Nhà sáng lập Đạo giáo Trương Đạo Lăng dùng một chiêu trị bệnh, trừ ma

Giúp NTDVN sửa lỗi

Hiện nay trên thế giới tất cả các quốc gia đều đang bận rộn và đặt hy vọng vào việc tiêm chủng. Dường như khi tỷ lệ tiêm chủng tăng lên đồng nghĩa với nền kinh tế có thể khởi sắc và cuộc sống có thể trở lại đúng quỹ đạo. Khoảng 2.000 năm trước, một trận dịch bệnh lớn đã xảy ra ở Tứ Xuyên, Trung Quốc, có người đã giải trừ được bệnh dịch mà không cần một mũi tiêm và một loại thuốc nào. Người này là ai? Bài viết này sẽ giới thiệu tới câu chuyện của một nhân vật nổi tiếng - nhà sáng lập Thiên Sư Đạo, nền tảng cho Đạo giáo sau này.

Xuất thân phi phàm

Vào đêm ngày 15 tháng 1 âm lịch năm 34 sau Công Nguyên, tại núi Thiên Mục, Chiết Giang, một cậu bé cất tiếng khóc chào đời. Cậu bé tên là Trương Đạo Lăng, cháu đời thứ 9 của Trương Lương - một danh tướng thời Tây Hán.

Khi Trương Đạo Lăng ra đời, trên trời đã xuất hiện dị tượng. Hôm ấy, mây vàng bao trùm căn phòng sinh, mây tím tràn ngập đình viện. Mặc dù là ban đêm, nhưng ánh sáng trong phòng rực rỡ giống như nhật nguyệt chiếu rọi.

Ngày Trương Đạo Lăng chào đời, mây vàng bao trùm căn phòng sinh, mây tím tràn ngập đình viện (Ảnh chụp màn hình video)
Ngày Trương Đạo Lăng chào đời, mây vàng bao trùm căn phòng sinh, mây tím tràn ngập đình viện (Ảnh chụp màn hình video)

Theo “Hán Thiên sư thế gia” ghi chép lại, mẹ của Trương Đạo Lăng từng mơ thấy Bắc Đẩu Khôi Tinh trong y phục hoa gấm lộng lẫy hạ phàm, đưa cho bà một cây hương thảo và nói rằng: “Tường vi cũng vậy”. Mẹ ông nhận lấy cây hoa rồi tỉnh giấc mộng, chỉ cảm thấy y phục và căn phòng của mình tràn ngập mùi thơm đặc biệt, cả tháng không hề bay mất. Chẳng bao lâu bà có thai. Đến ngày sinh nở, mẹ ông lại ngửi thấy mùi hương ấy trong giấc mơ, hương thơm cũng lưu lại rất lâu.

Sự ra đời của Trương Đạo Lăng cho thấy lai lịch bất phàm của ông và dường như đã định sẵn ông sẽ có một cuộc đời phi thường ở nơi nhân gian.

Bỏ quan, tu Đạo

Vào năm thứ hai Vĩnh Bình Hán Minh Đế (năm 59), Trương Đạo Lăng bấy giờ 25 tuổi, đã giữ chức quan lệnh Giang Châu, tương đương chức quan lớn Trùng Khánh ngày nay. Tuy nhiên, ngồi trong nha huyện Giang Châu, người thanh niên với tướng mạo hơn người, khí chất phi thường này chỉ biết ngán ngẩm.

Từ khi bảy tuổi đã có thể thông đọc “Đạo Đức Kinh” của Lão tử, sau đó vào thái học viện, tinh thông tất cả thiên văn, địa lý, “Ngũ kinh”; lúc còn trẻ đã có hàng ngàn học trò hâm mộ danh tiếng tới nghe giảng dạy, chốn quan trường này đối với ông giống như một vũng bùn nhỏ nhoi, còn ông thực sự muốn như rồng bay lượn nơi góc bể chân trời. Với người bình thường thì họ khao khát hưởng vinh hoa phú quý, với ông tất cả đều là phù vân.

Trước khi làm quan, Trương Đạo Lăng đã tu luyện các loại công phu như thổ nạp, ông có thể tịch cốc (không ăn) và ngủ rất ít.

