Nhạc giao hưởng Trung Quốc cổ đại: Từ âm nhạc Đông - Tây đến Shen Yun

Giúp NTDVN sửa lỗi

Thuật ngữ “giao hưởng” (symphony) bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp cổ đại, mang ý nghĩa là ‘hợp tấu’, hay ‘sự đồng điệu hòa hợp của âm thanh’. 

Nhạc giao hưởng tiếp thu tinh hoa từ nhạc truyền thống và các thành tựu văn nghệ Phục Hưng ở phương Tây. Trải qua thời kỳ Baroque, chủ nghĩa cổ điển và chủ nghĩa lãng mạn, nhạc giao hưởng dần dần phát triển hoàn thiện, để lại nhiều tác phẩm kinh điển cho âm nhạc Tây phương. Với quy mô hoành tráng, khí thế hào hùng khoáng đạt, các nhạc cụ đa âm cùng cộng hưởng làm nổi bật lên vẻ đẹp của giai điệu chính và sự hài hòa của nhiều giai điệu khác nhau, tạo nên những bản hòa tấu mượt mà lưu loát, hào hùng mãnh liệt, làm rung động lòng người.

Trung Quốc cổ đại có nhạc giao hưởng hay không?

Từ những ca khúc cổ lưu truyền đến ngày nay, dễ thấy Trung Quốc cổ đại gần như không có tác phẩm hòa tấu từ nhiều loại nhạc khí và phối khí đa âm. Nhưng từ rất nhiều bức họa của Trung Quốc cổ đại, có thể nói loại hình thức diễn tấu này đã tồn tại ở Trung Quốc ít nhất từ hơn 1000 năm trước. Ví dụ như, trong bức bích họa Đôn Hoàng từ thời nhà Đường đã khắc họa đầy đủ các nhạc cụ bộ hơi, bộ dây, bộ gõ. Liệu đó có phải là nhạc giao hưởng của Trung Quốc cổ đại không?

Trong âm nhạc truyền thống, những bản nhạc hoành tráng nhất không gì ngoài nhạc cung đình, trong đó, đại khúc yến nhạc thời Đường chính là thành tựu cao nhất của nghệ thuật ca vũ cung đình thời cổ đại. Đại Đường là thời kỳ mà văn hóa nhân loại đạt đến đỉnh cao, thiên hạ đồng hướng, vạn quốc đến chầu. Văn hóa nghệ thuật của thời kỳ ấy bao dung và hàm súc, rộng rãi, khoáng đạt mà không kém phần tinh tế. Nhà Đường kế thừa “Thất bộ nhạc” “Cửu bộ nhạc” của nhà Tùy, sau lại chế định ra “Thập bộ nhạc”. Trong diễn tấu cung đình có “Tọa bộ kỹ”, “Lập bộ kỹ”. Riêng bản “Nghê thường nhất khúc thiên phong thượng” có 180 nghệ nhân diễn tấu với nhiều loại nhạc khí khác nhau, về quy mô có thể nói đã vượt qua dàn nhạc giao hưởng ngày nay.

Những đại khúc yến nhạc như “Tần Vương phá trận nhạc” “Nghê thường vũ y khúc” có danh tiếng vang xa tới tận Nhật Bản, Tây Á và Ấn Độ. Tương truyền, Đường Tăng trên đường sang Tây Trúc thỉnh kinh, từng được một cao tăng Ấn Độ hỏi về bản “Tần Vương phá trận nhạc”. Đáng tiếc là, vì các nguyên nhân lịch sử mà ngày nay chúng ta không còn được thưởng thức những bản cổ âm Hoa Hạ có quy mô hoành tráng ấy nữa.


Một phần bức tranh "Hàn Hi Tái dạ yến đồ" của Cố Hoằng Trung thời Ngũ Đại. (Phạm vi công cộng)

Không chỉ Đường triều, mà vào thời Xuân Thu âm nhạc cũng vô cùng phát triển. Tương truyền, Thiều nhạc có làn điệu ưu nhã, thập mỹ thập toàn, Khổng Tử ở nước Tề nghe nhạc Thiều mà “ba tháng không biết mùi vị thịt”. Nhạc Thiều khi diễn tấu cũng vận dụng các loại nhạc cụ cổ điển như chuông, khánh, huân, địch (sáo), tiêu, bài tiêu, cổ cầm, đàn tranh, mõ, trống, v.v. để tạo ra âm hưởng trong hòa tấu, phù hợp với bát âm trong cổ nhạc là kim, thạch, thổ, cách, ti, mộc, bào, trúc. Đây có thể là những bản giao hưởng lâu đời nhất ở Trung Quốc từng được ghi chép lại, hơn nữa còn ra đời sớm hơn nhạc giao hưởng phương Tây từ một đến hai ngàn năm.

Sự khác biệt giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây

Trong nhạc lý phương Tây, những yếu tố cơ bản của âm nhạc thông thường bao gồm: tiết tấu, giai điệu, hòa thanh và âm sắc. Khái niệm về tiết tấu, giai điệu và âm sắc trong hai nền âm nhạc có nhiều điểm tương đồng, nhưng hòa thanh lại là đặc trưng độc đáo riêng của âm nhạc phương Tây.

