Hội hoạ Truyền thống phương Đông (P6): Ý nghĩa sâu xa của ‘Tranh vẽ như người'

Giúp NTDVN sửa lỗi

Cá nhân, đạo đức và nghệ thuật, đó là ba nhân tố tạo nên nội tại của một bức “tranh cũng như người", và trong đó, đạo đức chiếm vai trò tuyệt đối, là thước đo và là chỉ đạo cho nhân phẩm và hoạ phẩm. Nhân phẩm cao thấp sẽ quyết định cảnh giới nội hàm của hội họa đó là cao hay thấp, nội hàm biểu hiện trong tác phẩm hội hoạ thể hiện trạng thái tinh thần và quan niệm đạo đức của cá nhân đó.

Hội hoạ ngày nay đứng trên phương diện kỹ pháp mà nói cũng có rất ít người thực sự sử dụng và tuân theo cổ pháp được truyền thừa; lại cũng không luyện tập bút pháp cơ bản, nên mất đi kỹ pháp chính thống. Hơn nữa thời đại ngày nay ưa thích sự sáng tạo mới mẻ, đặt nặng danh tiếng và lợi nhuận, mong muốn vượt lên trên người khác, tạo sự khác biệt, độc tôn, từ đó mà sáng tạo ra rất nhiều loại hình nghệ thuật lập dị, thậm chí nhiều thứ còn không xứng đáng được gọi là nghệ thuật. Cũng bởi mất đi tín ngưỡng vào Thần, đề tài về tự nhiên đã không còn được chú trọng, có chăng thì cũng chỉ là những tác phẩm lẻ tẻ được sáng tác bởi các cư sĩ hoặc tăng nhân trong tôn giáo, mà cũng chủ yếu là mô phỏng lại dựa theo hội hoạ, điêu khắc trước đó để lại. Các tác phẩm liên quan tới chủ đề Thần, Phật được sáng tác mới là rất ít, hơn nữa mức độ tín ngưỡng của tác giả cũng không còn đầy đủ, tròn trịa như cổ nhân, vậy nên hình tượng trong tác phẩm cũng không thể thể hiện rõ Phật tính cũng như sự chân chính vốn có, đều đã xuống dốc rất nhiều.

Ngày nay, không khó để tìm thấy các bức tượng Phật biến dị, méo mó, tạo hình cổ quái, hơn nữa mục đích sử dụng cũng vô cùng bất kính. Nếu so sánh với trạng thái đối đãi tượng Phật của người xưa thì quả là bất đồng. Trong sáng tác tranh về người và vật, thì sử dụng các chủ đề thể hiện dục vọng cá nhân thời thượng của các thiếu niên thiếu nữ, thay cho tác phẩm nói về khí thế anh hùng, chí khí của bậc thượng sĩ, phẩm chất người phụ nữ, v.v. thể hiện cái đẹp bên ngoài mà quên đi cái đẹp đạo đức bên trong. Đây cũng là phù hợp với trạng thái tinh thần của người đời sau. Trong hoàn cảnh cổ đại, đứa trẻ từ bé đã được tiếp thụ giáo dục đạo đức trong sách Thánh hiền, được bồi dưỡng chí lớn, hướng tới làm bậc sĩ có nhân đức. Còn hôm nay, đại đa số là chịu nhận ý thức hệ về lợi ích kim tiền quá sớm, từ nhỏ đã có tâm lý háo thắng, tranh đoạt, chí hướng chỉ chú trọng vào sự thành đạt, thoả mãn công danh sự nghiệp, làm kẻ mạnh. Chỉ riêng so sánh từ góc độ này đã thấy rõ sức ảnh hưởng khác nhau của các giá trị quan về đạo đức khác nhau.

