Những bậc trị dân có công trong thời kỳ Bắc thuộc (P.4): Ba đời họ Đỗ dẹp loạn, vỗ yên đất Giao Châu

Giúp NTDVN sửa lỗi

Tuệ Độ mặc áo vải, ăn cơm rau, tiết kiệm giản dị, giỏi chơi đàn cầm, rất chuộng “Lão”, “Trang”, cấm tuyệt việc thờ bậy, sửa sang trường học. Gặp năm mất mùa dân đói, thì lấy lộc riêng chẩn cấp cho. Lo việc chính sự cẩn thận như việc trị nhà, vì vậy ân uy rộng khắp, không có trộm cướp nổi lên, đến độ cổng thành đêm không cần đóng, trên đường không ai nhặt của rơi.

Tựa: Thời Bắc thuộc thường được coi là thời kỳ đau khổ của dân Nam do chính sách cai trị hà khắc của các quan lại người Hán. Những kẻ cai trị tham tàn như Tô Định, Tôn Tư, Tiêu Tư… là những nhân vật rất quen thuộc trong quan niệm lịch sử của người Việt. Tuy nhiên, không phải luôn luôn như vậy, vẫn có những giai đoạn nước Nam xuất hiện cảnh thái bình, ổn định và tương đối độc lập nhờ công lao của những bậc trị dân có tài, có đức. Trong thời đại rộng mở về thông tin ngày nay, chúng ta có thêm nguồn sử liệu của cả hai bên, ngõ hầu ngày càng tiến tới một góc nhìn sát thực hơn về lịch sử và nhân vật của thời đại này, do vậy trong loạt bài này tác giả mạnh dạn chia sẻ những thông tin ấy cùng với một vài thiển bàn để mong cùng độc giả rộng đường bàn luận.

Xem lại:
Phần 1: Tích Quang, Nhâm Diên - lập công đầu an dân trị quốc
Phần 2: Sĩ Nhiếp - giữ vẹn bờ cõi, xây nền văn hiến
Phần 3: Giả Tông công minh, liêm khiết, báo quốc an dân

Sách sử “An Nam Truyện” của tác giả Châu Hải Đường dẫn nguồn từ "Hậu Hán Thư" chép về về ba đời họ Đỗ là Đỗ Viện, Đỗ Tuệ Độ, Đỗ Hoằng Văn như sau:

Đỗ Viện

"Đỗ Tuệ Độ người Chu Diên, Giao Chỉ, vốn gốc ở Kinh Triệu. Tằng tổ là Nguyên làm Ninh Phố Thái thú, bèn ở lại Giao Chỉ. Cha là Viện, tự Đạo Ngôn, làm quan ở châu phủ, từng giữ chức Thái thú Nhật Nam, Cửu Đức, Giao Chỉ. Trước đây, Thái thú Cửu Chân là Lý Tốn, cha con cùng dũng mãnh, có quyền có lực, uy chế đất Giao Châu. Nghe tin Thứ sử Đằng Độn Chi sắp đến, (Lý Tốn) bèn sai hai con chặn nơi hiểm yếu cả hai đường thủy lực.

Viện bèn đem quân chém Tốn, trong châu lại yên ổn, được làm Long Nhương tướng quân. Độn Chi ở châu hơn mười năm, nhiều lần đánh nhau với Lâm Ấp (tức Chăm-pa sau này). Độn Chi sắp trở về bắc, Lâm Ấp vương Phạm Hồ Đạt lại công phá ba quận Nhật Nam, Cửu Đức, Cửu Chân, rồi vây châu thành. Khi ấy Độn Chi đã đi xa, Viện cùng con thứ ba là Huyền Chi đem hết sức cố thủ, lập nhiều mưu kế, dồn dập đánh, bèn đại phá được. Lại đuổi theo đánh chúng ở Cửu Chân, Nhật Nam, liên tục thắng, khiến Hồ Đạt phải chạy về Lâm Ấp.

(Triều đình) liền lấy Viện làm Long Nhương tướng quân, Giao Châu thứ sử. Nghĩa Kỳ được thăng hiệu Quán quân tướng quân. Lư Tuần trộm chiếm cứ Quảng Châu, sai sứ sang thông hảo, Viện bèn chém luôn. Năm Nghĩa Hi thứ sáu (410), Viện tám mươi tư tuổi, chết, được truy tặng Hữu tướng quân, cùng các chức quan như vốn có."

