Những gì xảy ra sau khi Giang Trạch Dân ra lệnh "giết không tha"... 

Giúp NTDVN sửa lỗi

Nhà tù Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm. Nửa đêm khoảng cuối năm 2009, nhiệt độ ngoài trời khoảng âm 27 độ C…

Ông Vương Liên Tô, khoảng 60 tuổi, đột nhiên ra khỏi giường trong phòng giam và bước nhanh về phía nhà vệ sinh. "Tù nhân Pháp Luân Công" ở đây muốn đi vệ sinh phải trải qua ba thủ tục: phải ghi chép tên phạm nhân trong phòng giam, ghi chép ở hành lang và ghi chép trong nhà vệ sinh, nhưng Vương Liên Tô là một trường hợp đặc biệt.

Trong phòng thẩm vấn bí mật dưới lòng đất của Cục Công an Trường Xuân, ông Vương Liên Tô đã bị sốc dùi cui điện ở phần thân dưới của mình, nên rơi vào tình trạng không thể kìm được nước tiểu. Vì vậy, quản lý nhà tù đã cho phép ông ấy đi vệ sinh mà không cần 3 bước ghi chép.

Tuy nhiên, ông Vương Liên Tô bất giác rùng mình khi nghĩ đến lớp băng dày lạnh buốt trên tường nhà vệ sinh. Để tiết kiệm than, nhà vệ sinh trong tù không được sưởi ấm. Ông Vương Liên Tô nguyên là một kỹ sư trong một nhà máy quân sự ở Trường Xuân, làm thiết kế các công cụ máy móc và rất nhạy cảm với độ dài và độ dày. Theo kiểm tra trực quan trước đây của ông ấy, lớp băng trên tường nhà vệ sinh của nhà tù dày khoảng 15 cm, lớp băng trong bồn rửa dày khoảng 1 cm.

Nhưng dù lạnh lẽo đến đâu thì vẫn phải giải quyết vấn đề “cấp bách nội tại”. Khi vội vã đến cửa nhà vệ sinh, ông ấy sững sờ trước cảnh tượng trước mắt - trên chiếc bồn tiểu, một người đàn ông đang nằm trần trụi trong chiếc quần lót, hai tù nhân đứng phía sau anh ấy và dội từng chậu, từng chậu nước lạnh cóng lên người anh ấy. Người nằm đó không khỏi rên rỉ "a-a-a"...

Ông Vương Liên Tô thoạt nhìn, "Đó chẳng phải là anh Lương Chấn Hưng sao? Khi tôi nhìn vào lưng của (anh ấy), tôi đã rất ấn tượng - hầu như không có chỗ nào lành lặn, cả lưng lở loét, gần như không còn da hoàn chỉnh, hoàn toàn là những vết sẹo và vết thương do bị sốc dùi cui điện…”

Sự xôn xao tại thành phố Trường Xuân

Anh Lương Chấn Hưng là người khởi xướng và người điều phối chính trong sự kiện chèn sóng truyền hình ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm (chèn tín hiệu truyền hình để phát sóng các chương trình vạch trần tuyên truyền phỉ báng của ĐCSTQ chống lại Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cổ xưa dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn).

Vào tối ngày 5/3/2002, hàng triệu người dân ở Trường Xuân đã xem đoạn phim chân tướng Pháp Luân Công trên tivi như “Tự thiêu hay là trò lừa bịp?”, “Pháp Luân Đại Pháp hồng truyền thế giới”... Tại thành phố Tùng Nguyên, cách thành phố Trường Xuân khoảng 150km, hơn 100.000 người đã xem được chân tướng (sự thật) về Pháp Luân Công. Đây là sự kiện chèn sóng truyền hình Trường Xuân gây chấn động Trung Quốc và thế giới.

Lãnh đạo ĐCSTQ, Giang Trạch Dân, đã vô cùng phẫn nộ đến mức bí mật ra lệnh “giết không tha” những người tham gia chèn sóng truyền hình Trường Xuân, đồng thời ra lệnh điều động quân đội, toàn thành phố giới nghiêm và truy lùng diện rộng.

Cảnh sát ở Cát Lâm đã bắt giữ phi pháp hơn 5.000 học viên Pháp Luân Công ở Trường Xuân, và gần 400 học viên Pháp Luân Công ở Tùng Nguyên. Anh Lương Chấn Hưng đã bị bắt vào đêm trước của sự kiện chèn sóng, bị kết án phi pháp 19 năm tù vào ngày 1/5/2010, và anh đã bị bức hại đến chết ở tuổi 46.

Vào ngày 30/11/2022, quan chức ĐCSTQ tuyên bố về cái chết của Giang Trạch Dân. Ông Vương Kiến Dân, một học viên Pháp Luân Công sống ở New York, và ông Vương Liên Tô, một học viên Pháp Luân Công sống ở California, đã từng bị giam giữ cùng với các học viên Pháp Luân Công tham gia chèn sóng truyền hình là anh Lương Chấn Hưng và anh Lưu Thành Quân. Họ đã chứng kiến cảnh hai học viên chèn sóng này bị tra tấn và hành hạ hết sức dã man trong tù. Vào ngày Giang Trạch Dân qua đời, họ đã nhận lời phỏng vấn qua điện thoại với một phóng viên của The Epoch Times, nhớ lại những năm tháng gian khổ và trải nghiệm khó quên đó.