Theo “Tiên truyện thập di”, sau khi tổ tiên của Trương Đạo Lăng là Trương Lương được Hoàng Thạch Công truyền cho cuốn “Thái Binh Công Pháp”, ông không chỉ tham ngộ được Đạo ứng biến mà còn ngộ được Đạo thành Tiên, cuối cùng tu luyện thành công. Năm 64 tuổi, Trương Lương “qua đời”, nhưng thực ra ông dùng phương pháp “thi giải” của Đạo gia để “ra đi”, sau đó ông trở thành một đệ tử đắc lực của Thái Thượng Lão Quân, với hiệu là Thái Huyền đồng tử.

Vì vậy, việc tu Đạo của Trương Đạo Lăng có thể nói là kế thừa từ tổ tiên.

Tương truyền rằng việc làm quan đối với Trương Đạo Lăng thực sự là không dễ chịu gì, và bất chấp sự thuyết phục của gia đình, ông đã từ quan và đến sống ẩn cư tu Đạo ở Bắc Mang sơn, Lạc Dương. Rốt cuộc, nghiên cứu kinh điển của Nho gia cả đời không thể đổi lấy được trường sinh bất tử! Đối với ông, không có gì thực tại và ý nghĩa hơn việc tu Đạo.

Sau ba năm tu luyện, một hôm, Trương Đạo Lăng đang thiền định trên núi, đột nhiên cảm thấy có một sinh vật sống thở hổn hển, chạy tới trước mặt. Ông mở mắt ra và nhìn thấy đó là một con mãnh hổ to lớn, trong miệng nó ngậm một viên ngọc bích, mắt nó chăm chú nhìn ông không rời. Chúng ta vốn quen thuộc với hình ảnh Trương Đạo Lăng cưỡi linh vật như hổ, dường như chính là con hổ trắng này.

. Chúng ta vốn quen thuộc với hình ảnh Trương Đạo Lăng cưỡi linh vật như hổ, dường như chính là con hổ trắng này (Ảnh chụp màn hình video)
. Chúng ta vốn quen thuộc với hình ảnh Trương Đạo Lăng cưỡi linh vật như hổ, dường như chính là con hổ trắng này (Ảnh chụp màn hình video)

Trương Đạo Lăng thực sự không hứng thú với chốn quan trường, Sau đó, Hán Chương Đế phong ông làm quan, nhưng ông không đi; Hán Hòa Đế ban cho ông chức Thái phó, tức là làm thầy của hoàng đế, nhưng ông không đi; phong cho ông tước Hầu của huyện Ký, nhưng ông vẫn không đi. Ông nói với sứ giả do hoàng đế phái tới rằng: “Nhân sinh tại thế, bất quá chỉ trăm năm, thời gian trôi đi, nháy mắt cũng là phù du. Ân sâu với phụ mẫu, tình thâm thê thiếp, rồi cũng tới lúc tan biến. Ân sủng vua tôi, ai thấy được dài lâu. Xin hãy chuyển lời tới Thánh thượng, chỉ cần thanh tĩnh quả dục, vô vi mà trị, thiên hạ tự nhiên thái bình, còn cần ta làm gì? Chí của ta ở nơi núi xanh!”.

Sau đó, để tránh ồn ào và hỗn loạn nơi kinh thành, Trương Đạo Lăng dẫn một đệ tử tên là Vương Trường đi cầu Tiên hỏi Đạo.

Luyện đan ở Long Hổ sơn, cải lão hoàn đồng

Một hôm, sư đồ hai người đến một ngọn núi thần tiên - núi Vân Cẩm. Theo truyền thuyết, đây là nơi quần tụ của các bậc Tiên nhân, non xanh nước biếc. Thần núi Vân Cẩm đã nhìn thấy Trương Đạo Lăng, và thả hai con hạc để dẫn họ lên núi, để lại cho ông một cuốn sách quý về bí thuật luyện đan trên một tảng đá.

Trương Đạo Lăng nhận được cuốn sách và biết rằng có Thần tiên hiệp trợ. Ông lập tức làm theo chỉ dẫn trong sách, xây đài luyện chế Thần đan, ngày đêm luyện chế. Ba năm sau, vào một ngày, cuối cùng Thần đan đã luyện thành. Lúc này, trên bầu trời chỉ có một con rồng xanh xuất hiện, một con hổ trắng từ trong đám mây bay ra ngay trên đầu ông và chúc mừng ông.

