Những trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ trong Đền thờ Thần y Hy Lạp cổ đại

Giúp NTDVN sửa lỗi

Trong Thần thoại Hy Lạp có một vị Thần y là Asclepius, ông đã triển hiện rất nhiều Thần tích, và đã được tài liệu lịch sử ghi chép lại.

Sự tích Thần y Asclepius và ngôi đền Thần

Trong Thần thoại Hy Lạp có một vị Thần y là Asclepius, ông là con trai của Apollo và Công chúa Thessalia Coronis. Sau khi mẫu thân qua đời, ông được Apollo giao cho Chiron trong hang động nuôi dưỡng, được Chiron dạy về y đạo.

Dưới sự dạy dỗ tận tình của Chiron, Asclepius đã nắm vững rất nhiều kỹ thuật khám chữa bệnh thần kỳ. Sau này, ông bắt đầu đi du ngoạn khắp nơi ở Hy Lạp, chữa bệnh cho mọi người. Điều thần kỳ nhất mà ông hành nghề y là, bất kể là bệnh gì, một khi được ông chữa trị thì không bệnh gì là không khỏi. Do đó, mỗi lần ông đến nơi nào đó thì đều được mọi người đón tiếp nồng nhiệt.

Một ngày, Asclepius du ngoạn trên núi, một con rắn đột nhiên lao ra định đớp ông. Ông vội vàng dùng một hòn đá đánh chết rắn. Một lát sau, ông thấy một con rắn khác bò tới, đặt một cây cỏ vào trong miệng con rắn chết, con rắn chết liền sống lại, và lập tức biến mất trong bụi cỏ. Thế là, Asclepius tìm được loại thảo dược cải tử hoàn sinh. Từ đó, ông đã cứu sống được rất nhiều người vừa mới qua đời.

Có lẽ là nhờ loài rắn mà Asclepius tìm được nhiều loài thảo dược quý, từ đó trở đi, trên chiếc gậy của Asclepius luôn có một con rắn cuộn quanh. Hiện nay ở phương Tây, chiếc gậy có hình con rắn cuộn là biểu tượng của y học và giới y học. Logo của Tổ chức Y tế Thế giới cũng là chiếc gậy có con rắn cuộn quanh, đó cũng là có nguồn gốc từ Asclepius.

Sau này, Asclepius còn nhận được từ Athena, nữ Thần trí tuệ, một lọ máu của nữ yêu quái tóc rắn Gorgon Medusa: nếu lấy từ tĩnh mạch bên trái, nó là một chất độc chết người; nhưng nếu lấy từ mạch máu bên phải, nó có thể cải tử hoàn sinh.

Danh tiếng của Asclepius, một thầy thuốc giỏi ngày càng lan rộng khắp Hy Lạp, nhưng vài năm sau đó, ông đã chữa lành cho một người đàn ông bị giết. Theo một thuyết, đó là con trai Vua Minos vĩ đại của đảo Crete, Andromache. Theo một thuyết khác rằng, người đàn ông này là Hippolytus, người con trai có dung mạo đẹp của Theseus. Vì vậy ông đã bị sét đánh, bởi vì Zeus, vị vua của các vị Thần cai quản sự sống và cái chết trên trái đất, không thể chịu được một phàm nhân đã chống lại "Định mệnh".

Sau khi Asclepius bị giết, Apollo tức giận đến Itna và bắn chết người khổng lồ 3 mắt Cyclops, người đã rèn ra mũi tên giáng sấm sét cho Zeus. Zeus sau đó trừng phạt Apollo xây tường thành trong một năm. Một năm sau, Zeus hòa hảo với con trai của mình, và cho phép Apollo thực hiện một điều ước. Apollo sau đó yêu cầu thể xác và linh hồn của người con trai yêu quý của ông là Asclepius được thăng thiên lên Thiên quốc, được vào Thần cung, gia nhập hàng ngũ các vị Thần. Zeus đồng ý yêu cầu của Apollo và đưa Asclepius lên Thiên quốc, và biến Asclepius thành chòm sao Ophiuchus (chòm sao Xà Phu).

Tượng Thần y Asclepius. (Nguồn wikipedia CC BY SA 3.0)

Còn trong nhân gian, mọi người thờ phụng Asclepius là Thần y. Năm 420 TCN, một ngôi đền đã được xây dựng cho Asclepius tại Epidaurus, ông hành nghề y ở đó. Ngoài ra, Asclepius cũng chữa bệnh cho người dân ở Konidos, Kos, Pergamon, Skorn, Athens, v.v. Có những người mù, điếc, bại liệt đến chữa trị, cũng như những người bị phù và sán dây. Người ta nói rằng ông có thể chữa lành bất kỳ bệnh nào.

