Người “tích âm đức” thường có 4 đặc điểm, hãy xem bạn có bao nhiêu? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong cuốn “Gia Huấn” của Tư Mã Ôn Công có câu rằng: “Tích vàng để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc giữ được. Tích sách để lại cho con cháu, con cháu chưa chắc đọc được. Chi bằng lặng lẽ tích âm đức để làm kế lâu dài cho con cháu thì hơn”. Vậy âm đức là gì, vì sao cần tích âm đức? Và người tích âm đức thường có những đặc điểm nào?

Chúng ta vẫn thường nghe nói đến hành thiện, tích đức. Trong “Dịch Kinh” viết: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia tất hữu dư ương”, nghĩa là: Nhà tích điều thiện thì ắt dư dả phúc, nhà tích điều bất thiện thì ắt thừa tai ương.

Rất nhiều người muốn làm chút việc tốt, gieo hạt giống phước lành cho tương lai sau này. Nhưng hành thiện ấy cũng có dăm bảy đường. Làm việc tốt để người khác biết gọi là dương đức, làm việc tốt mà không cầu người khác biết gọi là âm đức. Dương đức sẽ nhận được thiện quả, được người đời khen ngợi, ca tụng. Còn âm đức dù không ai biểu dương, dù có thể bị người khác hiểu lầm, kỳ thị, hay cười chê... thì cũng chẳng để tâm. Nhưng Trời biết, Đất biết, do đó phúc báo sẽ càng sâu càng dày.

Cổ nhân giảng: “Hữu âm đức giả tất hữu dương báo, hữu âm hành giả tất hữu chiêu danh, nghĩa là: Người âm thầm tích đức tất có phúc báo, người âm thầm hành thiện tất có danh tiếng vẻ vang. Âm đức giống như hạt giống, chỉ cần kiên trì gieo trồng thì không lo tương lai không có quả trĩu cành.

Thông thường, người chăm làm việc thiện và tích nhiều âm đức sẽ lưu lại bốn đặc điểm, vậy đó là những đặc điểm gì?

Thứ nhất: Cảm ân

Người biết cảm ân là người có tu dưỡng, cũng là người mang phúc khí. Mới qua sông đã vội quên đò, nếu như không biết cảm ân thì trong sinh mệnh sẽ có một loại khiếm khuyết, một loại bi thương.

Kể từ khi cất tiếng khóc chào đời, chúng ta đã được ban cho quá nhiều ưu ái: cha mẹ cho ta sinh mệnh và sức khỏe, anh chị em cho ta niềm vui và tình thân, thầy cô cho ta tri thức và dạy dỗ ân cần, bằng hữu cho ta tình bạn và niềm tin.

Mỗi khi chúng ta chịu đựng một lần gió mưa, đi qua một đoạn lầy lội, thì đó là cuộc sống đang cho ta dũng khí niềm tin để vững bước… Hết thảy những trắc trở gập ghềnh trên đường đời đều dạy cho ta biết cảm ân để mỉm cười đối mặt!

Học biết cảm ân, cuộc đời sẽ nở hoa. Học biết cảm ân, nơi nơi đều là hoa thơm gió mát. Học biết cảm ân, sinh mệnh sẽ có niềm vui, hạnh phúc, có hy vọng, trong cuộc sống cũng sẽ không dễ dàng bỏ cuộc, dũng cảm tiến về phía trước.

Cảm ân là một phần không thể khuyết trong sinh mệnh. Nếu như thiếu mất lòng cảm ân, nhân sinh đâu đâu cũng nhấp nhô gập ghềnh. Nếu muốn có phúc báo và hảo vận, thì cần biết cảm ân.

Bởi vì cảm ân nên sẽ có phúc báo. Do đó người thường tích âm đức, trên thân sẽ lưu lại lòng cảm ân.

Thứ hai: Tâm thái hòa nhã

Người thường tích âm đức có tấm lòng đại thiện, do đó tính tình càng ngày càng hòa nhã, ít nóng giận, cử chỉ ngày càng nhẹ nhàng, tâm thái cũng càng ngày càng rộng rãi thênh thang.

