Người sống trải nghiệm làm công chức nơi linh giới

Giúp NTDVN sửa lỗi

Liệu con người trong thế giới chúng ta có thể sống mà ra vào âm phủ không? Có hai nhân vật thời cận đại kể lại rằng chính họ từng làm ‘quan chấp pháp’ dưới âm ty.

Trên thực tế, những câu chuyện như vậy từ xa xưa đến nay vẫn luôn có, nhưng với sự phổ biến của khoa học, những người có trải nghiệm như vậy càng không muốn kể chúng ra. Nó là một "trải nghiệm tâm lý biên duyên" - là một biểu hiện của vô thức tập thể, hay nó thực sự là tiếng gọi từ một vũ trụ song song? Chúng ta sẽ tìm hiểu sự thật về thế giới tâm linh.

Đại sư quốc học xuyên việt hai giới âm dương

Trong chương thứ chín của Tây Du Ký, có một câu chuyện rằng Long Vương Kính Hà đã vi phạm quy định của trời vì tự ý thay đổi thời gian mưa và lượng mưa.

Thiên đình kết án Long Vương tử hình, Tòa án Thiên giới đã cử Ngụy Trưng, một khâm sai ở nhân gian đi trảm Long Vương.

Sau khi nghe tin, Long Vương vô cùng hoảng sợ, vội vàng thác mộng báo Đường Thái Tông xin ông cầm chân Ngụy Trưng không cho đi. Đường Thái Tông thực sự đồng ý.

Đến ngày hành quyết, Thái Tông kéo Ngụy Trưng đi chơi cờ. Kết quả Ngụy Trưng ngủ mất, và trong mơ đã trảm Long Vương Kính Hà. Theo góc nhìn ngày nay, đây là câu chuyện về nhân vật chính chiến đấu với quái vật trong thời gian và không gian song song khác.

Đương nhiên, đây là tình tiết trong tiểu thuyết, nhưng khi đọc nó khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ, liệu người phàm cũng có thể làm chức quan trên Thiên đình được không? Khi tìm hiểu một số tư liệu lịch sử, phát hiện ra rằng câu chuyện như vậy thực sự có thật và từng xảy ra với những người nổi tiếng thời cận đại.

Trải nghiệm phán quyết nơi âm phủ của Chương Thái Viêm

Chương Thái Viêm, đại sư quốc học của Trung Hoa Dân Quốc, đã viết về trải nghiệm của bản thân khi làm quan tòa ở âm phủ. Chương Thái Viêm bất mãn với việc Viên Thế Khải muốn trở thành hoàng đế, nên chạy đến phủ tổng thống để mắng mỏ, và còn tức giận đập phá đồ trong phủ phủ tổng thống. Vì vậy Viên Thế Khải đã giam lỏng Chương Thái Viêm tại chùa Long Tuyền ở Bắc Kinh. Tuy là giam lỏng nhưng hàng tháng ông vẫn được cấp rất nhiều tiền sinh hoạt.

Chương Thái Viêm, đại sư quốc học của Trung Hoa Dân Quốc (Ảnh: chụp màn hình video)
Chương Thái Viêm, đại sư quốc học của Trung Hoa Dân Quốc (Ảnh: chụp màn hình video)

Viên Thế Khải cũng đặc biệt viết tám quy định cho các lính canh, bao gồm cả lượng thức ăn và chi phí sinh hoạt hàng ngày. Đập phá đồ, chửi mắng người, cứ để cho tự ý, phá rồi thì mua đồ lại, chửi mắng thì cứ nghe. Có thể thấy, những người cầm quân thời đó khá tôn trọng những người làm văn hóa.

Tuy cơm ăn áo mặc không phải lo lắng, nhưng không có tự do, Chương Thái Viêm vẫn rất phiền muộn. Chính trong khoảng thời gian này, ông bắt đầu có những giấc mơ kỳ lạ.

Ông đã viết lại cảnh trong giấc mơ của mình như sau: Năm ngoái, vào đầu tháng 12 năm 1914, một đêm, ông nằm mơ thấy ai đó đang cầm một tấm danh thiếp cổ mời ông đi ăn trưa. Chủ nhân của tấm danh thiếp tên là Vương Ngao, tể tướng của thời Minh Vũ Tông.

