Nhân chứng của cuộc thỉnh nguyện lịch sử 1999

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nỗi sợ hãi về sự quấy nhiễu và bắt bớ của cảnh sát vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí của cô gái 23 tuổi - Zhang Minghui - kể từ khi cô mới một tuổi. Đó là khi các sĩ quan cảnh sát Trung Quốc đánh cha cô bằng tấm ván gỗ cho đến khi bàn chân của ông sưng lên và chuyển sang màu tím sẫm, rồi đốt cháy cánh tay của ông bằng bật lửa.

Trước khi cô lên 2 tuổi, cảnh sát đã nhốt cô và ông của cô tại một cơ sở giam giữ không chính thức trong một tuần. Không có thức ăn hay nước uống, họ sống bằng bất cứ thứ gì có được từ những người bạn tốt bụng của ông cô lén lút mang đến.

Việc giam giữ trong căn phòng tối chỉ có hai ô cửa sổ nhỏ ấy đã tạo nên một phần ký ức vụn vỡ trong tuổi thơ cô. Khi còn nhỏ, cô đã tự hỏi phải chăng tất cả chỉ là một giấc mơ xấu.

Vào năm 2019, ba tháng sau khi cô rời khỏi Trung Quốc đến Mỹ, cảnh sát một lần nữa bắt giữ cha cô và sau đó kết án ông ấy 4 năm tù. Gia đình 11 thành viên của Zhang, giống như hàng triệu hộ gia đình Trung Quốc, bị chính quyền nhắm mục tiêu chỉ vì tín ngưỡng môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công và cố gắng sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Zhang Minghui khi mới 5 tuổi vào năm 2003. (Ảnh được phép của Zhang Minghui)

Cô Zhang là một trong số 2.000 học viên Pháp Luân Công đã tham gia cuộc diễu hành ở khu phố Flushing, New York vào ngày 23/4, đánh dấu 23 năm kể từ cuộc thỉnh nguyện lịch sử của các học viên Pháp Luân Công ở Bắc Kinh vào ngày 25/4/1999.

Đó là cuộc thỉnh nguyện ôn hòa lớn nhất ở Trung Quốc hiện đại sau cuộc biểu tình của sinh viên năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn. Và giống như những gì đã xảy ra vào năm 1989, nó sẽ diễn ra trước một cuộc đàn áp dữ dội dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một chế độ ‘không được phép bất đồng chính kiến’.

Thù địch

Pháp Luân Công cực kỳ phổ biến ở Trung Quốc vào những năm 1990. Bằng cách truyền miệng, đã thu hút từ 70 triệu đến 100 triệu người tập luyện vì những lợi ích sức khỏe và giáo huấn đạo đức của môn tu luyện này mang lại. Cha mẹ của Zhang đã gặp nhau tại một sự kiện Pháp Luân Công trong thời gian này, và sau đó kết hôn. Các quan chức Trung Quốc trong nhiều năm đã công khai tán dương những lợi ích sức khỏe của pháp môn này.

Đó là những năm mà Zhang chưa bao giờ có cơ hội trải qua, trước khi chế độ vô thần đột ngột chuyển hướng nhắm vào Pháp Luân Công.

Vào tháng 4/1999, trong lần đầu tiên có hành động thù địch công khai đối với nhóm tín ngưỡng, các quan chức ở thành phố Thiên Tân, miền Bắc Trung Quốc đã triển khai cảnh sát đánh đập và bắt bớ hàng chục học viên.

Các nhà chức trách của thành phố nói với các học viên rằng họ phải kiến nghị với các quan chức ở Bắc Kinh để trả tự do cho những người bị giam giữ. Khi tin tức được lan truyền, hơn 10.000 học viên từ khắp nơi trên đất nước cuối cùng đã đến Bắc Kinh.

Trong khi Zhang còn là một đứa trẻ sơ sinh vào thời điểm đó, những người khác tại các sự kiện tưởng nhớ ở Flushing và những nơi khác đã đủ trưởng thành để hồi tưởng về buổi thỉnh nguyện năm ấy. Bà Fan Minghua, 62 tuổi sống ở Virginia, là một trong số đó.

Đứng lên ủng hộ điều đúng

Năm 1999, Fan 30 tuổi, là một người buôn bán đến từ Thiên Tân. Không ngờ sự tham gia trong cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25/4 đã gây sốc cho bà những năm sau đó.