Ngoài ra chúng tôi còn có thể đưa ra các ví dụ rõ ràng hơn về mối quan hệ giữa nhân phẩm và hoạ phẩm. Thời nhà Đường có hoạ thánh Ngô Đạo Tử, sở dĩ có tên gọi này, là bởi ông là người tu đạo, tinh thông các chủ đề về nhân vật, sơn thuỷ, lầu các... Đặc biệt, ông có cả tài vẽ và nặn tượng, và giỏi nhất là vẽ về đạo Thích (đạo Phật). Người tu đạo có cảnh giới riêng của họ, ý niệm thoát tục, đạo đức vốn dĩ đã rất cao, do đó những hoạ tích do Ngô Đạo Tử để lại đều mang lại cảm nhận bất phàm và Thần vận thoát tục, chẳng hạn như tác phẩm Tống tử thiên vương đồ của ông, được nhận xét là xuất trần phiêu dật, vượt qua khả năng của con người bình thường. Còn tranh vẽ nhân vật của ông thì mang theo thần thái ngút trời, sống động như người sống. Tranh của ông mang theo bút kỹ mạnh mẽ, khoáng đạt, thể hiện con người quang minh lỗi lạc hiếm có. Ngay tại thời bấy giờ cũng như mãi về sau này, người ta đều đánh giá rất cao tài năng của Ngô Đạo Tử, vậy nên mới xưng ông là hoạ thánh. Năm đó tại Trường An, ông vẽ bức bích hoạ mang tựa Địa ngục biến tương đồ, mà tương truyền chỉ ngay tới sáng sớm hôm sau, tất cả các nhà bán thịt đều đóng cửa ngừng hoạt động, điều đó cho thấy năng lực triển hiện chân thức trong tranh của ông mạnh mẽ tới nhường nào. Cảnh giới trong nghệ thuật hội hoạ của ông đã đạt tới mức độ cao nhất.

 Tống tử thiên vương đồ - Ngô Đạo Tử
Tống tử thiên vương đồ - Ngô Đạo Tử. (Ảnh: lucydraw.com)

Vào thời Tống, tác phẩm được đề cao nhất trong dòng tranh sơn thuỷ có tựa là Khê san hành lữ đồ do Phạm Khoan vẽ. Bức tranh này biểu hiện phong thái, cốt cách chân chính của vị Thần tuyệt diệu tới mức khiến bất cứ ai xem cũng vô cùng chấn động: cao to hùng vĩ, nghiêm trang uy vũ, tạo cho người đọc cảm giác thành kính và thuần chính vô cùng. Những bức tranh khác của tác giả này cũng có những đặc điểm tương tự, ngay cả cơn mưa hay ngọn núi dưới ngòi bút tài hoa của ông cũng đều hiện ra chân thực và sống động không ngờ, đạt tới ý cảnh thâm sâu, hùng vĩ, chạm tới tâm can của rất nhiều văn nhân mặc khách yêu thích tranh từ cổ chí kim. Mà từ “Khoan" trong bút danh của ông, trùng khớp với sự đại lượng, khoan dung mà ông hướng tới. Ông tự gọi mình là Phạm Trung Chính, tự là Trung Lập. Từ đó có thể thấy, tranh vẽ cũng như người, mà tên gọi thế nào người cũng thế ấy.

Khê san hành lữ đồ - Phạm Khoan
Khê san hành lữ đồ - Phạm Khoan. (Ảnh: Wikipedia)

Cách nói “tranh vẽ như người” được sử dụng trong giới hoạ gia Trung Quốc là phổ biến hơn cả, có phần đối lập với phương Tây. Chẳng hạn Michelangelo được xem là nhà điêu khắc và hoạ sĩ đương thời xuất chúng nhất, được mệnh danh là “người khổng lồ" thời kỳ Phục Hưng, các tác phẩm của ông có thể kể đến như bức tranh Đức Mẹ sầu bi, hay Phán xét cuối cùng, hoặc bức tượng điêu khắc Vua David... đều được coi là những tác phẩm vĩ đại. Michelangelo là người có đức tin cực kỳ mạnh mẽ, và ông muốn thông qua các tác phẩm của mình để biểu đạt rõ nhất sự thành kính và chính tín của mình đối với Thần, đó là điều cả đời ông theo đuổi. Ông không lấy vợ và tâm hồn ông chắc hẳn cũng rất thuần khiết, bởi những nhân vật ông sáng tạo ra hầu như đều trong trạng thái khoả thân hoàn toàn, nhưng không ai khi chiêm ngưỡng những tác phẩm ấy lại mảy may có chút suy nghĩ dung tục; phải trong sáng và thiện lương tới thế nào người ta mới có thể tạo ra được những hình tượng thần thánh, trang nghiêm tới như vậy? Khi Michelangelo nhận trang trí cho thánh đường Vatican ở Rome, ông không biết rằng gần 5 thập kỷ sau đó, đây là một trong những công trình kiến trúc vĩ đại nhất mọi thời đại. Trải qua hơn 4 năm ròng rã, hoạ sĩ tài ba phải đứng trên giàn giáo rất cao, vẽ ở tư thế ngửa cổ, cong lưng ra sau rất khó khăn, liên tục như vậy cho đến khi bức tranh được hoàn thành, vào ngày 1 tháng 11 năm 1512. Tài hoa của ông không chỉ thể hiện ở khả năng hội hoạ chân thực, sống động, mà còn là ở đức tính kiên trì, nhẫn nại và sự tu dưỡng bản thân.