Vì sao chèn sóng truyền hình

Ông Vương Kiến Dân là học viên Pháp Luân Công sống ở New York. Năm đó, ông và anh Lương Chấn Hưng luyện công tại một điểm luyện công Pháp Luân Công ở Công viên Thiếu nhi Trường Xuân.

Ông Vương Kiến Dân nhớ lại: “Anh Lương Chấn Hưng luôn tươi cười, anh ấy có mái tóc hơi xoăn. Sau khi luyện công buổi sáng, nhiều đồng tu không vội đi làm nên đã ở lại, đôi khi anh ấy cũng là một trong số đó, chúng tôi chia sẻ với nhau tại điểm luyện công. Đó là một kỷ niệm rất đẹp trước khi cuộc bức hại xảy ra. Tôi nhớ lúc đó điều kiện sống của anh ấy rất tốt, anh làm việc trong một công ty bất động sản, và tình nguyện dùng ngôi nhà làm điểm học Pháp, để mọi người cùng học Pháp và chia sẻ.”

Pháp Luân Công được nhà sáng lập là ông Lý Hồng Chí, lần đầu tiên truyền ra tại Trường Xuân vào năm 1992. Môn này bao gồm 5 bài công pháp, do có hiệu quả chữa bệnh khỏe người kỳ diệu nên nhanh chóng lan rộng khắp phía Bắc và phía Nam của Trung Quốc.

Một khung cảnh thanh bình hiếm có xuất hiện khắp mọi nơi trên mảnh đất Thần Châu: buổi sáng, trong tiếng nhạc du dương, mọi người tĩnh tĩnh cùng nhau luyện công; buổi tối, trong tiếng sách vở khẽ khàng, mọi người cùng nhau học Pháp - thông đọc “Chuyển Pháp Luân” là quyển sách chính của Pháp Luân Công.

Trong sách “Chuyển Pháp Luân”, Ngài Lý Hồng Chí chỉ đạo người tu luyện phải chiểu theo nguyên lý tối cao của vũ trụ “Chân-Thiện-Nhẫn” để trở thành người tốt và người tốt hơn nữa.

Ông Vương Kiến Dân nói rằng vào cuối năm 1995, ông và anh Lương Chấn Hưng đã tham gia hội chia sẻ tâm đắc tu luyện Pháp Luân Công ở Đại Liên, và hai người ngồi cạnh nhau. “Khi nghe đến chia sẻ cảm động của đồng tu, tôi nhìn thấy những giọt nước mắt long lanh trong mắt anh ấy.”

Anh Lương Chấn Hưng. (Ảnh: minghui.org)
Ngày 15/5/1998, lãnh đạo Tổng cục Thể thao Nhà nước đã đến Trường Xuân để quan sát tình hình luyện công của các học viên Pháp Luân Công. Đây là quang cảnh các học viên luyện công ngày hôm đó. Các biểu ngữ đặc biệt bắt mắt có tiêu đề "Pháp Luân Đại Pháp" và "Kỷ niệm 6 năm ngày Sư phụ Lý Hồng Chí giảng Pháp truyền công". (Ảnh: minghui.org)

Anh Lương Chấn Hưng làm việc trong lĩnh vực bất động sản và là một kỹ sư hệ thống ống nước, sau khi tu luyện Pháp Luân Công, thân tâm anh ấy đã thay đổi đáng kể.

Vào những năm 1990, anh Lương Chấn Hưng đã sở hữu tài sản cá nhân trị giá hàng trăm nghìn Nhân dân tệ, hai chiếc ô tô và sống một cuộc sống thượng lưu. Do sự ô nhiễm của thùng thuốc nhuộm lớn trong xã hội người thường, anh ta cũng mắc phải một số thói quen xấu, dẫn đến bất hòa trong gia đình và đối mặt với sự tan vỡ. Sau khi tu luyện Pháp Luân Công, anh Lương Chấn Hưng đã từ bỏ những thói quen xấu, gia đình trở nên hòa thuận, cuộc sống giản dị thanh bình, vui vẻ và hạnh phúc.

Tuy nhiên, cuộc sống thanh bình và hạnh phúc của gia đình anh Lương Chấn Hưng sớm tan vỡ vào năm 1999.

Theo thống kê của Bộ Công an ĐCSTQ, trước năm 1999, số học viên Pháp Luân Công lên tới 70 triệu đến 100 triệu người. Vào tháng 7/1999, Giang Trạch Dân đã ra lệnh đàn áp Pháp Luân Công bất chấp sự phản đối của 6 thành viên khác trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Truyền hình, báo chí và đài phát thanh đều bùng nổ, lan truyền phô thiên cái địa những lời dối trá và vu khống, để hợp tác với cuộc bức hại do Giang Trạch Dân phát động.

Hàng nghìn hàng vạn các học viên ở Trung Quốc buộc phải đến chính quyền tỉnh địa phương, và đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện; trong tình huống không thể thỉnh nguyện, họ buộc phải đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh để hô to tiếng nói từ tận đáy lòng “Pháp Luân Đại Pháp hảo".

Anh Lương Chấn Hưng cũng là một trong số đó. Vào ngày 22/7/1999, anh Lương Chấn Hưng, giống như nhiều học viên Pháp Luân Công khác ở địa phương, đã tự phát đến Văn phòng Tỉnh ủy Cát Lâm, để giải thích việc tu luyện Pháp Luân Công mang lại lợi ích như thế nào cho đất nước và người dân, nhưng không có kết quả.

Vào tháng 8 và tháng 9 năm 1999, anh Lương Chấn Hưng đến Bắc Kinh thỉnh nguyện và bị bắt phi pháp đến trại lao động cải tạo.