Ở thành phố Yangcun, quê hương của bà, Fan được biết đến là một người “thông minh”. Bà đã bán mọi thứ từ quần áo, cá cho đến than đá, và kiếm tiền từ việc lừa dối những người hàng xóm của mình. Bà nói dối về chiều dài của chiếc quần mà bà bán, điều chỉnh cân để làm cho sản phẩm trông nặng hơn, và pha loãng dầu mè, một loại chủ yếu trong nấu ăn ở Trung Quốc, với dầu thực vật rẻ hơn để kiếm lợi từ khoản chênh lệch.

“Tôi không nghĩ gì về đạo đức vào thời điểm đó. Tiền là vua”, bà Fan nói với The Epoch Times trong một sự kiện tưởng nhớ ở Washington vào ngày 23/4.

Bà ấy nói khi đọc các cuốn sách của Pháp Luân Công vào năm 1997, đã mang đến một sự “thay đổi cả ngày lẫn đêm” trong suy nghĩ của bà. Bà đã dừng tất cả những toan tính vô đạo đức của mình sau khi biết được ý nghĩa của việc thực sự là một người tốt. Đôi khi, bà còn tặng miễn phí sản phẩm cho những khách hàng đang gặp khó khăn về tài chính.

Ngày 23/4/2022, học viên Pháp Luân Công, bà Fan Minghua tham gia cuộc diễu hành ở Flushing, N.Y., kỷ niệm 23 năm ngày thỉnh nguyện ôn hòa 25/4 tại Bắc Kinh. (Ảnh: Lynn Lin/ The Epoch Times)

Vào 23 năm trước, khi đứng trên phố Phủ Hữu gần khu Trung Nam Hải - trụ sở chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh - bà Fan cảm thấy vô cùng tự hào vì có thể đứng lên cho những giá trị mà mình tin tưởng.

Bà Li Huilai sống ở Bắc Kinh, lớn hơn bà Fan vài tuổi, đã chia sẻ cảm xúc của mình, bà đã âm thầm rời khỏi nhà vào sáng sớm hôm đó trong khi chồng và con trai vẫn đang ngủ. Giống như bà Fan, Li cũng muốn đứng lên vì chính nghĩa.

“Nếu họ có thể bắt giữ những người ở Thiên Tân hôm nay, thì họ cũng có thể làm như vậy với chúng tôi vào ngày mai”, bà Li nhớ lại và nói với The Epoch Times trong cuộc diễu hành ở Flushing. Bà hiện 66 tuổi và là một cư dân thành phố New York.

Thỉnh nguyện ôn hòa

Trên con phố rợp bóng cây, các học viên lặng lẽ xếp thành hàng kéo dài hơn 1 km, một số ngồi đả tọa hoặc đọc sách Pháp Luân Công mà họ mang theo. Những người khác, như bà Fan, nhặt chai nhựa và các loại rác khác trên mặt đất. Nhiều người kể lại khi nhìn thấy những chiếc xe hơi chầm chậm đi qua con phố, với những người bên trong đang quay phim cuộc thỉnh nguyện.

Bà Fan nhớ lại các học viên đứng trên vỉa hè và nhường một khoảng trống rộng rãi cho người đi bộ qua lại. Sự yên tĩnh của các học viên Pháp Luân Công trái ngược hoàn toàn với những chiếc xe cảnh sát chạy ầm ầm trên đường phố. Theo bà Fan, không một học viên nào gây ồn ào hoặc có hành vi mất trật tự.

“Thật tuyệt vời”, bà Fan nói.

Các học viên Pháp Luân Công lặng lẽ thỉnh nguyện ôn hòa ở Trung Nam Hải vào ngày 25/4/1999. (Ảnh: Minghui.org)

Đến tối, tất cả những người đến thỉnh nguyện đã rời đi sau khi biết rằng các học viên bị giam giữ ở Thiên Tân đã được thả và được đảm bảo quyền tự do tu luyện.

“Thông thường, trong các sự kiện được tổ chức tại Quảng trường Thiên An Môn cách đó vài dãy nhà, nhiều công nhân vệ sinh sẽ được trưng dụng để dọn dẹp hàng tấn rác tại địa điểm”, bà Li nói.

“Nhưng sau một ngày biểu tình của 10.000 người học viên Pháp Luân Công, ngay cả tàn thuốc là của cảnh sát vứt trên mặt đất cũng không thấy”, bà nói thêm.

