Người sinh ra có dị tượng xuất hiện ắt sẽ là bậc kỳ tài xuất chúng

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cổ nhân xưa kia luôn tin rằng: sinh mệnh của con người trước khi sinh ra đã sớm được thiên thượng định đoạt, cho nên mỗi khi có một nhân vật kiệt xuất giáng sinh, ắt sẽ có dị tượng xuất hiện nhằm dự báo về thiên mệnh của họ...

Theo bản ngọc phả viết về Lý Nam Đế, vị hoàng đế đầu tiên của Việt Nam mang tên "Việt Thường thị tiền Lý Nam Đế". Đây là bản ngọc phả cổ truyền, do Hàn lâm viện - Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính soạn vào năm 1572, dưới triều vua Lê Anh Tông, khi chép về thân thế Lý Nam Đế đã cho biết nhà vua được thụ thai từ giấc mơ kỳ lạ của người mẹ.

Ngọc phả viết: “Khi đó có gia trưởng một bộ thuộc đất châu Dã Năng xứ Kinh Bắc, họ Lý húy Toản, lấy vợ người Châu Ái sau đổi là Thanh Hoa là Lê Thị Oanh… lúc này, Lý công tuổi ngoài bốn mươi, Thái bà họ Lê tuổi ngoài 30 mà vẫn chưa một lần sinh nở. Một hôm Thái bà nằm nghỉ ở ngoài sảnh đường rồi thiếp đi, bỗng thấy trời đất tối đen, ngước nhìn thấy từ trên trời có đám mây ngũ sắc trong đó có hai rồng, một màu trắng, một màu vàng, cùng tranh giành sao Thái dương. Sao Thái dương bỗng nhiên giáng xuống miệng Thái bà, rồng vàng giáng thẳng xuống bụng Thái bà. Thái bà bỗng tỉnh dậy, biết đó là giấc mộng, liền nói với Thái ông [tức Lý công]. Thái ông nói rằng theo như báo mộng thì tất thị nhà ta có phúc lớn, trời ban hiền nhân, đất sinh tuấn kiệt, thiện thay, thiện thay! Nói xong, tự nhiên Thái bà cảm thấy như đã có thai”.

Sao Thái dương bỗng nhiên giáng xuống miệng Thái bà, rồng vàng giáng thẳng xuống bụng Thái bà.
Sao Thái dương bỗng nhiên giáng xuống miệng Thái bà, rồng vàng giáng thẳng xuống bụng Thái bà. (Ảnh: Miền công cộng)

Hay như theo "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: “Lý Thánh Tông có mẹ là Kim Thiên Thái hậu họ Mai, khi trước chiêm bao thấy mặt trăng vào bụng rồi có mang”. Tương tự, Trần Thánh Tông có “Mẹ là Hiển Từ Thuận Thiên hoàng thái hậu Lý thị, nhân Thái Tông chiêm bao thấy thượng đế trao cho gươm báu, sau có mang”.

Trong Đại Nam thực lục chính biên, đệ nhị kỷ có chép về hoàng đế Minh Mạng, cũng là người trước khi sinh ra đã có điềm báo dị thường: “Trước khi sinh vua, hoàng hậu nằm mơ thấy người thần dâng một cái ấn, sắc đỏ như mặt trời. Vua sinh ra thực ứng vào điềm ấy”.

Tương truyền Hán Vũ Đế Lưu Triệt chính là người như vậy. Hán Vũ Đế con của Cảnh Đế, mẹ là Vương Mỹ Nhân - sau được sắc phong làm hoàng hậu. Trước khi Vương Mỹ Nhân vào cung, có một người tên là Diêu Ông từng xem tướng cho bà nói: “Là quý nhân trong thiên hạ, sinh ra thiên tử". Diêu Ông là người có tài xem tướng, từng xem tướng cho hơn trăm người chưa từng sai lệch. Vậy là người nhà của bà đưa bà vào cung Thái tử - chính là Hán Cảnh Đế sau này.

