Nguyên nhân cái chết của thiên tài âm nhạc Mozart trở thành ẩn đố

Giúp NTDVN sửa lỗi

Đôi má đỏ bừng đang đốt những năng lượng cuối cùng của cuộc đời! Bên cạnh cây đàn piano cũ, Mozart đã viết, chơi, suy tư và sáng tạo! Thực tế, ở thời điểm này ai cũng có thể thấy thiên tài âm nhạc này đã đến bờ vực của sự kiệt quệ! Ai đã giết Mozart?

Vào một đêm đầu xuân năm 1825, trong một ngôi biệt thự hơi hoang vắng ở thủ đô Vienna của Áo, một tiếng hét khàn khàn đột nhiên phát ra từ phòng ngủ chính trên tầng hai: “Tôi đã giết Mozart, tôi đã giết Mozart!”

Sau đó, với một tiếng “nổ”, một thứ gì đó nặng nề rơi xuống sàn. Những người hầu hết sức kinh ngạc, lập tức chạy lên lầu và dùng lực mở cánh cửa phòng ngủ đang đóng chặt, chỉ thấy ông chủ đầu tóc bù xù ngã nhào trên sàn và cổ tay đẫm máu! Những người hầu sợ hãi, vội vàng khiêng ông lên xe ngựa và đưa ông đến bệnh viện giáo hội.

Sáng sớm hôm sau, một linh mục được gọi đến một bệnh viện giáo hội. Qua ánh đèn mờ ảo, thấy một cụ già đang ngồi thẫn thờ trên ghế. Vị linh mục bước đến chỗ ông và ngồi xuống. Nhìn thấy sắc mặt ông lão tái nhợt, tóc trắng lưa thưa, vừa định mở miệng nói chuyện, ông lão đột nhiên ngăn lại: Hừ!

Sau đó, ông đứng dậy và đi đến ngồi trước một cây đàn piano cũ trong góc phòng. Ông lão quay đầu lại đưa mắt nhìn linh mục, sau đó mở miệng nói câu đầu tiên: “Hãy nghe kỹ bản nhạc này”. Nói xong, ông bắt đầu đánh đàn. Tiếng đàn du dương, ngân nga với giai điệu trong sáng, đẹp đẽ.

Chơi xong bản nhạc, miệng ông lão vẫn nở một nụ cười say mê, quay đầu lại và hỏi với ánh mắt mong đợi: “Ông đã nghe bài này chưa?”

Vị linh mục do dự một chút, lúng túng lắc đầu nói: “Ôi, tha thứ cho sự vô lễ của tôi, tôi thật sự không giỏi âm nhạc và chưa từng nghe qua bản nhạc này!”

Nghe đến đây, ông lão lập tức lộ ra vẻ vô cùng thất vọng: “Thế à? Chưa từng nghe ư? Đây là bản nhạc rất nổi tiếng của tôi hồi đó! Buổi hòa nhạc đầy ắp người, hãy nghe tôi chơi bản nhạc này!”

Vị linh mục tỏ rõ sự ngượng ngùng. Ông lão lại nói: “Thôi, hãy nghe lại bài này”. Sau đó, ông chơi tiếp một giai điệu khác. Sau khi chơi xong, ông lão quay lại đầy mong đợi và nhìn vị linh mục với ánh mắt dò hỏi.

Vị linh mục suy nghĩ miên man, sau đó xoa xoa hai tay có chút ngượng ngùng và nói: “Ôi, tôi xin lỗi, tôi nghe nhạc rất tệ! Bản nhạc này... tôi cũng chưa nghe.”

Ông lão thất vọng thở dài: “Đây là tác phẩm đáng tự hào nhất trong năm của tôi, và hầu như tất cả mọi người ở Vienna đều đã nghe nó!”

Bỗng mắt ông cụ sáng lên và nói: “Hãy nghe lại bản nhạc này.”

Vị linh mục bất lực trước một ông lão bướng bỉnh, đành phải tiếp tục nhẫn nại và đồng cảm. Lúc này, ông lão bắt đầu chơi đàn.

Nhấp, nhấp, nhấp! … Khi nghe giai điệu này, vị linh mục trở nên phấn khích, và ngay lập tức ngân nga theo giai điệu đàn piano!