Đền thờ Asclepius có khắc dòng chữ “Làm Cho Người Tốt Tốt Hơn”. Ở phía tây của ngôi đền, có hai hành lang nối dài 232 feet (khoảng 71m), đó chính là Thánh tích chữa bệnh xưa kia. Trên hàng cột ở đầu phía đông của nó, một tấm bảng ghi "phép màu chữa bệnh" cũng được tìm thấy. Có một mê cung hình tròn gần đó, được cho là nơi thờ Thần.

Thần tích xuất hiên trong Đền Epidaurus

Từ thế kỷ thứ 5 TCN, ngôi đền này đã là Thánh địa để mọi người đến khám chữa bệnh. Để chữa bệnh, trước khi vào Đền, mọi người phải nhịn ăn, kiêng uống rượu, kiêng chuyện phòng the. Khi vào trong Đền, người bệnh chỉ cần nằm trên sàn của hành lang trống, Asclepius sẽ xuất hiện trong giấc mơ của họ, chữa bệnh cho họ và thậm chí kê đơn thuốc.

Năm 165, Pausanias, một nhà văn Hy Lạp người Magnesia, Tiểu Á, đã đến tàn tích của Đền Epidaurus, và ghi lại những gì ông nhìn thấy trong cuốn "Biên niên sử Hy Lạp" của mình: "Trong các bức tường của ngôi đền cổ, có rất nhiều tấm đá có khắc chữ trên đó. Giờ chỉ còn lại sáu chiếc. Những tấm đá ghi tên của những người đã được Asclepius chữa khỏi, và tên những căn bệnh họ mắc phải, cũng như quá trình mà họ được chữa khỏi. Chữ viết trên tấm đá là tiếng Doric (một loại ngôn ngữ Hy Lạp)."

Pausanias và bản thảo chép tay "Biên niên sử Hy Lạp" của ông. (Nguồn: công cộng)

Năm 1928, 6 tấm đá được tìm thấy trong một cuộc khai quật khảo cổ học tại Đền Epidaurus. Đoạn văn trên mô tả những Thần tích đã xảy ra cho 6 người.

Người đầu tiên là Ambrosia một mắt, người Athens. Trong khi đi dạo chơi trong Đền, cô đã từng cười nhạo một vài người được chữa lành, vì cô nghĩ rằng, việc một người bị liệt và mù được chữa lành chỉ bằng một giấc mơ quả là hết sức vô lý. Dù cũng đến đây để cầu xin Chúa ban sức khỏe, nhưng cô vẫn cảm thấy điều kỳ diệu không thể xảy ra. Tuy nhiên, sau một giấc ngủ trong Đền, cô ấy đã trở ra khỏe mạnh.

Người thứ hai là Opheps. Mũi giáo đã găm vào xương hàm của anh trong sáu năm. Nhưng sau khi anh ta ngủ một giấc trong Đền, anh ta tỉnh dậy, hàm hết đau đớn, và thấy mũi giáo trên tay.

Người thứ ba là Hermodix người Rampursax, anh bị liệt toàn thân. Tương tự như vậy, sau một giấc ngủ trong Đền, anh thấy mình đã được chữa lành. Theo yêu cầu của Asclepius trong giấc mơ, anh ta đã di chuyển tảng đá lớn nhất bên ngoài ngôi Đền ra phía trước ngôi Đền. Tảng đá lớn do Hermodix di chuyển đó ngày nay vẫn còn ở trước Đền.

Người thứ tư là Alcosta mù. Ông cũng ngủ trong Đền một đêm, rạng sáng ra khỏi Đền thì thấy mắt đã sáng trở lại.

Người thứ năm là Arat, người Laconian, bị phù nề. Mẹ cô đã ngủ trong Đền thay cho cô, và bà có một giấc mơ. Khi về nhà vào ngày hôm sau, bà thấy rằng con gái mình đã bình phục. Arat nói với mẹ rằng, cô cũng có giấc mơ giống như mẹ.

Người thứ sáu là Aristok, sống ở Harares, mất tích khi lặn dưới biển. Cha anh vào ngủ trong Đền sau khi tìm kiếm khắp nơi không có kết quả. Vào ngày thứ bảy sau khi ông rời khỏi ngôi đền, người con trai đã được tìm thấy.

Có lẽ, những người hiện đại lớn lên dưới nền giáo dục khoa học hiện đại sẽ coi những Thần tích này là vô căn cứ, nhưng những Thần tích khác nhau trong suốt chiều dài lịch sử của phương Đông và phương Tây, có phải thực sự chỉ là tưởng tượng của con người? Nếu có Thần và Phật trên thế giới này, tại sao không có Thần tích? Đây là điều đáng để suy nghĩ.

Trung Hòa
Theo Visiontimes

Nguồn tham khảo:

  • Câu chuyện Thần thoại Hy Lạp Cổ
  • Hiển linh: Hiện tượng chấn động thế giới

 



BÀI CHỌN LỌC

Những trường hợp khỏi bệnh kỳ lạ trong Đền thờ Thần y Hy Lạp cổ đại