Thế nào là hòa thanh? Nếu như ví giai điệu là nốt nhạc chảy hướng ngang tùy theo thời gian, thì hòa thanh lại là sự cộng hưởng tuyệt vời của những nốt nhạc theo hướng dọc có âm độ khác nhau trong cùng một thời điểm.

Lịch sử sớm nhất của hòa thanh đến từ những bài Thánh ca trong giáo đường từ thế kỷ thứ 9. Một số tu sĩ trong các tu viện ở Thụy Sĩ bắt đầu thử nghiệm bằng việc thêm một giai điệu vào bản Bình ca Gregoriano, ca hát chủ yếu ở một phần tư hoặc phần năm trên giai điệu ban đầu. Giai điệu được thêm vào này đã tạo thành một loại tổ hợp phức âm đơn giản, gọi là “Organum”. Các bài Thánh ca được hát theo cách này có nội dung phong phú hơn, thanh âm tròn đầy vui tai hơn.

Nhưng kể từ khi xuất hiện đa thanh bộ, âm nhạc phương Đông và phương Tây phát triển theo những con đường riêng. Trên cơ sở đa thanh bộ, âm nhạc phương Tây dần dần nắm vững lý luận hòa âm, từ chủ điệu và phức điệu cho đến các thủ pháp hòa âm, đối âm, Tẩu pháp và phương pháp phối khí… đều dần dần hoàn thiện.

Một yếu tố vô cùng quan trọng của âm nhạc là âm sắc. Âm sắc ra sao là tùy thuộc vào tính chất của bản thân nhạc cụ. So với nhạc cụ Tây phương, nhạc cụ Trung Quốc thường có âm vực cao, thích hợp với độc tấu hơn là hòa tấu.

Những loại nhạc cụ khác nhau này cũng bắt nguồn từ nhân tố triều đại của văn hóa Trung Hoa. Mỗi triều đại là một đại diện của văn hóa Thần truyền, do đó văn hóa mỗi triều đại cũng có đặc điểm riêng để thể hiện bản thân mình, đều là nhân vật chính “độc tấu”. Điều đó cũng được thể hiện trên nhạc cụ và âm nhạc – từ cổ nhạc thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến chuông và khánh thời Tiên Tần; từ “Thi Kinh” “Sở Từ” thời Tây Chu và Xuân Thu đến nhạc phủ thời Hán; từ ca vũ đại khúc Tùy Đường, âm nhạc đời Tống, hí khúc và tạp kịch triều Nguyên, cho đến thời Minh Thanh thì dân ca, tiểu khúc và thuyết xướng lại phát triển thêm một bước nữa, dần dần sinh ra kinh kịch. Trong mỗi triều đại, hình thức âm nhạc đều khác biệt rất lớn, có lẽ đây cũng là nhân tố khiến âm nhạc và nhạc cụ Trung Quốc không phát triển hệ thống về đa thanh bộ và hòa âm phối khí.

Đương nhiên, từ các chứng cứ khảo cổ người ta đã từng phát hiện dàn chuông “Số bài” có thể hòa thanh diễn tấu, theo đó, có thể âm nhạc của người xưa cũng có hòa thanh vô cùng tinh tế. Có lẽ cội nguồn của cổ nhạc Trung Hoa cũng chú ý đến hòa âm, nhưng vì đặc điểm lịch sử mà các nhạc cụ cổ xưa, ngoại trừ các bộ gõ đệm tấu, thì đều là độc tấu, và gần như không có các nhạc cụ âm trầm để hiệp tấu.

Đặc trưng lớn nhất của giao hưởng là hòa âm phối khí của đa thanh bộ (đặt định cơ sở cho thanh bộ âm trầm), vận dụng hợp âm phong phú. Ví dụ như, sau giai điệu hoành tráng và hào hùng đầy khí thế của hợp âm đa thanh bộ thì đột nhiên vang lên một làn điệu du dương êm ái của bản độc tấu violin, thanh âm ưu mỹ tuyệt đẹp ấy thực sự khiến lòng người rung động.

天使音樂家漢斯 ‧ 梅爾林(Hans Memling)1480 年繪。(公有領域)
Âm nhạc của các Thiên thần - tranh vẽ của Hans Memling, 1480 (Ảnh: Khu vực công cộng)

Nếu thiếu lý luận hòa thanh chuyên sâu, lại không có nhạc cụ âm cao và âm trầm đa thanh bộ, thì rất khó soạn nên những bản nhạc Orchestra với các làn điệu khác nhau của đa thanh bộ. Âm nhạc Trung Quốc cổ đại cũng có hình thức hợp tấu, chủ yếu là phân đoạn các nhạc cụ khác nhau trong lĩnh tấu và độc tấu hợp thành. Loại hợp tấu này đa số là giai điệu giống nhau, sử dụng các nhạc cụ khác nhau cùng âm hưởng. Điều này khác biệt rất lớn so với sự cộng hưởng hài hòa và hòa âm trong giao hưởng, làm nổi bật giai điệu chính hoặc nhiều giai điệu.