Sau khi chơi xong, ông lão dừng lại, nhìn và cười với vị linh mục. Vị linh mục xúc động nói: “Ôi trời ơi, tôi biết bản nhạc này, tôi biết bản nhạc này! Ồ, vậy đây là bản nhạc ông viết? Thật tuyệt vời!”

Nụ cười tắt dần trên khuôn mặt của ông lão, đôi mắt ông có chút mờ đi, rồi ông lẩm bẩm: “Không phải, đây không phải là bản nhạc tôi viết, đó là của Mozart!”

Đó là một bản Serenade được yêu thích trong G major của Mozart. Mozart đã viết tổng cộng 13 bản Serenade, và đây là bản nổi tiếng nhất trong số đó. Serenade chính là bản tình ca mà ngày nay thường gọi.

Ông lão đó tên là Antonio Salieri, từng là nhạc trưởng cung đình của Vua nước Áo Joseph II. Tại sao ông ta lại hét lên “Tôi đã giết Mozart”? Bởi vì chính trong thời gian đảm nhiệm vị trí nhạc công trong triều đình, ông đã có mối quan hệ phức tạp với thiên tài Mozart.

Tượng nhạc sĩ Mozart thời trẻ trước tòa thị chính ở quảng trường Mozart, St. Gilgen, Áo. (shutterstock)

Mozart - một thiên tài âm nhạc cổ điển hiếm có

Cái tên Mozart đã trở thành định nghĩa và chuẩn mực của thiên tài âm nhạc. Bất cứ ai thể hiện tài năng độc đáo trong âm nhạc sẽ được ca ngợi là “Mozart”. Khi còn nhỏ, Mendelssohn được gọi là Mozart của Đức, và Saint-Saëns được gọi là Mozart của Pháp.

Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng Mozart là một thiên tài nổi tiếng hiếm có trên thế giới trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển. Ông đã viết bản nhạc đầu tiên năm 4 tuổi, và bản giao hưởng đầu tiên năm 7 tuổi! Sau đó, ông đã viết bản concerto đầu tiên của mình vào năm 11 tuổi và hoàn thành vở opera đầu tiên của mình vào năm 12 tuổi!

Có một câu chuyện khác về khả năng âm nhạc đặc biệt của ông. Cha của Mozart, ông Leopold Mozart, là một nhạc sĩ triều đình ở Salzburg. Từ nhỏ, Mozart thường nghe cha cùng các đồng nghiệp chơi nhạc tại nhà. Một ngày nọ, khi Mozart 5 tuổi, cha ông và một số nhạc sĩ đang chuẩn bị tập luyện một bản tứ tấu tại nhà. Có một bộ phim truyền hình Nhật Bản rất hay mang tên “Bộ tứ”. Bộ tứ bao gồm hai cây violin, một viola và một cello! Bố của Mozart chơi vị trí của cây violin nhỏ thứ hai.

Khi bốn người dàn dựng bản nhạc và chuẩn bị chơi, cậu bé Mozart xông vào nhìn bốn người lớn và yêu cầu: “Bố cho con chơi vị trí violin nhỏ thứ hai.”

Bố của Mozart sững lại bởi vốn Mozart nhỏ bé chưa từng học chơi violin, cậu mới 5 tuổi và bố chưa bắt đầu dạy cậu. Hơn nữa, Bộ tứ mới tập bản nhạc này một lần trước đó, và một số người trong số họ vẫn chưa thuộc, giờ một cậu nhóc muốn chơi, chẳng phải sẽ gây rắc rối!

Ông bố có chút giận và nói: “Con chưa từng học qua làm sao mà kéo đàn được. Tránh ra, đừng gây rắc rối.”

Mozart nhỏ bé ngẩng đầu, không phục và nói: “Bố ơi, vị trí chơi cây violin nhỏ thứ hai không cần học vẫn chơi được!”

Bây giờ thì bố Mozart thực sự đã tức giận! Ý cậu con chẳng phải là coi thường bố mình sao? Không cần học cũng biết, thế thì ta làm cái gì? Bố nghiêm nghị nhìn cậu và nói: “Wolfgang!” Mozart tên đầy đủ là Wolfgang Amadeus Mozart, và bố của cậu thường gọi cậu là Wolfgang. Ông nói: “Chúng ta cần diễn tập, con mau ra ngoài đi.”

Nhưng lần này cậu bé Mozart không nghe lời cha, cậu khóc và làm ầm lên chỉ vì muốn được kéo đàn, nước mắt cũng tuôn rơi.

