Những bậc trị dân có công trong thời kỳ Bắc thuộc (P.2): Sĩ Nhiếp - giữ vẹn bờ cõi, xây nền văn hiến

Giúp NTDVN sửa lỗi

Từ năm 206, do nhà Đông Hán chia năm xẻ bảy, vùng Giao Châu do Sĩ Nhiếp đứng đầu tồn tại như một quốc gia tự trị cho đến năm 210. Trong khi thiên hạ đại loạn, Sĩ Nhiếp khôn ngoan giữ cho Giao Chỉ thịnh trị

Tựa: Thời Bắc thuộc thường được coi là thời kỳ đau khổ của dân Nam do chính sách cai trị hà khắc của các quan lại người Hán. Những kẻ cai trị tham tàn như Tô Định, Tôn Tư, Tiêu Tư… là những nhân vật rất quen thuộc trong quan niệm lịch sử của người Việt. Tuy nhiên, không phải luôn luôn như vậy, vẫn có những giai đoạn nước Nam xuất hiện cảnh thái bình, ổn định và tương đối độc lập nhờ công lao của những bậc trị dân có tài, có đức. Trong thời đại rộng mở về thông tin ngày nay, chúng ta có thêm nguồn sử liệu của cả hai bên, ngõ hầu ngày càng tiến tới một góc nhìn sát thực hơn về lịch sử và nhân vật của thời đại này, do vậy trong loạt bài này tác giả mạnh dạn chia sẻ những thông tin ấy cùng với một vài thiển bàn để mong cùng độc giả rộng đường bàn luận.

Thân thế của Sĩ Nhiếp

Sĩ Nhiếp (còn dịch là Sĩ Tiếp) tự là Uy Ngạn (威彥), người quận Thương Ngô huyện Quảng Tín, có tổ tiên là người Vấn Dương nước Lỗ. Khi Vương Mãng cướp ngôi Nhà Hán, tổ tiên Sĩ Nhiếp mới tránh loạn sang tỵ nạn Giao Châu, tới Nhiếp là sáu đời, nên ông cũng gần như là một người ở địa phương vậy.

Cha của ông tên là Sĩ Tứ (士賜), làm thái thú quận Nhật Nam (từ Quảng Bình đến Bình Định ngày nay). Vào thời Hán Hoàn Đế, Sĩ Nhiếp được cha cho kinh sư (Lạc Dương) du học. Sĩ Nhiếp đỗ hiếu liêm, được bổ Thượng thư lang, vì việc công bị miễn chức, rồi về chịu tang cha. Sau lại đỗ Mậu tài, được bổ làm Huyện lệnh Vu Dương rồi làm Thái thú ở quận Giao Chỉ, được tước Long Độ Đình Hầu, trị sở ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh ngày nay).

Võ lược - mưu cơ vỗ yên châu quận

Năm 187 (Đinh Mão), Thứ sử Chu Phù của Giao Châu bị quân khởi nghĩa giết, châu quận rối loạn. Sĩ Nhiếp có ba em trai tên là Nhất (壹), Vĩ (䵋) và Vũ (武), bèn dâng biểu cho Nhà Hán cử Nhất làm Thái thú Hợp Phố, Vũ làm Thái thú Nam Hải. Sử cũ đều ca tụng Sĩ Nhiếp là vị quan tốt, rất có uy tín trong dân chúng.

Cần biết rằng Thứ sử là chức quan cai quản một châu, gồm nhiều quận. Lúc này Giao Châu gồm 7 quận, trong đó có quận Giao Chỉ mà Sĩ Nhiếp làm Thái thú. Sĩ Nhiếp đưa các em trai tài năng của mình vào làm Thái thú của 3 quận của Giao Châu, nhờ đó dẹp yên mầm mống loạn lạc.