Khi bước ra khỏi cửa, đã thấy bên ngoài có xe và ngựa đợi sẵn, tôi lên xe đến một dinh thự lớn, chủ nhà tiếp đãi thịnh tình. Trong số các khách đi cùng có người Ấn Độ, người Châu Âu, người Hán. Trong những người Hán còn có nhà văn Hạ Hầu Huyền thời Tam Quốc, và nhà thơ Mai Nghiêu Thần triều đại Bắc Tống.

Hoá ra Đông Nhạc Đại Đế, người phụ trách âm phủ, đã cử người đến mời Chương Thái Viêm làm thẩm phán của âm gian, còn Mai Nghiêu Thần làm tổng thẩm phán. Vương Ngao, Chương Thái Viêm và sáu người khác làm quan thẩm phán. Chín người họ quản lý các vụ án hình sự trên năm lục địa. Vì vậy, trong thời gian đó, mỗi ngày khi đi ngủ, Chương Thái Viêm liền bắt đầu công việc nơi địa phủ.

Chương Thái Viêm nói với bạn bè của mình rằng, dù ở Trung Quốc hay ở nước ngoài, đều có âm gian, và cách sống rất giống nơi nhân gian, chỉ là luôn không thấy mặt trời, bầu trời luôn xám xịt và sương mù. Ngôn ngữ cũng vậy, và không có vấn đề về rào cản giao tiếp.

Một hôm vào buổi tối, Chương Thái Viêm lại mơ và đi tới địa phủ, và nhận thấy các sai dịch nơi này đều đã bị thay thế hết. Ông hỏi những tù nhân được đưa vào xem có còn hình phạt giường sắt và cột đồng không, những tù nhân tra tấn này nói rằng có, rồi chỉ cho ông xem. Tuy nhiên Chương Thái Viêm không thể nhìn thấy chúng.

Cuối cùng ông hiểu rằng mình không thể nhìn thấy các hình phạt khắc nghiệt, bởi vì bản thân không có nghiệp lực lớn như vậy. Đúng như theo kinh Phật giảng rằng, nếu không phải chịu tội thì thậm chí địa ngục trước mặt, người đó cũng không thể nhìn thấy.

Đến lúc đó, ông mới nhận ra đây không phải là chuyện con người có thể làm được, cũng không phải là chuyện tàn nhẫn hay không, mọi hình phạt trong địa ngục đều do nghiệp lực của chính con người mà tiến hành.

Tuy nhiên, các vụ án do Chương Thái Viêm xét xử hầu như không có ý nghĩa gì đặc biệt, chủ yếu là các vụ án hình sự thông thường như đánh nhau, mưu sát, v.v. Tất nhiên mưu sát cũng nghiêm trọng, nhưng một người tính cách như Chương Thái Viêm không sẵn sàng làm công việc thường ngày này.

Việc này kéo dài hơn 20 ngày và Chương Thái Viêm cảm thấy rất mệt mỏi, một hôm ông nghĩ ra giải pháp, viết giấy nghỉ việc và đốt nó đi. Và rồi thực sự đêm đó không có xe ngựa đón ông, ông cũng không phải làm việc nên rất vui, nhưng cũng chỉ kéo dài được một ngày.

Sau đó, mọi việc vẫn diễn ra như cũ. Hễ ngủ thì có người đến đón ông tới âm phủ làm thủ tục và đi làm. Không còn cách nào, và cũng không thể chểnh mảng, nên ông đã để tìm một cao nhân chỉ dẫn.

Ông đã viết một lá thư cho người bạn của mình, hoà thượng Tông Ngưỡng. Hòa thượng này đưa ra kiến nghị gì thì cũng không có ghi chép lại. Chỉ biết rằng từ đó, mỗi ngày sau khi ăn tối xong Chương Thái Viêm liền tĩnh tâm ngồi thiền. Hơn ba tháng sau, giấc mơ này mới dần biến mất, lúc đó Chương Thái Viêm không công khai mà chỉ nhắc đến nó trong những lần trao đổi thư từ với bạn bè.

Hoà thượng Tông Ngưỡng - người bạn mà Chương Thái Viêm viết thư hỏi ý kiến (Ảnh: chụp màn hình video)
Hoà thượng Tông Ngưỡng - người bạn mà Chương Thái Viêm viết thư hỏi ý kiến (Ảnh: chụp màn hình video)

Sau khi ông qua đời, con rể của ông, lúc đó cũng là một chuyên gia tài chính, Chu Kính Trụ, đã phát hiện ra khi dọn dẹp di vật của Chương Thái Viêm. Sau đó, dựa trên điều này, Chu Kính Trụ cũng đã viết một bài báo có tựa đề ‘Viên Thế Khải muốn làm Hoàng đế, Chương Thái Viêm sợ làm Diêm Vương’.

