Người không trưởng thành có 3 đặc điểm này

Giúp NTDVN sửa lỗi

Người xưa coi nói chuyện giống như mũi tên được bắn đi, không thể nào thu hồi lại được. Mà những lời không thích hợp, lời ác độc, thậm chí còn làm tổn thương đến người khác hơn cả mũi tên độc.

Nói nhiều

Nói nhiều thể hiện ra sự chưa trưởng thành của một con người.

Người nói nhiều thì dễ bất giác làm tổn thương người khác mà bản thân họ hoàn toàn không hay biết. Bản thân họ cảm thấy khả năng nói năng hoạt bát liến thoắng của họ là tốt đẹp, là tài ăn nói.

Đệ tử của Mặc Tử hỏi rằng: "Thưa thầy, nói nhiều có tốt không?"

Mặc Tử nói với đệ tử rằng: "Con xem con ễnh ương cả ngày kêu oa oa, không chỉ không có tác dụng gì mà còn khiến cho người ta chán ghét. Còn con gà trống chỉ gáy đúng giờ lúc rạng sáng, khiến cho tất cả các loài sinh vật đều biết trời sáng rồi".

Có thể thấy rằng, nói chuyện cần coi trọng thời điểm và mức độ. Có những lời nói chỉ có thể nói ở trường hợp thích hợp, nếu không thì sẽ đắc tội với người ta.

Người xưa coi nói chuyện giống như mũi tên được bắn đi, không thể nào thu hồi lại được. Mà những lời không thích hợp, lời ác độc, thậm chí còn làm tổn thương đến người khác hơn cả mũi tên độc.

Điều đáng tiếc nhất là, có lúc có rất nhiều người không phải có ý làm tổn thương người khác, chỉ là không chú ý, nói liến thoắng luôn miệng, thường bất tri bất giác làm tổn thương đến người khác. Thế nên nói nhiều thì chỉ có trăm điều hại mà không có cái lợi nào.

Một trường hợp thực tế là Tăng Quốc Phiên, thời trẻ tuổi khí thế lấn áp người, thường tranh luận cãi nhau với người khác, thậm chí có lúc tranh luận với các quan đồng nghiệp còn thượng cẳng chân hạ cẳng tay với nhau. Sau này ông đã tự kiểm điểm trong nhật ký, liệt kê ra 3 lỗi lầm lớn của mình: Thứ nhất là thường cho mình là đúng; Thứ hai là miệng luôn nói không ngừng; Thứ ba là biết rõ nói chuyện đắc tội người khác mà vẫn biện giải, cãi lý với người ta.

Sau này Tăng Quốc Phiên ý thức được sự nguy hại của việc nói nhiều, thế nên ông đã liên tục tự kiểm điểm mình và ghi trong nhật ký, cuối cùng đã thay đổi được thói quen xấu này.

nói nhiều không tốt
Nói nhiều thể hiện ra sự chưa trưởng thành của một con người. (Ảnh: Pixabay)

Cuồng ngạo

Học giả Tiền Chung Thư đã từng nói rằng: một người mà đến 20 tuổi vẫn không cuồng vọng thì người này không có triển vọng; đến 30 tuổi mà vẫn còn cuồng vọng thì cũng không có triển vọng.

20 tuổi đang là lúc tuổi trẻ cuồng vọng, tự phụ tự mãn. Lúc đó, không ai để tâm chú ý đến cái cuồng vọng này, mọi người đều sẽ khoan dung. Bởi vì tuổi trẻ chưa lịch duyệt nhân tình thế thái, hoàn toàn không biết trời cao đất dày là gì.

Nếu đến 30 tuổi mà vẫn còn cuồng vọng, ngạo mạn thì người này vẫn chưa trưởng thành, về tâm và trí còn kém lắm.

Tăng Quốc Phiên đã từng nói: Xưa nay người có hung đức dẫn đến thất bại có 2 loại, một là thường ngạo mạn, và một là nói nhiều.