Sĩ Nhiếp, cũng giống Triệu Đà ở chỗ có cái nhạy cảm của kẻ sĩ đầy viễn kiến chính trị. Trong khi Triệu Đà tách khỏi nhà Tần, trú đóng ở mảnh đất Nam Việt có cái địa thế kín đáo nằm sau dãy Ngũ Lĩnh, để tránh họa binh đao của Trung Nguyên khi Hán - Sở tranh hùng… thì Sĩ Nhiếp rất quyết đoán sau cái chết của Chu Phù, nhanh chóng sắp xếp nhân sự trấn giữ các địa phương trọng yếu, không để ngọn lửa chiến tranh Ngụy - Thục - Ngô ở Trung Nguyên lan đến Giao Châu.

Văn tài - mỹ đức giáo hóa nhân dân

Sĩ Nhiếp nguyên quán ở nước Lỗ, cùng quê với đức Khổng Tử, học vấn uyên bác, tự tay chú giải kinh Xuân Thu. Tài học của Sĩ Nhiếp được một viên quan nhà Hán tên là Viên Huy (lúc đó đang ở Giao Châu) mô tả trong lá thư ông ta gửi về cho Thượng thư lệnh Tuân Úc như sau:

“Ở Giao Chỉ có Sĩ phủ quân là người học vấn uyên bác, lại thấu hiểu việc chính trị, ở giữa thời loạn, giữ toàn vẹn một quận, hơn hai mươi năm bờ cõi được vô sự, dân không mất nghiệp, bọn khách trọ ở đó, đều được nhờ mông ân che chở, dẫu như Đậu Dung gánh vác việc ở Hà Tây, sao hơn được đây? Lúc hết việc quan, Tiếp thường nghiền ngẫm sách truyện, các sai lầm ở Xuân thu Tả thị truyện được Tiếp sửa lại mạch lạc chu đáo, tôi mấy lần hỏi về những điều còn ngờ vực trong truyện, đều nhận được các lời lý giải của bậc thầy, ý tứ rất sâu xa. Tiếp lại còn đọc hết các sách kim cổ, hiểu đầy đủ và tường tận được đại nghĩa. Nghe nói những người có học xưa nay ở kinh sư, lẽ phải trái không tranh giành, nay muốn giải nghĩa các điều lý ở sách Tả thị-Thượng thư để dâng lên chúa thượng”. (1)

Sử cũ đều chép đại ý rằng Sĩ Nhiếp tính độ lượng, khoan hòa mà lại nồng hậu, nhún nhường trân trọng kẻ sĩ, bởi vậy lúc đó kẻ sĩ chạy loạn ở Trung Nguyên đến nương tựa ông có đến mấy trăm người.

Giai đoạn Sĩ Nhiếp cai trị đã xuất hiện những người Việt đầu tiên phục vụ trong bộ máy quan lại của Trung Quốc, quan văn có Lý Tiến làm thứ sử; quan võ có Lý Cầm làm túc vệ của Hán triều.

Sử gia Ngô Sĩ Liên, trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, viết: "Nước ta thông thi thư, học lễ nhạc, làm một nước văn hiến, là bắt đầu từ Sĩ Vương, công đức ấy không những chỉ ở đương thời mà còn truyền mãi đời sau, há chẳng lớn sao?...” Trước thời Sĩ Nhiếp, nước ta đã có người học hành đỗ Hiếu liêm, Mậu tài. Tuy nhiên, phải đến khi Sĩ Nhiếp làm Thái thú Giao Chỉ rồi Thứ sử Giao Châu, gần như một vị Vương xứ tự trị, lại có tài văn học, mới có điều kiện mở mang sự học cho người trong xứ.

Sử gia lớn thời Trần, Lê Văn Hưu nhận xét: "Sĩ Vương biết lấy khoan hậu khiêm tốn để kính trọng kẻ sĩ, được người thân yêu mà đạt đến quý thịnh một thời. Lại hiểu nghĩa, thức thời, tuy tài và dũng không bằng Triệu Vũ Đế, nhưng chịu nhún mình thờ nước lớn, để giữ vẹn bờ cõi, có thể gọi là người trí".

Ngoại giao khôn khéo giữ yên bờ cõi

Với Hán triều

Sau khi Chu Phù chết, nhà Hán phái Trương Tân tới làm Thứ sử Giao Châu, Tân lại bị thuộc tướng Khu Cảnh giết, nên Kinh châu mục Lưu Biểu phái người ở Linh Lăng là Lại Cung đến thay Tân. Bấy giờ quan Thái thú Thương Ngô là Sử Hoàng chết, Biểu cũng phái Ngô Cự thay chức Hoàng, Cự với Cung cùng đi nhậm chức.