Theo thống kê chưa đầy đủ từ minghui.org, từ năm 2000 đến 2001, khoảng 100.000 đến 150.000 học viên Pháp Luân Công đã đặt chân trên Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Đài truyền hình CNN của Mỹ đưa tin: "Họ xuất hiện từng người một, tay cầm băng rôn, biểu ngữ hoặc khẩu hiệu... Cảnh sát nhanh chóng tóm lấy những người kháng nghị và đưa họ đi. Nhưng ngay sau đó ở một góc khác, một nhóm người khác lại đứng lên”.

Cùng thời điểm, Canada, Hoa Kỳ, Úc và các quốc gia khác trên toàn thế giới cũng lên án cuộc đàn áp Pháp Luân Công do Giang Trạch Dân phát động.

"Ngôi nhà Tự do" là một tổ chức phi chính phủ nổi tiếng ở Washington DC, đã công bố rằng: "Sau cuộc đàn áp năm 1999, khi thấy các học viên Pháp Luân Công vẫn không ngừng tu luyện theo lệnh của chính phủ, ĐCS bắt đầu tăng cường đàn áp vào năm 2001. Bắt đầu từ tháng Một, một đợt tuyên truyền ma quỷ mới tràn ngập các phương tiện truyền thông…”

Đó chính là vụ giả mạo “Tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn” được dàn dựng theo lệnh của Giang Trạch Dân.

Vào ngày 23/1/2001, đêm giao thừa Tết Nguyên đán, ĐCSTQ tuyên bố rằng 5 học viên Pháp Luân Công đã tự thiêu ở Quảng trường Thiên An Môn, tuyên bố này nhằm kích động lòng căm thù Pháp Luân Công trong công chúng. Vụ “Tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn” đã được cộng đồng quốc tế công nhận là một trò lừa bịp thế kỷ.

Vào ngày 14/8/2001, "Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế" đã lên án mạnh mẽ "Vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn" tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc, cho rằng đó là một "hành động chủ nghĩa khủng bố quốc gia" của chính quyền ĐCSTQ nhằm giá họa cho Pháp Luân Công.

Vào ngày 23/1/2001, vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán, một vụ tự thiêu giả đã xảy ra tại Quảng trường Thiên An Môn, gây chấn động thế giới. Cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ lập tức đưa tin về vụ việc và vu khống Pháp Luân Công, nhưng nó đầy sơ hở. Vương Tiến Đông, người đóng giả học viên Pháp Luân Công bị cháy trụi quần nhưng tóc và chai nhựa đựng xăng không hề suy suyển gì. (Ảnh: minghui.org)

Ba phiên bản của Vương Tiến Đông. Trong các báo cáo từ CCTV và Tân Hoa xã, có ba phiên bản của ông ta. Các chuyên gia nhận dạng khuôn mặt xác định ba phiên bản này khác hẳn nhau. Hơn nữa, theo đề nghị của Tổ chức Thế giới Điều tra cuộc Đàn áp Pháp Luân Công (WOIPFG), phòng thí nghiệm nhận dạng giọng nói tại Đại học Quốc gia Đài Loan đã phân tích và kết luận rằng giọng nói trong phiên bản 2 và 3 không phải là của cùng một người.

Vào ngày 23/1/2001, các nhóm côn đồ chính trị Giang Trạch Dân và La Cán của ĐCSTQ đã dàn dựng một vụ “tự thiêu” giả làm chấn động thế giới tại Quảng trường Thiên An Môn, để vu khống Pháp Luân Công, kích động hận thù. Ba phiên bản của Vương Tiến Đông: Phiên bản 1 (trái): do Tân Hoa xã công bố ngày 23/1/2001, vài giờ sau khi vụ việc xảy ra. Phiên bản 2 (giữa): hình ảnh trong chương trình Phỏng vấn Tiêu điểm của CCTV ngày 30/1/2001. Phiên bản 3 (phải): hình ảnh trong chương trình Phỏng vấn Tiêu điểm của CCTV ngày 10/4/2001. (Ảnh: The Epoch Times)

Khi “Vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn” xảy ra, anh Lương Chấn Hưng đang bị giam giữ tại Trại lao động Vi Tử Câu ở thành phố Trường Xuân, lý do vì đi thỉnh nguyện. Sau Tết Nguyên đán, các trại lao động đã triệu tập những người bị giam giữ để xem các chương trình phỉ báng Pháp Luân Công trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc. Tại đó, anh Lương Chấn Hưng đã cao giọng nói “Pháp Luân Đại Pháp là Chính Pháp”.

Sau khi được thả khỏi trại lao động, vì không có cách nào để kháng nghị, nên anh Lương Chấn Hưng và các học viên Pháp Luân Công khác thường giảng chân tướng (nói sự thật) cho người dân. Họ đã nghĩ ra nhiều biện pháp khác nhau, chẳng hạn như bong bóng có biểu ngữ chân tướng, kèn chân tướng, v.v..

Vào mùa thu năm 2001, anh Lương Chấn Hưng nghĩ rằng mình có thể sử dụng mạng truyền hình cáp để phát sóng chân tướng sự thật, vì vậy anh ấy đã rút tiền tiết kiệm của mình và gom góp hơn 10.000 Nhân dân tệ để thực hiện một thử nghiệm phát chèn sóng trên TV với các học viên Pháp Luân Công khác ở Trường Xuân.