Các đồng nghiệp khuyên bố Mozart để cậu kéo violin, cho rằng dù sao cậu cũng không biết chơi, nghịch một lúc chán rồi nó sẽ bỏ đi. Người bố tức giận và bất lực đến mức phải bế Mozart bé nhỏ vào ghế. Cậu bé Mozart đang vui vẻ nhìn bản nhạc, cũng làm dáng nâng cây đàn violin. Một số người lớn đang chờ xem cậu bé này sẽ tự làm khó mình như thế nào.

Kết quả là, khi tiếng đàn của Mozart bé nhỏ vang lên, tất cả mọi người đều choáng váng. Không chỉ tiếng đàn ổn định mà tiết tấu hoàn toàn chính xác, và phối hợp hoàn hảo với ba người còn lại, như thể cả bốn người họ đã tập luyện từ rất lâu rồi! Cậu bé 5 tuổi thực sự đã chơi hết bản nhạc với cây violin thứ hai và còn chơi rất hay!

Bố cậu ở bên cạnh ngây người, đứa trẻ chỉ mới ngồi bên cạnh nghe mọi người chơi đàn, chưa bao giờ dạy đàn cho cậu! Nghe giai điệu du dương chậm rãi toát ra từ đôi tay của Mozart bé bỏng khiến ông không sao ngăn được những giọt nước mắt xúc động! Sau khi khúc nhạc dừng lại, bố của Mozart ôm chầm cậu và lẩm bẩm: “Chúa ơi, Chúa ơi, đây là Thần tích của Chúa! Đây không chỉ là thiên tài, đây là thiên sứ phụ trách âm nhạc thực sự giáng thế!”

Bố Mozart đưa con lưu diễn khắp thế giới

Cha của Mozart là người đầu tiên trên thế giới bắt đầu một chuyến lưu diễn với cậu! Từ năm 1762 - lúc Mozart 6 tuổi, đến năm 1773 - Mozart 17 tuổi, suốt 11 năm đó, về cơ bản hai bố con Mozart đều trên đường lưu diễn!

Họ liên tục tới những triều đình lớn của châu Âu, và nhận được lời mời từ các nhà quý tộc và giám mục cao cấp của nhiều quốc gia khác nhau. Dấu chân của họ hầu như đã đi qua khắp châu Âu, và chuyến lưu diễn dài nhất kéo dài ba năm rưỡi. Danh tiếng của thần đồng âm nhạc Mozart đã lan rộng khắp châu Âu! Trong quá trình lưu diễn đó, có một số sự việc được hậu thế lưu truyền mãi về sau.

Một lần, Mozart 7 tuổi nhận lời mời đến Vienna để biểu diễn cho Hoàng đế La Mã Thần thánh Franz I. Màn trình diễn tuyệt vời của cậu bé Mozart đã khiến gia đình Hoàng đế vô cùng hạnh phúc. Hoàng hậu Theresia còn vui hơn và bà đã bảo cô con gái nhỏ Marie tặng hoa cho Mozart bé bỏng. Nhìn cô công chúa nhỏ xinh bằng tuổi mình, Mozart nghịch ngợm không ngăn được và đã hôn lên gò má ửng hồng của Marie! Marie đỏ mặt và chạy lại. Người lớn đều bật cười trước cảnh tượng này!

Sau đó, Hoàng hậu Theresia gọi Mozart lại gần và nói: “Con muốn gì hãy nói ra, ta sẽ cố hết sức để đáp ứng!”

Cậu bé Mozart nhìn quanh, rồi chỉ vào cô bé Marie và nói một cách tinh nghịch và hồn nhiên: “Vậy sau này cháu sẽ cưới cô ấy!”

Mọi người đều cười lớn! Marie nhỏ cũng cười ngượng ngùng.

Tên đầy đủ của cô công chúa nhỏ này là Marie Antoinette. Sau này, bà kết hôn với vua Pháp Louis XVI, và không may cả bà và chồng đều bị hành quyết sau Cách mạng Pháp, và bà trở thành “Nữ hoàng bị xử trảm” nổi tiếng.