Thường hay nổi nóng là biểu hiện của người “phúc bạc mệnh khổ”. Người hay cáu giận, để cho cảm xúc lấn át lý trí là người ngốc nghếch nhất trên đời. Kiểu người này thích dùng nỗi đau của người khác để giải tỏa chính mình, nhưng kẻ sỹ đại đức và người có trí huệ sẽ không làm như vậy, họ sẽ biết bình tĩnh làm chủ lý trí, để cơn giận cứ thế tiêu tan.

Mất bình tĩnh không giải quyết được vấn đề gì mà chỉ làm tổn hao phúc báo, tổn hại đến thân thể, hủy mất công đức trước kia của bản thân. Loại hành vi “trăm điều hại mà chẳng có được một điều lợi” này thì chỉ có những kẻ khờ khạo mới làm.

Bởi vì tâm thái luôn nhã nhặn, tường hòa, lấy thiện đãi người, cho nên tất sẽ có phúc báo. Do đó, trên thân người thường tích âm đức sẽ lưu lại tâm thái tốt, ít nóng giận.

Bởi vì tâm thái luôn nhã nhặn, tường hòa, lấy thiện đãi người, cho nên tất sẽ có phúc báo. (Ảnh: Pixabay)

Thứ ba: Bình đạm giản đơn

Người bình đạm giản đơn không cầu danh, không trọng lợi, biết tùy kỳ tự nhiên, sống thuận theo mệnh trời. Bình dị giản đơn cũng chính là biểu hiện của người mang phúc báo, là người hạnh phúc nhất thế gian.

Sinh mệnh dài ngắn, trăm năm chóng vánh, một đời này có được bao lâu? Cứ mong đời như mơ, kỳ thực mộng lại hư vô. Một trăm năm cuộc đời chỉ có 5% là thống khổ long đong, 5% là vui vẻ thuận buồm, nhưng có đến 90% thời gian là trải qua trong bình bình đạm đạm.

Xưa kia có một chàng trai trẻ muốn khởi tạo tiền đồ cho bản thân nên đã rời quê hương lên đường lập nghiệp. Trước lúc khởi hành, anh đến thăm hỏi lão trưởng họ và thỉnh cầu ông chỉ dẫn cho mình. Vị bô lão trưởng họ lúc ấy đang viết thư pháp, nghe nói rằng có kẻ hậu bối sắp dấn bước trên con đường nhân sinh, ông liền viết ba chữ: “Không sợ hãi”. Sau đó ông ngẩng đầu lên và nói với chàng trai trẻ tuổi kia: “Cháu à, bí quyết nhân sinh chỉ có sáu chữ, hôm nay ta tặng trước cho cháu ba chữ này, chỉ cần ghi nhớ ba chữ là có thể hưởng thụ nửa đời người".

30 năm sau, chàng trai trẻ năm xưa nay đã bước vào độ tuổi trung niên, có thành tựu nhưng cũng có thất bại, có tận hưởng hạnh phúc nhưng cũng nếm trải rất nhiều chuyện đau lòng. Mang hành trang trên vai, anh hăm hở trở lại chốn quê nhà.

Đường về xa tít tắp, khi vừa đặt chân lên mảnh đất cố hương, điều đầu tiên anh làm là đến thăm lão trưởng họ. Nhưng mãi đến khi bước vào nhà anh mới biết, thì ra, lão nhân gia tạ thế đã được mấy năm rồi. Người nhà trao cho anh một phong thư và nói: “Đây là di nguyện mà ngài trưởng họ để lại cho cậu, cụ nói nhất định cậu sẽ lại về”. Đến lúc này anh mới nhớ ra câu chuyện 30 năm về trước, cụ đã tiết lộ cho anh một nửa bí quyết nhân sinh. Anh bèn mở phong thư ra và thấy bên trong là ba chữ lớn: “Không hối hận”.