Vào cuối cuộc thử nghiệm, anh Lương Chấn Hưng nhận được một cuộc gọi vào ngày 27/2/2002 và vội vã đến công ty, anh ta bị bắt cóc bởi hơn chục cảnh sát mặc thường phục từ Cục Công an Thành phố đã được bố trí ở đó. Tuy nhiên, dưới sự tra tấn, anh Lương Chấn Hưng đã không tiết lộ bất kỳ thông tin nào về việc chèn sóng truyền hình.

Các học viên Pháp Luân Công khác ở Trường Xuân tham gia vào thí nghiệm chèn sóng đã quyết định tiếp tục dưới áp lực khủng khiếp. Ông Vương Kiến Dân nhớ lại vào ngày 6/3, vì Tòa án quận Nam Quan ở Trường Xuân muốn xét xử phi pháp các học viên Pháp Luân Công; nên anh Lưu Thành Quân, một trong những người điều phối chính của việc chèn sóng truyền hình, đã quyết định hành động vào tối ngày 5/3.

Vào khoảng 8 giờ tối ngày 5/3/2002, các kênh truyền hình cáp ở thành phố Trường Xuân và thành phố Tùng Nguyên, tỉnh Cát Lâm đã chèn sóng thành công đoạn phim giảng chân tướng Pháp Luân Công, gây chấn động thế giới.

Truy lùng khắp thành phố Tùng Nguyên, Trường Xuân

Sau chèn sóng, toàn bộ thành phố Trường Xuân bị giới nghiêm. Quân đội và cảnh sát đã được điều động để truy lùng và bắt giữ khắp thành phố.

Ông Vương Kiến Dân không tham gia chèn sóng, nhưng vì cuộc bức hại, ông ấy đã phải di chuyển đến thành phố Tùng Nguyên vào thời điểm đó. Nhớ lại tình hình năm ấy, ông nói: “Các chốt kiểm tra an ninh được thiết lập ở mọi giao lộ của Tùng Nguyên ra khỏi thành phố. Cảnh sát trực tiếp lên xe buýt kiểm tra hành khách. Cảnh sát mặc thường phục trên đường nhìn chằm chằm vào những người đàn ông cao lớn”. Bởi vì anh Lưu Thành Quân, học viên Pháp Luân Công, người đã xuất hiện trên TV ở Tùng Nguyên, cao 1,8 mét.

"Vào thời điểm đó, cảnh sát đã đến từng nhà và khám xét những ngôi nhà thuê. Yêu cầu khi có người lạ đến nhà phải báo." Ông ấy nói rằng lúc đó những người không muốn mở cửa, cảnh sát yêu cầu họ đưa tay ra để xem có vết thương nào không. Bởi vì anh Lưu Thành Quân vào đài truyền hình với danh nghĩa sửa chữa điện, sau khi chèn sóng thì tay anh ấy đã bị cắt bị thương tại hiện trường.

Ông Vương Kiến Dân nói: “Tôi không có nơi nào để ở. Sau đó, tôi nghĩ về những đồng tu đã bị bắt và bị đưa đến các trại cải tạo lao động, bởi vì họ đã bị đưa đi rồi, do đó an toàn nhất là đến nhà của họ lúc này”. Nhưng các thành viên trong gia đình họ không tu luyện Pháp Luân Công. Nên chỉ cho ông ấy ở lại một đêm, và đuổi đi vào vào ngày hôm sau.

Ban đầu, anh Lưu Thành Quân ở trong căn nhà thuê ở Tùng Nguyên, sau đó đến ẩn trốn trong đống củi bên ngoài nhà chú mình.

Vào nửa đêm ngày 23/3, hơn 20 xe cảnh sát đã bao vây làng Sơn Hậu Truân, thị trấn Thâm Tỉnh Tự, huyện Tiền Quách, nơi anh Lưu Thành Quân đang lẩn trốn. Trong đó có 7 chiếc xe bao vây nhà chú của anh Lưu Thành Quân.

Sau khi bao vây, cảnh sát đã đốt đống củi nơi anh Lưu Thành Quân đang ẩn náu. Khi ngọn lửa ngày càng lớn, anh Lưu Thành Quân phải từ bên trong chạy ra ngoài. Họ còng tay và bắt đầu đánh đập anh bằng gậy trước mặt người thân và dân làng.

Thấy anh Lưu Thành Quân đang quằn quại trên mặt đất, cảnh sát tà ác Lý Bá Vũ từ Phòng cảnh sát thành phố Tùng Nguyên đã bắn hai phát vào chân anh Lưu rồi hét lên: “Giờ tao xem mày chạy đường nào!”

Sau khi anh Lưu Thành Quân bị bắt, anh đã bị kết án phi pháp 19 năm tù và cuối cùng bị tra tấn đến chết tại đây. Trong sự kiện chèn sóng truyền hình Trường Xuân, nhiều người đã bị kết án nặng nề, thì đây là bản án nặng nhất kể từ khi ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999.

Ông Vương Liên Tô gặp anh Lương Chấn Hưng lần đầu tiên trong nhà tù Cát Lâm

Tháng 11/2002, anh Lương Chấn Hưng bị đưa đến Nhà tù Cát Lâm để bức hại. Sau sự kiện chèn sóng, ông Vương Liên Tô lần đầu tiên nhìn thấy anh Lương Chấn Hưng ở đây.

Trong nhà tù Cát Lâm, mỗi học viên Pháp Luân Công đều có người canh giữ mỗi khi đi vệ sinh. Anh Lương Chấn Hưng bị hai tù nhân "kèm cặp", còn ông Vương Liên Tô bị một tù nhân.

