Nhà 6 người, ĐCSTQ giết 3 người rưỡi

Giúp NTDVN sửa lỗi

ĐCSTQ được thành lập cách đây 100 năm, là một tổ chức lớn 100 năm tuổi, kể từ đó đã xảy ra liên tiếp nhiều sự kiện “gió tanh mưa máu” như: ba cuộc nội chiến cách mạng, chiến tranh Triều Tiên, nạn đói 3 năm, Cách mạng Văn hóa 10 năm, sự kiện đàn áp sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn năm 1989, sự kiện đàn áp Pháp Luân Công năm 1999, kế hoạch hóa gia đình kéo dài 41 năm, ĐCSTQ đã giết ít nhất 80 triệu người TQ, riêng gia đình 6 người của chúng tôi đã bị hại chết ba người rưỡi. Bây giờ chỉ còn hai người rưỡi.

Năm 1958, cha tôi, họa sĩ nổi tiếng Quách Đốc Dân bị gán tội danh cánh hữu và bị đưa đi cải tạo lao động, từ đó, bốn đứa trẻ và một bà nội trợ không có thu nhập. Chị cả 10 tuổi, còn tôi nhỏ nhất 7 tháng. Mẹ tôi dẫn theo 3 đứa con chưa đầy 10 tuổi cùng chị cả đi làm những công việc lặt vặt để kiếm sống. Vì mưu sinh, mẹ và các chị làm kéo sợi amiăng. Các sợi amiăng rất nhỏ, nên khi hít vào phổi rồi sẽ không thoát ra ngoài. Đây gọi là bệnh phổi amiăng, một bệnh nghề nghiệp nghiêm trọng. Và mẹ tôi đã bị bệnh lao ba bốn lần. Bệnh phổi amiăng đã gây ra vô số cái chết ở khu vực huyện Thông của chúng tôi tại Bắc Kinh. Những người này đều bị ĐCSTQ hại chết, không ai biết nó là bệnh nghề nghiệp, nhà nước cũng không bồi thường một xu, họ đều tự bỏ tiền túi để đi khám bệnh.

Năm 1989, mẹ tôi đi vệ sinh ngoài đường, mùa đông ở Bắc Kinh cực kỳ lạnh, nhiệt độ âm 10 độ C, mẹ dường như bị đóng băng, nên mắc cảm mạo dẫn đến cái gốc bệnh lao cũ tái phát, chuyển thành bệnh tim phổi. Cha tôi tham gia “cách mạng” năm 1948, vì huyện Thông được “giải phóng” sớm hơn Bắc Kinh. Lúc đó cha tôi đang dạy tại trường Sư phạm nữ ở huyện Thông, vì vậy trước khi ĐCSTQ lập nước, thì cha đã tham gia “cách mạng” rồi. Thời hạn phục vụ sớm hơn một năm so với chế độ này.

Cuối năm 1979, Hồ Diệu Bang cải chính tội danh cánh hữu cho cha tôi và ông được quay lại công việc giáo dục ở huyện Thông, nhưng vì trường Sư phạm nữ sáp nhập với trường nam nên không cần nhiều giáo viên mỹ thuật, Cục Giáo dục sắp xếp cha tôi về dạy vẽ tranh thiếu nhi trong Cung thiếu nhi. Nhiều lần đơn vị phân nhà nhưng không cấp nhà cho cha tôi. Gia đình tôi vẫn sống trong một căn phòng nhỏ chật hẹp 8,3m2.

Năm 1985, tôi đến làm việc cho tờ Nhật báo Thanh niên Trung Quốc, với vai trò là một phóng viên, tôi đã tận dụng chỉ thị có chữ ký của lãnh đạo Ban Công tác Mặt trận Thống nhất thuộc Thành ủy Bắc Kinh, để buộc Cục Giáo dục huyện Thông cấp cho một ngôi nhà trệt. Nhưng căn nhà trệt này không có nhà vệ sinh, nên người mẹ già yếu 69 tuổi của tôi phải đi vệ sinh công cộng trên phố cách đó 300m, cũng vì vậy mà bà bị mắc chứng bệnh tim phổi.

Mẹ tôi không sử dụng dịch vụ chăm sóc y tế công cộng, mẹ đã mất việc làm trước Cách mạng Văn hóa năm 1966, do vùng nông thôn bị đánh bom. Sau khi trở lại thành phố, mẹ cũng không được sắp xếp công việc nên mẹ tôi, Vương Bích Ba, không có bảo hiểm y tế. Sau khi bỏ ra một ít tiền tiết kiệm để đi khám bệnh, mẹ không muốn liên lụy con cái nên đã uống rất nhiều loại thuốc chống viêm dẫn đến xuất huyết dạ dày. Thực sự điều này là tự sát! Và mẹ đã ra đi vào ngày 3 tháng 12 năm 1990. Đây là một người đầu tiên.