Phán xét cuối cùng - Michelangelo
Phán xét cuối cùng - Michelangelo. (Ảnh: Wikipedia)

Thế nhưng con người ngày nay đối với quan điểm “tranh cũng như người" này liệu có hoài nghi không? Một số người còn lấy dẫn chứng ra để phản bác điều này. Một phần là do sự thiếu tiêu chuẩn đo lường đạo đức trong văn hoá hiện đại, một phần là do sự tiếp nhận thông tin sai lệch từ quan niệm giáo dục hiện đại, nên lối tư duy và thẩm mỹ của người thời nay không kèm theo lối sống đề cao giá trị đạo đức, mà thường là tốt - xấu lẫn lộn, thậm chí coi cái không tốt thành sáng tạo, bác bỏ hoàn toàn quan niệm “tranh cũng như người”. Chẳng hạn như trong tranh màu nước hiện đại, hoạ sĩ thường thích tuỳ ý dùng bút pha trộn màu sắc, chứ không chú ý tới sắc độ màu và độ chân thực của chúng, hơn nữa còn coi việc miêu tả sự vật với màu sắc phong phú là đẹp (điều này thể hiện rõ qua các cuộc thi hội hoạ, những bức tranh như vậy được đánh giá rất cao) , dù chúng khác hoàn toàn so với thực tế. Hoạ sĩ thời nay không thích màu sắc thuần tịnh, thích sự nổi bật, họ không thích màu sắc nguyên bản, mà truy cầu sự mới lạ. Loại quan niệm này dần được phổ biến ngay cả trong giáo dục chứ không chỉ tồn tại ở các cá nhân riêng biệt, và phần đông coi đó là đẹp, thậm chí Học viện Mỹ thuật đã đưa ra khái niệm và đề cao các màu thuộc tông màu xám. Có nghĩa là, ngay từ ban đầu, tất cả các sinh viên đều được đào tạo và hướng theo con đường như vậy rồi.

Mà trên thực tế những điều đó cách rất xa với các khái niệm trong hội hoạ truyền thống của phương Tây cổ điển, hơn nữa về cơ bản không hề tồn tại cái gọi là “tranh màu nước", mà loại tranh này cũng không có nguồn gốc cơ sở phát triển nào từ trước, chúng là từ Liên Xô truyền nhập sang, và được các nước phương Đông tiếp nhận và phát triển trong khi các nước phương Tây sớm đã từ chối phương thức vẽ tranh nay ngay từ đầu. Chúng ta hãy lấy hội họa phương Tây hiện đại làm so sánh, hội họa phương Tây cổ đại cho rằng nếu muốn phác hoạ nên một bức tranh chính xác và hoàn mỹ về cả sự thể hiện hay cảm xúc bên trong thì khi vẽ không được để lại vết bút trên tranh, nhưng trong giáo dục về màu sắc hiện đại thì lại coi điều ngược lại mới là đẹp. Đông-Tây phương cổ đại đều không coi trọng làm nổi bật bản lĩnh của tác giả. Nhưng các trường phái hội họa như phái ấn tượng hay trừu tượng, thì dường như không tiếp nhận quan điểm này, và giới hội họa ban đầu cũng không tiếp nhận tác phẩm của phái ấn tượng hay trừu tượng. Tuy nhiên trải qua thời gian lâu dài, người ta xem nhiều tác phẩm loại này đã thành quen, thuận theo sự biến đổi trong nhận thức các tác phẩm mỹ thuật, thì chúng cũng dần được đánh giá là đẹp, thậm chí từng khía cạnh của cái đẹp đó còn được phân tích kỹ lưỡng là đằng khác. Thực ra điều này đã tạo thành một lỗ hổng trong quá trình hình thành quan niệm của nhân loại, thuận theo thời gian, mọi người đều sẽ cảm thấy chúng từ khó coi, rồi sau đó lại thấy cũng xem được, và lâu dần thì thấy thành đẹp. Quan niệm thẩm mỹ của con người chính là như vậy, dần bị cải biến mà thành. Nếu không có sự lên xuống của các loại trào lưu, mà dùng cảm quan tự nhiên thuần tuý của con người mà xét, thì những thứ tranh vẽ thuộc các trường phái ấn tượng, trừu tượng kia liệu có được chấp nhận không? Rõ ràng chúng không đáp ứng được tiêu chuẩn đo lường về giá trị đạo đức truyền thống mà chỉ tồn tại được nhờ sự che đậy của tham vọng con người về sự nổi tiếng và lợi ích cá nhân.