Người tù canh giữ ông Vương Liên Tô đã từng nghe qua sự thật về Pháp Luân Công, và nói với ông ấy rằng: người đàn ông này là người khởi xướng chính sự kiện chèn sóng truyền hình, anh ấy tên là Lương Chấn Hưng.

Trong nhà tù Cát Lâm, ông Vương Liên Tô và anh Lương Chấn Hưng không thể nói chuyện với nhau, họ chỉ gật đầu và nhìn nhau để động viên lẫn nhau: "Khi anh ấy nhìn thấy tôi, anh ấy đã mỉm cười. Thực tế là, anh ấy thường xuyên bị đánh."

Vào cuối tháng 10/2003, anh Lương Chấn Hưng và các học viên Pháp Luân Công khác bị đưa đến "giường tử thần" ở Nhà tù Cát Lâm để bức hại.

Phương thức tra tấn: Căng người trên “giường tử thần”, cảm giác đau đớn như bị chẻ làm đôi. (Ảnh: minghui.org)

Sau khi trở về từ cuộc tra tấn, anh Lương Chấn Hưng đã thay đổi. Ông Vương Liên Tô nhìn thấy anh ấy rất gầy gò.

Ngày 23/2/2004, ông Vương Liên Tô bị chuyển đến Nhà tù Tứ Bình ở tỉnh Cát Lâm. Năm 2005, anh Lương Chấn Hưng cũng chuyển đến đó.

Ông Vương Liên Tô nói rằng Nhà tù Tứ Bình thực sự là nhà tù tà ác nhất trong tất cả các nhà tù ở tỉnh Cát Lâm. Lính canh hễ mở miệng là mắng chửi người, tùy tiện đánh người, hễ giơ chân là đá người.

Sau khi anh Lương Chấn Hưng bị chuyển đến Nhà tù Tứ Bình, anh ấy bị giam trong khu cải tạo. Một lần, khi ông Vương Liên Tô ra cửa gọi điện thoại, ông nhìn thấy anh Lương Chấn Hưng. Ông nói: "Anh ấy nhìn thấy tôi thì khẽ gật đầu, chúng tôi không nói chuyện. Bởi vì anh ấy ở bên trong cánh cửa sắt của hành lang, tôi ở ngoài cửa sắt, cách nhau hơn 10 mét, chúng tôi gặp nhau chỉ mỉm cười."

"Tôi nhớ rằng hộp sọ ở phía sau đầu bên trái của anh Lương Chấn Hưng bị lõm xuống. Dường như bị đánh bằng một cây gậy. Chỗ lõm dày khoảng 3cm và hình tròn."

Vào tháng 7/2006, tất cả các học viên Pháp Luân Công bị giam giữ tại Nhà tù Tứ Bình đã bị tập trung lại và giam trong 5 phòng. Mỗi phòng giam khoảng 12 học viên Pháp Luân Công. Hai tù nhân canh giữ một học viên Pháp Luân Công, họ được gọi là “kèm cặp”. Vì vậy, khoảng 36 người một phòng. Bằng cách này, ông Vương Liên Tô có thể thường xuyên gặp anh Lương Chấn Hưng.

Theo ông Vương Liên Tô, cuộc bức hại ở Nhà tù Tứ Bình chủ yếu thể hiện 3 phương diện: một là viết “Ngũ thư” (ép buộc từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công); hai là sốc điện bằng dùi cui điện; thứ ba là đánh đập dã man bằng nắm đấm và chân. Ngoài ra còn có các hình thức tra tấn khác như còng lưng và véo tinh hoàn.

"Hầu như ngày nào anh Lương Chấn Hưng cũng bị đánh. (Tù nhân) dùng đế giày nhựa tát vào mặt anh, giống như 'chơi đùa' vậy, ngay khi không có việc gì cũng đánh."

Anh Lương Chấn Hưng luôn ngồi một mình ở đầu giường, và luôn có 1 người canh giữ 24 giờ bên cạnh, làm việc theo 3 ca. Hơn nữa, khi anh ấy ngủ vào ban đêm, một cánh tay của anh luôn bị còng vào lan can sắt ở giữa giường.

Vào giữa đêm mùa đông, đôi khi các tù nhân lôi anh Lương Chấn Hưng ra ngoài, anh ấy chỉ mặc một chiếc quần lót và hai người kéo anh ấy vào nhà vệ sinh và dội nước lạnh cóng lên người anh.

Người đứng đầu khu cải tạo của Nhà tù Tứ Bình là Doãn Thủ Đông, vì ông ta hết sức tà ác nên các tù nhân đã đặt biệt danh cho ông ta là "lão ác Doãn".

Thỉnh thoảng “lão ác Doãn” nói chuyện với anh Lương Chấn Hưng và đề cập rằng: “Trong Pháp Luân Công các vị, Lương Chấn Hưng là người cứng rắn nhất”.

Trái: Anh Lương Chấn Hưng trước khi bị bức hại. Phải: Bức ảnh anh Lương Chấn Hưng bị giam được công bố trên các phương tiện truyền thông của chính phủ Trung Quốc. (Ảnh: minghui.org)

Bị giật cùng lúc 8 dùi cui điện, thịt cháy khét

"Lão ác Doãn" tiết lộ cho ông Vương Liên Tô tình huống bị điện giật của anh Lương Chấn Hưng: 4 cảnh sát, mỗi người cầm trên tay 2 dùi cui điện lớn nhất, dài khoảng 45cm, đã được sạc đầy, tổng cộng có 8 dùi cui điện. Cảnh sát dội nước lên mặt đất, đè mặt anh Lương Chấn Hưng xuống đất, giẫm lên tay chân của anh, rồi dùng điện giật vào lưng và đầu anh. Cả 8 dùi cui điện đã được sử dụng cùng lúc.