Đi ngang qua một cảnh sát đang ghi hình, bà Li nói với anh ấy rằng: “Các anh xem, kiếm đâu ra những người tốt như thế này?”

Nhà nước khủng bố

Sự đảm bảo của chính quyền Bắc Kinh đối với các học viên thỉnh nguyện hóa ra chỉ là sự bình yên trước cơn giông.

Vào ngày 20/7 cùng năm, một cuộc đàn áp đẫm máu đã xảy ra, làm dấy lên nỗi kinh hoàng trên khắp Trung Quốc. Một vài tháng sau, bà Li bị sa thải khỏi công ty vì đến Bắc Kinh thỉnh nguyện phản đối cuộc đàn áp; chồng bà sợ hãi trước sự trả đũa của nhà nước đến mức đã tuyên bố ý định ly hôn với bà trên một tờ báo địa phương, mặc dù sau đó ông ấy đã rút đơn ly hôn.

Bà Fan lúc đó là người tình nguyện tổ chức điểm luyện công Pháp Luân Công trong khu vực của mình, ngay từ đầu đã nhận thấy mình là mục tiêu chính của cuộc bức hại.

Vào rạng sáng ngày 20/7, cảnh sát leo qua bức tường xung quanh nhà bà và bắt bà. Tại trung tâm giam giữ, cảnh sát ép buộc bà xem các video tuyên truyền và ký vào văn bản từ bỏ đức tin của mình.

Nhiều thập kỷ trước, bà Fan đã từng bị chấn động khi chứng kiến cảnh lục soát nhà lúc bà vẫn còn là một đứa trẻ trong cuộc Cách mạng Văn hóa đầy biến động, khi ấy Hồng vệ binh cộng sản - những người trẻ nhiệt thành thực thi một cách thô bạo các học thuyết cấp tiến của Mao Trạch Đông - tịch thu các vật giá trị của gia đình bà, kể cả cửa. Bị tổn thương bởi những trải nghiệm khủng bố do nhà nước bảo trợ như vậy, bà Fan cuối cùng đã đầu hàng cảnh sát.

Bà ấy không bao giờ quên khoảnh khắc bà bị cưỡng chế từ bỏ đức tin của mình, bà nói: "Cảm giác như toàn bộ cơ thể của tôi bị tê liệt."

Sự mất mát của một gia đình

Cô bé Zhang đã lớn lên dưới bầu không khí như vậy,

Zhang Minghui và mẹ cô, trong khi cha cô đang bị giam giữ ở tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, vào năm 2000. (Ảnh: Zhang Minghui)

Mười trong số 11 thành viên của gia đình Zhang tu luyện Pháp Luân Công; họ đã không còn đếm được các vụ bắt giữ, đột nhập vào nhà và các vụ việc bị cảnh sát quấy nhiễu mà gia đình đã phải chịu đựng trong hơn 20 năm qua.

Ngay vào ngày chiến dịch bức hại bắt đầu, bà Wang Zhen của Zhang đã bị cảnh sát bắt đi trong một chiếc xe tải ở Duy Phường, thuộc trung tâm tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, và bị giam giữ trong khoảng 2 tuần.

Bà Wang Zhen đả tọa ở Tế Nam, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, trong một bức ảnh không ghi ngày tháng. (Ảnh: Zhang Minghui)

Cùng ngày, cha của Zhang đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Ông ấy đã bị cảnh sát đánh đập dã man, họ đấm, đá và dùng gậy gỗ và ván để hành hung ông. Theo thông tin năm 2017 do vợ ông ấy gửi cho Minghui, một trụ sở ở Mỹ, nơi thu thập thông tin đầu tiên về cuộc đàn áp từ Trung Quốc, rằng các vụ đánh đập khiến ông ấy đổ máu, với những vết phồng rộp trên đầu và bầm tím khắp người.

Trong khi bị giam giữ, chân của cha cô bị sưng tấy đến mức ông không thể xỏ chân vào giày. Các vết phồng rộp xuất hiện trên cánh tay của ông sau khi bị cảnh sát đốt bằng một chiếc bật lửa. Phải hơn 2 tháng sau mới lành lặn.