Chương Thái Viêm là một nhà tư tưởng hiện đại và là chủ tịch đầu tiên của trường Cao đẳng Y. Ông đã tích cực ủng hộ cách mạng dân chủ và ca ngợi quốc học. Nhưng vì ông kiêu ngạo và không chịu gò bó theo một khuôn mẫu, một số người đặt cho ông biệt danh là ‘Chương điên rồ’.

Tuy nhiên, câu chuyện trên không phải là biểu hiện của sự điên rồ thường thấy của ông, và khi còn sống ông cũng không chủ động tiết lộ nó để thu hút sự chú ý của mọi người, mà chỉ được đề cập trong thư từ trao đổi với bạn bè.

Điều thú vị là những năm đầu, Chương Thái Viêm không tin vào những câu chuyện về quỷ Thần, ông là một người theo chủ nghĩa vô Thần, nên rất khó giải thích được trải nghiệm này. Ông cũng đã viết một bài báo có tên ‘thuyết vô Thần’, sử dụng quan điểm về sự tiến hóa để giải thích nguồn gốc và tác dụng của tôn giáo. Nhưng vào cuối đời, tư tưởng của ông đã thay đổi rõ ràng, ông bắt đầu nghiên cứu Phật giáo và trở thành một cư sĩ Phật giáo.

Có người nhận xét rằng đầu tiên ông từ Nho giáo chuyển sang Phật giáo, sau đó là dùng Phật giáo để đối lập với Nho giáo, dùng Phật giáo để khai thông, cuối cùng là Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo bổ sung cho nhau. Không rõ có phải trải nghiệm kỳ lạ này đã khiến ông thay đổi suy nghĩ hay không?

Trải nghiệm thẩm phán nơi âm phủ của người nổi tiếng

Không chỉ có Chương Thái Viêm, Lý Thục, một nhà luật pháp nổi tiếng thời Trung Hoa Dân Quốc cũng có trải nghiệm tương tự, cũng được mời làm quan thẩm phán ở âm phủ. Đây cũng chính là nghề của ông ở nơi nhân gian.

Lý Thục, một nhà luật pháp nổi tiếng thời Trung Hoa Dân Quốc (Ảnh: chụp màn hình video)
Lý Thục, một nhà luật pháp nổi tiếng thời Trung Hoa Dân Quốc (Ảnh: chụp màn hình video)

Lý Thục cũng giống Chương Thái Viêm, ông không muốn làm người xét xử dưới âm ty, nhưng số của ông lại không may như Chương Thái Viêm, đã phải làm tới 4-5 năm. Sau này có lẽ cũng đã được cao nhân chỉ dẫn, sau khi đọc Kinh Kim Cương hơn hai nghìn lần mới thoát thân. Về sau, Lý Thục đã viết lại những trải nghiệm của bản thân trong một cuốn sách có tên là “Ghi chép về hỏi đáp nơi âm phủ”.

Những câu chuyện xuyên việt âm phủ này đã liên tục tiếp diễn từ “Sưu Thần Ký” ở triều đại Đông Tấn, đến “Thái Bình Quảng Ký” ở triều đại Bắc Tống, cho đến một số người nổi tiếng vào đầu thế kỷ 20. Có điều thời gian trôi qua, trào lưu tư tưởng khoa học trỗi dậy, con người ngày càng không muốn công khai đề cập tới nó.

Ngày nay, tất nhiên càng ít người sẵn sàng nói về nó. Nhưng có một phóng sự phỏng vấn được viết vào năm 2016 có tên là “Người chuyển sinh ở Bình Dương”, có nói tới câu chuyện như thế.

Câu chuyện hồn ma đương đại

Anh ấy tên là Ngô Ngọc Hoa, sinh năm 1968 ở làng Bình Thản, huyện Thông Đạo, tỉnh Hồ Nam. Năm 20 tuổi, anh bắt đầu có một số giấc mơ kỳ lạ, hàng đêm anh mơ thấy có một ông già với bộ râu trắng, đến bên giường và dạy anh một câu Thần chú. Ông dạy xong vài câu liền rời đi, giấc mộng này kéo dài khoảng nửa năm, và anh bắt đầu được tuyển chọn làm nhiệm vụ ở linh giới, đến mấy tháng sau mới phát hiện ra.