Năm 1944, cha mẹ tôi kết hôn. Năm 1979, cha được cải chính tội danh cánh hữu trở về, trong 35 năm, họ chỉ sống với nhau 14 năm rồi xa cách 20 năm nên tình cảm bất hòa. Sau khi cha trở về vào năm 1979, ông cứ sống bên ngoài, những năm cuối đời ông thường bị quấy rầy bởi những người từng là học sinh của mình, ông sống trong Lữ đoàn sản xuất Lư Câu Kiều ở Bắc Kinh, ông nghĩ rằng Bí thư Lữ đoàn thích những bức tranh của mình.

Tháng 1 năm 1999, cha đột ngột qua đời trong một buổi sáng sớm dậy nấu bếp. Vào những năm cuối đời, hầu như ngày nào cha cũng uống một chai rượu trắng, có lẽ vậy mà ban đêm đã mất quá nhiều nước dẫn đến nhồi máu cơ tim. Căn nhà của Cục Giáo dục huyện Thông cấp cho cha rất nhỏ, không đủ cho ba người chúng tôi và cha mẹ ở, hơn nữa cũng không đủ chỗ cho cha đặt những bức tranh lớn hơn 2m của mình, vì vậy mà cha chỉ có thể sống bên ngoài.

Sau khi Cục Giáo dục cấp cho căn nhà trệt, cũng đồng thời yêu cầu chúng tôi bàn giao lại căn nhà nhỏ 8,3m2 ban đầu do Hồng vệ binh giao cho năm mẹ con chúng tôi trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Đương nhiên tôi và vợ con có quyền sống ở đây, sau khi bàn giao xong, tôi nghĩ chúng tôi có quyền ở cùng cha mẹ, chưa kể cha mẹ đã già yếu cần được phụng dưỡng. Nhưng trớ trêu thay, Cục Giáo dục nói rằng họ chỉ giải quyết nhà ở cho cha mẹ tôi, không phải cho chúng tôi. Lúc ấy cha tôi đã 83 tuổi chỉ được ở một mình, mấy tháng sau vợ chồng chúng tôi được đơn vị phân nhà, nhưng lúc đó đơn vị phân nhà không suy xét cho cha mẹ của công chức, chưa kể cha tôi cũng có công việc ở đơn vị khác. Vì cha sống một mình, cuộc sống dung túng thích gì làm nấy, có lẽ vậy mà cha đã mất sớm. Cha vốn là một họa sĩ, là nhà thư pháp, sức khỏe dồi dào có thể sống đến hơn 90 tuổi hoặc 100 tuổi, nhưng cha đã mất đột ngột như vậy khi mới 83 tuổi.

Người thứ ba là chị gái thứ hai của tôi tên Quách Hồng. Những năm 1990, khi chị đạp xe đi khám bệnh, lúc vượt qua một chiếc taxi ở bên đường, tài xế chạy quá nhanh đã tông chị làm đứt dây chằng chéo của khớp gối. Sau đó chị được làm phẫu thuật ở bệnh viện quân đội. Thời ấy có rất nhiều người TQ nghèo khổ đi bán máu, nên nguồn máu do bệnh viện cung cấp có vi rút viêm gan C. Vì vậy mà chị thứ hai của tôi mắc bệnh gan, phát triển thành ung thư gan vào năm 2015 và đã qua đời.

Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, chị ấy và chị gái thứ ba của tôi là Quách Hà đều bị Hồng Vệ Binh ức hiếp dẫn đến bệnh tâm thần. Về sau chị ba cũng không được linh hoạt cho lắm. Đến năm 1974, chị ấy treo cổ tự tử trong nhà nhưng được tôi cứu.

Vào tháng 10 năm 1999, tôi bị Nhật báo Thanh niên Trung Quốc đánh khi đang làm công chức, sau đó tôi ly hôn, trước đây vợ tôi từng bị cưỡng ép phá thai, coi như mất đi một đứa trẻ. Sau khi đi làm lại năm 2007, tôi muốn tái hôn và sinh thêm con. Tôi hy vọng chị cả giúp đỡ, chị ấy không những không quan tâm mà còn nói “Em thật kỳ quái”. Tôi nghĩ, mình muốn có một đứa con mà cũng là kỳ quái sao? Bây giờ Tập Cận Bình hô hào sinh ba kia mà, liệu có quái hay không?