Một hôm Hán Cảnh Đế mơ thấy có một luồng xích khí (khí đỏ) bay vào Sùng Phương Các, khi tỉnh dậy lại phát hiện mình đang ngồi ở Sùng Phương Các, còn luồng xích khí vẫn như mây mù bao phủ. Trong cung mọi người cũng nhìn thấy trên đỉnh Sùng Phương Các có khí đỏ bao trùm. Sau khi luồng khí đỏ tan đi, phát hiện có xích long ẩn hiện quấn trên cột nhà.

Hán Cảnh Đế
Hán Cảnh Đế. (Ảnh: baike.baidu.com)

Thấy vậy Hán Cảnh Đế triệu Diêu Ông đến bốc quẻ xem điều lành giữ. Diêu Ông nói: “Đây là việc cát tường, tại Sùng Phương Các này nhất định sẽ xuất sinh một người nắm giữ vận mệnh của đất nước. Người ấy sẽ bình định dị tộc Di, Địch ở phương Bắc, làm cho vận nước hưng thịnh, trở thành một vị minh chủ trong thời kỳ hưng thịnh của vương triều họ Lưu”. Vậy là Hán Cảnh Đế bèn lệnh cho Vương Phu Nhân đến Sùng Phương Các ở, mong rằng có thể ứng với điều lành mà Diêu Ông nói, đồng thời đổi tên Sùng Phương Các thành Y Lan Điện.

Lại qua hơn 10 ngày sau, Hán Cảnh Đế mơ thấy nữ Thần giáng hạ, hai tay dâng mặt trời cho Vương Phu Nhân, Vương Phu Nhân cũng đón lấy nuốt vào bụng". Kỳ lạ hôm ấy Vương Phu Nhân cũng mơ mặt trời nhập vào người. Qua 14 tháng sau, Vương Phu Nhân sinh hạ một bé trai. Hán Cảnh Đế nói: “Ta mơ thấy xích khí biến thành xích long, thầy tướng số lại cho rằng đây là cát mộng, có thể lấy tên Cát để đặt tên con" (Lưu Cát sau này đổi tên thành Lưu Triệt).

Hán Vũ Đế vừa có công xây dựng vương triều Tây Hán trở thành vương triều huy hoàng nhất, vừa giúp nhà Hán mở rộng phạm vi lãnh thổ.
Hán Vũ Đế vừa có công xây dựng vương triều Tây Hán trở thành vương triều huy hoàng nhất, vừa giúp nhà Hán mở rộng phạm vi lãnh thổ. (Ảnh tổng hợp)

Lưu Triệt từ nhỏ thông minh, trí tuệ hơn người, lại học nhiều hiểu rộng, Hán Cảnh Đế hỏi Lưu Triệt bất kể vấn đề gì, Lưu Triệt đều trả lời tinh thông như người trưởng thành. Lúc 5 tuổi, Hán Vũ Đế được phong làm Giao Đông Vương, lúc 7 tuổi được phong làm Thái tử, lúc 16 tuổi lên ngôi vua. Hán Vũ Đế trị vì đất nước trong 54 năm (141TCN – 87TCN). Ông có công lao xây dựng vương triều Tây Hán trở thành vương triều huy hoàng nhất. Ông từng dùng niên hiệu: Kiến Nguyên (140 – 135 TCN), Nguyên Quang (134 – 129 TCN), Nguyên Sóc (128 – 123 TCN), Nguyên Thú (122 – 117 TCN), Nguyên Đỉnh (116 – 111 TCN), Nguyên Phong (110 – 105 TCN), Thái Sơ (104 -101 TCN), Thiên Hán (100 – 97 TCN), Thái Thủy (96 – 93 TCN), Chinh Hòa (92 – 89 TCN), Hậu Nguyên (88 – 87 TCN). Sau khi băng hà, ông được chôn cất tại Mậu Lăng.

Cổ nhân tín Thần, kính trời trọng đất, đối với đại sự trong đời đều phải thuận thiên mà ứng. Việc đời thường cũng lại lấy nhân đức làm trọng, người xưa quan niệm, vạn sự vạn vật trong trời đất tồn tại đều cần có đạo. Mỗi khi có bậc kỳ tài giáng hạ ắt sẽ có điềm báo kèm theo.

Minh Vũ



BÀI CHỌN LỌC

Người sinh ra có dị tượng xuất hiện ắt sẽ là bậc kỳ tài xuất chúng