Nguồn gốc nhạc vũ (P-6): Diễn tấu du dương - Cảm động Thần linh

Giúp NTDVN sửa lỗi

Xem những ghi chép này sẽ khiến người hiện đại khó hiểu: Đây là một xã hội sao mà si mê âm nhạc vậy! Nhưng đây chính là chân dung cuộc sống thực của cổ nhân: cao quý và thanh lịch.

Xem lại: Cội nguồn nhac vũ (P-5): Ca vũ chưa dừng - Tam quân giải giáp

Thuở sơ khai, nhạc chủ yếu được dùng làm công cụ cúng tế và giao tiếp với Thiên Địa Thần linh, nó phỏng theo trí tuệ của Thần và có khả năng giao tiếp với Thần linh.

Ví dụ, “Lục đại nhạc vũ” đều dùng cho tế tự, tùy đối tượng tế tự mà sử dụng loại nhạc vũ tương ứng.

Trong "Chu Lễ" có ghi chép: “Trong lễ tế, diễn tấu “Lục đại nhạc vũ”, diễn tấu một lượt thì gọi tới chim chóc, Thần Sông, tấu hai lượt thì cảm động muông thú cùng Thần Núi. Tấu lên ba lần, cảm động loài cá và Thần Gò Đồi. Tấu lên bốn lần, sẽ gọi động vật có lông dài và Thần Nước. Tấu năm lần, thì cảm ứng chiêu mời động vật giáp cốt và Thần Đất. Tấu lên sáu lần sẽ cảm động Thiên Thần, Long, Ly, Quy, Phượng đều tới”.

(Hình minh họa: Qua pinterest)

Chu Lễ còn ghi: “Lấy âm luật của Giáp chung làm âm Cung, dùng trống lớn và trống cơm, dùng cây trúc cô độc mà làm Sáo, lấy gỗ tốt trên đỉnh núi cao có mây che phủ để làm Đàn, múa khúc “Vân Môn”, ngày Đông Chí, nhất tề diễn tấu ở vườn đồi ngoài thành phía Nam, khi tấu tới lần thứ sáu, Thiên Thần từng lượt giáng trần, lúc đó có thể hướng về Thiên Thần mà hành lễ tế”.

Tương tự, khi diễn tấu khúc "Hàm Trì" để tế Đất, đến lần thứ tám, Thần Đất sẽ hiện thân.

Theo ghi chép này, khi thực hiện các buổi tế lễ vào đầu thời nhà Chu, âm nhạc và vũ đạo thực sự cảm động Thần linh, mời được các Thần giáng trần, trực tiếp thụ nhận tế lễ, đây cũng là do lực lượng của nhạc vũ có khả năng câu thông với Thần. Do vậy, nhạc vũ được sử dụng rộng rãi trong các buổi tế lễ vào thời điểm đó, nên điệu múa thầy cúng đã được phát triển.

“Thầy cúng” thời xưa không phải như khái niệm ông đồng bà cốt trong suy nghĩ của người hiện đại. Ngày nay người ta coi "Thầy cúng" là những kẻ ở đáy xã hội, họ giả quỷ, giả Thần, làm những việc tà môn oai đạo. Thời cổ đại không như vậy, họ có địa vị xã hội rất cao và được kính ngưỡng, nhiều người trong số họ còn là thủ lĩnh bộ tộc. Hầu hết các thầy cúng cổ đại đều có Thần thông, có năng lực và trí tuệ phi phàm, có thể giao tiếp với Thần linh. Họ là người phát ngôn của các vị Thần trong nhân gian, và đóng một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị của các bộ tộc và quốc gia.

Trong "Quốc ngữ" có ghi chép: “Vào thời cổ đại, chỉ người nào có tinh thần chuyên chú, thông minh trí tuệ, quang minh thánh khiết, thuần khiết cao thượng, thì Thần minh mới giáng xuống người đó, và biến người đó thành trung gian để giao tiếp giữa người và Thần. Đàn ông được gọi là Hích (thầy cúng, ông đồng), đàn bà được gọi là Vu (bà đồng)”.

Các nghi thức giao tiếp giữa người cổ đại và các vị Thần của Trời Đất về cơ bản được thực hiện thông qua các thầy cúng, họ thường dùng nhạc vũ làm tải thể để đạt mục đích kết nối Thần linh.

Các nghi thức giao tiếp giữa người cổ đại và các vị Thần của Trời Đất về cơ bản được thực hiện thông qua các thầy cúng. (Ảnh: Shutterstock)

Từ các văn tự trên xương cốt do nhà Thương để lại, có nhiều ghi chép về vũ điệu của thầy cúng, đặc biệt là trong lễ tế cầu mưa thì vũ điệu của thầy cúng gần như không thể thiếu. Ví dụ: "Canh Dần bói quẻ, Tân Mão múa lệ vũ, có mưa. Nhâm Dần múa cầu mưa, có mưa. Canh Dần bói quẻ, Quý Tỵ múa cầu mưa, có mưa. Canh Dần bói quẻ, Giáp Ngọ múa cầu mưa, có mưa".

"Lệ vũ" được ghi lại ở đây còn được gọi là "Bàn lệ", là một loại vũ điệu của thầy cúng được thực hiện trong thời cổ đại khi cầu mưa. Vào thời cổ đại, mỗi khi bị hạn hán nghiêm trọng, luôn cử hành "Vụ tế" (Lễ tế cầu đảo) để cầu mưa. Có lúc chính hoàng đế sẽ đóng vai trò là vũ công. Ví dụ, "Vương tác Bàn lệ" (Vua múa Bàn lệ), "Mậu Tý trinh, vương kỳ vũ vũ, cát" (Năm Mậu Tý, vua múa điệu Vũ vũ, tốt lành), v.v., là những ghi chép về việc vua Thương đích thân múa "Lệ vũ" và "Vũ vũ".