“Hội họa phương Tây cổ đại cho rằng nếu muốn phác hoạ nên một bức tranh chính xác và hoàn mỹ về cả sự thể hiện hay cảm xúc bên trong thì khi vẽ không được để lại vết bút trên tranh” The Virgin in Prayer ( Đức mẹ nguyện cầu)- Sassoferrato. (Ảnh: Wikipedia)
“Hội họa phương Tây cổ đại cho rằng nếu muốn phác hoạ nên một bức tranh chính xác và hoàn mỹ về cả sự thể hiện hay cảm xúc bên trong thì khi vẽ không được để lại vết bút trên tranh” The Virgin in Prayer ( Đức mẹ nguyện cầu)- Sassoferrato. (Ảnh: Wikipedia)

Trong hội họa phương Đông, hay nói chính xác hơn là xuất phát từ hội hoạ Trung Quốc, dòng tranh văn nhân dù rất phát triển nhưng cũng không thể đại biểu cho cả nền hội hoạ truyền thống được, mà dường như ngay từ khi ra đời chúng đã đánh dấu cho việc trượt dốc của toàn bộ nền hội hoạ. Chúng không khác gì phái ấn tượng của phương Tây, không hoàn toàn trừu tượng nhưng lại cũng không hoàn toàn tả thực, chỉ cần biểu đạt những gì tác giả cảm nhận là được, điều này rất dễ dàng mê hoặc người khác. Như vậy một khi loại quan niệm này được phổ cập rộng rãi trong lĩnh vực nghệ thuật, thì lập tức làm thay đổi thẩm mỹ và gây hỗn loạn lý tính trong con người, và nếu cứ mãi như vậy trong khoảng thời gian dài, điều người đời sau được biết tới và được truyền thụ lại chính là những loại quan niệm này - một loại quan niệm sai lầm về thẩm mỹ nguyên gốc, là một sự trượt dốc cả về khái niệm thẩm mỹ nói riêng và quan niệm đạo đức nói chung. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng gì? Một người vốn có phẩm hạnh tốt lại sống trong môi trường có quan niệm thẩm mỹ và phương thức biểu đạt hội hoạ như vậy, sẽ khiến chính họ trở nên biến dị theo, làm cho họ tự sinh ra một giả tướng, một loại cảm giác sai, cho rằng hoạ phẩm và nhân phẩm không có mối liên hệ nào.

