Nhà họ Mạc Hà Tiên: Bậc vĩ nhân mở cõi khai hoá văn vật miền Nam (Kỳ 2)

Giúp NTDVN sửa lỗi

Miền Nam trù phú, vựa lúa lớn nhất và trù phú nhất của Đại Nam phải mất hơn 300 năm hình thành và phát triển mới có ngày hôm nay. Trong quá trình lâu dài đó, vô số tiền nhân trong quá trình mở cõi đã muôn đời lưu lại dấu ấn của mình bằng những công tích kỳ vĩ mãi làm nức lòng hậu nhân. Họ Mạc đất Hà Tiên là một trong những dòng họ đặc biệt như thế ở miền Nam này. Họ đã biến một vùng đất hoang vu thành một thị trấn văn minh sầm uất đi vào thi ca muôn đời.

Kỳ 2: Mạc Thiên Tứ chống ngoại xâm nội phản, mở rộng lãnh thổ

Mạc Cửu trải nhiều năm gây dựng nền móng cho Hà Tiên trở thành một thị trấn phát triển và sầm uất. Tuy nhiên người thực sự dùng cả đời mình chiến đấu bảo vệ, đưa Hà Tiên phát triển đến đỉnh cao và lưu lại dấu ấn muôn đời trong lịch sử và thơ văn chính là con của ông, Mạc Thiên Tứ.

Tương truyền trước khi Mạc Thiên Tứ sinh ra thì đất Hà Tiên có sự tích lạ xảy ra:

Con là Thiên Tứ tự là Sĩ Lân, là con trưởng Mạc Cửu. Lúc sắp sinh đã có điềm lạ. Trước đó, chỗ Cửu ở là đất Lũng Cả, trong sông tự nhiên nước vọt lên, rồi xuất hiện một tượng vàng bảy thước, ánh sáng tỏa trên mặt nước. Sư người Man trông thấy, lấy làm lạ nói với Cửu: "Đấy là điềm nước có người hiền, Phước đức không sao lường được". Cửu sai người đi rước tượng vàng ấy lên, nhưng làm trăm cách cũng không lay chuyển được. Bấy giờ mới làm chùa nhỏ ở bờ sông để thờ. Thiên Tứ cũng sinh nhằm năm ấy, người ta truyền nói là ‘bồ tát hiện thân’.” (Đại Nam Liệt Truyện)

Mạc Thiên Tứ ứng vận sinh ra làm người bảo vệ và phát triển Hà Tiên, ông đã kế thừa thành quả của cha làm cho vùng đất này ngày càng giàu mạnh hơn:

“Thiên Tứ từ bé đã thông minh, nhanh nhẹn, học rộng kinh điển, hiểu thông võ lược. Túc Tông Hoàng Đế năm thứ 11 Bính Thìn (1736), mùa xuân, chúa cho Thiên Tứ làm Đô đốc trấn Hà Tiên, ban cho 3 chiếc thuyền "Long bài" được miễn thuế. Lại sai mở lò đúc tiền để tiện cho việc mua bán. Thiên Tứ bèn chia đặt nha thuộc, tuyển quân lính, đắp thành quách mở rộng phố, chợ. Thương nhân và lữ khách các nước tụ họp đông đúc.”
(Đại Nam Liệt Truyện)

Tài năng của ông ở vùng đất này còn tạo nên nhiều thành công trong việc đối ngoại và quân sự, đặc biệt là những chiến tích bảo vệ Hà Tiên trước người chủ cũ của nó, quân Chân Lạp.

“Thế Tông Hoàng Đế năm đầu, Kỷ Mùi (1739), mùa xuân, Nặc Bôn nước Chân Lạp xâm lấn Hà Tiên. Chân Lạp vì cớ mất đất nên oán Mạc Cửu. Khi Cửu đã mất, Thiên Tứ mới lĩnh cờ tiết trấn thủ, Nặc Bôn bèn đem quân đến xâm lược. Thiên Tứ đem bộ thuộc đi đánh, chiến đấu suốt ngày đêm. Vợ Thiên Tứ là Nguyễn thị đốc suất vợ quân lính chuyển lương ăn và đem cơm nước cho quân, do đó, quân được ăn no. Thiên Tứ bèn đánh hăng, quân của Nặc Bôn bị tan vỡ. Tin thắng trận đưa đến, chúa trầm trồ khen ngợi và cho là lạ đặc cách trao cho Thiên Tứ làm Đô đốc Tướng quân, ban cho áo bào đỏ và mũ, đai. Nguyễn thị cũng được phong làm phu nhân. Bởi thế, Chân Lạp không dám nhòm ngó Hà Tiên nữa.”
(Đại Nam Liệt Truyện)

Thiên Tứ đem bộ thuộc đi đánh, chiến đấu suốt ngày đêm.
Thiên Tứ đem bộ thuộc đi đánh, chiến đấu suốt ngày đêm. (Ảnh: Shutterstock)

Sau khi trấn áp thành công quân Chân Lạp, thời cơ thuận lợi đã đưa đến một số cơ hội khiến cho Mạc Thiên Tứ có thể mở rộng thêm lãnh thổ Hà Tiên một cách nhanh chóng.