Nhà Hán thấy vậy ban ấn thư cho Nhiếp nói rằng: "Đất Giao Châu ở tận cùng bờ cõi, phía nam liền với sông biển, ân trên chẳng tỏ hết được, đạo nghĩa ở dưới tắc nghẽn, biết kẻ nghịch tặc là Lưu Biểu vừa phái Lại Cung dòm ngó đất phương nam, nay cho Tiếp làm Tuy nam Trung lang tướng, đốc trách bảy quận, lĩnh chức Thái thú Giao Chỉ như cũ” (2).

Bấy giờ Trung Nguyên loạn lạc, các sứ quân cát cứ, nhiều nơi không nghe lệnh nhà Hán nữa, xem như Lưu Biểu là một ví dụ. Mà Kinh Châu của Lưu Biểu gần với đất Giao Châu hơn cả. Nhưng dù sao nhà Hán vẫn giữ ngôi chính thống, nên Sĩ Nhiếp khôn ngoan phái Trương Mân dâng cống vật đến kinh đô dù thiên hạ đang loạn lạc, đi lại khó khăn. Hán triều thấy Sĩ Nhiếp nhún nhường giữ lễ nên đặc cách ban chiếu bái ông làm An viễn Tướng quân, phong tước Long Độ Đình hầu. Còn Lại Cung chưa đến Giao Châu đã bất hòa với Ngô Cự ở Thương Ngô, bị Cự đuổi chạy về Linh Lăng.

Với Đông Ngô

Năm Kiến An thứ 15 (năm 210) Tôn Quyền sai Bộ Chất tới làm Thứ sử Giao Châu. Đông Ngô thì gần và mạnh, còn Hán triều vừa xa lại yếu, có lẽ cân nhắc lợi hại như vậy, nên khi Bộ Chất đến, Sĩ Nhiếp thống lĩnh anh em vâng mệnh nhận chức Tiết độ. Còn Ngô Cự là người của Lưu Biểu bị Chất chém chết. Tôn Quyền phong cho Nhiếp chức Tả Tướng quân. Năm Kiến An mạt, Sĩ Nhiếp phái con là Sĩ Hâm về làm con tin, Quyền cho Hâm làm Thái thú Vũ Xương, các con của Nhiếp và Nhất ở phương nam, đều được bái làm Trung lang tướng. Sĩ Nhiếp lại dụ dỗ các hào trưởng ở quận Ích châu là bọn Ung Khải, thống suất nhân dân trong quận từ xa theo hàng Đông Ngô, Quyền càng khen Nhiếp, thăng làm Vệ Tướng quân, phong tước Long Biên hầu, em trai là Nhất làm Thiên tướng quân, tước Đô Hương hầu. Sĩ Nhiếp thường dâng cống Tôn Quyền các loại gỗ thơm, vải tốt, thường đến hàng nghìn tấm, ngựa hàng mấy trăm con, đồ trân bảo như ngọc trai, ốc lớn, lưu ly, lông trả, đồi mồi, sừng tê, ngà voi cùng các thứ quả lạ như chuối, dừa, long nhãn, không năm nào không tiến… Tôn Quyền vì vậy đẹp lòng đáp lễ hậu hĩnh hơn nữa và gửi thư để úy lạo.