“Chúng không khác gì phái ấn tượng của phương Tây, không hoàn toàn trừu tượng nhưng lại cũng không hoàn toàn tả thực, chỉ cần biểu đạt những gì tác giả cảm nhận là được, điều này rất dễ dàng mê hoặc người khác.” 婉孌草堂圖 - Uyển Luyến Thảo Đường Đồ - Đổng Kỳ Xương (1555-1636)
“Chúng không khác gì phái ấn tượng của phương Tây, không hoàn toàn trừu tượng nhưng lại cũng không hoàn toàn tả thực, chỉ cần biểu đạt những gì tác giả cảm nhận là được, điều này rất dễ dàng mê hoặc người khác.” 婉孌草堂圖 - Uyển Luyến Thảo Đường Đồ - Đổng Kỳ Xương (1555-1636)

Kỳ thực, từ xưa tới nay đều có rất nhiều hoạ sĩ không đồng tình với những điều sai lệch kia, nhưng cứ đời này qua đời khác bị các loại quan niệm này dẫn lối, thì việc phân biệt thực sự cái đẹp và cái xấu đã trở nên rất khó khăn rồi, đã mất đi căn cứ xác thực để so sánh. Đồng thời những người theo loại nghệ thuật đã biến đổi kia, rất nhiều người đều đã trở nên nổi tiếng và được tôn vinh là các nghệ sĩ đại tài, là đại sư, v.v. thậm chí những điều thuộc về phạm trù bị đánh giá là “ô uế" như đồ dùng nhà vệ sinh cũng được đem ra trang hoàng ở sảnh chính như thể đó là loại hình nghệ thuật cao cấp. Những nhà giáo dục nghệ thuật lại cũng không chuẩn hoá các nghiên cứu của mình, dẫn tới việc hướng dẫn các học sinh, sinh viên cũng theo đó mà không có chuẩn tắc về cái đẹp, tạo hình đều có sự đổi khác nhất định, thậm chí càng khác biệt càng tốt. Loại quan niệm tư tưởng bị bẻ cong này liệu có được coi là đích đến của thẩm mỹ mà các tác gia cần hướng đến hay không? Nếu dùng cách nói “tranh cũng như người" mà nói, thì thực ra đó cũng là một hệ quả tất yếu mà thôi. Phải là người có trạng thái tư tưởng không đúng đắn mới có thể làm ra được loại hình nghệ thuật cũng không đúng đắn như thế, và ngược lại.

Cá nhân, đạo đức và nghệ thuật, đó là ba nhân tố tạo nên nội tại của một bức “tranh cũng như người", và trong đó, đạo đức chiếm vai trò tuyệt đối, là thước đo và là chỉ đạo cho nhân phẩm và hoạ phẩm. Nhân phẩm cao thấp sẽ quyết định cảnh giới nội hàm của hội họa đó là cao hay thấp, nội hàm biểu hiện trong tác phẩm hội hoạ thể hiện trạng thái tinh thần và quan niệm đạo đức của cá nhân đó. “Tranh cũng như người" không phải đơn giản là một lý luận mơ hồ, mà ý nghĩa sâu xa của nó, chính là chỉ khi khôi phục được quan niệm đạo đức chính thống, mới cả thể cải biến được quan niệm thẩm mỹ chính thống, mới có thể làm thăng hoa các tác phẩm trở thành những tuyệt tác, mới kế thừa và hoằng dương được hội hoạ truyền thống phương Đông một cách có trách nhiệm nhất.

Hoa Sen Tinh Khiết - Trần Tiếu Bình - Họa sĩ người Trung Quốc thành công trong trong việc kế thừa tinh túy của hội họa truyền thống phương Đông và phương Tây. Bản thân cô cũng là một người tu luyện.
Hoa Sen Tinh Khiết - Trần Tiếu Bình - Họa sĩ người Trung Quốc thành công trong trong việc kế thừa tinh túy của hội họa truyền thống phương Đông và phương Tây. Bản thân cô cũng là một người tu luyện.
Học Pháp (dưới) - Trần Tiếu Bình - Họa sĩ người Trung Quốc thành công trong trong việc kế thừa tinh túy của hội họa truyền thống phương Đông và phương Tây. Bản thân cô cũng là một người tu luyện
Học Pháp - Trần Tiếu Bình - Họa sĩ người Trung Quốc thành công trong trong việc kế thừa tinh túy của hội họa truyền thống phương Đông và phương Tây. Bản thân cô cũng là một người tu luyện

Hoàng Hoa (biên dịch và tổng hợp)



BÀI CHỌN LỌC

Hội hoạ Truyền thống phương Đông (P6): Ý nghĩa sâu xa của ‘Tranh vẽ như người'