“Năm Bính Tý (1756), mùa xuân, Chân Lạp đánh lấn Côn Man. Chúa sai tướng sĩ 5 doanh đi đánh dẹp. Vua Chân Lạp là Nặc Nguyên, chạy đi nương náu ở Hà Tiên, nói với Thiên Tứ xin dâng đất hai phủ Tầm Bôn, Soài Rạp (Lôi Lạp), và xin nộp bù lễ cúng thiếu từ ba năm trước, để chuộc tội. Thiên Tứ tâu xin hộ. Chúa ưng cho.

Năm sau (1757), Nặc Nguyên chết, chú họ là Nặc Nhuận quyền tạm coi việc nước. Quan ngoài biên tâu xin nhân tiện lập Nặc Nhuận làm vua, chúa sai bắt nộp đất hai phủ Trà Vinh và Ba Thắc rồi mới ưng thuận. Gặp bấy giờ con rể Nhuận là Hinh giết Nhuận, cướp ngôi vua. Con Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên. Thiên Tứ cũng tâu hộ xin cho. Chúa bèn phong Nặc Tôn làm Chân Lạp quốc vương, nhờ Thiên Tứ hộ tống về nước. Nặc Tôn bèn dâng đất Tầm Phong Long, lại cắt đất năm phủ là Vũng Thơm (?) (Hương Úc), Cần Giột (Cần Bột), Chân Rùm (Chân Sâm), Xoài Mút (Sài Mạt), Linh Quỳnh, để tạ ơn. Thiên Tứ dâng lên triều đình, chúa cho lệ thuộc vào quản hạt Hà Tiên. Thiên Tứ bèn đặt xứ Rạch Giá (Giả Khê) làm đạo Kiên Giang, xứ Cà Mau làm đạo Long Xuyên, thiết lập quan lại chiêu dân, lập ấp. Do đấy bản đồ Hà Tiên ngày một rộng.” (Đại Nam Liệt Truyện)

Không những chiến thắng quân Chân Lạp, Mạc Thiên Tứ còn phải đối phó với các đạo quân hải tặc và cả với chính những người thân cận của mình cấu kết giặc ngoài làm phản từ bên trong như:

Chém hải tặc tên Đức:

“Đinh Mão, Thế Tông năm thứ 9 (1747), Thiên Tứ sai người cưỡi thuyền Long bài đem phẩm vật cung tiến. Chúa ban khen, cho 4 đạo sắc để phong cho các viên Cai đội, Đội trưởng làm việc ở trấn, lại ban gấm vóc đồ đạc và cho về. Gặp có giặc biển tên là Đức, đến cướp bóc ngoài hải phận Long Xuyên, Thiên Tứ được tin báo liền sai con rể là Cai đội Từ Hữu Dụng đem 10 chiến thuyền, bắt được bốn tên trong bọn phỉ, tên Đức chạy đến Ba Thắc, bị quân Xiêm bắt được, chém đi. Dư đảng đều tan.” (Đại Nam Liệt Truyện)

Giết thủ lĩnh băng đảng nổi loạn nhà Thanh là Hoắc Nhiên:

“Năm Đinh Hợi (1767) mùa xuân, nước Miến Điện đánh nước Xiêm, bắt Phong vương. Con thứ của vương là Chiêu Thúy chạy sang Hà Tiên. Thiên Tứ lại đưa thư cho Văn Khôi kéo quân cứu viện về. Gặp bấy giờ có người Triều Châu nhà Thanh tên là Hoắc Nhiên, họp quân ở đảo Cổ Lộng, ngầm có ý dòm ngó Hà Tiên, Thiên Tứ cho quân lén đi vây bắt. Hoắc Nhiên bị giết chết, dư đảng tan hết.” (Đại Nam Liệt Truyện)

Dẹp nội loạn, giết Trần Thái và Phạm Lam (một cận thần của họ Mạc):

Năm Kỷ Sửu (1769), mùa xuân, lại có người Triều Châu nhà Thanh tên là Trần Thái, họp quân ở núi Bạch Mã, mưu đánh úp Hà Tiên, bí mật liên kết với người họ Mạc là Mạc Sùng, và Mạc Khoan làm nội ứng. Thiên Tứ đặt quân phục bắt Sùng, Khoan, đuổi dẹp bọn ấy ở chùa Hương Sơn. Trần Thái chạy sang Xiêm.

Năm Canh Dần (1770) mùa thu , lĩnh trấn Hà Tiên là Phạm Lam tụ họp những người Vũng Thơm (Hương Úc), Cần Giột (Cần Bột) cùng bọn Vinhly Malu người Chà Và và Ốc Nha Kê người Chân Lạp, gồm có hơn 800 quân, 15 chiếc thuyền, chia đường thủy, bộ, đánh úp Hà Tiên. Thiên Tứ đánh phá được, đâm chết Phạm Lam ở trên sông, bắt được tên Lự và tên Kê đem chém đi.” (Đại Nam Liệt Truyện)

(Còn tiếp...)

Minh Bảo



BÀI CÙNG CHUYÊN ĐỀ

BÀI CHỌN LỌC

Nhà họ Mạc Hà Tiên: Bậc vĩ nhân mở cõi khai hoá văn vật miền Nam (Kỳ 2)