ĐCSTQ không chỉ giết người, mà còn đầu độc tâm lý của người dân. Chị hai của tôi chính là người bị đầu độc tâm lí như vậy đó. Sau chuyện này, chúng tôi cũng không liên lạc với nhau nữa. Về sau chị cả ốm nặng, tôi định đến thăm, nhưng chị không đồng ý nên tôi cũng không đi, con trai của chị ấy cũng hận tôi. Chị cả đã qua đời vào năm 2016.

Bệnh thần kinh của chị ba đeo bám chị ấy cả đời, chỉ là thỉnh thoảng bệnh không bộc phát, biểu hiện bên ngoài cũng giống như người bình thường. Năm 1999, khi cha tôi qua đời, chị ba cũng đến tang lễ, chị còn viết một cuốn hồi ký dài một hoặc hai nghìn chữ, và nghĩ đến việc tương lai sẽ xuất bản một cuốn sách cho người cha quá cố của mình.

Chị ba hơn Tập Cận Bình một tuổi, năm mà Cách mạng Văn hóa bắt đầu, chị chỉ vừa học xong năm nhất trung học cơ sở, làm sao có trình độ viết như vậy được? Chị đã đưa cuốn hồi ký cho một người bạn, người ấy là một trong những học sinh bất hảo của cha, người này tự nhận là một người viết tiểu sử.

Năm 2015, những người này đã xuất bản album tranh của cha tôi, thực chất là họ đã mượn danh tiếng của ông để lăng xê những học sinh này để tranh của họ bán được giá cao. Album không hề đề cập đến những thành tựu nghệ thuật của cha tôi, mà chỉ tập trung nói về việc họ đã giúp đỡ ông như thế nào trong cuộc sống, rằng cha tôi thiếu ăn thiếu mặc ra sao. Tôi đã kiện họ vì hành vi xâm phạm, đồng thời phát hiện trong album ấy còn nói cha tôi là một đặc vụ quân đội.

Nhưng thẩm phán của Tòa án huyện Thông đã nhận hối lộ thông qua luật sư và tuyên bố họ thắng. Phiên tòa đã được tổ chức vài lần cho đến khi họ tìm thấy cuốn vở hồi ký do chị ba đã đưa cho họ trước đây. Trong đó, chị ba của tôi nói rằng: Cha là một đặc vụ quân sự. Vào năm 1947, chú tôi ở xa đã cùng cha đến miền Đông Bắc, và được huấn luyện trong một năm, một người trở thành đặc vụ dưới quyền của Đới Lạp và người kia trở thành chỉ huy an ninh. (chú thích: Đới Lạp, tên thật là Đới Xuân Phong, một tướng lĩnh Trung Hoa Dân Quốc đầu thế kỷ 20)

Điều đáng nói là, Đới Lạp đã qua đời trong một vụ tai nạn máy bay năm 1946, thử nghĩ, dù Quốc dân đảng có thiếu người đi chăng nữa thì trong một năm cũng không thể thăng chức cho ai đó lên làm tư lệnh an ninh! Nhưng mà, chị ba bị thần kinh của tôi đã viết như vậy trong năm thứ nhất của trung học cơ sở?! Tòa án tuyên bố rằng người nhà tôi tự nói cha mình là đặc vụ quân đội kia mà, nên bị vậy cũng đáng. Chẳng phải đây là hành vi lạm quyền của những người từng là học sinh của cha hay sao!

Chị ba của tôi cũng không ra hầu tòa. Còn tôi đã thua kiện. Ngoài ra, tôi còn phải nộp gần 7.000 Nhân dân tệ phí kiện tụng cho Tòa án huyện Thông, và hơn 10.000 Nhân dân tệ phí khiếu nại. Sau này, tình trạng tâm thần của chị ba tôi cũng vậy thôi, sống mà như chết một nửa rồi. Bây giờ bệnh thần kinh còn nặng hơn dù chị đã 70 tuổi. Vậy nên tôi mới nói rằng gia đình 6 người chúng tôi đã bị bức hại chết 3 người rưỡi.

Trong những năm này, ĐCSTQ đã hại chết ít nhất 80 triệu người Trung Quốc, trong đó có ba người rưỡi gia đình chúng tôi, chưa kể đứa con bé bỏng chưa kịp chào đời đã chết của tôi. ĐCSTQ hiện đang kỷ niệm 100 năm thành lập, liệu nó còn bao nhiêu năm gây họa loạn cho người dân Trung Quốc nói riêng và người dân trên toàn thế giới nói chung?

Cao Nguyên
Theo Vision Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhà 6 người, ĐCSTQ giết 3 người rưỡi