Người đồng hương của bà, nhà văn nổi tiếng Zweig, đã viết trong chương mở đầu của cuốn tiểu thuyết “Nữ hoàng bị chặt đầu”: “Khi đó, cô còn quá trẻ để hiểu được tất cả những món quà trong cuộc đời, kỳ thực cái giá đã ngầm định sẵn từ lâu rồi.” Đoạn văn này cũng đã trở thành chú thích hay nhất cho số phận bi thảm của Marie Antoinette!

Những chuyến lưu diễn của Mozart vẫn tiếp tục! Còn có một chuyện cũng được truyền lại như một huyền thoại thời đó! Phải rồi, điều đó rất thần kỳ mà!

Bức chân dung của Wolfgang Amadeus Mozart được Barbara Kraft vẽ vào năm 1819, rất lâu sau khi Mozart qua đời. (Phạm vi công cộng)

Được Đức Giáo hoàng mời đến Ý

Năm đó, Mozart vừa tròn 14 tuổi và lần này họ đến Ý theo lời mời của Giáo hoàng. Giáo hoàng rất thích thần đồng âm nhạc này.

Năm ấy 14 tuổi, cậu đã không còn là “đứa trẻ” nữa, mà là một thiên tài thiếu niên! Vì vậy, họ được phép tham dự buổi lễ cầu nguyện được tổ chức trong nhà nguyện Sistine vào đêm hôm đó. Trong buổi lễ cầu nguyện, Đức Giáo hoàng cho phép họ được nghe trực tiếp dàn hợp xướng của tòa Thánh hát bài “Thánh Vịnh”, đây là sự tiếp đãi rất long trọng.

Vào thời điểm đó, không có đĩa hát và MP3, vì vậy những bài hát kinh điển chỉ có thể đến nghe trực tiếp tại chỗ. Bản thánh ca của Vatican có tên “Miserere mei, Deus” (Xin Chúa rủ lòng thương) là một bản hợp xướng cực kỳ nổi tiếng và là tiết mục tuyệt vời nhất của Vatican. Một linh mục tên Gregorio Allegri, người thông thạo âm luật, đã lấy chủ đề là Thượng đế Sáng thế trong Cựu ước để soạn nhạc.

Toàn bộ tác phẩm sử dụng giọng của con người mà không có bất kỳ nhạc cụ đệm nào. Toàn bộ bài hát được chia thành năm bè và do hai đội hợp xướng trình bày. Với sự bổ sung của bốn nghệ sĩ độc tấu, có tổng cộng chín bè. Chín bè này liên tục trầm bổng, đan xen, hòa lẫn nhau. Trong sự hòa âm phóng khoáng, thi thoảng có âm bổng réo rắt, và dần dần tăng lên âm thanh C cao rất cao! Nó giống như một mảnh ánh sáng thánh khiết từ biển lặng vút lên hòa vào mây, đi thẳng lên thiên đường, và đưa tâm hồn chúng ta cùng tới cánh cổng thiên đường.

Mỗi bè trong 9 nhóm bè đều có vai trò riêng, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc đối âm chính xác, và hiệu ứng tổng thể hoàn hảo và hài hòa. Mặc dù có một âm cao độc ca, nhưng nó không khiến người ta cảm thấy có tiếng khác biệt nào đó nổi lên. Đến phần cuối cùng của bản nhạc, 9 bè hòa thành một, đạt được sự thống nhất hoàn chỉnh và thuần khiết.

Sau khi nghe xong bản nhạc này, nhạc sĩ vĩ đại Mendelssohn đã trầm trồ: “Đây hoàn toàn không giống giọng người, mà giống như giọng của thiên sứ, một âm thanh tuyệt vời không thể nghe thấy ở bất kỳ nơi nào khác.”

Vì vậy, bản nhạc này luôn là một tiết mục mà Tòa thánh vô cùng tự hào, và không ai được phép phổ biến bản nhạc ra ngoài! Tuy nhiên, sau khi Mozart 14 tuổi nghe đúng một lần, cậu trở về căn hộ và viết phổ toàn bộ bản nhạc dựa trên trí nhớ của mình!

Ngày hôm sau, khi gặp Giáo hoàng, Mozart đã trình bày bản nhạc này. Giáo hoàng sửng sốt và hỏi Mozart rằng ai dám tiết lộ bí mật của Tòa thánh! Mozart nói, không ai cả mà kể lại rằng hôm qua sau khi nghe đoàn nhạc Tòa thánh biểu diễn, cậu đã ghi nhớ bản nhạc, và viết nó ra khi về phòng! Đức Giáo hoàng đã bị sốc! Chúa ơi, một bản nhạc phức tạp như vậy mà nghe một lần là nhớ! Thần đồng âm nhạc, quả là danh bất hư truyền!