"Tám dùi cui điện đều không còn điện, anh Lương Chấn Hưng không nói lời nào. Khi kéo anh ấy lên, lưng và cả người anh đầy máu, quần áo lấm lem."

Bản thân ông Vương Liên Tô từng bị sốc bằng dùi cui điện nên ông ấy cũng đồng cảm.

Ông ấy nói: "Một người đang nằm trên mặt đất. Ngay khi một dùi cui điện chạm vào thân thể, nó khiến người ta co giật một cách vô thức đến mức phải bật dậy. Cú sốc điện quá mạnh! Cả 8 dùi cui điện đều được sạc đầy, cùng lúc đổ nước xuống đất, chỉ thấy khói bốc lên, da thịt cháy khét. Rất khó để giữ người thẳng. Lúc tôi bị sốc điện, phần thân dưới của tôi bị điện giật tan tành".

Để phản đối cuộc bức hại, anh Lương Chấn Hưng đã từng tuyệt thực trong 162 ngày. Trong thời gian này, Nhà tù Tứ Bình đã cưỡng ép bức thực anh một cách dã man.

Bức ảnh cho thấy cảnh một học viên Pháp Luân Công bị bức thực. Ảnh minh họa tra tấn. (Nguồn ảnh: minghui.org)

Bị bức thực và cắm ống suốt 162 ngày không rút ra

Khi "lão ác Doãn" nói chuyện với ông Vương Liên Tô, ông ta cũng nói về nội tình bên trong của cuộc bức thực: Đúng ra ống bức thực anh Lương Chấn Hưng nên được thay mỗi tháng 1 lần, vì sau một thời gian dài, ống nhựa bức thực sẽ bị axit dạ dày ăn mòn và cứng lại.

"Cái ống được luồn qua mũi và vào trong dạ dày. Anh ấy bị bức thực hàng ngày. Kết quả là chiếc ống đã được sử dụng trong 162 ngày."

Trong y học, ‘bức thực’ được sử dụng để cứu sống những người không thể ăn uống bình thường. Tuy nhiên, trong các nhà tù của ĐCSTQ, “bức thực” là một hình thức tra tấn dã man có thể gây ra tử vong bất cứ lúc nào.

Theo một thống kê chưa đầy đủ từ trang minghui.org vào đầu năm 2015, trong số các học viên Pháp Luân Công bị bức hại đến chết ở Hắc Long Giang, ít nhất 112 người đã bị tra tấn bằng cách bức thực nhiều lần, và ít nhất 32 người đã thiệt mạng trong khi bức thực.

"Lão ác Doãn" nói với ông Vương Liên Tô: "Khi bệnh viện rút ống ra, ống đã cứng lại và bị móc vào trong dạ dày."

"Không còn lựa chọn nào khác, vì vậy họ đã đưa anh ấy đến Bệnh viện Trung tâm Tứ Bình. Bệnh viện định phẫu thuật để lấy nó ra, vì chiếc ống không thể rút ra được nữa. Chiếc ống quá cong trong dạ dày, và lâu ngày đã bị cứng lại.”

"'Lão ác Doãn' nói rằng không cần phẫu thuật, và tốn nhiều tiền như vậy."

"Bác sĩ ở bệnh viện nói cứ thế này thì không rút ra được, chỉ có thể phẫu thuật lấy ra. Nếu phẫu thuật thì phải nằm viện một thời gian, và phải trả tiền viện phí mỗi ngày. Nếu không thì cứ rút ống ra thôi."

"Thậm chí ‘lão ác Doãn' còn đích thân nói với tôi rằng: 'Khi rút ống, tôi thấy chân và tay của Lương Chấn Hưng đều run rẩy..."

Lần cuối ông Vương Liên Tô nhìn thấy anh Lương Chấn Hưng

Lần cuối cùng ông Vương Liên Tô nhìn thấy anh Lương Chấn Hưng là trước khi anh ấy bị chuyển đến Nhà tù Công Chủ Lĩnh vào năm 2010.

"Tôi ấn tượng sâu sắc. Lúc đó anh ấy không đi được, có hai người đỡ, hai chân lê lết trên mặt đất. Anh ấy hình như còn một chút ý thức, có lúc tiến lên hai bước, có lúc theo không kịp, cứ thế mà bị kéo đi."

Ông Vương Liên Tô thấy anh Lương Chấn Hưng gầy trơ xương: "Toàn thân chỉ là xương, da bọc xương, cả người hầu như không có thịt, chỉ là một nắm xương."

Vào ngày đầu năm mới 2010, anh Lương Chấn Hưng bị chuyển đến Nhà tù Công Chủ Lĩnh; vào ngày 1/5/2010, anh bị bức hại đến chết.

Sau khi ông Vương Liên Tô bị chuyển đến Nhà tù Công Chủ Lĩnh, ông đã hỏi một cảnh sát về cái chết của anh Lương Chấn Hưng: "Nghe nói anh ấy hầu như bị nhốt suốt trong một phòng giam nhỏ, và đã chết trong phòng giam nhỏ."