Lúc đó Trương Đạo Lăng đã hơn 60 tuổi, ông ăn Thần đan, đột nhiên trở thành như 30 tuổi.

Sau này núi Vân Cẩm được đổi tên thành núi Long Hổ và trở thành Thánh địa của Đạo giáo.

Lúc này, cuộc kỳ ngộ của Trương Đạo Lăng mới chỉ là bước khởi đầu. Một ngày nọ, một vị Tiên nhân tự xưng là Triệu Nghệ xuất hiện trước mặt Trương Đạo Lăng và muốn đưa ông tới Tây Tiên Nguyên. Trương Đạo Lăng biết Tiên nhân tới mời, rất có thể mang tới cho mình điều tốt đẹp. Quả nhiên, tại Tây Tiên Nguyên ông đã có được một cuốn sách phép thuật, có thể chỉ huy các vị Thần núi và triệu tập tất cả các linh hồn và Thần hổ.

Trong một lần khác, khi đi du ngoạn đến Trung Nhạc Tung Sơn (tức núi Tung, là Trung Nhạc trong Ngũ Nhạc - 5 ngọn núi lớn), ông đã gặp một sứ giả mặc áo gấm và nói với ông rằng: “Có một cuốn sách quý được giấu trong thạch thất Trung Phong. Nếu có được nó mà tu, thì có thể thăng Thiên!”. Vì vậy, Trương Đạo Lăng đã trai giới 7 ngày, rồi tiến vào trong thạch thất, và quả nhiên tìm thấy Đan kinh Đạo thư. Khi trở về núi Long Hổ, ông vừa luyện đan vừa tinh tấn tu luyện, và đã tu xuất ra thuật phân thân.

Điều đó có nghĩa là ông có thể phân thân đến những nơi khác nhau và làm những việc khác nhau: cùng lúc, có người nhìn thấy ông chèo thuyền trên hồ, có người nhìn thấy ông đọc kinh trong điện đường, hoặc đang bên bàn tiếp khách, hoặc cầm gậy dạo chơi nơi thôn quê... nên mọi người nghĩ rằng ông là người bí ẩn và khó đoán.

Xuôi về phía nam Ba Thục

Khi công phu của Trương Đạo Lăng ngày càng cao thâm, bản sự ngày càng lớn mạnh hơn, và ý muốn giúp đỡ người khác của ông ngày càng mạnh mẽ hơn. Một ngày nọ, ông nói với các đệ tử của mình: “Năm đó, Đại Vũ trị thủy để cứu dân chúng khỏi thảm họa, bây giờ thế đạo đầy hỗn loạn, ta tu được nhiều pháp thuật như thế, mà vẫn không kiến lập chút công đức nào”.

Ông nghe nói ở Tứ Xuyên có rất nhiều ngọn núi nổi tiếng, từ xưa tới nay là nơi tề tựu của các bậc Thần tiên Chân nhân, thêm vào đó người dân ở đó cũng thuần phác, dễ giáo hóa, nên ông đã có ý nghĩ chuyển đến Tứ Xuyên. Thời xưa, Tứ Xuyên được gọi là Ba Thục. Sau đó, ông nghe nói rằng ‘khí độc ở Ba Thục làm hại người dân và người dân bị bệnh dịch làm cho khốn khổ’. Lúc đó Tứ Xuyên đang bị bệnh dịch hoành hành, vì vậy ông quyết tâm đi về phía Nam để đến Ba Thục.

Lúc đó Tứ Xuyên đang bị bệnh dịch hoành hành, vì vậy ông quyết tâm đi về phía Nam để đến Ba Thục (Ảnh chụp màn hình video)
Lúc đó Tứ Xuyên đang bị bệnh dịch hoành hành, vì vậy ông quyết tâm đi về phía Nam để đến Ba Thục (Ảnh chụp màn hình video)

Sau 30 năm tu luyện tại núi Long Hổ, Trương Đạo Lăng, đã gần 90 tuổi, chuyển đến núi Hạc Minh ở Tứ Xuyên. Truyền thuyết nói rằng núi này được cho là do Tiên hạc nghìn năm biến thành, là một trong bốn ngọn núi nổi tiếng ở Kiến Nam thời cổ đại. Tương truyền rằng Quảng Thành Tử, thầy của Hoàng đế, đã từng tu hành trên ngọn núi này.