Tất nhiên, vì là bí mật của Tòa thánh nên bản thảo của Mozart đã không được lưu hành. Sau đó, chính Mozart đã viết một bản “Miserere mei, Deus” (Xin Chúa rủ lòng thương), rõ ràng bài này mang bóng dáng của bản thánh ca Vatican!

Tới Áo phục vụ tại triều đình của Vua Joseph II

Năm 1773, ở tuổi 17, Mozart cuối cùng không cần phải đi liên tục lưu diễn. Đầu tiên ông được thuê bởi Hoàng tử-Tổng giám mục của Salzburg là Colloredo. Nhưng tiếp xúc với vị giám mục khắc nghiệt này quả là không vui vẻ gì, lại thêm vào việc đồng lương ít ỏi, cuối cùng, Mozart quyết định rời quê hương Salzburg để sang Áo phát triển. Vì vậy, năm 24 tuổi Mozart đã đến Vienna và trở thành một nhạc sĩ độc lập.

Tất nhiên, với danh tiếng “Mozart”, cậu sớm trở thành thượng khách được các nhóm quý tộc địa phương xếp hàng để mời! Hơn nữa, Vua Joseph II đã sớm biết rằng thiên tài này đến Vienna. Vì vậy, điều Mozart hy vọng nhất đã đến, vị Vua đã gửi lời mời tới cậu!

Vua Joseph II cũng là một người trung niên tràn ngập say mê với nghệ thuật! Để nghênh đón sự xuất hiện của thiên tài, vua đã ra lệnh cho nhạc trưởng của triều đình, Salieri, viết một bài hát chào đón khách đặc biệt. Sau khi bài hát chào mừng được viết xong, Vua đã luyện tập rất lâu, dự định sẽ tự mình chơi cho Mozart nghe khi gặp Mozart! Vua thực sự rất coi trọng Mozart!

Vào ngày gặp mặt, vua dẫn đầu các quần thần và ăn mặc chỉnh tề chờ đợi trong hoàng cung. Mozart bước vào. Theo ghi chép, thiên tài thấp bé, gầy gò, xanh xao, và bên dưới bộ tóc giả trắng gọn gàng là một đôi mắt to sáng. Bởi vì khi nhỏ Mozart bị bệnh đậu mùa nên trên mặt có một số chỗ rỗ. Mozart rất thích đội tóc giả, hầu như trong những dịp trang trọng, cậu đều đội tóc giả màu trắng. Theo các nhà nghiên cứu từ Bảo tàng Mozart ở Salzburg, trong số 14 bức chân dung của Mozart được lưu truyền, chỉ có một bức không đội tóc giả. Mozart cũng thích mặc quần áo lịch lãm và sang trọng, và phong thái tổng thể của cậu rất nghệ sĩ!

Khi hoàn thành cách nghi lễ tiếp đón, Vua nói với Mozart rằng ông đã viết một bài hát chào mừng cậu và sẽ chơi ngay bây giờ cho cậu nghe! Trình độ chơi đàn của Vua khá bình thường! Nhưng mà, đích thân Vua đánh đàn, thật là vinh hạnh! Mọi người đều hưởng ứng bằng những tràng pháo tay nồng nhiệt! Mozart cũng vui vẻ bày tỏ lòng biết ơn, sau đó Mozart đi tới ngồi xuống trước cây đàn piano và nói với vua: “Bệ hạ, nếu có một vài thay đổi nhỏ trong bản nhạc này thì sẽ càng hay hơn, xin được phép chơi thử cho Bệ hạ nghe nhé.”

Nói xong, cậu chơi những giai điệu mà Vua phải mất vài ngày để luyện tập! Vua và các quần thần cũng như nhà soạn nhạc Salieri đều ngây người ra! Mới chỉ nghe một lần thôi, Mozart không những đã nhớ mà còn biến tấu bản nhạc rất khéo léo ngay lập tức! Tài năng âm nhạc của Mozart đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng Vua. Và thế là cậu đã có cơ hội làm việc trong triều đình, cũng tức là trong thời gian đó, Mozart và Salieri đã có mối quan hệ thân thiết.