Anh Lưu Thành Quân bị bức hại đến chết trong nhà tù Cát Lâm

Anh Lưu Thành Quân. (Ảnh: minghui.org)
Ngày 1/4/2002, sau khi bị bắt, đây là bức ảnh cuối cùng được công bố của anh Lưu Thành Quân. Trong bức ảnh, tay trái của anh không còn trong ống tay áo. Anh không thể tự ngồi được nữa mà phải dựa vai vào tường. (Ảnh: minghui.org)

Anh Lưu Thành Quân, người điều phối chính của sự kiện chèn sóng truyền hình, đã bị bắt, bị kết án phi pháp vào tháng 10/2002, và bị đưa đến Nhà tù Cát Lâm.

Chị gái của anh ấy là Lưu Lộ đã viết trong thư tố cáo Giang Trạch Dân rằng Lưu Thành Quân đã bị bức hại nghiêm trọng tại Đại đội số 1 của Nhà tù Cát Lâm: Mông của anh ấy bị sưng rất cao vì các tù nhân đã đánh anh ấy rất mạnh bằng ván giường dày. Một số tấm ván và gậy gộc đã bị gãy. Máu thấm vào quần lót và không thể cởi ra được. Tù nhân Giả Ngọc Bưu cũng dùng thắt lưng đánh vào mặt và mắt của anh Lưu Thành Quân, khiến mắt anh ấy đỏ ngầu.

Mỗi ngày vào lúc 4 hoặc 5 giờ sáng, sáu tù nhân kéo anh Lưu Thành Quân đến giường, đè anh xuống, dùng tấm ván bổ vào lưng anh một cách hung hãn.

Sau khi ông Vương Kiến Dân bị bắt vào năm 2002, anh ấy cũng bị giam trong Nhà tù Cát Lâm. Sau đó ông ấy và anh Lưu Thành Quân bị giam giữ phi pháp trong cùng một khu và trong cùng một phòng giam.

Ông Vương Kiến Dân nhớ lại: "Anh Lưu Thành Quân đã bị 5 hoặc 6 tù nhân đánh đập bằng ván giường dày, nhưng anh ấy không nói một lời."

Một phạm nhân chứng kiến tra tấn đã bội phục nói: “Anh Lưu Thành Quân quả là sắt thép, bị đánh như vậy mà không kêu tiếng nào.”

Anh Lưu Thành Quân cũng nói với ông Vương Kiến Dân về bức hại mà anh phải chịu: bị đặt trên ghế cọp, bị cố định hơn 50 ngày trên "giường tử thần"... tất cả các loại dụng cụ tra tấn đều được sử dụng.

Vào tháng 10/2003, anh Lưu Thành Quân bị đưa đến Đại đội 5 của Nhà tù Cát Lâm. Để phản kháng bức hại, anh Lưu Thành Quân đã tuyệt thực, các tù nhân đã đánh anh đến chết bằng một tấm ván dày từ 3 đến 5cm.

Ngày 14/10, gia đình đến thăm vẫn ổn. Tuy nhiên, một tuần sau, vào ngày 20/10, Nhà tù Cát Lâm gọi điện thông báo rằng anh sắp chết. Bệnh viện Trung tâm Cát Lâm đưa ra thông báo bệnh tình nguy kịch.

Tại bệnh viện Trung tâm Cát Lâm, anh Lưu Thành Quân cố gắng dốc chút hơi tàn để nói với gia đình rằng anh bị đánh đập mỗi ngày. Vào thời điểm đó, anh đã bị tra tấn đến mức gầy gò, suy tim, suy thận nặng, nhiễm trùng cổ họng nghiêm trọng do bị bức thực và đôi chân bị tàn phế.

Anh Lưu Thành Quân cố rướn chút sức lực cuối cùng chỉ tay về phía người tù nhân đã chăm sóc anh trong bệnh viện, và nói: “Anh ấy… đã giúp tôi… dọn phân… và nước tiểu… Sau khi… tôi chết…, mọi người… hãy … chăm sóc… anh ấy… Cứu… độ… anh ấy.” Lúc đó, mọi người có mặt không khỏi xúc động rơi lệ. Người tù cũng rơm rớm nước mắt.

Vào lúc 4 giờ sáng ngày 26/12/2003, anh Lưu Thành Quân đã qua đời ở tuổi 32.

Trên giường bệnh, người nhà thấy anh Lưu Thành Quân chảy máu ở 7 huyệt, trên người tất cả đều là máu, mạch máu trên đùi như thể bị bung ra, mặt đất toàn là máu. Toàn thân anh đầy thương tích, khí quan suy kiệt.

Trong số 18 học viên Pháp Luân Công tham gia chèn sóng truyền hình Trường Xuân, ít nhất 7 người, bao gồm anh Lưu Thành Quân, anh Lương Chấn Hưng, anh Lôi Minh, anh Hầu Minh Khải và anh Lưu Hải Ba, đã bị bức hại đến chết. Hơn 10 người trong số những người tham gia đã bị kết án phi pháp từ 4 đến 20 năm tù. Đến nay, nhiều người vẫn đang phải chịu đựng trong tù…

Các học viên Pháp Luân Công tham gia sự kiện chèn sóng truyền hình Trường Xuân và bị ĐCSTQ bức hại đến chết, từ trái sang phải: anh Lưu Thành Quân, anh Lương Chấn Hưng, anh Hầu Minh Khải, anh Lôi Minh, anh Lưu Hải Ba. (Ảnh: minghui.org)
Một số học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm trước Đài tưởng niệm Washington ở Hoa Kỳ để tưởng nhớ các học viên Pháp Luân Công đã bị ĐCSTQ bức hại đến chết. (Ảnh: The Epoch Times)

Truy cứu đến cùng tội ác của Giang Trạch Dân

Ông Vương Kiến Dân nói: “Giang Trạch Dân là thủ phạm chính. Giang Trạch Dân đã chết, nhưng cuộc bức hại vẫn chưa kết thúc. Cơ chế và bộ máy bức hại vẫn đang hoạt động.”

