Người xuất gia không buông bỏ công danh phú quý sẽ thế nào? [Radio]

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thời hiện đại có ai không sùng bái tiền? Không ham muốn giàu có? Ai mà không muốn phát tài chỉ qua một đêm? Ai không muốn có được công danh lợi lộc? Và một người tu luyện tiến gần tới viên mãn càng cần phải nhìn thấu ảo ảnh huyễn hoặc này mà không lưu luyến. Vì vậy, nếu một người tu luyện ham muốn công danh và phú quý thì sẽ ra sao?

Trong “Giang thượng ngâm”, Lý Bạch viết:

Công danh phú quý nhược trường tại,
Hán Thủy diệc ưng Tây Bắc lưu

Tạm dịch:

Công danh phú quý lâu bền
Thì dòng Hán Thủy chảy lên núi rồi

Từ xưa Lý Bạch đã dùng thơ để nói với hậu thế rằng: nhân sinh tại thế, mọi thứ trên đời đều là hư ảo và không ổn định.

Trong “Tử bất ngữ” của nhà thơ Viên Mai nổi tiếng thời nhà Thanh có chép rằng: Ở khu vực Tiền Đường, có một cử nhân tên là Vương Đỉnh Thực, là người cùng với tôi (chỉ Viên Mai) thi đỗ cử nhân vào năm Càn Long thứ ba. Anh ấy còn trẻ và thông minh, thi đỗ khi mới 16 tuổi. Sau đó anh ta 3 lần thi tiến sĩ nhưng đều không đỗ. Anh có một người bà con làm quan ở kinh thành và giữ anh ở lại nhà.

Một lần, Vương Đỉnh Thực đột nhiên bị ốm, không muốn ăn mà chỉ uống vài cốc nước lạnh mỗi ngày, anh nói với người bà con đó: “Kiếp trước tôi là một hòa thượng ở chùa Kính Sơn. Tôi đã tu hành mấy chục năm và gần như công đức viên mãn. Chỉ vì khi còn sống tôi thấy những người trẻ tuổi đỗ đạt, trong lòng rất ham muốn; không chỉ ao ước công danh mà ngay cả tâm khao khát giàu sang cũng không thể đoạn tuyệt.

Vậy nên tôi lại phải giáng xuống nhân gian hai kiếp, hiện tại là kiếp thứ nhất. Không lâu sau đây tôi sẽ chuyển sinh vào một gia đình giàu có, chính là vào nhà họ Diêu. Bác giữ tôi ở lại đây, không để tôi về nhà cũng là duyên phận tiền kiếp đã định.”

Người nhà khuyên giải và an ủi anh ấy: “Sinh tử của mỗi người đều có định số, khó lưu lại lâu dài, chẳng qua là công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, không thể cắt bỏ ngay được.”

Vậy là Vương Đỉnh Thực yêu cầu đưa cho mình vài mảnh giấy, rồi anh viết thư cáo biệt gửi cha, đại ý nói rằng: “Con trai không may chết nơi đất khách cách xa ngàn dặm, thọ mệnh lại ngắn thế này, để lại vợ trẻ và con thơ, lại làm tăng thêm gánh nặng cho cha mẹ. Nhưng đứa con này không phải là con thật sự của cha mẹ, em trai mới là con thật của cha mẹ. Cha ơi, cha có còn nhớ: năm nọ, cha có uống trà với một vị hòa thượng ở chùa Kính Sơn không? Con chính là vị hòa thượng đó.

Lúc đó nói chuyện với cha rất hợp, trong lòng nghĩ: cha là người trung thành, cẩn trọng và nhân hậu, tại sao ông Trời không cho ông có người con nối dõi? Vì động niệm này, nên con mới đầu thai làm con trai của cha. Con dâu của cha cũng là người có thiện duyên với con khi còn nhỏ. Giống như hoa trong gương, trăng trong nước, đều là nhân duyên hư huyễn, làm sao có thể tồn tại mãi mãi? Mong cha đừng coi con như con đẻ, mau cắt đứt tình cảm với con, như vậy mới có thể giúp con không mang tội.”

Người thân của Vương Đỉnh Thực hỏi lúc nào anh sẽ chuyển sinh vào nhà họ Diêu? Anh nói: “Đời này của tôi không có tội gì nên chết ở đây xong sẽ lập tức sinh ra ở nhà đó, không phải chịu luân hồi nữa.”

Ba ngày sau, vào buổi sáng, Vương Đỉnh Thực lấy một chậu nước, rửa mặt và súc miệng, sau đó ngồi xếp bằng trên ghế, gọi người thân tới, hai người nói chuyện cười đùa vui vẻ. Đột nhiên, anh ta hỏi, “Có phải tới buổi trưa rồi không?”

Người họ hàng nói: “Trưa rồi!”

Vương Đỉnh Thực nói: “Đến giờ rồi”.

Anh ấy vừa chắp tay cáo biệt, rồi ngưng thở. Người thân của anh ấy đến thăm gia đình nhà họ Diêu, và quả nhiên, ngày hôm đó, nhà họ Diêu đã sinh một cậu con trai. Gia đình họ Diêu kinh doanh, buôn bán ngựa và la, tuy giàu có nhưng lại huyên náo, không thanh tịnh. Người họ hàng nhìn nhà họ Diêu mà lắc đầu thở dài cho Vương Đỉnh Thực.

Quả đúng là:

Vứt danh bỏ lợi đoạn tình
Cõi phàm mới thoát Thiên đình mới thăng
Thành tiên phải tịnh lục căn
Gương Vương Đỉnh Thực là răn dạy đời

Minh An
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Người xuất gia không buông bỏ công danh phú quý sẽ thế nào? [Radio]