Không giống tất cả các nhà soạn nhạc, Mozart viết bản giao hưởng theo chiều dọc

Một lần, Salieri đến tìm Mozart, và đúng lúc đó Mozart đang sáng tác. Salieri nhìn thấy một bản nhạc viết sẵn trên bàn, và hỏi: “Ồ, đây là bản nhạc mới của cậu à?”

Mozart vừa cúi đầu viết phổ nhạc, vừa trả lời: “Chà, đó là những bản nháp đầu tiên vừa viết xong, còn chưa chép lại.”

Salieri đã rất ngạc nhiên! Tại sao? Nói chung, khi một nhà soạn nhạc viết bản nháp đầu tiên, anh ta sẽ luôn thay đổi nó. Viết lại chỗ này, gạch bỏ và viết lại một đoạn chỗ kia. Vì thế, toàn bộ bản nháp đầu tiên trông lộn xộn và bẩn thỉu. Tuy nhiên, khi Salieri nhìn thấy những bản phổ nháp đầu tiên của Mozart, toàn bộ tờ giấy đều sạch sẽ và gọn gàng, không có dấu vết của việc sửa đổi.

Salieri hỏi lại với vẻ hoài nghi: “Đây là những bản nháp đầu tiên của cậu?!”

Mozart vẫn cúi đầu thoăn thoắt viết, không ngẩng đầu và đáp: “Ừ, tôi vừa mới viết xong, cậu hãy cẩn thận, mực còn chưa khô!”

Chúa ơi! Cậu ấy viết bản nhạc mà không cần sửa! Có nghĩa là trước khi viết, một bản nhạc hoàn chỉnh đã nằm sẵn trong đầu cậu ấy. Tất cả những gì cậu ta phải làm là viết bản nhạc trong đầu ra. Vì vậy, một số người nói rằng Mozart là người viết nhạc của Thượng Đế! Cậu viết nhạc, một cách tự nhiên và liền một mạch, bản thảo đầu tay giống như bản thảo hoàn thiện cuối cùng!

Salieri giơ ngón tay ra và nhẹ nhàng chạm vào một dòng chữ trên giấy. Quả thực vậy, mực vẫn chưa khô!

Trời ơi, điều này quá đáng sợ! Sau đó, Salieri nhìn chằm chằm vào Mozart, lúc này Mozart đang chăm chú viết một giai điệu, và còn nhìn thấy một cảnh tượng còn đáng sợ hơn! Những gì cậu ấy đang viết là một bản giao hưởng. Mọi người có thể đều đã xem một dàn nhạc giao hưởng biểu diễn, có rất nhiều nhạc cụ khác nhau, và được chia thành nhiều bè khác nhau. Khi các nhà soạn nhạc viết bản nhạc, về cơ bản, họ viết nốt giai điệu của một nhạc cụ trước, sau đó viết nhạc cụ khác. Ví dụ, trong một đoạn giai điệu đầu tiên sẽ viết nốt nhạc diễn tấu của violin, sau đó viết phần trumpet trong cùng một giai điệu, sau đó là phần cello, rồi đến trombone, French horn, v.v..

Nhưng Mozart viết như thế nào? Cậu thực sự đã viết nó theo chiều dọc! Tức là tại thời điểm này, khi violin đang chơi nốt “Rê”, kèn đang chơi “Sol”, kèn trombone chơi “Si” và đàn hạc chơi “La”! Nói cách khác, anh ấy dường như đã nghe ban nhạc chơi bản nhạc này, đồng thời, anh ấy nghe rõ ràng từng nốt từ tất cả các nhạc cụ. Vì vậy, anh ấy viết bản nhạc theo chiều dọc, và ghi lại một cách trung thực âm thanh mà tất cả các nhạc cụ trong dàn nhạc phải chơi cùng một lúc!

Mozart như một chiếc máy scan, ghi lại rõ ràng những nốt nhạc đẹp đẽ hiện ra trong đầu, không thể dừng tay, những bản nhạc tuyệt vời ấy như dòng nước chảy từ trên đỉnh núi, tuôn trào liên tục ra đầu bút của anh, cứ thế liên tục! Anh không thể dừng lại và nhanh chóng dùng giấy bút bắt lấy những ý nhạc này!