Anh Ngô Ngọc Hoa (Ảnh: chụp màn hình video)
Anh Ngô Ngọc Hoa (Ảnh: chụp màn hình video)

Hóa ra anh ta được tuyển dụng để làm một công việc sai dịch, tức là người ở âm gian đi truy nã những linh hồn đến thọ mệnh ở dương gian. Như Chương Thái Viêm và Lý Thục, đều là những nhân viên công vụ cao cấp nơi âm phủ cao, đều được trang bị xe riêng đưa đón. Những người như Ngô Ngọc Hoa là quản lý cấp cơ sở, thì việc đi lại về cơ bản là do tự bản thân giải quyết.

Nhưng điểm chung của họ là đều hoàn thành nhiệm vụ trong giấc mơ. Ngô Ngọc Hoa từng kể về quá trình một lần thực hiện nhiệm vụ. Hôm đó là ngày 21 tháng 4 năm 2016, vào chiều tối, anh nghe thấy một giọng nói quen thuộc đột nhiên vang lên bên tai, bảo anh đi thôi. Nói chung, linh giới gọi anh đi làm nhiệm vụ gì cũng không phân biệt ngày hay đêm, hễ gọi là phải đi. Nếu gọi vào ban ngày, anh sẽ cảm thấy buồn ngủ ngay lập tức. Sau khi tiếng gọi cất lên ba lần, chắc chắn anh sẽ rơi vào trạng thái ngủ. Nếu là ban đêm mà anh đã ngủ rồi thì thật dễ dàng, chỉ cần gọi một tiếng thì hồn của anh sẽ nhẹ nhàng rời khỏi thân xác.

Linh hồn có thể nhìn thấy cơ thể đang ngủ, nó bay trên không với độ cao hơn cả núi và tốc độ cực nhanh. Bởi vì khi nhìn xuống có thể nhìn thấy núi, sông, làng mạc, nông trại, di chuyển lùi lại phía sau nhanh chóng

Nhưng anh chỉ có thể nhìn thấy phần cơ thể của mình từ đầu gối trở lên, vì phía dưới đầu gối dường như bị chặn bởi mây và sương mù. Điểm chung của tất cả những trải nghiệm kỳ dị này, đó là khi linh hồn tách rời khỏi cơ thể vật chất này, thì mức độ tự do sẽ trở nên lớn hơn.

Lần này Ngô Ngọc Hoa đến thôn bên cạnh thực hiện nhiệm vụ, đội của anh cùng đội trưởng tổng cộng có sáu người. Điều thú vị là trong 28 năm làm việc, Ngô Ngọc Hoa chưa bao giờ hỏi đội trưởng là ai, cũng không biết các thành viên khác quê ở đâu. Anh chỉ làm tốt việc của mình. Bởi vì lúc này mục tiêu đang ở rất gần đội nên họ đã đến đích sớm

Ngô Ngọc Hoa cho biết, khung cảnh mà họ nhìn thấy ở linh giới không khác gì ở nhân gian. Mỗi khi đến một nơi, đều có quan Thổ Địa tới phụ trách liên lạc, rồi xử lý một số công việc, bàn giao tài liệu chính thức, đội trưởng trình giấy tờ truy bắt, sau đó là Thổ Địa sẽ dẫn đường. Các thủ tục giao nhận tương tự như ở thế giới của chúng ta, chẳng hạn như giấy chứng nhận nhập tịch cho người đến đầu thai, và giấy chứng nhận rời đi cho người bị bắt.

Linh hồn bị bắt lần này sống ở giữa Làng Cao Đoàn. Họ đi thẳng vào phòng ngủ trên tầng hai dưới sự chỉ đạo của đội trưởng. Họ thấy một vài người đang ngồi trò chuyện với nhau, đội trưởng chỉ vào một cụ bà khoảng 70, 80 tuổi đang nằm trên giường, và nói rằng: “Mang người này đi”.

Chỉ có linh hồn mới có thể nghe được những gì linh hồn nói, dương gian không thể nghe được. Lúc này các thành viên trong đội làm theo lệnh, đeo xích vào người bà cụ rồi đưa bà đi. Từ âm gian mà nhìn, trên giường không có ai, nhưng với người nhà của bà, họ vẫn thấy bà nằm ở trên giường.Các sai dịch âm gian đưa linh hồn bà lão đến cổng thôn, bay thẳng lên cao, đến chân núi. Ngô Ngọc Hoa nói rằng, đó là ngọn núi chưa từng thấy trên đời.