Kỳ thực, văn hóa truyền thống là Thần truyền cho con người. Nhạc giao hưởng phương Tây dựa trên âm sắc của các nhạc cụ có thanh bộ khác nhau, hòa thanh phối khí, trên hình thức là vô cùng phong phú thành thục, là một viên ngọc quý về nghệ thuật văn hóa mà Thần đã truyền cho con người.

Trong khi đó, âm nhạc Trung Quốc chú trọng đến giai điệu, nội hàm, vận vị, ý vị sâu xa, để lại một dư vị phong phú. Giống như người ta thường nói: Nếu như phương Tây chú trọng vào biểu hiện bề mặt thì phương Đông chú trọng nội hàm. “Nhất phương thủy thổ, nhất phương nhân”, Trung Quốc lãnh thổ rộng lớn, từ núi cao vực sâu đến bình nguyên bằng phẳng, từ những cao nguyên băng tuyết ngập trời đến vùng biển ấm áp và ẩm thấp, trải qua mấy chục triều đại, hơn 50 dân tộc, khắp đông nam tây bắc, trên đại địa bao la của Hoa Hạ đã vang lên âm thanh của 5000 năm văn minh. Cổ nhạc Trung Hoa có từ bi và nhân ái mang âm hưởng Phật giáo, có nét bàng bạc tiên phong đạo cốt của những người tu Đạo, có giai điệu ưu nhã tuất dật của các văn nhân, nho sĩ, có sự hồng đại của nhạc cung đình, lại có đầy đủ vận vị của âm nhạc dân gian với suối nguồn sáng tác phong phú.

Đặc điểm của âm nhạc Shen Yun

Vậy thì, Trung Quốc cổ đại có nhạc giao hưởng hay không? Nếu nói Trung Quốc cổ đại không có nhạc giao hưởng dựa trên nguyên lý hòa thanh thì có thể sẽ khiến người nghe thấy tiếc nuối, ngậm ngùi…

Nhưng kể từ buổi ra mắt tại phòng hòa nhạc Carnegie Hall ở New York năm 2012, âm nhạc Shen Yun đã trở nên nổi tiếng, nhận được sự hưởng ứng của người yêu nhạc cổ điển Tây phương, điều ấy đã bù đắp cho sự tiếc nuối này.

2019年10月12日,享譽全球的神韻交響樂團連續第8年蒞臨紐約卡內基音樂 廳(Carnegie Hall),為觀眾帶來兩場東西方音樂合璧的演出。(大紀元資料室)
Ngày 12/10/2019, đoàn nhạc giao hưởng Shen Yun danh tiếng toàn cầu đến phòng hòa nhạc Carnegie Hall ở New York năm thứ 8 liên tiếp, mang đến cho khán thính giả buổi diễn xuất âm nhạc kết hợp âm nhạc phương Đông và phương Tây. (Phòng dữ liệu của Epoch Times)

Âm nhạc Shen Yun kết hợp những nét tinh túy của âm nhạc chính thống cả phương Đông lẫn phương Tây. Shen Yun lấy hiệu quả hòa tấu của nhạc cụ bộ hơi, dây, gõ của Tây phương làm cơ sở để làm nổi bật nét đặc sắc của nhạc cụ Trung Hoa, lấy vận vị và giai điệu của cổ nhạc Trung Hoa làm cơ sở, dùng nhạc hòa tấu của phương Tây để biểu hiện hiệu quả mà Shen Yun mong muốn truyền tải. Đây là sáng tạo mới, là nét độc đáo và đặc trưng của âm nhạc Shen Yun.

Nếu như âm nhạc Trung Quốc chú trọng vào biểu hiện tình cảm bên trong, thì âm nhạc Tây phương chú trọng vào hiệu quả hợp tấu của chỉnh thể. Muốn đạt đến điểm này thì phối khí và hòa thanh là điều quan trọng nhất. Âm nhạc Shen Yun kết hợp đặc điểm của cả hai, vừa lấy nền tảng là dàn nhạc giao hưởng phương Tây, lại đồng thời kết hợp nhạc cụ Trung Hoa để đáp ứng thói quen nghe nhạc của người hiện đại.

Một nhà soạn nhạc Tây phương từng cảm khái thốt lên rằng: Các nhà soạn nhạc Shen Yun đã xuyên suốt cổ kim khiến người nay chấn động.

Âm nhạc Shen Yun là văn hóa Thần truyền, là Thiên âm Thánh nhạc, đã khai sáng ra tân kỷ nguyên của âm nhạc cổ điển.

Bản gốc đăng trên Shen Yun Performing Arts, bản quyền thuộc về Shen Yun Performing Arts.

Minh Hạnh
Theo Epochtimes



BÀI CHỌN LỌC

Nhạc giao hưởng Trung Quốc cổ đại: Từ âm nhạc Đông - Tây đến Shen Yun