Ngay sau đó, tại núi Hạc Minh, Trương Đạo Lăng bắt đầu giúp người dân Tứ Xuyên trị bệnh dịch. Ông đã làm gì?

Trị ôn dịch ở Ba Thục

Trương Đạo Lăng bảo những người bị nhiễm bệnh nhớ lại rõ tất cả những việc làm sai lầm họ từng phạm phải trong đời, rồi viết chúng ra giấy, sau đó thả xuống nước, đồng thời thề trước Thần linh sẽ không lặp lại những sai lầm đó và sẽ không làm việc xấu, nếu làm trái lời hứa sẽ phải chịu chết. Người người nghe và làm theo cách này, quả nhiên đều khỏi hết bệnh. Trong dân chúng người truyền người làm theo, rất nhanh sau đó bệnh dịch biến mất.

Chúng ta có thể thắc mắc, dịch bệnh hiện nay rất nghiêm trọng, biện pháp trên liệu có tác dụng không. Nhà Nho học nổi tiếng thời Đông Hán - Hà Hưu nói: “Dân bệnh dịch dã, ác loạn chi khí sở sinh”. Chính là nói rằng ôn dịch là do ác khí quá lớn gây ra. Bệnh dịch bùng phát thông thường là do toàn thể xã hội từ trên xuống dưới đều ở trong trạng thái tà khí nặng, chính khí yếu.

Vì vậy, trong lịch sử, mỗi lần thiên tai nhân họa, các bậc đế vương, minh quân thường hạ chiếu ‘tội kỷ’ để suy xét lỗi lầm bản thân. Khi con người thành tâm sám hối, Thần có thể nhìn thấu rõ. Khi đó, chính Thần đạo hành cao phi thường sẽ tiêu trừ tất cả những tà khí và tà linh ở trên thân thể người bệnh. Biểu hiện ở nơi thế gian, đó là dịch bệnh đột nhiên biến mất, người bệnh khỏe mạnh lại.

Phương pháp trị bệnh của Trương Đạo Lăng chính là ứng dụng đạo lý này. Bằng cách này, Trương Đạo Lăng và đệ tử đã trị khỏi cho vài trăm nghìn bệnh nhân, hơn nữa còn khiến con người càng thêm kính trọng Thần linh, càng thêm trọng đức hành thiện.

Nhiều người tìm tới ông học Đạo. Tại đất Thục, Trương Đạo Lăng đã thu nhận vài ngàn học trò, dẫn dắt họ làm những việc vì cộng đồng như mở đường, dựng cầu, trồng cây cuốc cỏ, dọn dẹp rác… quanh vùng bán kính hàng chục km. Ông không bao giờ dùng cách cưỡng chế, mệnh lệnh với học trò; mà ông dùng lễ nghĩa đạo đức để dẫn dắt quy phạm hành vi của họ; từ đó nâng cao cảnh giới tư tưởng của họ.

Một mặt, Trương Đạo Lăng chăm chỉ tu Đạo, một mặt khác dùng lý của Đạo để cứu trợ và giáo hóa bách tính, đã làm cảm động Thái Thượng Lão Quân. Đích thân Thái Thượng Lão Quân đã hạ thế, giao cho ông một nhiệm vụ quan trọng, để ông thành tựu công đức to lớn hơn.

Thái Thượng Lão Quân đích thân tới

Năm Hán An 142 sau công nguyên, vào nửa đêm ngày 15 tháng 1, Trương Đạo Lăng đột nhiên tỉnh giấc mộng, chỉ thấy trước mặt hoa thơm ngút ngàn, tiên nhạc chấn động bên tai, mây tím bao quanh, trên không trung xuất hiện một chiếc xe do 5 con bạch long kéo, hạ đáp xuống. Trên xe có một vị Tiên nhân ngồi. Đó chính là Thái Thượng Lão Quân dẫn đầu chúng Thần, giáng lâm tới nơi ở của Trương Đạo Lăng. Trương Đạo Lăng lập tức ngồi dậy, quỳ xuống hành lễ. Thái Thượng Lão Quân nói: “Gần đây ở Thục có Lục đại ma vương hại người, ngươi hãy đi hàng phục chúng, công đức vô lượng, được vào cõi Tiên và trở thành Thần Tiên”. Rồi Ngài dạy và trao cho Trương Đạo Lăng pháp khí và kinh thư để trảm yêu trừ ma. Trương Đạo Lăng nhanh chóng bái tạ.