Salieri ngây ra nhìn bản nhạc! Điều kinh ngạc hơn là ông đã xem rất kỹ những giai điệu mà Mozart viết ra mà không cần suy nghĩ này, và hóa ra nó rất đẹp, mượt mà và xúc động! Tiết tấu tươi sáng, cảm xúc tinh tế, giai điệu du dương, phương thức phức tạp, đối âm chính xác và nhịp điệu hài hòa!

Chúa ơi! Ôi Chúa ơi! Thật không công bằng, thật không công bằng! Salieri kinh ngạc hét lên trong lòng: Đơn giản là cậu ta là một thiên sứ do Thượng Đế phái tới!

Bản nhạc cầu nguyện cuối cùng, nguyên nhân cái chết không rõ ràng của Mozart

Như chúng ta đã biết, Mozart chết trẻ và ông ra đi trước năm 36 tuổi. Có một câu chuyện bí ẩn về bản “Requiem” (Thánh lễ cho người chết) nổi tiếng mà Mozart vẫn đang sáng tác dở dang ngay trước khi qua đời! Và câu chuyện cũng liên quan đến Salieri!

Người ta nói rằng năm đó, ngay trước mùa thu, Mozart bị ốm! Sau một vài ngày nghỉ ngơi trên giường, cậu cảm thấy thư thái hơn một chút. Hôm đó, sau khi màn đêm buông xuống, cơn mưa phùn kèm theo gió lớn càng khiến tiết trời trở nên quạnh quẽ hơn. Mozart vốn đã ngủ sớm, nhưng bị đánh thức bởi một tiếng gõ cửa gấp gáp. Khoác vội cái áo, Mozart đi xuống cầu thang và qua ánh sáng mờ ảo của hiên nhà hắt vào để mở cửa, Mozart không khỏi ngạc nhiên khi nhìn thấy một người đàn ông. Anh ta cao gầy mặc áo choàng đen đứng ở cửa, toàn bộ khuôn mặt ẩn trong mũ áo choàng, không nhìn rõ diện mạo, cả người toát ra vẻ quái dị khó tả!

Vị khách bí ẩn khàn giọng hỏi: “Mozart này, chủ nhân của tôi muốn nhờ anh viết một bài cầu nguyện, được không?”

Mozart vừa ho vừa xua tay nói: “Tôi bị ốm và không thể làm việc lúc này!”

Tuy nhiên, người đàn ông không nói gì và đưa ra một túi tiền nặng, ông ta nói với giọng điệu chắc chắn: “Bản cầu nguyện này chỉ có thể do anh viết, và phải nhanh chóng, nếu không sẽ không kịp! Đây là một nửa tiền thù lao, và nửa còn lại sẽ được trả sau khi viết xong!”

Không biết là vì cảm động trước túi phần thưởng lớn hay bởi khí chất bí ẩn và cứng rắn của người đàn ông kia, Mozart đã nhận nhiệm vụ sáng tác. Điều thần kỳ hơn nữa là bệnh tình của Mozart dường như đã thuyên giảm rất nhiều ngay lập tức, và có thể miệt mài bên bàn làm việc! Bằng cách này, như thể do số phận đưa đẩy, Mozart đã bỏ ra toàn bộ tinh thần ngày đêm sáng tạo ra bản “Requiem”, được các thế hệ sau gọi là “Tứ đại thánh lễ”!

Đôi má đỏ bừng đang đốt những năng lượng cuối cùng của cuộc đời! Bên cạnh cây đàn piano cũ, Mozart đã viết, chơi, suy tư và sáng tạo! Thực tế, ở thời điểm này ai cũng có thể thấy thiên tài âm nhạc này đã đến bờ vực của sự kiệt quệ!

Vợ của Mozart là Constanze xót xa nhìn chồng, sau khi dỗ con ngủ xong, cô lặng lẽ bước đến bên chồng, âu yếm vuốt ve mái tóc bù xù của chồng rồi nói nhỏ: “Anh yêu, nghỉ ngơi đi! Hôm nay thời tiết đẹp làm sao, hãy cùng em đi dạo trong rừng nhé!”

Mozart ngước nhìn người vợ yêu dấu của mình, anh thực sự không muốn từ chối khoảng thời gian ở bên cô ấy! Trong thâm tâm anh biết rằng những cơ hội như vậy đang dần ít đi!