Liên quan đến vua Thương cầu mưa, bắt nguồn từ vị vua khai quốc Thương Thang, trong lịch sử còn có điển cố nổi tiếng “Thang đảo tang lâm” (Vua Thang cầu đảo ở rừng dâu).

Có nhiều ghi chép trong thư tịch cổ như “Hoài Nam Tử”, “Lã Thị Xuân Thu”, “Thi Tử” rằng:

Thương Thang lật đổ Hạ Kiệt, khi mới lên ngôi, thiên hạ năm năm đại hạn, mất mùa. Vua Thang lệnh cho quan ngự sử đốt củi ở ngoại thành, hiến tế trâu bò, cừu, lợn để tế Thần và cầu mưa. Khi cầu đảo, vua Thang tự trách mình, liệt kê sáu sai lầm có thể đã mắc phải và cầu xin Thượng Đế phù hộ cho mưa, nhưng vô ích. Khi hạn hán kéo dài đến năm thứ bảy, dân chúng khốn cùng, vua Thang đã lập đàn tế ở rừng dâu để tế Trời cầu mưa.

Sử quan chiêm bói phán rằng, cần dùng người tế sống, Trời mới giáng mưa. Vua Thang nói: Vì dân mà cầu mưa, sao lại có thể hại dân được? Ông liền lấy mình làm vật hiến tế. Ông cắt tóc và móng tay, tắm sạch thân thể, rồi cầu Trời rằng: “Chỉ một mình con có tội, không thể trừng phạt cả vạn dân, nếu vạn dân có tội, thì tất cả sẽ đổ lên con. Không thể vì mình con bất tài mà làm tổn hại tính mệnh của trăm họ”.

Cầu nguyện xong, ngồi trên giàn củi, vừa lúc thầy cúng châm lửa đốt củi thì trời đổ mưa đột ngột, mưa trùm ngàn dặm, dân chúng vui mừng, ca hát và nhảy múa để ca ngợi đại đức vua Thang. Đây là lai lịch của câu “Tang lâm chi lạc” (Niềm vui ở rừng cây dâu).

Cầu nguyện xong, ngồi trên giàn củi, vừa lúc thầy cúng châm lửa đốt củi thì trời đổ mưa đột ngột, mưa trùm ngàn dặm. (Ảnh minh họa: Shutterstock)

Câu "Tang lâm chi lạc" vẫn rất phổ biến vào thời nhà Chu. Khi Trang Tử mô tả người đầu bếp mổ trâu, nói rằng đao pháp, động tác, tiết tấu, hoàn toàn phù hợp với âm nhạc và vũ điệu của "Tang lâm", mang nhạc vũ ứng dụng như Thần. Đâu phải chỉ có riêng người đầu bếp, hình như thời đại đó ai cũng thế cả.

Trong “Lễ ký - Ngọc tảo” có viết: “Thời xưa, quân tử phải đeo ngọc bội. Tiếng va chạm của mặt dây bằng ngọc bên phải là âm Chủy và âm Giốc, bên trái là Cung và Vũ (Ngũ âm trong nhạc gồm 5 âm: Cung, Thương, Giốc, Chủy, Vũ). Nên khi đi có tiếng nhạc phát ra. Khi bước nhanh phù hợp với tiếng nhạc "Thái tề", và khi đi chậm phù hợp với nhạc "Tứ hạ". Lộ trình khi quay lại phải theo hình tròn; lộ trình khi rẽ phải phù hợp tạo thành một góc vuông. Khi tiến, hơi cúi người xuống như vái chào; lúc lùi thì hơi ngửa người lên để ngọc bội phát ra âm nhạc hài hòa với sự thay đổi tư thế của cơ thể. Khi quân tử ngồi trên xe, có thể nghe thấy tiếng lục lạc và tiếng chuông, khi đi bộ, nghe âm thanh của ngọc bội, như vậy mọi tà niệm sẽ không tiến nhập vào tâm được”.

"Chu Lễ - Đại Tư Nhạc" có ghi lại: “Khi hoàng đế đi chậm nên phù hợp với nhịp điệu của "Tứ hạ", khi đi nhanh, nên phù hợp với nhịp điệu của "Thái tề", lên xe xuất hành cũng như vậy. Quay lại sau, quay trái, quay phải, cúi mình hành lễ, phải theo nhịp của chuông, trống”.

Xem những ghi chép này sẽ khiến người hiện đại khó hiểu: Đây là một xã hội sao mà si mê âm nhạc vậy! Nhưng đây chính là chân dung cuộc sống thực của cổ nhân: cao quý và thanh lịch.

Con cái của các quý tộc nhà Chu bắt đầu học "Lục tiểu vũ" từ năm 13 tuổi, học "Tượng vũ" năm 15 tuổi và "Lục đại vũ" ở tuổi 20. Không học được những điệu nhảy này, họ không thể bước vào xã hội.

Khi đó, từ hoàng đế đến thường dân đều đắm mình trong nhạc, khắp nơi không thể tách rời nhạc, toàn xã hội và quốc gia hình thành một bầu không khí kỳ diệu cấu thành bởi nhạc, một thế giới của nhạc vũ.

(Còn tiếp)

Thái Bình
Theo Chân Ngu - zhengjian



BÀI CHỌN LỌC

Nguồn gốc nhạc vũ (P-6): Diễn tấu du dương - Cảm động Thần linh