Học viên Pháp Luân Công, Zhang Zhao trong một bức ảnh không ghi ngày tháng, người đã bị kết án bốn năm tù vào năm 2019. (Ảnh: Zhang Minghui)

Trong buổi sum họp gia đình vào Tết Nguyên đán 2000, cha mẹ và ông bà của Zhang đã phải chịu một đợt bắt bớ khác, một trong những vụ bắt bớ phi pháp xảy ra trong suốt 20 năm. Vì vậy, Zhang chủ yếu được dì chăm sóc.

Tháng đó bị tra tấn dã man đã khiến cha của Zhang giảm một nửa số cân - từ hơn 90kg xuống còn khoảng 45kg. Ông bị kết án 3 năm tù ngay sau đó. Cả hai người bà của Zhang cũng nhận bản án 3 năm tù.

Cuộc bức hại kéo dài đã khiến họ Zhang từ một gia đình khá giả trở thành một gia đình phải vật lộn để kiếm sống. Mỗi lần cảnh sát đến quấy nhiễu họ đã cố lấy đi tất cả tiền mặt và tài sản, bao gồm hai chiếc xe trị giá 50.000 nhân dân tệ (7.622 USD), gấp 4 lần thu nhập hàng năm của người dân Sơn Đông vào thời điểm đó.

Ngày 23/4/2022, các học viên Pháp Luân Công tham gia một cuộc diễu hành ở Flushing, N.Y., kỷ niệm 23 năm ngày thỉnh nguyện ôn hòa 25/4 tại Bắc Kinh. (Ảnh: Chung I Ho/ The Epoch Times)

Kiên trì

Trước khi Zhang đến Mỹ, cô đã hy vọng được đoàn tụ với gia đình và bắt đầu lấy bằng đại học mỹ thuật; tuy nhiên, việc bắt giữ và bỏ tù cha cô vào năm 2019 đã cản trở.

“Chúng tôi không cần sống một cuộc sống xa hoa, nhưng ngay cả sống một cuộc sống cơ bản nhất bây giờ cũng khó”, cô nói với The Epoch Times.

Các nhà chức trách đã không cho phép gia đình đến thăm nhà tù kể từ khi COVID-19 bùng phát. Từ giữa tháng 12, người thân đã không thể gọi bất kỳ cuộc điện thoại video nào với cha của Zhang và họ biết rất ít thông tin về tình trạng của ông.

Mặc dù được an toàn và tự do ở Mỹ, nhưng Zhang vẫn lo lắng cho gia đình ở Trung Quốc. Cô nói, áp lực tâm lý hầu như "không khác gì ở trong tù."

Nhưng khi nhìn lại những gì đã qua, Zhang tin rằng 22 năm kiên trì của gia đình cô là xứng đáng.

“Tôi sẽ không được sinh ra nếu không phải vì Đại Pháp”, cô nói, khi đề cập đến một tên khác của môn tu luyện - Pháp Luân Đại Pháp.

Câu hỏi liệu có nên kiên trì với đức tin của họ hay không là câu hỏi mà nhiều học viên ở Trung Quốc phải đối mặt.

Bà Li với dáng vẻ hơi khập khiễng do ngã từ tầng 4 của một tòa nhà khi chạy trốn khỏi cảnh sát. Bà từng bị đồng nghiệp cũ, cán bộ ủy ban khu phố, người thẩm vấn và các lãnh đạo trong công ty của bà liên tục quấy nhiễu yêu cầu bà ký giấy từ bỏ đức tin.

Ngày 23/4/2022, học viên Pháp Luân Công, bà Li Huilai tham gia cuộc diễu hành ở Flushing, N.Y., kỷ niệm 23 năm ngày thỉnh nguyện ôn hòa 25/4 tại Bắc Kinh. (Ảnh: Chung I Ho/ The Epoch Times)

Bà Li kể, họ đã nói với bà rằng: "Bà có thể có mọi thứ, tiền lương, công việc - sẽ không có gì bị ảnh hưởng nếu bà chỉ luyện tập bí mật ở nhà."

Mặc dù đề xuất này đôi khi có vẻ cám dỗ đối với bà Li, nhưng bà vẫn kiên quyết giữ vững đức tin của mình. Ngay cả khi bà bị giam giữ vì đức tin, một ý nghĩ vẫn đau đáu trong tâm bà: “Ai đó phải đứng lên vì công lý”.

Terri Wu đã đóng góp vào bài báo này.

Cao Nguyên

Theo Eva Fu - The Epoch Times



BÀI CHỌN LỌC

Nhân chứng của cuộc thỉnh nguyện lịch sử 1999