Cả hai nắm tay nhau lặng lẽ bước đi trên con đường trải đầy lá rơi. Dần dần, Mozart bắt đầu nói về cái chết. Anh nói với vợ rằng người đàn ông đến gặp anh đêm đó và yêu cầu anh viết bản “Requiem” chính là Thần chết! Anh biết rằng “Requiem” này thực sự được viết cho chính anh! Vợ khóc, van xin Mozart đừng nói gì, Mozart cũng rơi lệ, nói tiếp: “Chắc anh không còn sống được bao lâu, anh đã nhận lời của tử Thần, và anh sắp kết thúc cuộc đời đau khổ này!”

Vào buổi trưa của một ngày mùa đông tươi sáng tháng 12 năm 1791, thiên sứ âm nhạc đã nhắm mắt thanh thản và qua đời ở tuổi 35.

Vì nguyên nhân cái chết của Mozart không rõ ràng, các nhà văn hậu thế đã thể hiện trí tưởng tượng phong phú của họ! Đó là những tưởng tượng liên quan đến Salieri. Các nhà viết tiểu sử sau này đã ghi lại một đoạn viết như sau: “Nói rằng người thuê kẻ ăn mặc như Thần chết đến gặp Mozart vào đêm đó và yêu cầu ông viết ‘Requiem’ là Salieri! Salieri biết rằng Mozart bị bệnh, vì vậy anh ta đã sử dụng chiêu thức này và cuối cùng đã giết chết Mozart!”

Thậm chí có tin đồn rằng Mozart đã bị đầu độc chết bởi một người do Salieri thuê! Tin đồn này được lan truyền rộng rãi vào thời điểm đó, khiến Salieri bị rơi vào những tin đồn này đến nỗi bị suy nhược thần kinh trong những năm cuối đời. Đó chính là người đàn ông được nhắc tới phần mở đầu bài viết!

Cuộc sống khốn cùng của Mozart nhưng sáng tác nhạc tràn đầy niềm vui

Có một bộ phim kể về câu chuyện của Mozart và Salieri, tên là “Amadeus”. Phim đã đoạt giải Oscar năm 1984. Bộ phim rất hay, đặc biệt là những bản nhạc nổi tiếng của Mozart luôn xuất hiện trong phim, cũng như khung cảnh thành phố Vienna rất đẹp mắt!

Poster phim Amadeus chiếu rạp do Peter Sís thiết kế

Tất nhiên, câu chuyện phim cũng đã được cải biên, viết rằng Sarieri là một nhân vật phản diện, hay ghen tị! Trên thực tế, Salieri thực sự không phải là một người như vậy!

Trong cuộc đời ngắn ngủi của Mozart, ông đã tạo ra hơn 600 tác phẩm đáng kinh ngạc, nhiều tác phẩm trong số đó là những tác phẩm kinh điển được lưu truyền cho thế hệ tương lai, phụ nữ và trẻ em đều biết đến. Chủ đề sáng tác của ông rất rộng, bao gồm: hòa tấu, sonata, giao hưởng, serenade và opera. Những chủ đề này đã trở thành những hình thức chính của âm nhạc cổ điển sau này. Âm nhạc của ông thường thể hiện một khí chất thanh lịch và ngọt ngào.

Là nhạc sĩ vĩ đại nhất của trường phái âm nhạc cổ điển Vienna, cuộc đời ngắn ngủi của Mozart không hề suôn sẻ. Dù có tài năng xuất chúng nhưng ông thường xuyên lâm vào cảnh kinh tế khốn cùng. Ngay cả sau khi chết, ông vẫn nợ hàng ngàn franc! Nhưng âm nhạc của ông không hề có chút thống khổ nào, mà ngược lại, âm nhạc của Mozart tràn đầy hạnh phúc hồn nhiên và trong sáng. Đó là một hạnh phúc xuất phát từ trái tim, vô cùng trong sáng, đơn thuần, tinh khiết và mỹ diệu! Nó trong sáng, giản dị và hạnh phúc như đến từ Thiên quốc!

Vì vậy, một số người mô tả như thế này: Trên thiên đường, các thiên thần chơi nhạc của Bach cho Chúa, và các thiên thần chơi nhạc của Mozart cho chính họ! Là nhạc sĩ vĩ đại nhất trong lịch sử âm nhạc phương Tây, Mozart hẳn là một thiên sứ mang theo niềm vui xuống thế gian!

Minh An
Theo Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nguyên nhân cái chết của thiên tài âm nhạc Mozart trở thành ẩn đố