Nhạc Phi có tiên đoán chính xác rằng mình sẽ bị giết không?

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhắc đến Nhạc Phi nổi tiếng triều đại Nam Tống, hẳn mọi người sẽ không bao giờ quên nỗi oan lớn mà ông phải gánh chịu. Tuy nhiên, tương truyền rằng trước khi Nhạc Phi gặp nạn, có một thiền sư Đạo Duyệt đã tiên đoán về tương lai bi thảm của danh tướng yêu nước này.

Chuyện kể rằng vào thời Thiệu Hưng của nhà Nam Tống, khi Nhạc Phi dẫn quân đánh Kim giành được thắng lợi vẻ vang, Tống Cao Tông đã nghe theo lời sàm tấu của viên quan phản bội Tần Cối, lo lắng rằng Nhạc Phi sẽ cứu hoàng đế khiến mình mất ngai vàng. Vì vậy, Tống Cao Tông quyết định bảo vệ quyền lực của mình, lần lượt phát đi 12 lệnh kim bài triệu hồi Nhạc Phi.

Nhạc Phi nhất tâm đánh bại kẻ thù, không cam tâm quay về như vậy nhưng không dám kháng lệnh, đành phải trở về kinh thành. Khi Nhạc Phi đi qua Trấn Giang, ông dừng thuyền lên bờ và đến chùa Kim Sơn thăm Trụ trì Đạo Duyệt, nhờ ông ấy giúp giải thích giấc mơ của mình.

Nhạc Phi nói với Đạo Duyệt rằng: “Đêm qua ta nằm mộng thấy hai con chó (狗 ) ôm nhau, không biết giấc mơ này có ý nghĩa gì.”

Trụ trì Đạo Duyệt rất ngạc nhiên khi nghe điều này: Vì thêm chữ ‘ngôn’ (言) vào giữa chữ chó, thì chính là chữ ‘tù’ (獄)!

Trụ trì Đạo Duyệt là một cao tăng đắc Đạo, có túc mệnh thông (nhìn biết được tương lai và quá khứ), ông biết Nhạc Phi sắp gặp họa, nhưng ông chỉ có thể thuyết phục Nhạc Phi đừng quay lại, tuy nhiên Nhạc Phi rất trung thành và không dám kháng lệnh vua.

Trụ trì Đạo Duyệt biết Nhạc Phi sắp gặp họa, nhưng ông chỉ có thể thuyết phục Nhạc Phi đừng quay lại, tuy nhiên Nhạc Phi rất trung thành và không dám kháng lệnh vua. (Ảnh: Tổng hợp)

Đạo Duyệt không còn cách nào khác, đành phải viết một bài thơ để nhắc nhở Nhạc Phi. Thơ rằng:

Phong ba đình hạ lãng thao thao

Thiên vạn lưu tâm bả đà lao

Cẩn phòng đồng chu nhân ý đãi

Tương thân thôi phiên tại ba đào

Tạm dịch:

Dưới đình Phong Ba sóng cuộn trào
Nắm chắc tay chèo chớ lãng xao
Phòng người cùng thuyền tâm bất hảo
Đẩy mình vùi xác dưới ba đào

Khi chia tay, ông cũng tặng Nhạc Phi bốn câu kệ:

Tuế để bất túc

Cẩn phòng thiên khốc

Phụng hạ lưỡng điểm

Tương nhân hại độc

Tạm dịch:

Cuối năm không đủ
Phòng khi trời khóc
Dưới “Phụng” hai chấm
Có người hạ độc

Nhạc Phi cảm thấy khó lý giải. Khi trở về kinh thành Lâm An, kết quả bị hạ độc thủ và giáng ngục. Lúc này Nhạc Phi mới minh bạch hàm nghĩa của câu kệ. Năm đó tháng 12 chỉ có 29 ngày, đêm hôm ấy đột nhiên có mưa, Nhạc Phi nghe tiếng mưa rơi, biết trước đại họa sắp đến, đúng như câu kệ của Đạo Duyệt: “Cuối năm không đủ, Phòng khi trời khóc”. Và “Dưới ‘Phụng’ (奉) hai chấm” chính là chữ ‘Tần’ (秦), ám chỉ Tần Cối “Có người hạ độc”.

Không lâu sau, quả đúng Nhạc Phi đã bị Tần Cối hãm hại với tội danh “không cần có”. Giai thoại rằng: Nguyên soái Hàn Thế Trung chất vấn Tần Cối: xử tội Nhạc Phi, thế bằng chứng đâu? Tần Cối trả lời: Không có, cũng không cần có.

Ba chữ “không cần có” (莫须有: mạc tu hữu) từ đó gắn liền với tên Nhạc Phi và đi vào tiếng Trung để chỉ những lời buộc tội ngụy tạo.

Sau đó, Tần Cối nghe được lời tiên tri của pháp sư Đạo Duyệt, và muốn giết người diệt khẩu, liền phái Hà Lập và những người khác đi điều tra pháp sư Đạo Duyệt xem thực hư thế nào.

Khi Hà Lập tìm đến Trấn Giang và lên chùa Kim Sơn, pháp sư Đạo Duyệt đã tọa hóa viên tịch, để lại bốn câu kệ:

Hà Lập từ Nam đến,

Ta đã về Tây phương;

Không phải Pháp lực lớn

Đã rơi vào tay người

Vì vậy, Hà Lập không bắt được người, nhưng ông ấy kinh ngạc trước pháp lực thâm sâu mà pháp sư tiên đoán rằng ông sẽ đến bắt người, người ta nói từ đó Hà Lập đã biết kính sợ Thần Phật.

Khi Hà Lập trở về bẩm báo lại sự thật, Tần Cối nghe xong sự việc kỳ lạ này thì cử người đến san bằng chùa Kim Sơn ở dãy núi Thất Phong Lĩnh, sau đó xây dựng Thất Phong đình.

Giai thoại về Nhạc Phi và Pháp sư Đạo Duyệt vẫn tiếp tục được lan truyền.

Cao Nguyên

Theo Secretchina



BÀI CHỌN LỌC

Nhạc Phi có tiên đoán chính xác rằng mình sẽ bị giết không?