Nhân sinh như mộng, hạnh phúc không ít nhưng buồn đau cũng quá nhiều. Chỉ khi học được cách sống giản đơn và bình đạm, thản thản đãng đãng mà bước qua mới thực sự là người có phúc khí, có trí huệ. Đạo gia giảng: “Đại đạo chí giản chí dị”. Kỳ thực, sống giản đơn bình dị chính là phúc báo lớn nhất của đời người, là trí huệ cao nhất của nhân sinh.

Sống giản đơn bình dị chính là phúc báo lớn nhất của đời người, là trí huệ cao nhất của nhân sinh. (Ảnh: Miền công cộng)

Thứ tư: Biết đủ thường vui

Người tích âm đức không cầu đại phúc đại quý, mà chỉ cầu “biết đủ thường vui”.

Phúc báo của một người nhiều hay ít không thể hiện ở phương diện người ấy đắc được bao nhiêu, mà là anh ta có biết đủ, biết thỏa mãn với những gì mình đang có hay không.

Sách “Liệt Tử - Thiên Thụy” có câu chuyện kể rằng: Khổng Tử khi ngao du núi Thái Sơn từng gặp một ông lão tên là Vinh Khải Kỳ. Thấy Vinh Khải Kỳ đang mặc y phục cũ nát nhưng vẫn vui vẻ gảy đàn cầm hát ca, Khổng Tử bèn hỏi: “Tiên sinh vui vẻ như thế là vì cớ gì?”.

Vinh Khải Kỳ đáp: “Tôi vui vì rất nhiều điều: Trời sinh ra vạn vật, duy chỉ có người là trân quý, vậy mà tôi lại được làm người, ấy là cái vui thứ nhất. Nam nữ khác biệt, nam tôn nữ ti, đắc được thân nam là quý, vậy mà tôi lại được làm nam giới, ấy là cái vui thứ hai. Sống trên đời, có người yểu mệnh không được thấy nhật nguyệt, còn đỏ hỏn trong tã mà cũng khó tránh khỏi số bi ai, vậy mà tôi vẫn được 90 xuân, ấy là cái vui thứ ba. Có được ba điều này, tôi không vui sao được?”.

Khổng Tử gật đầu nói phải, nhưng trong lòng vẫn không khỏi còn chút tiếc nuối: “Tài cao như tiên sinh, nếu gặp thời thịnh thế nhất định có thể thăng tiến. Nhưng Khổng tôi hôm nay ôm ngọc Cẩn Du mà không thể nào thi triển được, thật không tránh khỏi hối tiếc”.

Nào ngờ Vinh Khải Kỳ lại không cho là đúng, ông nói: “Từ xưa đến nay, kẻ đọc sách nhiều như cá diếc qua sông, nhưng có thể vượt Vũ Môn hóa rồng thì hỏi có mấy ai? Bần cùng là trạng thái bình thường của kẻ chữ nghĩa, mà cái chết lại là chỗ quay về của tất cả thế nhân. Tôi đây vẫn ở trong trạng thái bình thường của người đọc sách, lại có thể an tâm đợi chờ chốn đi về cuối cùng của sinh mệnh, vậy còn gì đáng để tiếc nuối đây?”.

Khổng Tử nghe xong trong lòng cảm phục mà khen rằng: “Lành thay! Tiên sinh quả là đã suy nghĩ thấu tỏ tận tường vậy”.

Đây chính là điển cố “tri túc giả thường lạc” (người biết đủ thường vui) nổi tiếng trên văn đàn.

Trên con đường nhân sinh, biết hài lòng với những gì đang có mới có thể tận hưởng cuộc sống, biết đủ mới có thể an nhiên tự tại. Người không học cách biết đủ, chỉ tính toán thiệt hơn, dẫu đắc được nhiều hơn nữa thì vẫn mãi sống trong thống khổ. Nếu muốn tích lũy âm đức thì hãy sống giản đơn, hiểu được cảm ân, ít nóng giận, tiêu diêu tự tại trên đường đời.

Bởi vì biết đủ, cho nên có phúc báo. Bởi vì biết đủ, cho nên có niềm vui.

Minh Hạnh
Theo Wendy - Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Người “tích âm đức” thường có 4 đặc điểm, hãy xem bạn có bao nhiêu? [Radio]