Ông chỉ ra 2 hung đức và nhược điểm của con người: Ngạo mạn và nói nhiều. Theo ông, ngạo mạn là biểu hiện chưa trưởng thành nghiêm trọng hơn nói nhiều.

Người ngạo mạn đều cao giọng, thích hiển lộ thể hiện bản thân. Tăng Quốc Phiên cho rằng, người cao ngạo thì Đạo Trời không dung thứ, ắt sẽ khiến người khác ghen ghét, tức giận, trấn áp, tấn công, ngầm hãm hại. Thế nên ông đề cao phẩm chất như nói năng nhỏ nhẹ, khiêm nhường, cẩn thận.

Vương Dương Minh nói: "Người làm con mà kiêu ngạo thì ắt không thể tròn chữ hiếu. Người làm em mà kiêu ngạo thì ắt không thể tròn chữ đễ". Một người tự cao tự đại, ngạo mạn, thì sẽ không có được mối quan hệ tốt với mọi người, không chỉ có vậy, ngay cả quan hệ tối thiểu với cha mẹ, vợ chồng, anh em của họ thì cũng không xử lý tốt được.

người ngạo mạn
Nếu đến 30 tuổi mà vẫn còn cuồng vọng, ngạo mạn thì người này vẫn chưa trưởng thành, về tâm và trí còn kém lắm. (Ảnh: Pixabay)

Người cơ hội, mong nhanh chóng thành công

Người làm việc gì cũng muốn đi đường tắt, giở trò. Đây cũng là một loại chưa trưởng thành.

Bởi vì những sự tình trên thế gian thường là bỏ công sức bao nhiêu thì thu hoạch được bấy nhiêu. Người luôn nghĩ đi đường tắt, một mặt là lười nhác, một mặt là tâm lý lợi dụng cơ hội kiếm lời, thì cuối cùng khó thành tài được.

Ví như việc đọc sách tu thân, đọc một quyển sách thì có thu hoạch của một quyển sách. Có những thứ mà người cơ hội không thể nào đạt được mục đích, chỉ khiến thời gian trôi qua uổng phí mà thôi.

Tăng Quốc Phiên thực ra không phải là nhà quân sự, ông đánh trận chỉ dựa vào hai chữ "ổn" và "ngốc". Ông nói: "Đánh trận cần phải đánh "Ổn" (ổn định, chắc chắn)". Cả cuộc đời, ông giỏi đánh trận "ngu", "ngốc", không giỏi đánh trận "khéo". Đánh trận, ông không tham lợi nhỏ, không cầu mưu kế kỳ lạ, vững vàng chắc chắn, phòng thủ chắc chắn, tấn công chắc chắn.

Ông nói: "Người vụng về nhất thiên hạ có thể thắng được người khéo léo nhất thiên hạ". "Ngốc" đến cực điểm sẽ là "Thông minh", "vụng về" đến cực điểm sẽ là "khéo léo". Ý nghĩa của ngốc là, không tự lừa dối mình, làm từng tí từng tí một, tuyệt đối không bớt công bớt nguyên liệu, không cầu nhanh, không cầu vẻ rực rỡ bề ngoài.

Tăng Quốc Phiên có 12 "thiết luật" (điều luật sắt đá). Sở dĩ được mọi người gọi là thiết luật là bởi vì bắt đầu từ 30 tuổi, Tăng Quốc Phiên kiên trì đến cuối đời là không tự lừa mình dối người, không buông thả bản thân.

Ông nói: "Kiên kỳ chí, khổ kỳ tâm, lao kỳ lực, sự vô đại tiểu, tất hữu sở thành", nghĩa là: "Làm cho ý chí của mình kiên định vững vàng, làm cho cái tâm của mình chịu đủ khổ cực, làm cho sức lực của mình phải chịu mệt nhọc, như thế bất kể là việc lớn hay nhỏ, ắt sẽ thành công".

Hoàng Mai
Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Người không trưởng thành có 3 đặc điểm này