Dưới chân núi có một con đường nhỏ, tiểu đội áp giải hồn bà cụ đi trên con đường này. Đi lên lưng chừng đường núi, sẽ thấy một gian nhà gỗ, cạnh gian nhà có một cái giếng, và một cụ già đang đứng bên cạnh. Mỗi khi có linh hồn đi ngang qua đây, ông sẽ dùng ống tre múc một thùng nước từ giếng, để những linh hồn này uống nước, nó rất bẩn và có côn trùng trong đó. Nhưng lúc này những linh hồn đi qua đã rất khát rồi, 99% họ sẽ lấy nhận ống trúc uống cạn. Nếu có linh hồn không muốn uống nước, ông lão cũng không ép.

Lúc này mọi người nghỉ ngơi một lát rồi tiếp tục lên đường, rẽ theo con đường núi đến sườn núi bên kia sẽ thấy phía trước có một con sông và một cây cầu đá bắc qua sông. Đây có thể là cầu Nại Hà trong truyền thuyết, nhưng Ngô Ngọc Hoa chỉ có thể nhìn thấy cảnh ở giữa của cây cầu đá, vì anh không thể nhìn rõ cảnh ở phía đối diện do những đám mây chắn ngang.

Đây có thể là cầu Nại Hà trong truyền thuyết (Ảnh: chụp màn hình video)
Đây có thể là cầu Nại Hà trong truyền thuyết (Ảnh: chụp màn hình video)

Nhiệm vụ của anh tới đây cũng kết thúc. Thường thì khi đến đây, anh sẽ tỉnh dậy nhanh chóng và sau đó hồi ức của anh có thể nhớ linh hồn đã bị bắt ở đâu. Sau hai, ba ngày nữa, quả nhiên làng bên cạnh báo tin, bà cụ mà anh tham gia bắt giữ đã qua đời.

Cuốn “Người chuyển sinh ở Bình Dương” của tác giả Lý Thường Trân được viết sau cuộc phỏng vấn với người dân địa phương. Trong sách còn kể về câu chuyện nhiều người còn sống làm sai dịch nơi âm gian.

Trong Tây Du Ký, Ngụy Trưng chính là Tiên quan, Chương Thái Viêm và Lý Thục được nhắc đến trong câu chuyện này, họ là người phán xử của thế giới âm phủ, còn Ngô Ngọc Hoa chỉ giữ chức quỷ sai. Có thể thấy, trình độ của những loại người này là khác nhau, nói một cách khác, thì duy độ ý thức của những loại người này là khác nhau.

Sự tương đồng và khác biệt về văn hóa của thể nghiệm xuyên việt linh giới

Trải nghiệm kỳ lạ khi du hành qua các thế giới khác nhau để hoàn thành nhiệm vụ, không chỉ bị ràng buộc với một tôn giáo hoặc văn hóa quốc gia cụ thể. Nhưng nó cũng phản ánh sự khác biệt về nền tảng văn hóa nhất định.

Cơ đốc giáo chú ý đến văn hóa khải thị. Trong bối cảnh này, nhiệm vụ chính của những người xuyên thời không âm dương là đóng vai trò như những sứ giả để truyền đạt những gì họ nhìn thấy về Thiên đường hoặc địa ngục cho thế giới.

Về cơ bản họ không có nhiệm vụ lấy mạng người như trong văn hóa phương Đông, nhưng những trải nghiệm được mô tả bởi các nhân vật kể trên có nhiều điểm chung, chẳng hạn như bị triệu hồi trong giấc ngủ, và cảm giác thoải mái và bay lên khi linh hồn rời khỏi cơ thể, cảm giác cũng nhạy cảm, sâu sắc hơn so với thức dậy.

Tóm lại, ngoài trải nghiệm cận tử, còn có trải nghiệm tâm lý biên duyên, rất gần với thể nghiệm khác về sinh tử. Vậy rốt cuộc nó là gì vậy? Đó có phải là biểu hiện của tiềm thức chung của con người, hay là lời kêu gọi từ vũ trụ song song? Hoặc là cả hai điều này vốn không khác nhau?

Minh An
Theo Wenzhaostudio



BÀI CHỌN LỌC

Người sống trải nghiệm làm công chức nơi linh giới