Đỗ Tuệ Độ

"Tuệ Độ là con thứ năm của Viện. Ban đầu, ở châu làm chân Chủ bạ, Lưu dân đốc hộ, rồi thăng Cửu Chân Thái thú. Viện chết, quan lại ở châu phủ cho là đất Giao Châu tiếp giáp giặc cướp, không nên để khuyết chức, mới cùng nhau tôn Tuệ Độ lên nắm việc châu phủ, nhưng Tuệ Độ từ chối không nhận. Năm thứ bảy (411), thăng (Tuệ Độ) làm Sứ trì tiết, Đốc Giao Châu chư quân sự, Quảng Vũ tướng quân, Giao Châu Thứ sử.

Chiếu thư chưa tới nơi, thì mùa xuân năm ấy, Lư Tuần tập kích phá Hợp Phố, rồi tiến thẳng đến Giao Châu. Tuệ Độ bèn dẫn văn võ sáu ngàn người chống cự với Tuần ở Thạch Kỳ, giao chiến, bắt được Trưởng sử của Tuần là Tôn Kiến Chi. Tuần tuy bại, nhưng dư đảng vẫn còn ba ngàn người, đều tập luyện việc quân. Con của Lý Tốn là bọn Lý Dịch, Lý Thoát trốn tránh đến Thạch Kỳ, câu kết với người man Lái, Lạo, ai nấy đều có bộ chúng. Tuần biết bọn Dịch có oán thù với họ Đỗ, bèn sai sứ đến mời. Bọn Dịch bèn dẫn các thủ lĩnh người Lái đem quân năm, sáu ngàn người, đến chịu sự tiết độ của Tuần.

Tháng sáu, ngày Canh Tý, Tuần sáng sớm đến Nam Tân (1), mệnh cho ba quân vào thành sẽ ăn. Tuệ Độ đem hết tiền của riêng trong tôn tộc ra làm phần thưởng cho quân. Em là Giao Chỉ Thái thú Tuệ Kỳ, cùng Cửu Chân Thái thú Chương Dân cùng đốc suất quân thủy bộ. Tuệ Độ tự lên thuyền lớn, cùng họp nhau đánh, phóng tên lửa đuốc đuôi trĩ sang quân địch, bộ binh cũng áp hai bên bờ sông mà bắn. Các thuyền của Tuần đều bị đốt cháy, nhất thời tan vỡ, Tuần trúng tên rơi xuống nước chết. (Tuệ Độ) bèn chém Tuần, cùng cha Tuần là Hỗ, và hai con của Tuần. Bọn thân thuộc là Lục sự tham quân Nguyễn Tĩnh, Trung binh tham quân La Nông Phu, Lý Thoát, đều bị chém đưa đầu về kinh đô. (triều đình) phong cho Tuệ Độ làm Long Biên huyện hầu, thực ấp một ngàn hộ.

(Tống) Cao Tổ lên ngôi (2), thăng danh hiệu (cho Tuệ Độ) là Phụ quốc tướng quân. Năm ấy, (Tuệ Độ) đem văn võ một vạn người xuống phía nam đánh Lâm Ấp, giết quá nửa dân nước ấy, những gì bị Lâm Ấp cướp đoạt trước sau, thảy đều thu lại cả. Lâm Ấp xin hàng, đem dâng các thứ gia súc, voi lớn, vàng bạc, cổ bối (3), Tuệ Độ bèn tha cho chúng. Lại sai Trưởng sử là Giang Du mang biểu báo tiệp về triều.

Tuệ Độ mặc áo vải, ăn cơm rau, tiết kiệm giản dị, giỏi chơi đàn cầm, rất chuộng “Lão”, “Trang”, cấm tuyệt việc thờ bậy, sửa sang trường học. Gặp năm mất mùa dân đói, thì lấy lộc riêng chẩn cấp cho. Lo việc chính sự cẩn thận như việc trị nhà, vì vậy ân uy rộng khắp, không có trộm cướp nổi lên, đến độ cổng thành đêm không cần đóng, trên đường không ai nhặt của rơi. Năm Cảnh Bình nguyên niên (423) đời Thiếu đế, Tuệ Độ chết khi năm mươi tuổi, được truy tặng Tả tướng quân."

Tuệ Độ mặc áo vải, ăn cơm rau, tiết kiệm giản dị, giỏi chơi đàn cầm, rất chuộng “Lão”, “Trang”. (Tranh Winnie Wang)

Đỗ Hoằng Văn

"Lấy con trưởng của Tuệ Độ là Viên ngoại tán kỵ thị lang Hoằng Văn làm Chấn uy tướng quân, Thứ sử. Trước kia Cao tổ chinh phạt vùng Quan (Trung), Lạc (Dương), Tuệ Độ sai Hoằng Văn làm Ưng dương tướng quân, Lưu dân đô hộ, trao cho ba ngàn quân, lên phía bắc theo đại quân. Đi đến Quảng Châu thì Quan, Lạc đã bình định, (Hoằng Văn) bèn quay về. thống phủ mệnh cho Hoằng Văn làm Cửu Chân Thái thú. Kịp tới khi kế vị cha làm Thứ sử, cũng nhờ khoan hòa mà được lòng người, tập tước Long Biên hầu.

