Âm sai đáp: “Đều phải trả hết, nếu chưa hết nợ nghiệp mà thả ra thì người ta sẽ nói Diêm Vương bất công, bẻ cong luật pháp để thiên vị. Nếu thế ngay cả Diêm Vương cũng sẽ bị Trời trừng phạt”.

Tiếp theo là bốn người mặc bốn loại trang phục của những quan chức phụ trách thực thi pháp luật, đầu đội mũ có quốc huy của ĐCSTQ. Họ bị trói thành hàng vào một hình cụ tra tấn, và bị một mũi dùi sắt xuyên ngang qua eo lưng. Hai bên là quỷ tra tấn cầm dùi sắt vừa lôi vừa kéo, khắp mặt đất toàn là máu.

Ông Thành lại hỏi: “Vì sao họ lại phải chịu hình phạt ấy?”.

Âm sai đáp: “Điều nhân viên chấp pháp nên làm là phạt ác thưởng thiện, nhưng họ lại làm ngược lại: lấy tiền của dân, tham nhũng quyền lực, thiện ác bất phân, chuyên hại người tốt. Làm người thi hành pháp luật mà lại phạm pháp, nợ máu chồng chất, không biết họ đã hại bao nhiêu người tốt. Địa ngục sử dụng loại khốc hình này để hoàn trả cho những nạn nhân oan uổng, mỗi lần đẩy và kéo là hoàn trả cho một người bị hại”.

Trên hình cụ khác trói một người không mập cũng không gầy, hai bên quỷ tra tấn cầm cây đao nhỏ cùng với miếng thịt vừa cắt. Âm sai tiếp tục giải thích: “Đây là những kẻ nâng khống giá cả, thao túng thị trường, bớt cân bớt lạng. Người ta nói: ‘Con kiến bò qua cũng phải lấy một chân’, chính là loại người này. Trên dương gian họ đã ăn bớt của bao nhiêu người, chiếm đoạt bao nhiêu tiền, thì nay phải cắt bấy nhiêu thịt để hoàn trả, một đồng cũng không được thiếu”.

Lại thấy một cặp nam nữ, mặt đối mặt bị trói trên hình cụ. Nửa mặt trên bị cắt đứt, da thịt rủ xuống che phủ nửa dưới khuôn mặt, thật khiến người ta khiếp sợ. Âm sai tiếp tục giải thích: “Hai người này phạm tội gian dâm, thật là không biết xấu hổ, vô đạo đức”.

Ông Thành vừa định quay đầu hỏi âm sai thì Diêm Vương đột nhiên xuất hiện, ngài nói: “Tôi đã nói với ông ba điều, mong ông nhớ kỹ. Thời giờ đã điểm rồi, ông hãy mau quay về, nếu còn chần chừ thì e muộn mất”.

Hai âm sai nhấc ông Thành lên và ném vào không trung, ông Thành lo sợ âm sai ném nhầm chỗ liền kêu lớn một tiếng “Ối!”. Đúng lúc ấy bên tai có người nói: “Bác ấy sống lại rồi”. Ông Thành từ từ mở mắt và hỏi: “Đây là đâu thế này?”.

Bác sĩ đáp: “Đây là phòng cấp cứu bệnh viện huyện”. Bên cạnh có người hỏi: “Bác kêu lớn điều gì thế?”.

Ông Thành nhận ra đó là tài xế và nhân viên soát vé trên xe khách, liền nói: “Tôi vừa mới xuống địa ngục một chuyến, nhìn thấy hết thảy những gì dưới âm tào đều vô cùng đáng sợ”.

Sau đó, ông Thành kể lại những gì vừa trải qua trong chuyến du hành địa ngục, rồi ông hỏi: “Rõ ràng tôi ở trên xe khách, sao giờ lại đến đây?”.

Nhân viên soát vé nói: “Cháu thấy bác mồ hôi nhễ nhại, sắc mặt đổi khác, rồi đột nhiên ngã xuống. Cháu vội gọi người đỡ bác ngồi dựa vào ghế, sau đó bảo tài xế đưa bác đến bệnh viện, chỉ trong 5 phút đã đến đây. Sau đó chúng cháu lại quay về đưa hành khách đến nơi rồi mới gọi taxi vào viện thăm bác. Khi đến, chúng cháu thấy bác vẫn tắt thở, không thở oxy cũng không truyền dịch. Bệnh viện mấy lần giục chúng cháu đưa bác vào nhà xác nhưng cháu không đồng ý. Cháu và tài xế bàn nhau rằng, đợi đến 11 giờ nếu bác vẫn không tỉnh thì sẽ đưa bác vào nhà xác”.

Ông Thành nói: “Mọi người vất vả quá, tôi xin biếu mỗi người một ít tiền thay cho lời cảm ơn, còn tiền thuốc tôi sẽ trả vào ngày mai”.

Bác sĩ vội đáp: “Vì không truyền oxy nên không thu tiền, chi phí truyền dịch chỉ có vài đồng, hãy để cháu lo, còn tiền cảm ơn thì xin bác cứ giữ lấy, cháu cảm ơn thành ý của bác”.

Sau đó, bác sĩ và y tá cùng trở lại phòng trực. Tài xế nói với ông Thành: “Tối nay là việc làm tốt đầu tiên của chúng cháu, cảm ơn khách quý của Diêm Vương đã kể lại những gì tai nghe mắt thấy. Chúng cháu sẽ làm thêm nhiều việc tốt, không làm điều xấu để khỏi phải chịu tội dưới địa ngục”.

Trở về nhà, ông Thành Đức Phú đã viết lại trải nghiệm của mình, rất nhiều độc giả sau đó đã tự hứa với lòng sẽ tránh xa điều ác, làm thêm nhiều việc tốt, trở thành người thiện lương. Vậy là, chuyến du hành địa ngục của ông đã không uổng phí…

Nếu có người vẫn mơ hồ hoài nghi rằng địa phủ có hay không, thì hai câu chuyện trên đây chính là câu trả lời. Kẻ ác lộng hành trên dương thế, xuống âm gian không thoát khỏi khốc hình. Còn những người thiện lương thấp cổ bé họng, thì rất có thể lại là bậc khách quý dưới âm tào, được các vị âm quan muôn phần trọng đãi. Quý độc giả thân mến, bạn có tin như vậy hay không?

Minh Hạnh
Theo “Tử Lăng kể chuyện”



BÀI CHỌN LỌC

Người chết đi sống lại chứng kiến: Người thế nào được Diêm Vương trọng đãi?