Đó chính là Thái Thượng Lão Quân dẫn đầu chúng Thần, giáng lâm tới nơi ở của Trương Đạo Lăng (Ảnh chụp màn hình video)
Đó chính là Thái Thượng Lão Quân dẫn đầu chúng Thần, giáng lâm tới nơi ở của Trương Đạo Lăng (Ảnh chụp màn hình video)

Sau khi Lão Quân rời đi, ngày ngày Trương Đạo Lăng đọc, nghiên cứu kinh thư, thao luyện pháp khí, công lực ngày một tăng, có thể triệu tập 36.000 Thần binh theo lệnh.

Khi đó trên núi Thanh Thành, nạo quỷ và tiểu quỷ hoành hành rất mạnh, có quỷ thành, quỷ thị, quỷ chúng, phân thành 8 bộ, mỗi loại lại có tên đứng đầu, ngày đêm tới lui làm hại người dân.

Ngày 1 tháng 7 năm 143, năm II thời Hán An, Trương Đạo Lăng lên núi Thanh Thành, bày bố Long Hổ Thần binh, thi triển pháp lực. Khi đó, tướng quỷ dẫn quân nghênh chiến. Trương Đạo Lăng dùng bút đỏ vẽ một nét trên không trung, lũ quỷ lập tức ngã rạp hết. Lũ quỷ phóng hỏa đốt, Trương Đạo Lăng thổi một cái làm lửa quay ngược trở lại. Lục Đại Ma Vương xuất hiện, nhưng cũng không phải là đối thủ, đã bị Trương Đạo Lăng đè dưới tảng đá lớn. Quỷ khóc thảm thiết, cầu xin được tha mạng. Vì thế, Trương Đạo Lăng lệnh cho chúng phải thề dưới tế đàn hoàng đế Thanh Thành sơn: Người ở dương gian, quỷ ở âm giới, không được xâm phạm nhau.

Từ đó trở đi, yêu ma hàng phục, người dân an lạc. Núi Thanh Thành từ núi quỷ biến thành núi Thần. Ngày nay, ở núi Thanh Thành vẫn còn lưu lại những tích cổ như đài quỷ thệ, bia quỷ giới…

Một trong những người sáng lập Đạo giáo

Sau khi dẹp quỷ ở núi Thanh Thành, Trương Đạo Lăng lại cùng đệ tử vân du các nơi, trảm yêu diệt ma, kiến công lập đức, tạo phúc cho người dân đất Thục.
Thái Thượng Lão Quân đã phong cho Trương Đạo Lăng là Thiên Sư, sáng lập Chính Nhất Đạo phái. Chính Nhất ý nghĩa là “chính là trị tà; nhất là thống nhất muôn vạn”.

Trương Thiên Sư tôn Lão Tử là ông tổ Đạo giáo, coi “Đạo Đức Kinh” là kinh điển tối cao, lấy “Đạo” làm tín ngưỡng tối cao, giáo hóa bách tính.

Ảnh vẽ Trương Đạo Lăng cưỡi hổ linh. (Ảnh: wikimedia)
Ảnh vẽ Trương Đạo Lăng cưỡi hổ linh. (Ảnh: wikimedia)

Ngày 9 tháng 9 năm 156, Trương Đạo Lăng lúc đó 123 tuổi, cùng đệ tử Vương Trường, Triệu Thăng và phu nhân tới đỉnh Vân Đài, huyện Thương Khê, tỉnh Tứ Xuyên, uống ‘hoàng đế cửu đỉnh thần đan’ vốn đã luyện thành, bạch nhật phi thăng rời đi.

Chính Nhất đạo phái do Trương Đạo Lăng sáng lập ra được tử tôn thừa kế truyền lại tới đời 63 Thiên sư Trương Ân Bác, qua 1.800 năm, là một phần vô cùng quan trọng trong văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Lão Tử lưu lại tư tưởng của Đạo gia, còn Trương Đạo Lăng sáng lập Thiên Sư Đạo, và là một trong những nhà sáng lập Đạo giáo, có những cống hiến quan trọng trong việc truyền rộng tư tưởng Đạo gia.

Minh An

Theo Wenshidaguanyuan



BÀI CHỌN LỌC

Nhà sáng lập Đạo giáo Trương Đạo Lăng dùng một chiêu trị bệnh, trừ ma