Ông nói: "Mặc dù ông ta đã chết nhưng thế lực tà ác đằng sau ông ta vẫn đang hoạt động. Vì vậy, chúng tôi sẽ truy cứu đến cùng."

Liên quan đến cái chết của Giang Trạch Dân, thủ phạm chính của cuộc bức hại, người phát ngôn của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp là ông Trương Nhi Bình, nói với The Epoch Times vào ngày 1/12: “Vì tội ác tàn bạo của Giang Trạch Dân đối với các học viên Pháp Luân Công, ông ta đã bị buộc tội chống lại loài người, tội diệt chủng và tội tra tấn ở 18 quốc gia trong suốt cuộc đời của mình. Ở Trung Quốc, hàng trăm nghìn học viên Pháp Luân Công đã kiện Giang Trạch Dân bằng tên thật của họ. Tội ác của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công và người dân Trung Quốc sớm muộn gì cũng sẽ bị trừng phạt.”

Tiến sỹ Trương Nhi Bình, người phát ngôn của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp, phát biểu tại buổi mít tinh. (Ảnh: minghui.org)

Ông ấy nói: “Trung Quốc đang ở một bước ngoặt thời khắc lịch sử. Chúng tôi yêu cầu chính quyền Cộng sản Trung Quốc ngay lập tức chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, đồng thời cảnh báo những cơ quan chính phủ và nhân viên vẫn đang tham gia vào cuộc đàn áp Pháp Luân Công nhận rõ tình hình hiện tại, giữ giới hạn đạo đức, hướng về ánh sáng tương lai, đứng về phía lịch sử và chính nghĩa”.

“Chúng tôi kêu gọi người dân Trung Quốc thiện lương và cộng đồng quốc tế có lập trường rõ ràng với ĐCSTQ, phản đối cuộc bức hại vô nhân đạo này của ĐCSTQ, và bảo vệ các giá trị phổ quát ‘Chân-Thiện-Nhẫn’ vốn là cốt lõi của nhân loại.”

Hồi ức của người sống sót trong vụ chèn sóng truyền hình 20 năm trước ở Trường Xuân

Ông Kim Học Triết, một trong những người tham gia, sau đó đã bị kết án 10 năm tù vì liên quan đến vụ việc. Trong tù, ông bị tra tấn dã man. Sau đó, ông đã rời khỏi Trung Quốc và ra nước ngoài.

Ông nói: “Khi tất cả các kênh liên lạc này bị chặn, một số người trong chúng tôi ở Trường Xuân đã quyết định chèn tín hiệu truyền hình để vạch trần cuộc bức hại Pháp Luân Công, đặc biệt là vụ tự thiêu được dàn dựng. Chúng tôi biết làm như vậy có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của mình hoặc gia đình, nhưng chúng tôi quyết định tiếp tục vì chúng tôi không thể nhìn thấy rất nhiều người Trung Quốc bị lừa dối bởi những lời dối trá của ĐCSTQ vu khống Pháp Luân Công.”

“Tôi tin rằng những sinh mạng đã mất đi sẽ không hy sinh vô ích và những người trong tương lai sẽ mãi mãi ghi nhớ về ngày đặc biệt này, ngày 5/3/2002.”

Dựng phim về câu chuyện ‘Chèn sóng truyền hình Trường Xuân’

Hãng phim New Realms ở Toronto, Canada, đã quyết định sản xuất một bộ phim tài liệu về vụ chèn sóng truyền hình nói trên. Và ông Kim Học Triết đã được mời đóng vai (của chính mình) trong phim.

Một phần của đoàn làm phim Eternal 50 Minutes (50 phút vĩnh hằng), một bộ phim tài liệu về vụ chèn sóng truyền hình năm 2002. Ông Kim Học Triết là người thứ ba từ phải sang. (Ảnh: minghui.org)

Trong 23 ngày sản xuất, ông được phân công phụ trách kỹ xảo và đạo cụ. Ông nói: “Tôi đã cố gắng hết sức để nhớ lại thiết lập vào năm 2002 khi chúng tôi chèn tín hiệu TV, để chúng tôi có thể trình bày lịch sử một cách thực tế. Cuối cùng, tất cả những thứ này đã được bày ra cùng nhau bao gồm một bộ khuếch đại tín hiệu dây, cáp trục, cột điện và một đầu đĩa VCD cũ. Nhìn tất cả những món đồ này, tôi rất xúc động không muốn chớp mắt”.

“Trong các cảnh phim, cứ như thể tôi đã quay trở lại ngày xưa cùng các học viên khác. Tôi thường không ngăn được những giọt nước mắt. Bộ phim 50 phút vĩnh hằng, đã giúp mọi người trên khắp thế giới biết được điều gì đã xảy ra vào tháng 3 năm 2002 và các học viên đã hy sinh như thế nào để nói ra sự thật.”

(Nguồn tham khảo: minghui.org)

Tác giả: Cao Tĩnh - The Epoch Times

Cao Nguyên biên dịch

Văn hoá Lịch sử


BÀI CHỌN LỌC

Những gì xảy ra sau khi Giang Trạch Dân ra lệnh "giết không tha"...