Oai danh một đời lừng lẫy trời Nam

Theo Ngô Chí: “Sĩ phủ quân (Sĩ Nhiếp) của Giao Chỉ học vấn đã ưu bác, lại thành công về chính trị, ở trong đại loạn, bảo toàn một quận hơn 20 năm, cương trường vô sự, dân không thất nghiệp, những bọn lệ thuộc đều được nhờ ân; Anh em Nhiếp đều là người hùng các quận, làm tướng một châu, riêng ở vạn lý, uy tôn vô thượng. Ra vào đánh chuông khánh, đầy đủ uy nghi, kèn sáo cổ xúy, xe ngựa đầy đường. Người Hồ theo sát đốt hương, thường có mấy mươi. Thê thiếp đi xe màn, tử đệ theo lính kỵ. Đương thời quý trọng, chấn phục trăm mọi. Úy Đà cũng không đủ hơn.” (3)

Từ năm 206, do nhà Đông Hán chia năm xẻ bảy, vùng Giao Châu do Sĩ Nhiếp đứng đầu tồn tại như một quốc gia tự trị cho đến năm 210. Sĩ Nhiếp ở quận hơn bốn chục năm, đến năm Hoàng Vũ thứ 5 (năm 226) thì mất, thọ 90 tuổi.

Sĩ Nhiếp hiển linh, được xây miếu thờ

Sách “Lĩnh Nam Chích Quái” của Trần Thế Pháp chép rằng:

“Nhiếp thọ 90 tuổi, ở chức lớn 40 năm, Nhiếp giỏi điều hòa sức khoẻ, rèn luyện nhân tài. Đến khi Nhiếp mất, chôn cất ở nước ta. Đến cuối đời Tấn, trải qua hơn 160 năm, người Lâm Ấp vào cướp phá quan tài của Nhiếp, thấy toàn thân vẫn chưa hư hủy, tươi tắn như lúc còn sống. Chúng cả sợ nên cho chôn cất lại như xưa. Dân chúng nói rằng Nhiếp đã thành tiên, bèn lập miếu thờ cúng.

Đến giữa những năm Hàm Thông đời Đường, Cao Biền đem quân đánh dẹp Nam Chiếu, ngang qua miếu ấy, gặp một dị nhân, mặt mày tươi đẹp, áo mũ chỉnh tề, đứng chắn đường chào hỏi. Biền vui, vời vào trong trướng cùng đàm đạo chuyện đời Tam quốc, đưa đón khi vào ra, rồi đột nhiên thấy biến mất. Cao Biền bèn hỏi người trong thôn, mọi người nói rằng ở đất hướng Nam có mộ Sĩ Nhiếp. Biền than hồi lâu, rồi ngâm bài thơ sau:

“Sau thời sơ Ngụy,
Nay đến Hàm Thông,
Mấy trăm năm lại,
May gặp Nhiếp ông”.

Xa gần trong huyện, có ai cầu đảo đều thấy linh ứng. Đời Trần truy phong Nhiếp làm “Thiện huệ uy gia linh ứng đại vương”. Đến nay vẫn là một vị phúc thần.”

Hiện nay có đền thờ Sĩ Nhiếp ở thôn Tam Á, xã Gia Đông, Thuận Thành, Bắc Ninh.

Sử gia Ngô Sĩ Liên thời Lê trong “Đại Việt sử ký toàn thư” viết: "Vương (Sĩ Nhiếp) là người khoan hậu khiêm tốn, lòng người yêu quý, giữ vẹn đất Việt để đương đầu với sức mạnh của Tam quốc, đã sáng suốt lại mưu trí, đáng gọi là người hiền".

(Bài viết chỉ là quan điểm của cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong

Tài liệu tham khảo:

Loạt bài viết có tham khảo nguồn sử Việt như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”; các tác phẩm dã sử, huyền sử như: “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam chích quái”... và nguồn sử Trung Hoa bao gồm: “Tam Quốc Chí”, “Tư Trị Thông Giám”, “Hậu Hán Thư”, “An Nam chí lược”... và các tác phẩm lịch sử được xuất bản gần đây của các nhà nghiên cứu người Việt tra cứu được từ “nhị thập tứ sử” của Trung Hoa như là: “An Nam truyện” của Châu Hải Đường, “Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa” của Cao Tự Thanh v.v.

Chú thích:

(1), (2), (3): Theo “Tam Quốc Chí - Ngô Chí” của Trần Thọ, bản dịch của nhóm Cổ Thư Lâu



BÀI CHỌN LỌC

Những bậc trị dân có công trong thời kỳ Bắc thuộc (P.2): Sĩ Nhiếp - giữ vẹn bờ cõi, xây nền văn hiến