Năm Nguyên Gia thứ tư (427) đời (Tống) Thái tổ (4), (triều đình) lấy Đình úy Vương Huy làm Giao Châu Thứ sử, Hoằng Văn được trưng vời về triều. Đúng khi ấy, Hoằng Văn mắc trọng bệnh, sai người đỡ lên đường, thân hữu thấy Hoằng Văn bệnh nặng, khuyên dâng biểu xin đợi bệnh khỏi sẽ đi. Hoằng Văn nói: “Ta nối đời chịu thánh ân, ba đời, giữ cầm cờ tiết, thường muốn đem thân đến nơi đế đình, để báo ơn vua. Huống chi nay lại được mệnh trưng vời, mà có thể bỏ bẵng được sao! Nếu như có phải chết, thì ấy cũng là mệnh vậy.” Mẹ Hoằng Văn tuổi đã già, thấy Hoằng Văn mang bệnh lên đường, không đành lòng chia biệt, bèn cùng đi theo. Đến Quảng Châu, thì Hoằng Văn chết. Trước khi chết, (Hoằng Văn) sai em là Hoằng Du đến kinh, triều đình vô cùng thương cảm."

Lời bàn:

Họ Đỗ vốn gốc Trung Nguyên, nhưng cũng như Sĩ Nhiếp khi trước, ở Giao Chỉ đã nhiều đời thì cũng có một nửa là người Giao Chỉ, thuộc địa bàn huyện Chu Diên, tức là phía nam tỉnh Hà Tây cũ, huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình và tỉnh Hà Nam. Thời bấy giờ, bên trong đất Giao Chỉ thì quan triều đình là Lý Tốn nổi loạn, bên ngoài thì giặc Lâm Ấp quấy rối phía nam, khiến dân Giao Chỉ rất khổ. Cha con họ Đỗ có công dẹp loạn an dân. Như Đỗ Tuệ Độ có lòng trọng nghĩa khinh tài, đem gia sản ra mộ nghĩa sĩ dẹp loạn, lại liêm khiết giản dị, tư cách thanh cao trong sạch, thương dân mà gây dựng nên một đời thái bình cho Giao Chỉ, kể cũng hiếm. Đến đích tử đời thứ ba là Hoằng Văn đối với dân khoan hòa mà lại có lòng trung hiếu, trọng lễ tiết. Người Giao Chỉ vốn ghét các quan cai trị phương Bắc chỉ vì lũ tham tàn mà thôi. Còn như họ Đỗ lại gây được cảm tình vậy.

(Bài viết chỉ là quan điểm của cá nhân tác giả, không nhất thiết là quan điểm của trang mạng NTDVN)

Nguyên Phong

Tài liệu tham khảo:

Loạt bài viết có tham khảo nguồn sử Việt như: “Đại Việt sử ký toàn thư”, “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”; các tác phẩm dã sử, huyền sử như: “Việt điện u linh”, “Lĩnh Nam chích quái”... và nguồn sử Trung Hoa bao gồm: “Tam Quốc Chí”, “Tư Trị Thông Giám”, “Hậu Hán Thư”, “An Nam chí lược”... và các tác phẩm lịch sử được xuất bản gần đây của các nhà nghiên cứu người Việt tra cứu được từ “nhị thập tứ sử” của Trung Hoa như là: “An Nam truyện” của Châu Hải Đường, “Lịch sử Việt Nam qua chính sử Trung Hoa” của Cao Tự Thanh v.v.

Chú thích:

(1): Tức “Long Biên Nam Tân” - bên nam của Long Biên
(2): Tức Lưu Tống Cao tổ là Lưu Dụ
(3): “Cổ bối” dịch theo chữ Kapok theo tiếng Mã Lai có nghĩa là cây bông gạo. Đây chỉ bông vải lấy từ cây bông gạo.
(4): Tức Lưu Tống Thái tổ là Lưu Nghĩa Long.



BÀI CHỌN LỌC

Những bậc trị dân có công trong thời kỳ Bắc thuộc (P.4): Ba đời họ Đỗ dẹp loạn, vỗ yên đất Giao Châu