Người quân tử khi tuyệt giao sẽ không nói những lời bất hảo [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ ngữ có câu: 'Kim vàng ai nỡ uốn câu; Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời'; cũng lại có câu : 'Bệnh nhập tùng khẩu; Họa xuất tùng khẩu'. Phàm là những người quân tử quyết chí tu tâm dưỡng tính, trước tiên thường lấy tu khẩu làm đầu...

Trong cuộc sống có thiện duyên thì cũng có ác duyên, nếu biết khiêm nhường hạ mình thiện giải các mối ác duyên thì những tai kiếp trong đời sẽ giảm đi, cuộc sống cũng trở nên tươi sáng hơn.

Tuy nhiên, khi bản thân xuất ra quan niệm vị tư, muốn bảo vệ chính mình thì thường rất khó tự khống chế được cảm xúc. Khi cảm xúc không được khống chế, chúng ta sẽ dùng những lời khó nghe, bạo lực hoặc những điều tiêu cực tương tự để đáp trả sự công kích, uy hiếp của đối phương. Kết quả khiến cả hai bên đều bị tổn thương, ác duyên cũng không được hoá giải.

Có câu: "Thiện ý một câu ấm ba đông, lời ác lạnh người sáu tháng ròng". Do đó, người quân tử thời xưa khi tuyệt giao sẽ không nói những lời khó nghe, dù trước đây họ có thể bị đối xử bất công nhưng khi rời khỏi nơi đó cũng không nói lời không tốt về người khác. Vậy nên tu khẩu tích đức, đối với bất kỳ ai mà nói thì cũng là điều có lợi.

Quân tử tuyệt giao, bất xuất ác thanh” (Quân tử tuyệt giao không nói lời xấu), là một câu trong Chiến Quốc Sách - Yên Sách, ý nói: Người có tu dưỡng khi quyết định không qua lại với ai nữa cũng không nói ra những lời khó nghe, làm tổn thương đối phương.

Suy ngẫm sâu hơn về nội hàm của câu trên, chúng ta có thể thấy được, người có phẩm chất cao thượng là đã trải qua một phen suy nghĩ thấu đáo mới đưa ra quyết định cắt đứt quan hệ với những mối tương giao không hợp, vì vậy họ sẽ không ôm giữ thù hận trong tâm, vẫn giữ phong thái của bậc chính nhân quân tử với những người kia.

Đây là một câu danh ngôn, cũng là một điển cố được trích trong Sử ký, chuyện kể rằng: Nhạc Nghị là một vị tướng thời Chiến Quốc rất có tài trong việc dùng binh, từng trợ giúp Yên Chiêu vương đánh bại nước Tề, lập đại công. Sau khi Yên Chiêu vương qua đời, Yên Huệ vương lên ngôi. Yên Huệ vương vốn không ưa Nhạc Nghị, hơn nữa nước Tề lại dùng kế phản gián, khiến Yên Huệ vương tước quyền cầm binh của Nhạc Nghị, Nhạc Nghị sợ bị truy sát liền chạy sang nước Triệu. Kết quả quân nước Yên đại bại.

Người quân tử khi tuyệt giao sẽ không nói những lời bất hảo
“Quân tử tuyệt giao, không xuất ác thanh. Trung thần khứ quốc, bất khiết kỳ thanh.” (Ảnh: Secretchina.com).

Yên Huệ vương viết thư muốn trị tội Nhạc Nghị, Nhạc Nghị hồi thư viết: “Quân tử tuyệt giao, không xuất ác thanh. Trung thần khứ quốc, bất khiết kỳ thanh.” Ý nói người quân tử, khi tuyệt giao với người khác cũng không nói những lời không tốt về đối phương, bậc trung thần khi rời khỏi đất nước cũng không muốn giải thích về thanh danh cao thượng của mình.

Kết quả từ đó về sau Yên Huệ vương không còn làm khó Nhạc Nghị nữa.

Trong cuộc sống ngày nay, chuyện tình bạn đổ vỡ hay mối quan hệ đồng nghiệp căng thẳng là những chuyện thường gặp, bạn bè nhất thời không hợp liền trở mặt thành thù cũng không phải là lạ, do đó mới có cái gọi là 'tuyệt giao'.

Những người không có giáo dưỡng khi cắt đứt quan hệ thường chửi mắng, thậm chí là đụng chân đụng tay, hãm hại đối phương, v.v... cuối cùng phát thệ nguyện đến già cũng không qua lại. Sau khi tuyệt giao lại vẫn còn dùng những lời nói ác ý để công kích người kia. Đó là biểu hiện của sự thiếu tu dưỡng đạo đức.

Tục ngữ có câu: “Oán oán tương báo hà thời liễu?”, ý nói oan oan tương báo biết khi nào mới thôi? Nếu ác duyên không giải thì vĩnh viễn không cách nào kết thúc được, kết cục vẫn là chất chồng oán hận, tâm ý bất an, hại chính bản thân đau khổ. Phật gia có giảng: 'Mang oán giận trong tâm thì giống như tự mình uống thuốc độc mà trông chờ người khác chết vậy!'.

Khoan dung độ lượng, khiêm tốn nhường nhịn là tiền đề để hoá giải các mối ác duyên, người có phẩm chất cao thượng thì trong lòng sẽ không có kẻ thù.

Khó khăn lớn nhất trong cuộc đời không phải là sự nghèo nàn về vật chất, mà chính là tinh thần không cách nào có sự bình yên cho được!

Luôn mang trong mình đức tính khiêm nhường và biết ơn, có thể bao dung độ lượng trước những lỗi lầm của người khác, thì cho dù có đứng trước bất kỳ tình huống nào, ta cũng sẽ không nói những lời thất đức. Cổ ngữ có câu: 'Kim vàng ai nỡ uốn câu; Người khôn ai nỡ nói nhau nặng lời'; lại cũng có câu : 'Bệnh nhập tùng khẩu; Họa xuất tùng khẩu'. Những người quyết chí tu tâm dưỡng tính, trước tiên thường lấy tu khẩu làm đầu.

Thu Hà (biên dịch)

Theo: Zhengjian.org



BÀI CHỌN LỌC

Người quân tử khi tuyệt giao sẽ không nói những lời bất hảo [Radio]